----------------------
Blogger: Hoàng Thạch Lân
Thời gian đăng: 07/10/2011
Blog: http://hoangthachlan.wordpress.com/


Bản in báo ĐTCK sáng nay có đăng bài Nhà đầu tư mua cổ phiếu để làm gì (tui xin lấy tạm đường link của Vietstock), trong đó có 1 đề xuất đáng chú ý là không điều chỉnh giá tham chiếu vào ngày giao dịch không hưởng cổ tức. Xin lưu ý là bài báo không nói rằng cách điều chỉnh giá tham chiếu là sai (may quá, đỡ phải “cãi nhau”) mà chỉ cho rằng đề xuất đó sẽ mang lại được mấy điều sau: giúp cho quảng đại quần chúng quay trở lại với TTCK chứ không chỉ NĐT chuyên nghiệp, khiến họ trở thành NĐT dài hạn và các cty NY cũng có chính sách cổ tức đúng đắn hơn. Mục tiêu rất tốt đẹp, tuy nhiên tui cho rằng đề xuất này không ổn vì:


Không điều chỉnh giá tham chiếu có thể sẽ khiến rất nhiều NĐT quan tâm đến những cp nào tuyên bố sắp trả cổ tức, nhưng chưa chắc hút được các NĐT dài hạn mà sẽ khuyến khích các hoạt động đầu cơ ngắn hạn. Xin lấy vài ví dụ:


a, Giả sử tui mới mua 1.000 cp ACL (sàn HOSE), với giá 32k/cổ (tổng số tiền là 32 tr) và quyết tâm cầm dài hạn đến ngày 17/10 (ex-dividend) tới đây để hưởng mức cổ tức tiền mặt là 2,5k/cổ. Cứ cho là giá ACL sẽ được “giữ nghiêm” ở mức 32 từ nay đến ngày 17 đó đi, và ngay ngày 17 tui bán luôn 1.000 đang có sẵn. Như vậy tui sẽ nhận được 1.000 x 2,5k = 2,5 tr.đ tiền cổ tức. Không tính đến phí GD và thuế TNCN tạm trích 0,05% thì tui lời = 2,5/32 = 7,8%. Quả thật là 1 mức hấp dẫn.


b, Thấy tình hình ngon ăn, nhưng tui không phải là NĐT dài hạn với ACL nên sẽ kiếm xem TK nào có 1.000 ACL. May quá, TK vợ tui có 1.000 ACL. Khi đó, tui canh đến ngày 14 mua 1.000 ACL trên TK vợ tui, rồi qua ngày 17 tui lấy 1.000 ACL vợ tui đang có bán đi. Như vậy vợ tui 0 được 0 mất thêm cp nào, được 2,5tr tiền cổ tức, tỷ suất lời = 2,5/32 = 7,8%. Tui cũng lời 7,8% nhưng điều quan trọng là tui… 0 đầu tư dài hạn (mua hôm trước bán hôm sau mà).


c, Nói hoài nhưng giờ mới nhớ là tui không có tiền. Khi đó tui vay nóng ai đó (cty CK, ngân hàng, bạn bè…) được 32tr vào ngày 15/10, lãi suất 24%/năm tương đương 0,067%/ngày. Vẫn trò đánh ké TK vợ tui, đến ngày 17 sau khi bán 1.000 ACL, tui được chia 2,5tr cổ tức. Chờ tiếp đến ngày 20/10 tiền bán về tui lấy lại 32tr đem trả người cho vay, tất nhiên phải trả lãi là 32tr x 0,067% x 5 = 107.200



đ. Chung qui tui vẫn có lời 2,5 tr – 107.200 đ = 2,39….tr đ. Chả khác gì tay không bắt giặc.


Nói như mấy ví dụ trên thì lướt sóng trên những mã sắp trả cổ tức quả là ngon như ăn cỗ. Với cổ tức 2,5k, bán giá > 29,5 (=32 – 2,5) là có lời. Tuy nhiên, trong điều kiện bình thường, tức là điều chỉnh giám tham chiếu thì chả ai dám chắc ACL sẽ giữ được giá >= 29,5 (trừ đội lái…).

Vậy với việc không điều chỉnh giá tham chiếu, bạn sẽ có lợi gì? Khi không điều chỉnh giá tham chiếu, coi như thị giá ACL được nâng đỡ 7,8%, tức là vượt cả mức trần trong điều kiện bình thường. Và nếu bạn GD như mấy ví dụ trên, chắc chắn bạn sẽ lời to, đảm bảo không thể thua lỗ. Thật vậy, giả sứ giá 32k được giữ nguyên làm giá tham chiếu cho ngày 17 thì giá sàn sẽ = 32k x (1 – 5%) = 30,4k. Bạn chắc chắn ăn ít nhất 0,9k cho mỗi cp ACL mua và bán ngay sau đó. Đã đầu tư mà được đảm bảo chắc thắng chỉ trong 2 ngày như vậy, bạn sẽ ĐT dài hạn hay lướt sóng? Là tui, tui sẽ lướt và chuyên đi tìm những mã sắp trả cổ tức chứ ĐT dài hạn làm gì? Và nếu lướt sóng mà được đảm bảo chắc thắng, bạn có cầm cả nhà đi vay tiền để lướt? Là tui, tui sẽ cầm!


Đề xuất trên theo tui là giống với 1 đề xuất cũ trong năm 2008 là áp biên độ lệch, ví dụ như cho tăng 5% nhưng chỉ cho giảm 2%. Tuy nhiên, giá tham chiếu vốn có mục đích quan trọng là cơ sở để tính giá trần sàn, tức là tính phạm vi biến động giá cho ngày GD kế tiếp. Hầu hết các nước có TTCK phát triển hơn VN nhưng họ vẫn áp biên độ giá, tức là vẫn xài giá tham chiếu như VN ta. Khi đã áp biên độ, thường là lấy giá tham chiếu làm trung điểm, tức là trần tăng 5% thì sàn cũng giảm 5%, vì như thế sẽ đảm bảo tính công bằng, giá cp có thể lên hay xuống theo dự báo về sức khỏe doanh nghiệp NY mà đã dự báo thì tốt xấu xác suất ngang nhau. Tui không ủng hộ cũng như chưa thấy nơi nào áp biên độ lệch trong điều kiện GD bình thường cả.


Đầu tư cổ phiếu, nếu so với tiết kiệm hay mua trái phiếu thì luôn có tỷ suất lợi nhuận cao hơn nhiều, nhưng cũng không hề an toàn theo kiểu yêm tâm nhận lãi hàng năm và rút gốc khi đáo hạn hay khi không đầu tư nữa. Giá cổ phiếu luôn dao động theo sức khỏe của doanh nghiệp, lúc này ktế khó khăn, doanh nghiệp làm ăn sa sút, thua lỗ thì nhiều cp rớt giá xuống dưới 10k cũng nên coi là chuyện thường. Mỗi NĐT cổ phiếu là 1 cổ đông, hùn hạp làm ăn chứ không phải là gửi tiết kiệm hay làm chủ nợ cho doanh nghiệp vay. Do đó, đã đầu tư vào cổ phiếu là phải chấp nhận có lời có lỗ, có thể mua máy bay mà cũng có thể nằm quay vào tường khóc vì mất trắng. Đặc biệt, để đầu tư dài hạn tính theo số năm thì chỉ có thể là những NĐT có trình độ và hiểu biết về tài chính, hay dân ĐT chuyên nghiệp, những tổ chức lớn chứ không thể “buộc” quảng đại quần chúng tham gia. Theo như tui hiểu thì trên thế giới cũng chả có nước nào có số đông nhân dân trực tiếp đầu tư dài hạn vào chứng khoán. Ở những nơi đó đa số dân chúng sẽ đầu tư gián tiếp qua các tổ chức như các dạng quỹ ĐT…


Tóm lại, tui ủng hộ cái mục tiêu “thu hút NĐT quay trở lại TTCK” mà bài viết nêu ra, nhưng về đề xuất trên thì không. Để hút NĐT quay trở lại với chứng trường xứ mình, nhất là vào lúc này thì theo tui cứ nên tập trung vào mấy mục tiêu cơ bản: nâng cao tính minh bạch, đề cao sự công bằng. Trảm triệt để các hành vi gian dối, lừa đảo, dìm hàng đạp giá, làm báo cáo láo, biến báo sổ sách… của bất kỳ cty NY, cty CK hay NĐT nào. Sửa đổi, bổ sung cơ chế công bố thông tin, làm sao để NĐT khi đọc BCTC là thấy được sức khỏe thực sự của doanh nghiệp (chứ không sơ sài như hiện nay), và đã đọc là tin (chứ đừng có báo cáo sai, đến khi kiểm toán ra thì … đính chính). Lấy trường hợp DVD làm ví dụ, nếu chỉ đọc BCTC, thì ngay như “chiên gia” tụi tui cũng chả hiểu nổi là làm sao với BCTC q4-2010 rất đỗi “bình thường” như thế (tức là cũng có khó khăn chung như bao cty NY khác) mà khoảng 9 tháng 10 ngày sau DVD … phá sản. Đó cũng đang là 1 vấn đề nghiêm trọng của chứng trường, khiến NĐT cạn kiệt niềm tin.