Chủ đề: Đã đến lúc tái cơ cấu TKV
Threaded View
-
16-10-2011 03:48 PM #1
Platinum Member- Ngày tham gia
- Jun 2011
- Bài viết
- 59,568
- Được cám ơn 1,465 lần trong 1,303 bài gởi
Đã đến lúc tái cơ cấu TKV
Đã đến lúc tái cơ cấu TKV
LTS: Trong chuyên mục Sự kiện & Vấn đề tuần này về tái cấu trúc DNNN, TBKTSG giới thiệu bài viết sau như một trường hợp nghiên cứu về con đường tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế nhà nước ở một tập đoàn cụ thể.
Việc tái cơ cấu tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) hiện nay là một đòi hỏi khách quan. Riêng lĩnh vực công nghiệp than, TKV đang đứng trước nguy cơ không thực hiện được nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ giao là tham gia các cân đối lớn về than, không khai thác đủ và cũng không có khả năng nhập khẩu đủ than cho nền kinh tế.
Mô hình tăng trưởng của TKV trong quá khứ là đẩy mạnh xuất khẩu than dựa chủ yếu vào thế mạnh cạnh tranh là bán giá rẻ. Mô hình tăng trưởng này đã tỏ ra sai lầm. Mục đích xuất khẩu than là để bù giá và tích lũy đầu tư. Thời gian qua, với gần 50% sản lượng than được xuất khẩu nhưng việc đầu tư tái sản xuất mở rộng của ngành than gần như bằng không.
Bên cạnh đó, qua hơn 16 năm phát triển (từ mô hình tổng công ty 91 đến mô hình tập đoàn), TKV đã có hơn 10 lần tái cơ cấu - tổ chức lại sản xuất ở các cấp độ quy mô khác nhau, nhưng hiệu quả sản xuất kinh doanh ngày càng không bền vững (chi phí sản xuất ngày càng cao, suất đầu tư ngày càng lớn, lợi nhuận ngày càng phụ thuộc vào xuất khẩu khoáng sản, cơ cấu sản phẩm ngày một xấu, công nhân mỏ bỏ việc ngày càng nhiều...).
Trong bối cảnh như vậy, vấn đề đặt ra đối với TKV là cần phải tái cơ cấu, nhưng quan trọng là tái cơ cấu như thế nào.
Những mâu thuẫn cần xử lý khi tái cơ cấu
Để tái cơ cấu hay tổ chức lại, chúng ta phải xác định được những khó khăn, những mâu thuẫn đang kìm hãm sự phát triển của TKV. Mâu thuẫn lớn nhất hiện nay của TKV là mâu thuẫn giữa nhu cầu phát triển và khả năng phát triển.
Trước hết, để cung cấp đủ than cho nền kinh tế, trong vòng 15-20 năm tới, TKV phải tăng sản lượng khai thác lên hơn ba lần so với hiện nay. Đây là điều viễn tưởng. Tính bình quân về trữ lượng than, Việt Nam chỉ có khoảng 23-25 tấn/người (của thế giới trên 150 tấn/người). Trong gần 17 năm qua, sản lượng khai thác than hàng năm tăng rất nhanh, bình quân mỗi năm TKV khai thác 25-30 triệu tấn than, tổng sản lượng than đã được khai thác khoảng 0,5 tỉ tấn, nhưng trữ lượng than được thăm dò để bổ sung hầu như không tăng. Bể than vùng Đông Bắc hiện nay chỉ còn dưới 2 tỉ tấn trữ lượng được phê duyệt. Việc thăm dò để bổ sung trữ lượng bể than Đông Bắc rất khó khăn và nếu may mắn, tối đa cũng chỉ có thể thêm được 0,5 tỉ tấn.
Về trữ lượng than, TKV đang chuyển từ mô hình “bóc ngắn, cắn dài” sang “ăn cả vỏ”. Các dự án mỏ mới có tổng mức đầu tư lên tới nhiều tỉ đô la nhưng có trữ lượng than ít, nguy cơ “ném tiền qua cửa sổ” nhiều.
Bể than đồng bằng sông Hồng có tiềm năng rất lớn. Mặc dù được Thủ tướng giao thăm dò từ năm 2008, nhưng đến nay, đề án thăm dò của TKV trình xin cấp phép vẫn phải chờ ở Cục Địa chất khoáng sản.
Thứ hai, nhu cầu đầu tư tái sản xuất mở rộng lực lượng sản xuất rất cao trong khi năng lực và trình độ tổ chức xây dựng các mỏ mới rất thấp. Năng lực xây dựng cơ bản của ngành than hiện mới chỉ đáp ứng được yêu cầu tái sản xuất giản đơn. Toàn bộ các mỏ đều không có tái sản xuất mở rộng. Trong tương lai, than cấp cho điện chắc chắn còn thiếu, nhưng hàng loạt dự án nhà máy tuyển than để xuất khẩu vẫn đang được triển khai.
Thứ ba, lực lượng cán bộ kỹ thuật được đào tạo bài bản như thời bao cấp ngày càng giảm. Việc đào tạo kỹ sư mỏ ngày nay được xã hội hóa để chạy theo số lượng, chủ yếu là tại chức ở các trường dạy nghề. Kết quả là trình độ “thầy” và “thợ” đều thấp, không thể hy vọng các giải pháp công nghệ mới và càng không thể áp dụng hiệu quả kỹ thuật tiên tiến.
Thứ tư, cơ chế trả lương của TKV đang ngày càng kém hấp dẫn. Khai thác khoáng sản là một ngành công nghiệp siêu lợi nhuận (vì không có nguyên vật liệu chính, thường chiếm 30-50% trong giá thành), nhưng tỷ trọng tiền lương trong giá thành sản phẩm của TKV còn rất thấp, dưới 20%. Nếu tính cả yếu tố nhà ở đã được đưa vào lương, thì tỷ trọng tiền lương trong giá thành than hiện nay còn thấp hơn thời bao cấp. Tiền lương công nhân thực tế tính theo giờ trong ngành than chưa bằng một phần năm trong ngành dầu khí (cũng khai thác khoáng sản và có mức độ nặng nhọc và nguy hiểm ít hơn nhiều). Vấn đề đặt ra ở đây là cơ cấu lao động và cơ chế trả lương. TKV có thể nâng tỷ trọng tiền công trong giá thành sản phẩm than lên tới mức hấp dẫn (khoảng 40%) mà không làm tăng giá thành nếu có cơ cấu lao động và cơ chế trả lương phù hợp.
Những ưu tiên khi tái cơ cấu
Tái cơ cấu phải theo chuẩn mực chung, đó là: có ưu tiên phát triển và có cương quyết xóa bỏ. Muốn vậy, cần phân biệt ba loại doanh nghiệp: (i) làm ra lợi nhuận chủ yếu; (ii) không làm ra lợi nhuận nhưng có vai trò quan trọng; (iii) không làm ra lợi nhuận và không có vai trò quan trọng.
Doanh nghiệp loại (i) là những đơn vị kinh doanh chiến lược (SBU) “đứng mũi chịu sào”, đảm bảo các cân đối lớn của Chính phủ và mang lại giá trị thặng dư chủ yếu cho TKV, cần được ưu tiên phát triển, gồm: các công ty trực tiếp khai thác than lộ thiên và hầm lò; các nhà máy tuyển than; các cảng than; và trong lĩnh vực khoáng sản có mỏ đồng Sinh Quyền, nhà máy luyện đồng Tằng Lỏng.
Doanh nghiệp loại (ii) mặc dù không làm ra lợi nhuận, nhưng có vai trò quan trọng không thể thay thế và TKV buộc phải làm, gồm: cấp cứu mỏ; hóa chất mỏ; thăm dò than vùng Quảng Ninh; phát triển bể than đồng bằng sông Hồng (thăm dò, thử nghiệm công nghệ); xây dựng mỏ; bảo vệ môi trường; cung ứng than ở ba miền; nhiệt điện chạy than; cơ khí mỏ; nghiên cứu tư vấn; dạy nghề mỏ; giám định; hoa tiêu; nhập khẩu than.
Doanh nghiệp loại (iii) không làm ra lợi nhuận, hoặc chỉ làm tăng chi phí của các đơn vị khác và không quan trọng (có thể thay thế, sáp nhập, xã hội hóa, tư nhân hóa, chuyển đổi, thu hẹp hoặc giải tán...) gồm các lĩnh vực: khoáng sản ngoài than và đồng, lắp ráp ô tô, đóng tàu, thương mại, vận tải thủy, vận chuyển thợ mỏ, tài chính, bảo hiểm, y tế, du lịch, khách sạn, tạp chí, thăm dò địa chất ngoài than, xuất khẩu than.
Để tái cơ cấu, TKV cần đánh giá khách quan các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực kinh doanh đa ngành. TKV làm nhiệt điện chạy than lò tầng sôi (CFB) là phù hợp và đúng hướng vì than là sản phẩm chính, nhiệt điện chạy than cho phép kéo dài “chuỗi sản phẩm” chính. Sau các dự án nhiệt điện chạy than, lẽ ra TKV cần phát triển tiếp các lĩnh vực hóa than, chế biến sâu sản phẩm than thành các sản phẩm có giá trị lớn như dầu (CTL), khí (CTG), methanol... Rất tiếc, thay vì nâng cao giá trị, tăng thêm lợi nhuận và kéo dài chuỗi sản phẩm chính (là than) của mình, TKV đã kinh doanh đa ngành theo hướng “khép kín” xung quanh hòn than nhằm chia lợi nhuận từ than và hoàn toàn thủ tiêu cạnh tranh (như tài chính, bảo hiểm, bất động sản, du lịch, khách sạn, đào tạo, thương mại, lắp ráp ô tô, hoa tiêu, cảng biển, đóng tàu...).
TS. Nguyễn Thành Sơn
Giám đốc BQL các dự án Than đồng bằng sông Hồng - TKV
TBKTSG
Xem bài viết: Đã đến lúc tái cơ cấu TKV
Thông tin của chủ đề
Users Browsing this Thread
Có 1 thành viên đang xem chủ đề này. (0 thành viên và 1 khách vãng lai)
Similar Threads
-
Đã đến lúc mua vào cổ phiếu ngành than
By bsg in forum Nhận định Thị trườngTrả lời: 4Bài viết cuối: 28-10-2011, 10:16 AM -
Tái cấu trúc và lực cản nhóm lợi ích
By tintucsukien in forum Thảo luận Tình hìnhTrả lời: 1Bài viết cuối: 06-10-2011, 09:11 AM -
Nhịp đập Thị trường 06/09: Lực điều chỉnh mạnh dần, lực cầu thận trọng
By tintucsukien in forum Thảo luận Tình hìnhTrả lời: 25Bài viết cuối: 06-09-2011, 06:46 PM -
Đã đến lúc gỡ nút thắt cho nền kinh tế
By tintucsukien in forum Thảo luận Tình hìnhTrả lời: 2Bài viết cuối: 29-08-2011, 05:11 PM -
Đã đến lúc mua vào cổ phiếu?
By meoden1211 in forum Nhận định Thị trườngTrả lời: 0Bài viết cuối: 24-10-2010, 06:25 PM
Bookmarks