Vietstock Daily 11/10: Khối lượng đang sụt giảm mạnh!
(Vietstock) – Bên mua tỏ ra không quá hào hứng khiến cho thanh khoản thị trường sụt giảm đáng kể. Chúng tôi đã đề cập nhiều lần trước đây rằng cần theo dõi sát sao khối lượng giao dịch và quả thực e ngại với tình hình hiện tại.
I. NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG NGÀY 11/10/2011
Diễn biến giao dịch: VN-Index tăng 0.41% lên mức 419.66 điểm, HNX-Index giảm mạnh 1.45% về mức 70.46 điểm, VS 100 cũng giảm 0.83%. Đáng chú ý là chỉ có VS-Large Cap tăng 1.09%, các chỉ số còn lại đều giảm điểm, trong đó VS-Small Cap giảm điểm mạnh nhất với 1.21%, VS-Mid Cap giảm 1.02%, VS-Micro Cap giảm 1.01%.
Khối lượng giao dịch khớp lệnh sụt giảm mạnh 25.3% trên HOSE và 19.3% trên HNX so với phiên giao dịch cuối tuần.
Khối ngoại bất ngờ mua ròng 21 tỷ đồng trên HOSE, tập trung ở các mã mã bluechips; nhưng giao dịch sụt giảm rất mạnh. Tổng giá trị giao dịch mua của khối ngoại trên HOSE chỉ đạt 38.2 tỷ đồng và bán chỉ đạt 17.2 tỷ đồng.

Triển vọng thị trường: MSN, VICBVH đồng loạt tăng điểm đã kéo VN-Index tăng gần 1%, trong khi mức tăng toàn thị trường là 0.41%. Thị trường đang thể hiện xu hướng giảm điểm khi VS 100 giảm khá mạnh 0.83%.
PTC trở thành hiện tượng trên HOSE khi tăng trần cuối phiên với khối lượng khớp lệnh gần 750 ngàn đơn vị, dư mua giá trần lên đến hơn 1.2 triệu đơn vị. PTC ước lãi trong quý 3 từ 6 - 8 tỷ đồng, sau 2 quý lỗ liên tiếp. LCM đang có phiên tăng trần thứ 4 liên tiếp.
PXL mặc dù giảm sàn nhưng khối lượng khớp lệnh đứng đầu trên HOSE với hơn 1 triệu đơn vị. IJC cũng chịu một phiên giảm sàn, trong khi khối ngoại đã quay trở lại MSN và khiến mã này có phiên tăng trần.
VIC, D2D, HDG, KDH… tăng giá đã kéo chỉ số Bất động sản trở thành 1 trong 3 nhóm ngành ít ỏi có sắc xanh hôm nay. Chỉ số cổ phiếu Chứng khoán giảm mạnh nhất thị trường với mức giảm 2.92%, tiếp theo là nhóm Xây dựng giảm 1.98%, Khai khoáng giảm 1.89%, Chứng chỉ quỹ 1.55%...
Thông tin từ UBCKNN cho thấy có gần 80 CTCK lỗ trong quý 3/2011. Thông tin này cộng với vụ việc đổ bể tín dụng trên thị trường phi chính thức đang khiến dòng tiền đầu cơ tiếp tục tháo chạy khỏi nhóm cổ phiếu CTCK. Giới đầu tư cũng đang đồn thổi về những hệ lụy của một vài CTCK và thậm chí là nợ xấu đối với các ngân hàng liên quan.
Ở một góc nhìn khác, với thông tin từ UBCKNN thì sẽ có khoảng 20 CTCK có thể vẫn báo lãi trong quý 3. Sẽ không ngạc nhiên nếu đây là các công ty có dịch vụ môi giới chiếm thị phần lớn, có nguồn tiền mặt dồi dào để gửi tiết kiệm hay cho vay dịch vụ margin…
Không có nhiều thông tin chính thức mới liên quan đến vụ việc tín dụng lùm xùm vừa nổi lên. Một số tổ chức đã nhanh chóng lên tiếng bác bỏ các ảnh hưởng xấu đến tổ chức mình. Tuy vậy, chắc chắn phải có tổ chức nào đó gánh chịu thiệt hại từ vụ đổ vỡ này, vì huy động một số tiền lớn như vậy (nếu số tiền báo chí đưa tin là chính xác) từ cá nhân gần như là không thể.
Như chúng tôi đề cập trước đây, lạm phát đã dịu trở lại và nay tiếp tục có thêm hiệu ứng cộng hưởng tích cực khi giá dầu diesel, dầu hỏa được giảm giá bán 1.5% - 2% từ hôm nay. Ngoài ra, sự ổn định trên thị trường vàng cũng giúp cho niềm tin của giới đầu tư trở lại và áp lực tỷ giá giảm xuống.
Tuy vậy, tâm lý giao dịch trên thị trường chứng khoán đang khá bi quan khi liên tiếp đón nhận những thông tin về các vụ vỡ nợ diễn ra. Đây là hệ quả của một quá trình kinh tế khó khăn kéo dài, lãi suất tăng cao, khó tiếp cận nguồn vốn và chứng khoán èo uột.
Bên mua tỏ ra không quá hào hứng khiến cho thanh khoản sụt giảm đáng kể. Chúng tôi đã đề cập nhiều lần trước đây rằng cần theo dõi sát sao khối lượng giao dịch và quả thực e ngại với tình hình hiện tại. Mô hình Định lượng của chúng tôi cho dấu hiệu gia tăng nhẹ tỷ lệ cổ phiếu trở lại nhưng không đáng kể, và không hàm ý việc tăng nắm giữ cổ phiếu vì rủi ro vẫn còn cao. Có chăng chỉ là một cơ hội trading trong phiên và tìm kiếm lợi nhuận khiêm tốn trong giai đoạn thị trường khó khăn.
Phân tích kỹ thuật: HNX-Index – Đáy cũ liệu có thủng? Áp lực của nhóm MA dài hạn bên trên mà cụ thể là của SMA 100 được giới phân tích đánh giá là rất lớn.
Nguy cơ thủng vùng đáy cũ 65 – 68 điểm đang được nhắc đến. Nếu khối lượng vẫn tiếp tục duy trì ở mức thấp và không có đột biến lớn diễn ra thì khả năng thủng là rất cao.
Thông thường sau khi test những ngưỡng chống đỡ mạnh trong dài hạn giá sẽ bứt phá nhanh chóng và ít khi test lại quá 2 – 3 lần. Vì vậy, sự thận trọng sẽ là rất lớn trong lần test này nếu thanh khoản không được cải thiện.

VN-Index – Giằng co quanh ngưỡng Fibo Retracement 61.8%. Không chỉ test ngưỡng Fibonacci 61.8%, VN-Index còn thử thách luôn cả đường trendline ngắn hạn (vốn là neckline của Head & Shoulder). Nếu như cả hai ngưỡng chống đỡ mạnh này vẫn không thể giữ cho VN-Index ngừng rơi thì khả năng test đáy cũ 380 – 400 điểm là rất cao.
Theo quan điểm của giới phân tích kỹ thuật, chỉ số sẽ tiếp tục có những phiên giằng co xung quanh mốc này khi mà SMA 100, SMA 300 vẫn tiếp tục tạo sức ép bên trên.
Chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng trong những phiên đầu tuần nếu thanh khoản tiếp tục dưới 30 triệu đơn vị/phiên.

VIETSTOCK INDEX
VS 100: Nguy cơ sụt giảm mạnh vẫn đang rất cao khi mà chỉ số này tiếp tục thoái lùi trong phiên giao dịch ngày 10/10/2011 (-0.83%).
Chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng vùng 56 – 58 điểm sẽ đóng vai trò hỗ trợ mạnh cho VS 100 nếu tiếp tục quá trình giảm điểm mạnh.

VS-Market Strength: Trong phiên giao dịch ngày 10/10/2011, VS-A/D HOSE đạt mức 0.52, tức số mã tăng giá bằng 0.52 lần số mã giảm giá; trong khi VS-U/D HOSE là 0.51, tức khối lượng của cổ phiếu tăng giá bằng 0.51 lần so với khối lượng giao dịch của phía giảm giá. VS-A/D HNX đạt 0.33 lần và VS-U/D HNX bằng 0.10 lần. Chỉ số VS-Arms VN duy trì ở mức 2.07.
Chỉ số VS-ADL VN vẫn đang lao dốc và chưa có dấu hiệu cho thấy đà giảm sẽ ngừng lại.

II. PHÂN TÍCH KỸ THUẬT DOW JONES
Dow Jones: Ngắn hạn – Doji lại xuất hiện. DJIA đang dịch chuyển về gần Fibo Retracement 161.8%. Đây vốn là ngưỡng kháng cự rất mạnh và đã nhiều lần thành công trong việc ngăn chặn đà tăng của giá trong những tháng qua. VÌ vậy, dự kiến giá sẽ có rung lắc mạnh trong những phiên tới.
Sự xuất hiện của mẫu hình nến doji đã cảnh báo trước cho điều này. Các chỉ số dao động (momentum) như Relative Strength Index, Stochastic Oscillator... đang dao động ở vùng trung bình nên việc dự đoán hướng biến động là khá khó khăn.
Dự kiến thị trường Mỹ sẽ tiếp tục giằng co mạnh trong những phiên đầu tuần.
Dài hạn – Sức ép tiếp tục gia tăng. Bên cạnh SMA 50, SMA 100 cũng đang lao dốc xuống rất nhanh trong những phiên gần đây. Hai đường này sẽ tạo nên một sức ép lớn đối với DJIA trong trung và dài hạn.
Sau khi chạm vào SMA 50 trong phiên cuối tuần, thị trường Mỹ đã đảo chiều đột ngột vào cuối phiên. Điều này cho thấy sự thận trọng trong giai đoạn này là khá cao.

III. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG NGÀY 10/10/2011

Phòng Nghiên cứu Vietstock



Xem bài viết: Vietstock Daily 11/10: Khối lượng đang sụt giảm mạnh!