Kinh tế và chứng khoán Việt trong mắt người Nhật: Nhận định của chuyên gia Imai Masayuki
Imai Masayuki là chuyên gia về kinh tế, chứng khoán Việt Nam, người thường xuyên xuất hiện trên các kênh truyền hình (StockVoiceTV), tạp chí đầu tư, website tài chính (Yahoo!Finance, MorningStar, MoneyPost, ...) của Nhật Bản.

(Vietstock) - Nếu so sánh hệ số PER giữa chứng khoán Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Nam Á, sẽ thấy rằng Việt Nam là một thị trường cực kỳ hấp dẫn đối với nhà đầu tư.
A. Tổng quan về kinh tế và chứng khoán Việt Nam
Kinh tế Nhật Bản đang đối mặt với nhiều vấn đề lớn: Tình trạng trì trệ và bão hòa về tăng trưởng, thiếu hụt lực lượng lao động do ít sinh con và dân số ngày càng già. Ngược lại, nền kinh tế mới nổi của Việt Nam với tăng trưởng GDP cao và ổn định, lực lượng lao động trẻ và dồi dào. Đó chính là một trong những yếu tố khiến các nhà đầu tư Nhật tin tưởng khi lựa chọn chứng khoán Việt Nam, mà không phải Nhật Bản hay các thị trường khác ở Đông Nam Á. Hiện nay, sau thị trường chứng khoán Trung Quốc, thị trường chứng khoán Việt Nam được xem là lựa chọn thứ hai của nhà đầu tư Nhật Bản.
Năm 2007 đài truyền hình Fuji TV phát sóng chương trình giới thiệu tổng quan về thị trường chứng khoán Việt Nam. Trước đó, sách báo và tạp chí của Nhật cũng thi nhau đưa tin về sự hấp dẫn của thị trường này. Từ đó tạo ra một cơn sốt mang tên "chứng khoán Việt Nam" thu hút sự được sự quan tâm của rất nhiều người Nhật.
Nhờ đó dòng tiền từ Nhật Bản ào ạt chảy vào Việt Nam theo kênh chứng khoán góp phần đẩy chỉ số VN Index tăng cao.
"Tôi đầu tư vào Việt Nam vì tôi thích đất nước này" - đó là tâm lý chung của người Nhật khi đến Việt Nam du lịch kết hợp đầu tư.

Tiến trình phát triển kinh tế của Việt Nam có nhiều nét tương đồng với Nhật Bản vào những năm 1950-1960, và với Trung Quốc vào những năm 1990, bằng chứng là cũng tích cực mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy công nghiệp hóa để phát triển kinh tế. Biểu đồ trên cho thấy GDP bình quân đầu người của Việt Nam vượt ngưỡng 1000 USD vào năm 2008, và của Nhật là năm1966, Trung Quốc là năm 2001, và Việt Nam có xu hướng lặp lại kịch bản của 2 quốc gia đàn anh này. Vì vậy có thể dự đoán được triển vọng tăng trưởng kinh tế cũng như thị trường chứng khoán của Việt Nam trong những năm sắp tới.
Cơ cấu kinh tế của Việt Nam có dấu hiệu dịch chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp bắt đầu từ năm 2002, và hiện tại ngành công nghiệp chiếm 25% trên tổng thể GDP. Sự dịch chuyển cơ cấu này có phần đóng góp của các tập đoàn nước ngoài sang Việt Nam xây nhà máy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tính đến cuối năm 2010 đã có khoảng 940 công ty Nhật Bản xây dựng nhà máy tại Việt Nam, với những tên tuổi lớn như Panasonic, Canon, Honda,...

Tuy nhiên Việt Nam chưa thể sản xuất các sản phẩm từ đầu đến cuối, mà phải nhập khẩu phần lớn nguyên phụ liệu, thiết bị, linh kiện,… từ Trung Quốc, khiến cho thâm hụt thương mại (nhập siêu) chỉ riêng đối với Trung Quốc cũng đạt đến con số khổng lồ. Điều đáng mừng là gần đây các công ty sản xuất linh kiện của Nhật đang dần chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, giúp cải thiện ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam và giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Ưu thế của Việt Nam quá rõ ràng: nhân công và chi phí rẻ hơn Trung Quốc, vị trí thuận lợi vì nằm ngay bên cạnh Trung Quốc - một thị trường tiêu thụ khổng lồ.
B. Hiện trạng kinh tế Việt Nam (tháng 9.2011)
3 vấn đề lớn nhất của kinh tế Việt Nam hiện nay là : Lạm phát cao, Lãi suất cao, Thâm hụt thương mại (Nhập siêu)
1. Lạm phát cao

Biến động CPI tháng 8 cho thấy lạm phát của Việt Nam đã chạm đỉnh và dần dần hạ nhiệt. Cụ thể là CPI tháng 8 so với cùng kỳ năm trước tăng 23.02%, nhưng so với tháng trước đó chỉ tăng 0.93%. Tốc độ tăng CPI tính theo tháng lần này thấp nhất trong cả năm 2011, cho thấy những biện pháp kiềm chế lạm phát của chính phủ Việt Nam đã phát huy tác dụng.
2. Lãi suất cao
Trái với quan điểm "thắt chặt tiền tệ" của cựu Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu, tân Thống đốc Nguyễn Văn Bình thực hiện chính sách hạ lãi suất, áp trần lãi suất huy động về mức 14% và lãi suất cho vay sản xuất xuống mức 17%-19%/năm. Động thái "nới lỏng tiền tệ" này được xem là luồng gió mới mang đến tín hiệu tích cực rong ngắn hạn.
Tuy nhiên hầu hết doanh nghiệp sản xuất đều không được vay với mức lãi suất ưu đãi này, mà vẫn phải trả lãi trên 21% như trước đây, còn mức lãi suất 17%-19% chỉ áp dụng cho những khách hàng thân thiết của các ngân hàng thương mại (NHTM). Có 2 lý do chính: 1. Nguồn vốn các NHTM huy động vào thời điểm trước khi giảm lãi suất còn tồn đọng nhiều và chưa được giải ngân hoàn toàn, 2. Lãi suất hạ thấp xuống 14% làm giảm sức hấp dẫn của kênh gửi tiết kiệm, khách hàng không những ít gửi tiền mà còn thi nhau rút tiền ra, khiến cho NHTM thiết hụt vốn dự trữ.
3. Thâm hụt thương mại (Nhập siêu)
Tháng 7.2011, cán cân thương mại của Việt Nam đã đảo chiều sang xuất siêu, sau 28 tháng nhập siêu liên tục. Tưởng chừng như đây là tín hiệu đáng mừng đối với nền kinh tế, nhưng thực chất yếu tố quyết định kết quả đó lại là nhờ xuất khẩu vàng. Nếu loại trừ vàng ra khỏi danh mục thì tỷ lệ xuất khẩu - nhập khẩu gần như ngang ngửa nhau. Đến tháng 8 do nhu cầu vàng tăng lên đòi hỏi phải nhập thêm vàng, nhưng lần này lại mua với giá đắt hơn do giá vàng thế giới tăng. Kết quả là trong thời gian tới Việt Nam có thể phải tiếp tục đối mặt với căn bệnh nhập siêu kinh niên này. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng khoảng cách giữa xuất khẩu và nhập khẩu đã ít nhiều được thu hẹp hơn.
Ngoài ra, các công ty nước ngoài hoạt động tại Việt Nam thường xuyên nhập khẩu máy móc thiết bị sản xuất với số lượng lớn là một trong những nguyên nhân gây ra nhập siêu.
C. Tình hình chứng khoán Việt Nam năm 2011
Động thái vực dậy thị trường chứng khoán của Việt Nam
Chính phủ Việt Nam đã điều chỉnh từ “thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát” chuyển sang đường lối “tập trung phát triển kinh tế”. Nhiều chính sách tích cực đối với nền kinh tế đang và sẽ được thực thi, trong đó đáng chú ý nhất là chính sách giảm thuế liên quan đến chứng khoán. Ngày 6.8 vừa qua, Quốc hội đã quyết định miễn giảm thuế thu nhập cổ tức từ 5% xuống 0%, và giảm 50% thuế chuyển nhượng chứng khoán đối với nhà đầu tư cá nhân, trong thời hạn từ tháng 8.2011 đến hết năm 2012.
Chứng khoán toàn cầu sụt giảm, trong khi Việt Nam tăng vọt
Số liệu kinh tế tháng 8.2011 không mấy khả quan của Mỹ và vấn đề nợ công ngày càng nhức nhối của châu Âu là nguyên nhân chính khiến chứng khoán toàn cầu chao đảo. Từ trước đến nay chứng khoán Việt Nam vốn chịu tác động mạnh từ động thái của thị trường thế giới, nhưng lần này thì không. Ba yếu tố thúc đẩy chứng khoán Việt Nam tăng vọt là chính sách giảm thuế chứng khoán, việc áp trần lãi suất 14%, và tín hiệu tích cực của các con số lạm phát.

Nếu so sánh hệ số PER giữa chứng khoán Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Nam Á, sẽ thấy rằng Việt Nam là một thị trường cực kỳ hấp dẫn đối với nhà đầu tư. PER của Việt Nam chỉ khoảng 10 lần, trong khi đó chứng khoán các nước Indonesia, Malaysia, Philippines đã cao gần gấp rưỡi, nghĩa là giá chứng khoán hiện tại của Việt Nam đang ở mức rẻ hơn 20~50% và có khả năng tăng lên trong tương lai.
Imai Masayuki (CFOViet biên dịch)



Xem bài viết: Kinh tế và chứng khoán Việt trong mắt người Nhật: Nhận định của chuyên gia Imai Masayuki