Vietstock Daily 13/10: Chờ đợi tín hiệu xác nhận bắt đáy
(Vietstock) – Các hệ thống giao dịch của chúng tôi vẫn chưa cho tín hiệu bắt đáy. Một sự kiên nhẫn đối với thị trường là cần thiết vào lúc này, và có lẽ đây là lúc chỉ nên thực hiện chiến thuật bình quân giá lên khi xu hướng phục hồi được xác nhận.
I. NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG NGÀY 13/10/2011
Diễn biến giao dịch: Thị trường có phiên giảm điểm trên diện rộng với 155 mã giảm sàn. VN-Index giảm khá mạnh 1.63% về mức 410.91 điểm, HNX-Index giảm đến 2.04% về mức 69.48 điểm, VS 100 giảm 1.69%.
Trong các nhóm Market Cap, VS-Mid Cap giảm điểm mạnh nhất với 2.25%, VS-Small Cap giảm 2%, VS-Micro Cap giảm 1.71% và VS-Large Cap giảm 1.36%.
Đáng lưu ý là thanh khoản được cải thiện đáng kể trên khi tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh tăng 41% trên HOSE, trong khi tăng đến 88% trên HNX.
Khối ngoại trở lại mua ròng 40 tỷ đồng, nhưng giao dịch bị thu hẹp đáng kể. Họ mua ròng mạnh nhất cổ phiếu ”vàng” PNJ và một số mã bluechips. Hoạt động bán ra không đáng kể.

Triển vọng thị trường: Nhóm cổ phiếu Chứng khoán có một phiên giảm điểm rất mạnh, giảm mạnh nhất thị trường ở mức 4.8%. Điều này là không có gì bất ngờ trong một phiên lao dốc; nhưng ngược lại khi thị trường tăng điểm, nhóm này cũng sẽ nhanh chóng lấy lại “phong độ”.
Danh sách cổ phiếu không được margin hoàn toàn có thể xác định trước bằng các tiêu chí do hai sở giao dịch công bố. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của nhiều cổ phiếu “đình đám” thì e ngại về khả năng dòng tiền margin (vốn là hy vọng sau khi quy chế giao dịch ký quỹ ra đời) bị hạn chế không phải là không có lý.
Sẽ khó để lượng hóa sự giảm sút của dòng tiền này trên thực tế, nhưng trong bối cảnh mà sự bi quan đang dư thừa thì phản ứng bán tháo của giới đầu tư trong phiên hôm nay là hoàn toàn có thể hiểu được. Cần để ý thêm rằng, tâm lý lo ngại về triển vọng của thị trường có thể kéo dài thêm danh sách này trong những lần công bố tới là hoàn toàn có thật.
Chúng tôi nhận thấy tín hiệu tích cực từ việc khối lượng khớp lệnh, đặc biệt là trên HNX, tăng rất mạnh. Điều này nếu tiếp tục được duy trì trong các phiên cuối tuần thì sẽ giúp hãm phanh đáng kể đà sụt giảm của thị trường.
Điều e ngại là các phân tích cung cầu và chi tiết lệnh của các chứng khoán giao dịch nhiều (như KLS, VND, PVX, VCG trên HNX và IJC, SSI, OGC, PXL, ITA trên HOSE) cho thấy động thái thoát hàng đang diễn ra khá dứt khoát, và nhà đầu tư lớn dường như cũng đang thực hiện điều này.
Toàn thị trường không có ngành nào tăng điểm. Bên cạnh Chứng khoán, các nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao giảm điểm rất mạnh: Xây dựng giảm 3.14%, Bất động sản giảm 2.46%, Khai khoáng 2.05% và Chứng chỉ quỹ giảm 1.74%.
Các hệ thống giao dịch của chúng tôi vẫn chưa cho tín hiệu bắt đáy. Một sự kiên nhẫn đối với thị trường là cần thiết vào lúc này, và có lẽ đây là lúc chỉ nên thực hiện chiến thuật bình quân giá lên khi xu hướng phục hồi được xác nhận.
Trong khi đó, không nằm ngoài dự đoán, lãi suất liên ngân hàng đang liên tục được đẩy lên mức cao. Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1 tuần hiện đã tăng lên 17%/năm, trong khi kỳ hạn 1 tháng lên 19%/năm. Các rào cản trần lãi suất huy động 14%/năm, khả năng tiếp cận hoạt động tái cấp vốn của NHNN… đang gây sức ép lớn lên hoạt động huy động vốn nhằm duy trì thanh khoản ở các NHTM quy mô nhỏ.
Thị trường ngoại hối vẫn tiếp tục có dấu hiệu căng thẳng khi tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do không ngừng tăng lên; và hiện đang ở mức 21,400 VND/USD.
Thế giới: Trái với sự khẩn trương của hầu hết các quốc gia trong khu vực eurozone trong kế hoạch gia tăng quy mô Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSF), Slovakia đang “dùng dằng” khi Quốc hội nước này đã phản đối việc thông qua do **** cầm quyền không nhận được đủ sự hỗ trợ. Tuy nhiên, vẫn còn hy vọng khi Quốc hội Slovakia sẽ tiếp tục bỏ phiếu phê chuẩn EFSF vào cuối tuần này. Như vậy, kế hoạch gia tăng quy mô EFSF buộc phải tạm dừng và chờ đợi cuộc bỏ phiếu lần 2 của Slovakia.
Cùng với những bất ổn tại khu vực eurozone, những bất đồng chính trị và xã hội tiếp tục dâng cao khi làn sóng “Hãy chiếm phố Wall” đang lan rộng với tốc độ chóng mặt ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới.
Ngoài ra, mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc đang “nóng” lên khi Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật cho phép áp một số mức thuế mới đối với hàng hóa từ Trung Quốc và các quốc gia thao túng tiền tệ. Tuy nhiên, để điều này trở thành hiện thực thì còn cần có sự thông qua của Hạ viện Mỹ và Chính phủ Obama. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn liên tục cảnh báo về nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại nếu Mỹ thông qua dự luật này.
Phân tích kỹ thuật: VN-Index – Sự thận trọng vẫn đang bao trùm. Mặc dù giảm khá mạnh nhưng rõ ràng không có sự hoảng loạn trên HOSE khi mà khối lượng giao dịch duy trì ở mức tương đối và các lệnh lớn bắt đáy ở mức giá thấp khá nhiều.
Tuy nhiên, sự lo ngại thị trường tiếp tục điều chỉnh là có thực. Kể từ sau khi VN-Index dịch chuyển xuống dưới SMA 300 và SMA 100 lo ngại này càng gia tăng mạnh hơn. Các đường +DI và –DI vẫn tiếp tục phân kỳ rất mạnh. Yếu tố chống đỡ gần nhất là ngưỡng Fibonacci 61.8% đang được test liên tục suốt nhiều phiên vừa qua.
Theo kịch bản lạc quan, VN-Index sẽ duy trì trên ngưỡng này thêm 1 – 2 tuần nữa để các chỉ báo dao động (momentum) hình thành các phân kỳ giá lên và bứt phá. Còn ngược lại, chỉ số này có thể test lại vùng đáy cũ 380 – 400 điểm nếu Fibo 61.8% bị phá vỡ.
Chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng nếu thanh khoản dưới 30 triệu đơn vị/phiên và runaway gap không được lấp đầy trong những phiên cuối tuần.

HNX-Index – Thanh khoản có cải thiện tích cực. Như chúng tôi đề cập trong các báo cáo trước, thanh khoản là yếu tố đang được quan tâm hàng đầu hiện nay. Điểm tích cực trong phiên giao dịch ngày 12/10/2011 là khối lượng giao dịch tăng khá mạnh. Điều này chứng tỏ sự sụt giảm liên tục trong những tuần qua đã bắt đầu kích thích được lòng tham của các nhà đầu tư trên thị trường.
Mặt khác, vùng đáy cũ 65 – 66 điểm cũng đang ở rất gần. Vì vậy, vẫn có thể hy vọng về sự hồi phục trở lại nếu lực cầu duy trì tốt.

VIETSTOCK INDEX
VS 100: Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có tín hiệu nào cho thấy VS 100 sẽ tăng trưởng trở lại. Chỉ số này hiện đang nằm bên dưới tất cả các đường MA ngắn hạn cũng như dài hạn nên khả năng tăng mạnh trở lại không cao.
Vùng 56 – 58 điểm sẽ đóng vai trò hỗ trợ mạnh cho VS 100 nếu tiếp tục quá trình giảm điểm mạnh. Nguy cơ thủng vùng này không quá cao do độ tin cậy lớn và khối lượng tích lũy khá nhiều.

VS-Market Strength: Trong phiên giao dịch ngày 12/10/2011, VS-A/D HOSE đạt mức 0.13, tức số mã tăng giá bằng 0.13 lần số mã giảm giá; trong khi VS-U/D HOSE là 0.02, tức khối lượng của cổ phiếu tăng giá bằng 0.02 lần so với khối lượng giao dịch của phía giảm giá. VS-A/D HNX đạt 0.18 lần và VS-U/D HNX bằng 0.01 lần. Chỉ số VS-Arms VN duy trì ở mức 8.79.
Chỉ số VS-Thrust VN đang dịch chuyển về gần vùng oversold nên khả năng có đảo chiều bắt đầu nâng cao.

II. PHÂN TÍCH KỸ THUẬT DOW JONES
Ngắn hạn – Không vượt nổi Fibo 161.8%. Sự bứt phá trong những phiên vừa qua của DJIA là rất đáng ghi nhận nhưng vẫn không thể vượt qua được ngưỡng Fibo Retracement 161.8%. Điều này cho thấy động lực tăng trưởng của thị trường Mỹ vẫn chưa thực sự mạnh mẽ như mong đợi.
Các chỉ số như Stochastic Oscillator, Relative Strength Index... đang duy trì ở mức khá cao nên khả năng có đột biến tăng mạnh là không lớn.
Dự kiến thị trường Mỹ sẽ tiếp tục giằng co mạnh trong những phiên tới.
Dài hạn – Nguy cơ vẫn còn. DJIA vẫn đang duy trì quanh SMA 50 trong những phiên giao dịch gần đây. Nếu tình trạng này kéo dài có thể khiến cho đà bứt phá bị hạn chế lớn.
Lo ngại về ngưỡng cản mạnh SMA 100 vẫn đang lớn dần. Vì vậy, diễn biến trong những phiên tới sẽ quyết định xem liệu uptrend đã hình thành hay chưa.

III. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG NGÀY 12/10/2011

Phòng Nghiên cứu Vietstock



Xem bài viết: Vietstock Daily 13/10: Chờ đợi tín hiệu xác nhận bắt đáy