Mạnh tay trị doanh nghiệp FDI xù nợ
Vừa qua nhiều địa phương đã bị ăn quả đắng khi các nhà đầu tư nước ngoài bỏ trốn, xù nợ. Theo ông Đỗ Nhất Hoàng Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KTĐT) thì khoản nợ 80 triệu USD không quá lớn nhưng cần cương quyết hơn với các DN để khoảng tối đó không lan rộng hơn.
Trách nhiệm chính là ở ngân hàng
- Thưa ông, vừa qua nổi cộm lên vấn đề nhiều nhà đầu tư Đài Loan, Hàn Quốc đã vay nợ ngân hàng Việt Nam rồi xù nợ, bỏ trốn. Trước việc này, Cục đầu tư nước ngoài và các địa phương sẽ xử lý ra sao?
Ông Đỗ Nhất Hoàng: Đầu tiên, tôi nghĩ là chúng ta phải cùng nhau rà soát, trước hết là rà soát từ phía các ngân hàng thương mại xem, các dự án này đã được cho vay với hồ sơ với điều kiện gì.
Nếu các dự án này đạt các tiêu chí chặt chẽ của pháp luật và các tiêu chí riêng của các ngân hàng để có thể cho vay được thì sau đó, chúng ta cũng phải xem các ngân hàng thương mại đã tổ chức tốt việc rà soát, theo dõi, kiểm tra hoạt động của các dự án này chưa. Sau khi cho vay rồi, các ngân hàng phải có cán bộ đảm trách việc này, nếu có dấu hiệu xấu thì phải có biện pháp xử lý ngay.
Thậm chí, nếu phát hiện mức độ khó khắc phục lớn thì phải thu hồi ngay các khoản vay này ngay, qua việc thu hồi các tài sản thế chấp. Rà soát từ phía ngân hàng là việc quan trọng đầu tiên để đưa ra các biện pháp xử lý cụ thể đối với từng trường hợp.
- Đến thời điểm này, phía tỉnh Hải Dương, Phú Thọ và các tỉnh khác đã báo cáo về việc các nhà đầu tư nước ngoài bỏ trốn xù nợ lên Cục Đầu tư nước ngoài ra sao?
Ông Đỗ Nhất Hoàng: Đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa nhận được báo cáo nào từ các địa phương về việc này. Chúng tôi đang đôn đốc các địa phương phải có báo cáo sớm.
- Với hơn 200 dự án phá sản, gần 80 triệu USD tiền nợ của các nhà đầu tư nước ngoài bỏ trốn, ông đánh giá mức độ thiệt hại ra sao?
Tôi nghĩ rằng, với con số như thế với 13.000 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký hơn 200 tỷ USD thì đó không phải là con số lớn.
Nhưng các con số đó cảnh báo cho chúng ta trong bức tranh tranh FDI, có những khoảng tối. Giờ phải làm sao để khoảng tối này không lan rộng ra, ảnh hưởng xấu môi trường đầu tư.
Trong kinh doanh, lúc làm ăn đi lên, lúc kinh doanh đi xuống là bình thường. Nhưng đối với từng trường hợp, phải có nghiên cứu cẩn trọng, xem xét đầy đủ nguyên nhân chủ quan khách quan.
Bối cảnh hiện nay, khủng hoảng tài chính bên ngoài ảnh hưởng tới chúng ta, kể cả các doanh nghiệp nước ngoài. Trong đó, những doanh nghiệp trụ vững được nhưng có những doanh nghiệp thì không chịu đựng được, do họ khó khăn ngay từ phía công ty mẹ, ảnh hưởng tới dòng tiền đổ vào công ty con. Nếu vậy, với các trường hợp này, chúng ta sẽ phải chấp nhận, chia sẻ khó khăn với họ, chứ không nên chụp mũ ngay, vì nhà đầu tư cũng có nỗ lực rồi nhưng sức có hạn, không vượt qua được.
Nhưng nếu nhà đầu tư không có năng lực, xin dự án để giữ chỗ, bán dự án thì ta phải cương quyết xử lý, lấy chỗ cho các nhà đầu tư khác có dự án năng lực.
Bên cạnh trường hợp cụ thể này, chúng ta cần phải vào cuộc, cùng các bộ ngành rà soát tất cả các dự án khác còn lại, để tìm ra nguyên nhân rồi cùng tháo gỡ.
Phạt quá nhẹ nên không đủ răn đe
- Đối với doanh nghiệp Kenmard, bỏ trốn bỏ lại khoản nợ lớn cho các ngân hàng trong nước, vậy, chúng sẽ phải giải quyết như thế nào?
Ông Đỗ Nhất Hoàng: Lật lại hồ sơ, nếu có gian dối từ đầu thì phải cương quyết để làm gương cho các nhà đầu tư khác. Tất cả mọi ứng xử phải căn cứ trên pháp luật, thậm chí đủ điều kiện có dấu hiệu lừa đảo, gian dối thì có thể tố cáo, truy tố hình sự. Nếu chủ quan, do họ tính toán không kỹ, non nớt thì cũng có thể chỉ xử lý dân sự, phạt hành chính.
Nhưng qua đây cũng phải nói rằng, chế tài của chúng ta quá kém, bị giới hạn bởi trần về xử phạt vi phạm hành chính. Các khoản phạt vài ba triệu đồng đến 70 triệu đồng tối đa thì không có ý nghĩa, không có tính răn đe với các doanh nghiệp vốn 30 - 50 triệu USD. Mức xử phạt phải nặng hơn.
Tuy nhiên, không phải cứ xử phạt là đã tốt nhưng dù sao, xử phạt nặng sẽ giúp giảm đi các nhà đầu tư không lành mạnh. Vì rõ ràng, cũng có những nhà đầu tư lợi dụng cơ chế thông thoáng, đơn giản hóa thủ tục của ta để trục lợi.
- Các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam vay vốn để làm dự án với số tiền nhiều hơn là số vốn thực tế chuyển từ bên ngoài vào. Điều này sẽ mất đi ý nghĩa thu hút FDI, gia tăng nguồn lực cho Việt Nam. Ông đánh giá ra sao về việc này?
Ông Đỗ Nhất Hoàng: Luật của ta qui định không kể nhà đầu tư trong nước, nước ngoài được bình đẳng đến ngân hàng vay vốn. Các ngân hàng sẽ căn cứ tiêu chí, cảm thấy dự án nào yên tâm được thì cho vay. Vấn đề chính ở đây là các dự án phải đảm bảo hiệu quả, các ngân hàng thương mại phải xem xét kỹ càng khi cho vay.
Tôi nghĩ các nhà đầu tư vào đây vay vốn chủ yếu trong nước thì chủ yếu là bất động sản. 2 năm trở lại đây, chúng ta đã siết chặt lại, số dự án vào bất động sản đã giảm đi, giảm thiểu dự án lớn vốn ảo, nhà đầu tư không có năng lực.
Tôi tin rằng phải làm cương quyết hơn thì sẽ làm lành mạnh hơn môi trường đầu tư.
Khó đủ sức thẩm định năng lực tài chính dự án
- Qua câu chuyện này, chúng ta rút ra bài học ở khâu thẩm định cấp phép các dự án này?
Ông Đỗ Nhất Hoàng: Đối với các dự án đầu tư nước ngoài nói chung, trước đây, pháp luật đầu tư có qui định nội dung thẩm định với 2 việc quan trọng là thẩm tra hiệu quả dự án và năng lực tài chính của nhà đầu tư. Nhưng năm 2005, Luật Đầu tư ra đời áp dụng chung cho cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, do sức ép đơn giản hóa thủ tục hành chính, chúng ta đã giảm thiểu các nội dung thẩm định, chuyển thành thẩm tra. Theo đó, chúng ta chỉ thẩm tra 4 nội dung thôi: qui hoạch, nhu cầu sử dụng đất, tiến độ và môi trường.
Bỏ bớt 2 nội dung trên là vì chúng ta quan niệm rằng, hiệu quả dự án là việc tất yêu của nhà đầu tư phải đảm bảo, tự đánh giá được hiệu quả thì họ mới quyết định đầu tư, trừ trường hợp hãn hữu, đặc biệt, không hiệu quả mà vẫn đầu tư. Điểm thứ hai là năng lực tài chính, cũng có khó khăn ở chỗ thời gian quá ngắn.
Với qui trình đơn giản hóa thủ tục đầu tư tại thời điểm đó, đăng ký đầu tư tối đa 15 ngày, thẩm tra chỉ có 30 ngày, trường hợp đặc biệt mới là 45 ngày. Với khoảng thời gian ngắn đó, còn phải gửi hồ sơ các bộ ngành cho ý kiến mà đòi hỏi thẩm tra năng lực nhà đầu tư là quá khó khăn. Chưa kể trường hợp những nhà đầu tư cố tình lừa mình, đưa ra bộ hồ sơ đẹp, thông tin đẹp mà mình không có điều kiện kiểm tra, họ ở nước ngoài, làm sao mà chúng ta bay sang đó để kiểm tra tận mắt được mà hệ thống của chúng ta vươn ra ngoài lại chưa hoàn chỉnh.
Nếu dồn tất cả các nội dung thẩm tra hiệu quả, năng lực nhà đầu tư vào khâu tiền kiểm là rất khó nên tư duy của Luật Đầu tư 2005 là hậu kiểm, bỏ kiểm tra năng lực tài chính nhà đầu tư lúc đầu sang hậu kiểm về sau.
Trong hồ sơ xin cấp phép đầu tư dự án, chúng ta có qui định giải trình về năng lực tài chính nhưng trong nội dung thẩm tra thì không có điểm này. Bù lại, chúng ta qui định cụ thể về tiến độ dự án trong giấy chứng nhận đầu tư. Các cơ quan quản lý căn cứ vào đây, bám sát để kiểm tra, theo dõi tiến độ dự án.
Nếu nhà đầu tư không có khả năng triển khai, chúng ta có cơ chế để giãn hoãn, ví dụ như chậm 12 tháng sau khi cấp phép mà không triển khai, hoặc so với tiến độ cấp phép mà không có lý do chính đáng thì ta có quyền thu hồi giấy phép. Qui định về quyền sử dụng đất cũng vậy.
Câu chuyện ở đây là, các cơ quan này có bám sát hoạt động của các dự án đó hay không. Và khi bám sát rồi thì lý do chậm triển khai, ngừng, giãn tiến độ có hợp lý không? Tôi cho rằng, các cơ quan địa phương, có thẩm quyền phải nắm bắt việc này, nếu không đáp ứng thì phải cương quyết thu hồi. Vừa qua, tôi cho là chúng ta chưa cương quyết.
Các cơ quan quản lý địa phương cần phải kiên quyết hơn, sâu sát hơn trong việc theo dõi các dự án đầu tư, đừng để sự việc đi quá xa rồi, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư chung.
- Thưa ông, liệu đây có phải là một bài học về mặt trái của cơ chế phân cấp đầu tư?
Ông Đỗ Nhất Hoàng: Tôi nghĩ rằng, phân cấp là chủ trương hoàn toàn đúng. Nhưng đi kèm phân cấp là phải có qui hoạch rõ ràng, luật pháp rõ ràng, đồng bộ, đồng thời, phải có nâng cao năng lực địa phương được phân cấp, cụ thể các cơ quan cán bộ, rồi phải có sự phối hợp các bộ ngành cơ quan trung ương địa phương, chuyên ngành và quản lý, rồi thanh tra, kiểm tra thường xuyên.
Nếu làm tốt những việc này thì mục tiêu của cơ chế phân cấp sẽ hoàn thành tốt hơn.
Phạm Huyền (thực hiện)
diễn đàn kinh tế việt nam



Xem bài viết: Mạnh tay trị doanh nghiệp FDI xù nợ