Thị trường chứng khoán bao giờ “tỉnh giấc“?
TTCK Việt Nam ở ngưỡng báo động về khả năng phản ánh giá trị và cân bằng giá trị hàng hóa. Chỉ số PE trung bình ở Việt Nam chỉ còn 3-4 lần, ở mức quá thấp so với thế giới, nhưng nếu nhà đầu tư không tin tưởng, không rót vốn vào thị trường thì dù thấp, chỉ số này còn có thể thấp hơn.

Hơn 60 sinh viên lớp tài chính Đại học Quốc gia Hà Nội đã đồng loạt trả lời KHÔNG khi giảng viên Hoang D. Quan đặt câu hỏi, có ai trong các em khi ra trường muốn làm việc tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ không? Sinh viên nói KHÔNG vì TTCK xuống quá, nhưng với ông Quan, đây lại là một dấu hiệu tốt - dấu hiệu khi thị trường không còn ai quan tâm - để bắt đầu mua vào.
Vẫn cho rằng, vì 3 lý do chính (giá vàng biến động quá nhiều/thị trường bất động sản còn khó khăn trong dài hạn/lãi suất ngân hàng phải tiếp tục giảm), người có tiền nhàn rỗi chỉ còn 2 lựa chọn là đầu tư chứng khoán hoặc mua USD. Chưa nói những người giàu, nếu hàng ngàn người dân Việt có tiền nhàn rỗi từ 50.000 - 100.000 USD quan tâm đầu tư chứng khoán thì lượng tiền đổ vào thị trường này sẽ rất đáng kể. Đó là góc nhìn của Hoang D. Quan, một người Mỹ gốc Việt, chứ không phải của một nhà đầu tư thuần Việt.
Nhà đầu tư Việt Nam đang nhìn TTCK như thế nào? Ông Bạch Hưng Hùng, người đã 10 năm lăn lộn với chứng khoán cho rằng, bối cảnh kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng xấu đến Việt Nam. Trong lòng nền kinh tế Việt Nam, hoạt động đầu tư dàn trải và kém hiệu quả đang tiếp tục khiến nền kinh tế bất ổn. Với TTCK, chừng nào chính sách tăng cung còn chiếm ưu tiên trong điều hành thì chừng đó TTCK Việt Nam còn trì trệ. Chỉ cần thị trường hơi gượng dậy một chút là các DN thi nhau lên sàn, thi nhau phát hành tăng vốn. Trong lúc đó, sức cầu vẫn bị siết chặt bởi T+4, thiếu các sản phẩm phái sinh và nhà đầu tư luôn trong tình trạng thiếu lòng tin vào thị trường và khả năng điều hành của cơ quan quản lý… Một khi chưa thay đổi căn bản các yếu tố này, thị trường chưa thể có bước nhảy đáng kể nào.
Một nhà đầu tư khác, ông Nguyễn Hồng Linh thì chia sẻ, các nhà đầu tư nước ngoài phân tích, dự báo TTCK dựa trên sự phát triển của nền kinh tế, nhưng đối với Việt Nam thì không thể theo logic đó được. TTCK Việt Nam luôn đối nghịch với nền kinh tế, mà cụ thể là 2 năm qua, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng, nhưng TTCK lại sụt giảm thảm hại. Khi "phong vũ biểu" không thực hiện được chức năng thước đo sức khỏe của nền kinh tế, thì cũng không thể mong từ các yếu tố của nền kinh tế, có thể dự báo nên diễn biến của TTCK Việt Nam!
Với 335 mã cổ phiếu trên tổng số 695 mã niêm yết rơi xuống mệnh giá tính đến ngày 6/10/2011, TTCK Việt Nam ở ngưỡng báo động về khả năng phản ánh giá trị và cân bằng giá trị hàng hóa. Chỉ số PE trung bình ở Việt Nam chỉ còn 3-4 lần, ở mức quá thấp so với thế giới, nhưng nếu nhà đầu tư không tin tưởng, không rót vốn vào thị trường thì dù thấp, chỉ số này còn có thể thấp hơn.
Đối mặt với tâm trạng bi quan bao trùm, vẫn có những suy nghĩ lạc quan khi cho rằng, lúc mọi người ngoảnh mặt là lúc thị trường sẽ quay đầu. Như những trận đấu bò ở Tây Ban Nha, con bò khi quay lại thì rất chậm ở giai đoạn chuẩn bị, nhưng khi đã quay thì con bò tấn công rất nhanh. TTCK cũng vậy… Tất cả những gì nhà đầu tư Việt Nam lo ngại đều đúng và có lý, nhưng chưa bao giờ TTCK hoạt động đúng lý cả.
Làm thế nào để thị trường "tỉnh giấc", để "con Bò" quay đầu? Câu hỏi này đang cần nhiều hơn những tranh luận, sự quan tâm của toàn xã hội để TTCK không bị quay lưng, ngoảnh mặt một cách thái quá, như cách các sinh viên tài chính nói KHÔNG với chứng khoán nêu trên.
Phạm Oanh
đầu tư chứng khoán



Xem bài viết: Thị trường chứng khoán bao giờ “tỉnh giấc“?