Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Tận dụng khủng hoảng để tái cơ cấu
Trước những diễn biến tiêu cực của kinh tế thế giới khởi nguồn từ năm 2008, kinh tế VN đã phải đối mặt với nhiều hệ lụy. Tuy nhiên, theo Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan, các DN vẫn có thể biến khó khăn thành cơ hội bằng tái cấu trúc DN, khắc phục yếu kém và nâng cao năng lực cạnh tranh.

- Suy giảm kinh tế đang tạo ra những hệ lụy cho các nền kinh tế lớn, trong đó có VN. Theo ông DN VN có cơ hội vượt qua thách thức?
Các nền kinh tế “đầu tầu” thế giới như: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và cũng là những đối tác kinh tế lớn của VN đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu của chúng ta. Kèm theo đó, lạm phát và lãi suất ngân hàng tăng mạnh cũng khiến cộng đồng DN VN thuộc mọi thành phần kinh tế, dù là DN nhà nước, DN tư nhân hay DN có vốn đầu tư nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất là lạm phát cao khiến DN khó bố trí kế hoạch sản xuất trong ngắn hạn; khả năng tiếp cận vốn ngân hàng rất chật vật; tiêu thụ hàng hóa khó khăn và cuối cùng là không đủ năng lực để duy trì việc làm cho người lao động.
Tuy nhiên, ngoài những khó khăn đã nêu, khủng hoảng kinh tế cũng có thể là cơ hội để DN tái cơ cấu và tăng sức cạnh tranh.
- Vậy theo ông, cần thực hiện tái cấu trúc như thế nào để đạt được hiệu quả?
Cá nhân tôi cho rằng cần thực hiện chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình phát triển, kể cả ba khâu đột phá là thể chế, hạ tầng sản xuất và nguồn nhân lực. Những biện pháp thực hiện phải là biện pháp kinh tế, chứ không phải hành chính, mệnh lệnh.
Về mặt thu, nên tính toán lại tỷ trọng so với GDP, làm sao khoan được sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu, từ đó khuyến khích sản xuất và tiêu dùng. Về mặt chi, cần cắt giảm tối đa việc bao cấp cho DN nhà nước và tập trung đầu tư công vào các lĩnh vực không ai có thể làm thay nhà nước như giáo dục, y tế và phát triển hạ tầng...
Kế đến là tái cấu trúc hệ thống tín dụng, ngân hàng nhằm duy trì lãi suất hợp lý cho sản xuất, vừa đảm bảo tính thanh khoản trên toàn hệ thống.
- Vậy các DN cần làm gì để duy trì sản xuất và biến thách thức thành cơ hội trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?
Theo tôi, trong thời điểm hiện tại, ngoài việc hóa giải những khó khăn trước mắt, nên tích cực chuẩn bị cho thời kỳ kinh tế phục hồi. Vì vậy, cần có những hành động thiết thực để tái cơ cấu DN trong tất cả các khâu: đầu tư cơ cấu sản phẩm, thiết bị công nghệ và đổi mới quản trị, nguồn nhân lực... theo hướng lấy chất lượng, hiệu quả làm trọng tâm.
Việc mở rộng liên doanh, liên kết kể cả sáp nhập DN cũng cần được tính đến nhằm tái cơ cấu DN, tăng sức cạnh tranh.
Một thực tế khá đau lòng là nên chấp nhận phá sản những DN yếu kém cũng cần được nhìn nhận một cách đúng đắn nhằm giảm thiểu những gánh nặng cho cả nhà nước và DN.
- Xin cảm ơn ông.
Hoàng Lan ghi
diễn đàn doanh nghiệp



Xem bài viết: Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Tận dụng khủng hoảng để tái cơ cấu