Tái cấu trúc và lực cản nhóm lợi ích
Dù được tiếng là đã được giới làm chính sách VN "cày xới" nát thế nhưng, tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam, dự kiến sẽ khởi động trong 3 tháng nữa, có vẻ vẫn chưa thật thành hình.
Tăng trưởng vượt quá mức tiềm năng
Được xếp vào danh sách các quốc gia giàu tiềm năng, thế nhưng với mức tăng trưởng 6-8%/năm như vài năm qua, theo tính toán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch UB Giám sát tài chính quốc gia, Việt Nam đã tăng trưởng vượt quá mức tiềm năng. Có năm mức tăng trưởng tiềm năng của Việt Nam chỉ ở 3,85% (năm 2008 - theo IMF). Tại sao một nền kinh tế như Việt Nam lại có tiềm năng tăng trưởng thấp như thế, ông Nghĩa nêu câu hỏi rồi tự trả lời: Điều đó chỉ có thể là do nền kinh tế của chúng ta có quá nhiều bệnh tật.
TS Nguyễn Quang Thái chỉ ra năm mất cân đối lớn của nền kinh tế:
(1) Cân đối tích lũy và đầu tư (S-I), khi tích lũy dưới 30% GDP, nhưng đầu tư trên 40% GDP gây ra tình trạng vay nợ cả của khu vực Nhà nước và tư nhân khá nặng nề. Thâm hụt ngân sách và thâm hụt thương mại cũng do đó mà ra, nhưng nay đã đến quá mức.
(2) Cân đối thu chi ngân sách, quá lớn về quy mô và thâm hụt lớn. Không những thu ngân sách qua cân đối đã cao, mà tính toàn bộ các nguồn để chi tiêu thì ngân sách hiện đã chi quá lớn, với hơn 40% GDP hằng năm. Lại thêm cơ chế phân cấp và tình trạng quan liêu, tham nhũng nên nguồn sự không được phân bố có hiệu quả cao;
(3) Cân đối xuất nhập khẩu: dù xuất khẩu tăng nhanh, nhưng nhập siêu quá lớn. Hơn nữa, quy mô nhập siêu từ mọi nguồn đã tăng lên hơn 10% GDP. Nhiều khi để đẩy mạnh xuất khẩu đã phải tăng nhập khẩu, gây mất cân đối trong nền kinh tế. Các dự án EPC (chìa khóa trao tay cũng được coi là tác nhân thúc đảy nhập siêu). Tình trạng "gửi giá" của một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI cũng không loại trừ đang gây bức xúc lớn, khi 50% doanh nghiệp FDI "lỗ" kéo dài, nhưng vẫn đẩy mạnh đầu tư mở rộng!
(4) Cân đối hàng - tiền, khi tổng phương tiện thanh toán được tung ra quá lớn (nhất là sau những biện pháp trợ giá và tín dụng ưu đãi lớn). Hầu hết các dự án được hỗ trợ tín dụng dễ dãi, nhưng cũng hàng với chất lượng thấp và giá thành cao, càng gây mất cân đối. Tình trạng chỉ số giá sản xuất PPI tăng nhanh hơn chỉ số giá tiêu dùng CPI do các yếu tố tác động cũng đang gây ra các tác động "trễ" khoảng 6 tháng, khó kiểm soát;
(5) Cân đối toàn bộ quá trình tái sản xuất, trong việc tăng tiêu hao vật chất như đã nêu, nhập siêu, tích lũy quá mức, tiêu dùng của Chính phủ và nhân dân còn nhiều lãng phí, chưa tương xứng với khả năng của nền kinh tế.
Trong khi đó, theo TS Nguyễn Đình Cung, tư duy, thể chế, công cụ, và cách thức quản lý, điều hành nền kinh tế không còn phù hợp, không khắc phục được những điểm yếu về cơ cấu, điểm nghẽn của nền kinh tế, mà trái lại, làm trầm trọng thêm các yếu kém của bản thân nền kinh tế.
Các yếu kém về mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, mang yếu tố tận khai kéo dài, sự mở rộng liên tục của tiền tệ và tài khoá cộng với điều hành đan xen, quyện lẫn, tác động lẫn nhau trong thời gian dài tạo nên thực trạng kinh tế VN hiện nay.
Nếu không tiến hành tái cơ cấu và đổi mới mang tính tổng thể thì không thể phá vỡ được sự trì trệ" đang níu kéo hệ thống cũ với thể chế kinh tế còn mang đặc trưng của quá trình chuyển đổi có phần sơ khai ban đầu, chủ yếu là tháo bỏ quy chế (de-regulation) chứ chưa phải là xây dựng thể chế mới với cả những thói quen tiêu xài, kinh doanh và quản lý mới đổi mới từng mảng, có phần chắp vá, có tác dụng ít nhiều một thời, nhưng không phù hợp với tính chất cạnh tranh ngày càng gay gắt của một nền kinh tế đang rộng mở trong thời đại toàn cầu hóa và kinh tế tri thức, TS Thái nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia kinh tế, tái cấu trúc là vấn đề sống còn của nền kinh tế hiện nay, khi cái giá cho tăng trưởng ngày một tăng, áp lực lạm phát ngày càng lớn, DN và người dân gặp khó, lòng tin của người dân giảm sút.
Bắt đầu từ đâu?
Dù được tiếng là đã được giới làm chính sách VN "cày xới" nát qua các hội nghị, hội thảo, các buổi nói chuyện chuyên đề, cả ở trung ương và địa phương, đến mức, mỗi lần trình bày, các tác giả của đề án luôn phải cố "làm mới những điều đã cũ" (lời TS Nguyễn Đình Cung) thế nhưng, tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam, dự kiến sẽ khởi động trong 3 tháng nữa, có vẻ vẫn chưa thật thành hình. Tái cấu trúc bắt đầu từ đâu vẫn là câu hỏi để ngỏ, bởi quyền quyết định không nằm trong tay những người xây dựng đề án.
"Đổi mới bắt đầu từ đâu ư? Từ đầu! ông Võ Đại Lược đùa. Từ đầu ở đây, theo ông, không có nghĩa cực đoan là phá bỏ toàn bộ cái hiện nay để xây mới, mà trên cái nền hiện nay, để sửa đổi. Nó có nghĩa là phải bắt đầu từ cái đầu chịu suy nghĩ khác, tư duy khác về phát triển. Đồng thời, vấn đề là phải từ những người cao nhất, chịu lắng nghe, dám quyết định và quyết tâm làm đến cùng.
Điều khiến giới tư vấn chính sách băn khoăn là chúng ta đã có được sự thống nhất trong nhận thức về tái cấu trúc kinh tế chưa.
Nguyên ủy viên Bộ Chính trị Phan Diễn cho rằng, phải nhìn rõ được thực trạng tình hình, cũng như khả năng điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, đi sâu phân tích nguyên nhân, kể cả việc có hay không các nhóm lợi ích chi phối. Đồng thời, cũng cần chỉ ra, cơ hội trong khó khăn hiện nay là gì?
Tái cấu trúc kinh tế, theo ông Nguyễn Đình Cung, về bản chất là thay đổi thể chế, cơ chế, công cụ phân bố, quản lý và sử dụng nguồn lực quốc gia, nhất lf vốn đầu tư, nhằm từng bước và liên tục nâng hiệu quả sử dụng nguồn lực, nâng cao năng suất. Kết quả là hình thành một cơ cấu kinh tế phù hợp hơn, hiệu quả hơn. Đó là một nội dung cơ bản của chuyển đổ mô hình tăng trưởng, thay đổi động lực tăng trưởng kinh tế từ việc dựa vào quy mô các yếu tố đầu vào sang dựa vào hiệu quả, tăng năng suất lao động và năng suất các yếu tố tổng hợp.
Với Việt Nam lúc này, đòi hỏi một cuộc đổi mới kinh tế mang tính cách mạng cấp thiết không kém so với tình hình năm 1986, các chuyên gia kinh tế thống nhất với nhau về nhận định ấy. Đáng tiếc, theo bà Phạm Chi Lan, không phải ai cũng đồng thuận được điều đó, nhất là các nhóm lợi ích, bộ phận đang giữ phần quyền và lực lớn nhất, quyết định quá trình tái cấu trúc. Bởi quá trình tái cấu trúc phải là quá trình cải cách vì lợi ích chung, không phải cho vài đại gia hưởng lợi.
Lực cản ấy, liệu cả hệ thống chính trị có đủ quyết tâm và ý chí để vượt qua, ngăn chặn bàn tay các nhóm lợi ích chống lại quá trình đổi mới?
Hoàng Phương Loan
Tuần Việt Nam



Xem bài viết: Tái cấu trúc và lực cản nhóm lợi ích