Threaded View
-
10-10-2011 06:47 PM #1
Platinum Member- Ngày tham gia
- Jun 2011
- Bài viết
- 59,568
- Được cám ơn 1,465 lần trong 1,303 bài gởi
Thị trường tiền tệ: Để “ổn”, cần xử lý tận gốc
Thị trường tiền tệ: Để “ổn”, cần xử lý tận gốc
"Trong giai đoạn 2001 - 2006, từng có gần hai mươi NHTM nhỏ bị giải tán. Thời gian tới, NHNN cũng sẽ mạnh tay với các NHTM không quản lý chặt chẽ. Chúng tôi đã đề nghị NHNN gây sức ép thật sự với những NHTM nhỏ cần phải sáp nhập hoặc mua lại". Đó là quan điểm của TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia trong cuộc trao đổi với ĐTCK.
Ông đánh giá sao về các giải pháp của NHNN thời gian qua nhằm lập lại kỷ cương trên thị trường tiền tệ?
Việc yêu cầu thực hiện nghiêm túc trần lãi suất huy động 14%/năm trong thời gian qua là một thành công của NHNN cả về phương diện chính sách ngắn hạn và lập lại kỷ cương chính sách tiền tệ. Nếu lạm phát tiếp tục giảm trong những tháng tới thì việc thực hiện trần lãi suất huy động 14%/năm trở thành chuyện hiển nhiên. Dự kiến, lạm phát tháng 10/2011 chỉ khoảng 0,5 - 0,6% và các tháng tiếp theo cũng chỉ dưới 1%.
Song, theo nhiều NHTM, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ, nguồn vốn huy động của họ đang bị suy giảm?
Chính sách nào cũng có hai mặt. Trước mắt, hệ thống ngân hàng gặp một số khó khăn, biểu hiện ở lãi suất tiền gửi không kỳ hạn tăng cao và đặc biệt, nhiều NHTM nhỏ bị giảm nguồn huy động, tổng cộng đã lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng, có thể dẫn tới hoặc là đẩy lãi suất liên ngân hàng lên cao hoặc là các NHTM tìm mọi cách phi chính thức để đẩy lãi suất huy động lên cao hoặc sẽ tác động tiêu cực đến thanh khoản.
Vậy theo ông, NHNN cần có giải pháp gì để hạn chế những "tác dụng phụ" này?
Trong điều kiện hiện nay, những khó khăn mặc dù khá lớn, nhưng NHNN có khả năng xử lý. Vì vậy, các NHTM gặp khó khăn về thanh khoản cần phải báo cáo trung thực và cụ thể với NHNN. Nếu không, họ sẽ phải đối mặt với việc sáp nhập hoặc mua lại trong tương lai gần. NHNN ngoài việc tiếp xúc trực tiếp với các NHTM lớn (G12), cũng cần phải làm việc trực tiếp với các NHTM nhỏ để giúp những ngân hàng này xử lý khó khăn thanh khoản tạm thời bằng các biện pháp tái cấp vốn.
Nhưng nhiều NHTM có vẻ như không muốn "báo cáo thực" với NHNN?
Việc bơm vốn không phải là vấn đề đối với NHNN. Điều chính yếu là các NHTM nhỏ sợ bị giám sát đặc biệt (được quy định trong Luật NHNN), vì có lẽ lo "lộ" các khoản cho vay không đúng quy định. Ví dụ, ngân hàng cho vay với các DN buôn bán BĐS có liên quan đến ông chủ, bà chủ của mình nên không báo cáo với NHNN mà tìm mọi cách huy động trên thị trường. Tại mỗi ngân hàng, chỉ cần bơm 500-1.000 tỷ đồng là giải quyết được vấn đề thanh khoản mà việc này không ảnh hưởng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ trong năm nay, bởi bơm tiền ở đây chỉ là cho vay ngắn hạn, hút tiền về rất nhanh.
Tuy nhiên, các biện pháp tái cấp vốn của NHNN đã được quy định chặt chẽ trong Luật NHNN, vì vậy, việc tái cấp vốn nhanh và linh hoạt thường gặp những khó khăn nhất định về mặt thủ tục và những ràng buộc nhất định về mặt pháp lý mà nhiều NHTM nhỏ thường không muốn hoặc là né tránh. Điều này có thể đẩy họ tới việc lựa chọn phương thức đơn giản nhất là đi đêm lãi suất và điều này dễ tạo ra tình trạng phá rào tinh vi hơn và khó giám sát hơn.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc thị trường tiền tệ bất ổn như thời gian qua, một phần cũng do việc các ngân hàng nhỏ đặt mục tiêu phát triển vượt quá năng lực của mình. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
Trong giai đoạn 2001 - 2006, từng có gần 20 NHTM nhỏ bị giải tán. Thời gian tới, NHNN cũng sẽ mạnh tay với các NHTM không quản lý chặt chẽ. Đặc biệt, nếu ngân hàng nhỏ trốn tránh kiểm soát của NHNN bằng việc kích động lãi suất trên thị trường tăng cao, kể cả lãi suất tín dụng và lãi suất liên ngân hàng sẽ bị xử lý. Chúng tôi đã đề nghị NHNN gây sức ép thật sự với những NHTM nhỏ cần phải sáp nhập hoặc mua lại.
Về phía các NHTM, nhất là ngân hàng nhỏ, cần phải hiểu rằng, với một mức lãi suất tiền gửi nhất định, khách hàng lựa chọn những ngân hàng lớn, an toàn hơn, đủ tin cậy hơn là chuyện bình thường (đó là cấu trúc rủi ro của lãi suất) và là quyền lợi chính đáng của khách hàng. Mặt khác, từ nay về sau, chính sách tiền tệ của NHNN luôn trong tình trạng được kiểm soát chặt chẽ, cả về tốc độ tăng cung ứng tiền và tốc độ tăng trưởng tín dụng dưới 20%. Vì vậy, các NHTM không có lựa chọn nào khác là phải tăng cường cho vay tiêu dùng các dịch vụ ngân hàng bán lẻ và cho vay DNNVV, đồng thời, phải xây dựng các thể chế về quản trị rủi ro nghiêm túc, đáng tin cậy.
Bên cạnh đó, phải thay đổi chiến lược, tăng cường quản lý chặt chẽ bảng cân đối tài sản, đảm bảo dòng tiền dương và thanh khoản tích cực. Mặt khác, các NHTM nhỏ cần phải tái cấu trúc lại danh mục đầu tư, đặc biệt là danh mục tín dụng, giảm thiểu danh mục đầu tư dài hạn, đầu tư lớn vào BĐS. Những BĐS này phần lớn là của những ông chủ, cổ đông lớn trong ngân hàng, nhưng không đứng tên khi cho vay nên họ không liên quan. Những trường hợp này thời gian tới sẽ được làm rất rõ, thanh tra, giám sát không làm được thì công an sẽ vào cuộc. Không thể để tình trạng vốn tự có tồn tại nhiều dấu hiệu... ảo.
Hồng Dung
Đầu tư chứng khoán
Xem bài viết: Thị trường tiền tệ: Để “ổn”, cần xử lý tận gốc
Thông tin của chủ đề
Users Browsing this Thread
Có 1 thành viên đang xem chủ đề này. (0 thành viên và 1 khách vãng lai)
Similar Threads
-
Cứu thị trường phải là biện pháp tận gốc
By kiemmoiduphong in forum Giải pháp phát triển TTCKTrả lời: 3Bài viết cuối: 08-06-2008, 10:35 PM
Bookmarks