Vietstock Daily: Nhận định thị trường chứng khoán ngày 14/10
(Vietstock) – Thị trường tiếp tục thể hiện xu hướng đầu cơ rất cao khi giao dịch chủ yếu tập trung vào nhóm cổ phiếu Chứng khoán và Bất động sản – các mã có khối lượng khớp lệnh dẫn đầu thị trường đều thuộc hai nhóm này.

I. NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG NGÀY 14/10/2011
Diễn biến giao dịch: VN-Index bất ngờ tăng nhẹ 0.41% lên 412.59 điểm, trong khi HNX-Index tiếp tục giảm 0.53% về mức 69.11 điểm. VS 100 phản ánh xu hướng đi ngang của thị trường khi giảm không đáng kể chỉ với 0.05%.
Nhóm Large Cap đã đóng vai trò nâng đỡ thị trường khi kéo tăng VN-Index lên 0.44%. Tiếp theo là VS-Small Cap tăng 0.05%, trong khi VS-Micro Cap giảm điểm mạnh nhất với 0.28%, VS-Mid Cap giảm 0.02%.
Khối lượng giao dịch khớp lệnh tiếp tục đồng loạt giảm khá mạnh trên cả hai sàn, lần lượt với mức giảm 24.7% trên HOSE và 35% trên HNX.
Khối ngoại lại quay sang bán ròng 9.7 tỷ đồng, tập trung ở các mã chứng khoán như SSI, KLS. Như vậy, sau 4 phiên mua ròng liên tiếp, khối ngoại đã bất ngờ xả mạnh SSI.

Triển vọng thị trường: Giao dịch trên cả hai sàn cải thiện đáng kể từ 9h30 giúp tốc độ vào lệnh tăng lên đáng kể vào cuối phiên. Góp phần quan trọng trong việc “xoay chuyển” tình thế là một vài lô lệnh giá cao có chủ ý nhắm vào BVH tại một số thời điểm nhất định để cải thiện chỉ số VN-Index.
Tổng cộng “tứ trụ” MSN, VPL, BVHVIC này đã kéo VN-Index tăng đến 0.32%, gần bằng mức ảnh hưởng 0.44% của nhóm Large Cap hay mức 0.4% của cả thị trường.
Bất chấp chỉ số hứng khởi trở lại, khối lượng khớp lệnh vẫn đang giảm mạnh trên hai sàn, và giao dịch trên HNX tỏ ra bi quan hơn một chút về cuối phiên. Lý do chủ yếu là tâm lý thận trọng vẫn đang bao trùm thị trường trong giai đoạn hiện nay.
Điều đáng ghi nhận là thống kê đặt lệnh đang khá tích cực và cầu có dấu hiệu trở lại khi chênh lệch mua bán trên HOSE lên đến hơn 7 triệu đơn vị, trên HNX gần 8.7 triệu đơn vị. Dù vậy, lực cầu mới chỉ dừng lại ở mức dưới giá tham chiếu.
Thị trường tiếp tục thể hiện xu hướng đầu cơ rất cao khi giao dịch chủ yếu tập trung vào nhóm cổ phiếu Chứng khoán và Bất động sản – các mã có khối lượng khớp lệnh dẫn đầu thị trường đều thuộc hai nhóm này.
HQC bất ngờ có phiên giao dịch dẫn đầu trên HOSE với hơn 2.2 triệu đơn vị trao tay khi tiệm cận về mức 10 – 11,000 đồng. Đây là mã có tính đầu cơ cực kỳ cao, và giới đầu tư đang kỳ vọng giá sẽ bật lại về mức 13 – 14,000 đồng như các lần trước đây. Tiếp theo là các mã đầu cơ quen thuộc như IJC, SSI, ITA, TDC… Trên HNX không có bất ngờ nào khi dòng tiền tiếp tục tập trung vào KLS, VND, WSS, VCG…; trong khi ORS tiếp tục giảm sàn với khối lượng chất lệnh giá sàn vào khoảng 1.5 triệu đơn vị/phiên, sau các thông tin liên quan đến thành viên HĐQT ngày càng rõ ràng hơn.
Một hiện tượng giao dịch hôm qua tiếp tục lặp lại: các giao dịch bán lô lớn tại các mã dẫn dắt diễn ra khá dứt khoát và dày đặc – khiến cho nhận định các “tay to” đang cố gắng thoát hàng là hoàn toàn có cơ sở. Điều này, cộng với xu hướng đầu cơ cao có thể kéo thị trường bất ngờ đảo chiều trong một vài phiên hay thậm chí trong phiên. Tuy vậy, chúng tôi cho rằng thị trường vẫn chưa thoát khỏi giai đoạn rủi ro cao và quan điểm thận trọng, trading ngắn hạn nên được duy trì.
Thế giới: Giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu cuối cùng cũng được “lộ diện” khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) – Jose Manuel Barroso – chính thức công bố bản kế hoạch giải cứu.
Theo đó, ưu tiên trước mắt vẫn là tập trung giải quyết các bất ổn trong hệ thống ngân hàng thông qua quỹ hỗ trợ của Cơ quan Bình ổn tài chính châu Âu (EFSF). Hy Lạp sẽ là nút thắt tiếp theo được tháo bỏ. Tiếp đến là thúc đẩy các chính sách phát triển bền vững và tạo điều kiện cho việc hợp tác chính sách giữa các quốc gia trong khối.
Một phân tích mới nhất từ Credit Suisse cho thấy có ít nhất 66 ngân hàng châu Âu sẽ không thể vượt qua stress test mới và sẽ cần tăng thêm vốn tổng cộng khoảng 220 tỷ EUR (khoảng 302 tỷ USD). Trong số này sẽ có các “ông lớn” như Ngân hàng Hoàng gia Scotland, Deutsche Bank và BNP Paribas. Chứng khoán thế giới đang khá thất vọng trước viễn cảnh của ngành ngân hàng châu Âu.
Trong khi đó, kế hoạch kích thích thị trường việc làm 447 tỷ USD của Thổng thống Mỹ Obama đã bị Thượng viện nước này bác bỏ với những tranh cãi mang tính chất chính trị nhiều hơn là kinh tế. Như vậy, áp lực phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới này đang đè nặng lên vai Fed và khả năng cơ quan này áp dụng gói định lượng QE3 chưa bị loại bỏ.
Phân tích kỹ thuật: VN-Index – Chưa thể bứt phá mạnh. Trong phiên giao dịch ngày 13/10/2011, VN-Index đã bứt phá khá mạnh trong phiên. Tuy nhiên, về cuối phiên lại điều chỉnh giảm trở lại và vẫn không đủ để đưa chỉ số này lên trên ngưỡng kháng cự mạnh Fibonacci Retracement 61.8%.
Khối lượng vẫn không có cải thiện đáng kể và thậm chí còn sụt giảm so với phiên giao dịch hôm qua (12/10). Đây là tín hiệu khá xấu và nó cho thấy nhà đầu tư vẫn còn e ngại với thị trường bất chấp giá cổ phiếu đã sụt giảm liên tục mấy tuần nay.
Runaway gap hình thành trong phiên trước (tương đương vùng 414 – 419 điểm) đã trở thành lực cản đáng kể đối với VN-Index. Chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng nếu thanh khoản dưới 30 triệu đơn vị/phiên.

HNX-Index – Thanh khoản sụt mạnh. Thanh khoản trên HNX giảm gần 30% so với phiên hôm trước. Điều này càng làm cho mối lo ngại về khả năng xuyên thủng vùng đáy cũ 65 – 66 điểm ngày càng lớn.
Những chỉ số như Stochastic Oscillator, Ultimate Oscillator... đều đang duy trì trong vùng oversold. Vì vậy, khả năng có hồi phục trở lại cũng không quá thấp.
Quan điểm mua bán thận trọng vẫn được giữ nguyên khi mà nguy cơ tạo đáy mới là không nhỏ. Chúng tôi cho rằng chỉ nên bắt đáy khi khối lượng có sự cải thiện rõ nét.

VIETSTOCK INDEX
VS 100: Gần như đứng yên (-0.03%) trong phiên giao dịch ngày 13/10/2011, VS 100 tiếp tục cho thấy khả năng test lại đáy cũ đang ngày càng cao.
Vùng 56 – 58 điểm sẽ đóng vai trò hỗ trợ mạnh cho VS 100 nếu tiếp tục quá trình giảm điểm mạnh. Nguy cơ thủng vùng này không quá cao do độ tin cậy lớn và khối lượng tích lũy khá nhiều.

VS-Market Strength: Trong phiên giao dịch ngày 13/10/2011, VS-A/D HOSE đạt mức 1.68, tức số mã tăng giá bằng 1.68 lần số mã giảm giá; trong khi VS-U/D HOSE là 0.7, tức khối lượng của cổ phiếu tăng giá bằng 0.7 lần so với khối lượng giao dịch của phía giảm giá. VS-A/D HNX đạt 0.77 lần và VS-U/D HNX bằng 0.31 lần. Chỉ số VS-Arms VN duy trì ở mức 2.41.
Chỉ số VS-Thrust VN sắp xuống dưới 0.3 chứng tỏ khả năng có đảo chiều bắt đầu nâng cao dần.

II. PHÂN TÍCH KỸ THUẬT DOW JONES
Ngắn hạn – Có thể vượt qua Fibo 161.8%. Mặc dù vẫn còn bi quan về dài hạn nhưng sự bứt phá của DJIA trong vòng 5 – 6 phiên gần đây là không thể phủ nhận. Tín hiệu này có thể khiến cho xu hướng ngắn hạn được cải thiện tốt hơn.
Tuy nhiên, các chỉ số dao động (momentum) như Stochastic Oscillator, Relative Strength Index... đã bắt đầu duy trì ở mức khá cao. Điều này có thể hạn chế một phần khả năng tăng trưởng mạnh trong những phiên tới.
Dự kiến thị trường Mỹ sẽ tiếp tục giằng co mạnh và có thể đảo chiều bất ngờ.
Dài hạn – Sắp test SMA 100. DJIA đã hoàn toàn vượt qua SMA 50 trong phiên giao dịch ngày 12/10/2011. Như vậy, trong vài phiên sắp tới chỉ số này sẽ test ngưỡng kỹ thuật quan trọng nhất trong trung hạn: SMA 100.
Nếu vượt qua được ngưỡng kháng cự này, DJIA sẽ bắt đầu một chu kỳ tăng trưởng mới mạnh và bền vững hơn. Còn nếu kịch bản ngược lại diễn ra, xu hướng giảm điểm mạnh sẽ tiếp tục.
Vì vậy, diễn biến trong những phiên tới sẽ quyết định xem liệu uptrend đã thực sự hình thành hay chưa.

III. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG NGÀY 13/10/2011



Phòng Nghiên cứu Vietstock



Xem bài viết: Vietstock Daily: Nhận định thị trường chứng khoán ngày 14/10