Bắt đầu từ thay đổi quan điểm và chủ trương
  • Thông báo


    + Trả lời Chủ đề
    Kết quả 1 đến 2 của 2

    Hybrid View

    1. #1
      Ngày tham gia
      Jun 2011
      Bài viết
      59,568
      Được cám ơn 1,465 lần trong 1,303 bài gởi

      Post Bắt đầu từ thay đổi quan điểm và chủ trương

      Tái cấu trúc DNNN:
      Bắt đầu từ thay đổi quan điểm và chủ trương

      Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã chính thức được xem là một trong ba lĩnh vực quan trọng để tiến tới tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Vấn đề đặt ra là nên bắt đầu từ đâu?
      Năm 1992, Việt Nam bắt đầu thực hiện tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN), thông qua các biện pháp giao, bán, khoán, cho thuê, giải thể doanh nghiệp và cổ phần hóa. Gần 20 năm sau, vấn đề này vẫn là đề tài nóng tại các hội thảo, các cuộc họp bàn luận về nguyên nhân gây bất ổn kinh tế vĩ mô.
      Tại hội thảo về chủ đề thực trạng kinh tế Việt Nam, do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức cách nay hơn nửa tháng, cụm từ “tái cấu trúc DNNN” đã được lặp đi lặp lại trong các bản tham luận của hầu hết các diễn giả và cả những ý kiến thảo luận của những người tham dự. Các chuyên gia kinh tế không chỉ thống nhất tuyệt đối về quan điểm phải tái cấu trúc DNNN, mà còn coi đây là một yêu cầu cấp bách. Đồng thời, họ cũng thẳng thắn đề xuất những việc cụ thể cần làm và nên bắt đầu từ thay đổi quan điểm và chủ trương về vai trò và vị trí của DNNN.
      Vì sao tái cấu trúc DNNN lại cấp bách?
      Để trả lời cho câu hỏi này, trước hết chúng ta hãy nhìn vào nguồn lực của DNNN. Theo thống kê do Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp công bố vào cuối năm ngoái, DNNN nắm giữ tới 70% tổng tài sản cố định của nền kinh tế; chi phối 20% vốn đầu tư của toàn xã hội, 60% tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại, 50% vốn đầu tư nhà nước và 70% nguồn vốn ODA. Trong đó, tổng vốn chủ sở hữu của 21 tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước (không kể Vinashin), tính đến tháng 2-2011, là 540.701 tỉ đồng.
      Nhưng hiệu quả mà khối này mang lại cho nền kinh tế thì như thế nào? Câu trả lời là không tương xứng. Tỷ lệ đóng góp vào GDP chỉ khoảng 37-39%, tạo công ăn việc làm cho 4,4% tổng số lao động, tỷ lệ tăng sản lượng và năng suất lao động luôn chậm hơn khu vực tư nhân 10-14%. Ở đây, cũng cần phải nói thêm, trong phần đóng góp của DNNN vào GDP, thì gần một nửa là từ khai thác tài nguyên quốc gia như dầu khí, than, khoáng sản.
      Nhà nước không kinh doanh kiếm lợi, mà phải để cho khu vực tư nhân làm. Nhiệm vụ của nhà nước là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm những cân đối lớn cho nền kinh tế. Phải cải cách DNNN theo hướng đó.
      GS. Võ Đại Lược

      Cho đến nay, Việt Nam vẫn khẳng định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.
      Vai trò này được cụ thể hóa với các nội dung cơ bản: nắm những ngành và lĩnh vực then chốt để phát huy vai trò chủ đạo trong nền kinh tế; làm đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội; mở đường, hướng dẫn các thành phần kinh tế khác cùng phát triển; đi đầu trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nêu gương về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội và chấp hành pháp luật; là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế; tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần khác cùng phát triển.
      Như vậy, nhiệm vụ của DNNN không đơn thuần là kinh doanh, mà còn được trao thêm các nhiệm vụ chính trị và xã hội cùng với sứ mệnh là “tấm gương”, là “chỗ dựa” cho các thành phần kinh tế khác phát triển - một điều mà trong thực tế khối này chưa bao giờ làm được và có lẽ sẽ không làm được.
      Trao cho DNNN vai trò chủ đạo, cùng với những nhiệm vụ rất to lớn ngoài phạm vi kinh doanh thuần túy, không chỉ tạo thêm gánh nặng cho khu vực kinh tế này, mà còn là mầm mống gây ra nhiều bất cập khác cho cả nền kinh tế. Rõ nét nhất là vấn đề phân bổ và sử dụng nguồn lực quốc gia kém hiệu quả. Ngoài ra, nó còn tạo ra sự thiếu công bằng giữa các thành phần kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh và kìm hãm khả năng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
      Phải bắt đầu từ gốc
      Tại một hội thảo bàn về chủ đề này vào cuối năm ngoái, Tiến sĩ Phan Đăng Tuất, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp, đã tóm lược cách mà chúng ta đã làm trong một câu: “Tái cấu trúc DNNN thời gian qua thiên về tách, nhập, giải thể, thành lập DNNN mới một cách nhanh chóng, cổ phần hóa”.
      Như vậy, việc tái cấu trúc DNNN trong những năm qua chủ yếu vẫn là cải tổ về mô hình. Hồi đầu năm nay, kết luận của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế - xã hội năm 2011 cũng nhắc đến vấn đề này như sau: “Cần đẩy mạnh tái cấu trúc DNNN theo hướng: cổ phần hóa các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước; tập trung phát triển ngành sản xuất chính của doanh nghiệp; không khuyến khích phát triển những ngành không liên quan đến ngành sản xuất chính; sớm xác định cơ quan nhà nước đóng vai trò chủ sở hữu doanh nghiệp”.
      Điểm mới trong định hướng này là yêu cầu DNNN phải tập trung vào ngành sản xuất chính và tìm cách giải quyết vấn đề liên quan đến cơ quan đóng vai trò chủ sở hữu của DNNN. Tuy nhiên, cái gốc của vấn đề vẫn chưa được nhắc tới.
      GS. Võ Đại Lược cho rằng, trên thế giới không có nền kinh tế thị trường nào xem doanh nghiệp quốc doanh là chủ đạo. Theo ông, trước hết phải cấm, không cho DNNN làm trái ngành. “Nhà nước không kinh doanh kiếm lợi, mà phải để cho khu vực tư nhân làm. Nhiệm vụ của nhà nước là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm những cân đối lớn cho nền kinh tế. Phải cải cách DNNN theo hướng đó”, ông nhấn mạnh.
      Quan điểm của ông Võ Đại Lược đã được nhiều chuyên gia kinh tế làm rõ thêm. Cụ thể là DNNN không tham gia toàn bộ vào chuỗi giá trị của nền kinh tế, mà chỉ làm ở những ngành, những phân khúc có ý nghĩa quan trọng nhưng khu vực kinh tế tư nhân chưa đủ sức làm hoặc vì khả năng sinh lợi kém nên không muốn tham gia. Một khi khu vực kinh tế tư nhân đã đủ mạnh, thì DNNN nên rút dần để dồn sức phục vụ cho các mục tiêu công ích. Bởi lẽ DNNN sẽ không bao giờ có thể kinh doanh giỏi hơn khu vực kinh tế tư nhân.
      Về ngắn hạn, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, thấy cần phải tạo cơ chế để đặt DNNN vào môi trường cạnh tranh thực sự. Trước hết, tái cấu trúc DNNN thông qua cổ phần hóa, không chỉ là thay đổi mô hình, mà phải tạo nền tảng để thay đổi cung cách quản lý và tạo ra động lực cho doanh nghiệp. Mục tiêu này sẽ khó, nếu không nói là không thể, nếu Nhà nước vẫn giữ 70- 80% hoặc tỷ lệ vốn khống chế.
      Bên cạnh đó, cũng phải xóa bỏ mọi hình thức ưu tiên, ưu đãi cho DNNN hoạt động kinh doanh thuần túy và đối xử một cách bình đẳng như với khu vực tư nhân. Cụ thể hơn, ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng cần xóa bỏ hình thức cho vay, cấp tín dụng cho DNNN theo chỉ đạo, chỉ định của cơ quan nhà nước, buộc DNNN phải dựa vào sức lực của mình, phải thuyết phục được các tổ chức tín dụng bằng “sức khỏe” tài chính của mình và hiệu quả của chương trình đầu tư. Tạo cơ hội công bằng cho khu vực tư nhân tiếp cận với các dự án, chương trình đầu tư công và chi tiêu của Chính phủ.
      Tất nhiên, luật lệ hiện hành của Việt Nam không có quy định nào dành ưu tiên, ưu đãi cho DNNN, mà tất cả các thành phần kinh tế đều bình đẳng. Nhưng trên thực tế nó vẫn tồn tại. Sự phân biệt này nằm ở não trạng, trong tâm lý của các cơ quan quản lý nhà nước, nên không dễ thay đổi, nhất là khi DNNN vẫn còn “trực thuộc”, thậm chí có thể là chỗ dựa của bộ, của địa phương...
      Tấn Đức
      TBKTSG Online



      Xem bài viết: Bắt đầu từ thay đổi quan điểm và chủ trương

    2. #2
      Ngày tham gia
      Jun 2011
      Bài viết
      59,568
      Được cám ơn 1,465 lần trong 1,303 bài gởi

      Post Thang Nguyen (13/10/2011 14:52)

      Bài viết hay quá. Mối liên hệ giữa các cơ quan quản lý với các DNNN luôn được ưu tiên so với DNTN.


      Xem bài viết: Bắt đầu từ thay đổi quan điểm và chủ trương

    Thông tin của chủ đề

    Users Browsing this Thread

    Có 1 thành viên đang xem chủ đề này. (0 thành viên và 1 khách vãng lai)

       

    Similar Threads

    1. Một chu kỳ giảm điểm đã bắt đầu?
      By tintucsukien in forum Thảo luận Tình hình
      Trả lời: 7
      Bài viết cuối: 20-10-2011, 06:14 PM
    2. NVT thay đổi Chủ tịch HĐQT, TGĐ
      By tintucsukien in forum Thảo luận Tình hình
      Trả lời: 1
      Bài viết cuối: 22-07-2011, 07:13 AM
    3. Chu kỳ tăng điểm dài hạn bắt đầu?
      By tintucsukien in forum Thảo luận Tình hình
      Trả lời: 3
      Bài viết cuối: 06-07-2011, 06:21 PM
    4. tình hình thị trường hiện đang thay đổi ra sao.....
      By tonnyngo in forum Nhận định Thị trường
      Trả lời: 0
      Bài viết cuối: 11-01-2010, 01:46 PM
    5. Bản chất thị trường không thay đổi
      By ZIZAC in forum Nhận định Thị trường
      Trả lời: 1
      Bài viết cuối: 12-12-2009, 12:37 AM

    Bookmarks

    Quyền viết bài

    • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
    • Bạn Không thể Gửi trả lời
    • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
    • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình