Không còn lý do để giữ lãi suất cao
Hoạt động của ngân hàng đã bước đầu đi vào nề nếp, lãi suất đã giảm nhưng chưa thực sự hợp lý cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Thông tư 30 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định lãi suất cao nhất với tiền gửi dưới 1 tháng là 6%/năm; trên 1 tháng không vượt quá 14%/năm. Theo các chuyên gia kinh tế, đây là cơ hội để hạ lãi suất và đưa hoạt động ngân hàng vào nề nếp.
Lãi suất sẽ không còn “mấp mô”?
Tại cuộc họp mới đây của Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) với 12 NHTM phía Bắc, bà Dương Thu Hương - Tổng thư ký VNBA cho rằng: Lãi suất đã đến lúc không thể ở mức cao mãi. Lần đầu tiên trong nhiều tháng, kể từ năm 2008 đến tháng 7/2011, tốc độ tăng của nguồn vốn (10,72%) đã lớn hơn tốc độ tăng trưởng của tín dụng (8,63%). Sau khi NHNN ban hành Thông tư 30, theo VNBA, từ đầu tháng 10 đến nay, xu hướng thị trường đang tốt lên. Các ngân hàng đã nghiêm túc thực hiện lãi suất cho vay từ 17-19%/ năm, lãi suất huy động 14%. Chưa phát hiện ra việc ngân hàng mặc cả lãi suất, tranh giành khách.
Có sự dịch chuyển nguồn vốn từ ngân hàng này sang ngân hàng khác (ảnh minh họa)

Tuy nhiên, các NHTM cũng cho biết: Khi thực hiện nghiêm trần lãi suất huy động đã có sự dịch chuyển đáng kể nguồn vốn huy động, và có sự dịch chuyển nguồn vốn từ ngân hàng này sang ngân hàng khác. Thực tế này khiến các ngân hàng nhỏ gặp khó khăn.
Ông Trần Anh Tuấn, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Hàng hải (MSB) cho biết lượng tiền huy động giảm rất mạnh. Nhìn thấy lượng tiền từ ngân hàng nghiêm túc thực hiện sang ngân hàng chưa nghiêm túc. Việc vượt trần lãi suất được thực hiện bằng các biện pháp rất tinh vi. Hiện đang có một lượng tiền không nhỏ chuyển dịch ngay trong nhóm 12 ngân hàng lớn (chiếm 80% thị phần). Hiện tượng này đi ngược lại chủ trương của toàn hệ thống làm cho hoạt động của hệ thống ngân hàng không minh bạch.
Chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) nhận định vẫn còn hiện tượng ôm tiền từ ngân hàng này sang ngân hàng kia. Vì thế, ngoài việc tăng cường hoạt động của các cơ quan quản lý thì cần phát huy việc giám sát lẫn nhau giữa các ngân hàng.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là sự điều chỉnh cần thiết để các luồng vốn của ngân hàng được đưa về đúng quy luật, rõ ràng, minh bạch, và đúng bản chất kinh tế. Từ thực tế này, VNBA kiến nghị, NHNN nên có chính sách thích hợp với các ngân hàng nhỏ để họ có đủ năng lực thanh khoản góp phần ổn định mặt bằng lãi suất.
Các NHTM cũng bày tỏ việc không muốn lãi suất cao mà chỉ quan tâm đến chênh lệnh lãi suất đầu vào và đầu ra. “Nhiều ngân hàng nói là họ quá mệt mỏi khi khách hàng đến mặc cả, kỳ kèo mức lãi suất. Chính điều này đã biến hoạt động của ngân hàng thành một cái chợ. Trên thế giới, không có một nước nào, ngân hàng nào có cách giao dịch phải mặc cả, phải lách luật như ở Việt Nam trong mấy năm qua. Chính vì vậy, VNBA kêu gọi các hội viên hãy tự giác chấp hành quy định trần lãi suất của NHNN để minh bạch hoạt động của mình” – bà Dương Thu Hương nói.
Mới chỉ là bước đầu
Trao đổi về việc thực hiện Thông tư 30, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng: Thông tư này góp phần ổn định trật tự của một thị trường đang hỗn loạn. Đó là biện pháp tình thế trong giai đoạn này nhưng giải pháp này không giải quyết được vấn đề nhu cầu tín dụng với lãi suất hợp lý cho DN hoạt động và cho nền kinh tế vận hành ổn định, bền vững. Đó chỉ là một giai đoạn để phần nào đưa lại trật tự trong hoạt động của ngân hàng, bắt đầu bằng mức trần lãi suất huy động và áp dụng những biện pháp cần thiết để đem lại trật tự và nghiêm túc xử lý những vấn đề vi phạm giúp hệ thống ngân hàng quen với lối làm việc có kỷ luật.
Việc NHNN gặp 12 NHTM lớn để chia sẻ thông tin là một tín hiệu tốt với thị trường. Tuy nhiên, các thông điệp và hành động thời gian qua vẫn chưa giải quyết được nhu cầu căn bản của nền kinh tế. Kinh tế Việt Nam đang hội nhập thế giới vì thế các chính sách phải tạo điều kiện để DN phát triển ổn định, bền vững, có khả năng, điều kiện cạnh tranh với thế giới. Các DN đều khẳng định lãi suất 17-18% thì không hoạt động được, chỉ cầm chừng chứ không phải là lãi suất để phát triển sản xuất. Trong thời kỳ hội nhập, DN phải cạnh tranh với DN toàn thế giới mà lại phải vay với lãi suất cao như vậy thì lấy đâu ra sức để cạnh tranh. “DN EU hoạt động với lãi suất 3-4%, châu Mỹ là 2-3%, Mỹ khoảng 3-3,5%, Nhật Bản là 2-3% và Trung Quốc khoảng 5-6%” – chuyên gia Bùi Kiến Thành dẫn chứng.
Vấn đề căn bản hiện nay, theo ông Bùi Kiến Thành, là NHNN chưa giải quyết được nguồn tín dụng đầy đủ cho DN sản xuất kinh doanh về số lượng cũng như về chất lượng để có thể hoạt động được. “Bao nhiêu năm nay, tín dụng chảy về các lĩnh vực không phải sản xuất kinh doanh. Bây giờ phải xem lại, lĩnh vực sản xuất kinh doanh cần dùng bao nhiêu và lãi suất tở mức nào là họat động ổn định. DN không tiếp cận được nguồn vốn hợp lý dưới 10%, đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý” – ông Bùi Kiến Thành nói.
Với quan điểm áp dụng mức lãi suất cao để kiềm chế lạm phát, ông Thành cho rằng, ở Việt Nam, CPI cao một phần nào đó là do chính sách tiền tệ, tài khóa, ngoài ra còn do các tác nhân khác. Chúng ta phải nghiên cứu các tác nhân khác và giải quyết một cách nghiêm túc, ví dụ như rò rỉ đầu tư công, hoạt động không hiệu quả của các sàn chứng khoán, tham nhũng, mãi lộ… “Đừng bắt chính sách tiền tệ phải gánh hết tội vạ của nền kinh tế mà không giải quyết những tác nhân kia. Không thể bắt lãi suất phải giải quyết các vấn đề trong khi nền kinh tế hoạt động không hợp lý” – ông Bùi Kiến Thành nói./.
Vũ Hạnh
VOV



Xem bài viết: Không còn lý do để giữ lãi suất cao