Threaded View
-
05-10-2011 06:37 AM #1
Platinum Member- Ngày tham gia
- Jun 2011
- Bài viết
- 59,568
- Được cám ơn 1,465 lần trong 1,303 bài gởi
Nợ công tăng, khả năng trả nợ giảm
Nợ công tăng, khả năng trả nợ giảm
Mặc dù số liệu về nợ công của Việt Nam còn có nhiều thống kê khác nhau, nhưng theo ông Nguyễn Tiến Phong, chuyên gia về giảm nghèo của Liên hiệp quốc tại Việt Nam, khoản vay một USD cũng có thể coi là nhiều và là nợ xấu, nếu đồng vốn đó không được sử dụng hiệu quả.
Khoản vay một USD cũng có thể coi là nhiều và là nợ xấu, nếu đồng vốn đó không được sử dụng hiệu quả.
Còn theo đánh giá của ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (UBGSTCQG), cả ba tỷ lệ nợ công/GDP; nợ công/tổng thu ngân sách Nhà nước; nợ nước ngoài/tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam đều ở mức cao, đánh giá khả năng thanh toán của Việt Nam đang giảm dần.
Nợ công có thể trên 70% GDP
Theo số liệu tổng hợp từ báo cáo của bộ Tài chính và ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỷ lệ nợ công/GDP theo cách tính của bộ Tài chính là 56,6% GDP, tương đương 1.103 nghìn tỷ đồng, trong đó nợ nước ngoài chiếm 42,2% GDP, nợ công nước ngoài đạt 30,5% GDP vào năm 2010.
Tuy nhiên, theo UBGSTCQG, cách tính nợ công phải bao gồm cả các khoản tự vay tự trả của các tổng công ty, tập đoàn Nhà nước mà Chính phủ cũng cần có nghĩa vụ trả nợ dự phòng và các khoản nợ lương hưu tiềm ẩn. Và theo cách tính này, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam khoảng 75 – 80%, lớn hơn nhiều so với cách hạch toán truyền thống của bộ Tài chính. Cơ quan này giả định, mức tăng trưởng GDP bình quân mỗi năm là 7%/năm cho giai đoạn 2011 – 2020, nếu thâm hụt ngân sách Nhà nước (NSNN) vẫn giữ ở mức bình quân 5,6% GDP/năm như giai đoạn 2006 – 2010 thì nợ công của Việt Nam sẽ vào khoảng 70,8% GDP vào năm 2020; 75,5% GDP vào năm 2025 và 78,1% GDP vào năm 2030.
Khả năng thanh toán nợ của Việt Nam được UBGSTCQG đánh giá theo những chỉ tiêu: quy mô của khoản nợ so với GDP; quy mô khoản nợ so với tổng thu NSNN và so với tổng giá trị xuất khẩu – cho thấy đều đang giảm dần. Cụ thể, nếu xét theo chỉ tiêu quy mô của khoản nợ so với GDP thì khả năng thanh toán nợ của Việt Nam đang giảm rất nhanh kể từ năm 2008. So với tổng thu NSNN, năm 2010, tổng nợ công gấp gần hai lần (chưa bao gồm nghĩa vụ trả nợ dự phòng – cho các DNNN). Còn tỷ lệ nợ công nước ngoài với tổng giá trị xuất khẩu được tính xấp xỉ khoảng 44%.
Theo số liệu tổng hợp từ UBGSTCQG, ước tính đến hết năm 2009, chỉ tính riêng tổng dư nợ nội địa của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước là trên 300.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 22% GDP của năm 2009. Báo cáo điểm lại của Ngân hàng Thế giới (WB), đến cuối năm 2010, khoản nợ được gọi là nghĩa vụ dự phòng của Chính phủ cho khu vực doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) còn lớn hơn nhiều, lên đến 36,2% GDP – một con số rất lớn phải lưu tâm!
Tính thanh khoản nợ công của Việt Nam, theo UBGSTCQG hiện vẫn khá tốt vì các khoản vay dài hạn với lãi suất thấp chiếm tới 80% (nghĩa vụ trả nợ đến năm 2013 chiếm khoảng 10% dự trữ ngoại hối quốc gia và nợ nước ngoài chiếm 20% dự trữ ngoại hối hiện nay). Mặc dù vậy, nợ công của Việt Nam vẫn có thể xảy ra những rủi ro về tính thanh khoản, khi thời hạn trả nợ bị xáo trộn (khoản nợ từ trung hạn và dài hạn có thể chuyển thành ngắn hạn – trong trường hợp các chủ nợ gặp khó khăn hay khủng hoảng kinh tế trong nước). Đặc biệt, cơ quan giám sát bày tỏ e ngại rủi ro về tính thanh khoản của những khoản nợ nước ngoài trong ngắn hạn khi tỷ lệ dự trữ ngoại hối của Việt Nam/tổng dư nợ ngắn hạn đã và đang sụt giảm với tốc độ rất nhanh, từ mức 100 lần năm 2007 xuống còn 28 lần vào năm 2008, còn 3 lần vào năm 2009 và chỉ còn gấp khoảng 2 lần trong năm 2010.
Bên cạnh đó, nghĩa vụ trả nợ nội địa trong ba năm tới được ước tính trên số lượng trái phiếu Chính phủ đã phát hành và sẽ đáo hạn trong vòng 3 năm tới, ước khoảng 215.000 tỷ đồng, tương đương 20% dự toán thu NSNN của thời điểm đó (2014). “Con số này khá lớn và ảnh hưởng không nhỏ đến chính sách tài khóa, lạm phát và các chính sách liên quan của Việt Nam trong giai đoạn tới”, đại diện lãnh đạo UBGSTCQG nhận định.
Đầu tư nhiều, tăng trưởng giảm, lạm phát tăng
Mặc dù số liệu về nợ công của Việt Nam còn có nhiều thống kê khác nhau, nhưng theo ông Nguyễn Tiến Phong (chuyên gia về giảm nghèo của Liên hiệp quốc tại Việt Nam), khoản vay một USD cũng có thể coi là nhiều và là nợ xấu, nếu đồng vốn đó không được sử dụng hiệu quả. Trong khi đó, tại Việt Nam, chất lượng đầu tư, đặc biệt là đầu tư công luôn là một thách thức. “Với Việt Nam, nợ công, bất kể là bao nhiêu, cũng tiềm ẩn rủi ro thanh khoản. Và khi nợ công vượt 50% GDP, thì đó là con số rất đáng lo ngại”, ông Phong nhận xét.
“Tăng trưởng dựa vào vốn “dễ” đã để lại những hệ lụy tiêu cực cho nền kinh tế. Trong năm năm qua, chúng ta đầu tư càng nhiều, tốc độ tăng trưởng càng giảm, lạm phát càng tăng”, viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên lo lắng. “Đầu tư không ngừng gia tăng – nghĩa là khoản nợ cũng gia tăng – đe dọa an toàn nền tài chính quốc gia, trong khi nền kinh tế vẫn phải nhận một cái giá rất đắt”, ông Thiên nhấn mạnh.
Giai đoạn 1996 – 2000, tốc độ tăng vốn đầu tư chưa đầy 12%, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình là 6,9%, lạm phát trung bình chỉ ở mức 3,4%. Giai đoạn 2001 – 2005, tốc độ tăng vốn đầu tư ở mức 14%, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,54%, lạm phát tăng là 5,1%. Giai đoạn 2006 – 2010, tốc độ tăng vốn đầu tư lên mức 15,4%, tốc độ tăng trưởng trung bình chỉ còn 7,02%, lạm phát vọt lên 11,4%. (theo ông Trần Đình Thiên)
Những lo ngại không chỉ dừng ở nợ công, mà còn mở rộng ra với những nợ khu vực tín dụng của các doanh nghiệp. Theo tổ chức nghiên cứu kinh tế (EIU), tỷ lệ tín dụng nội địa trên GDP tăng gấp 3 lần từ mức 35,2% năm 2000 lên mức 94,4% vào năm 2008. Còn theo số liệu của WB, tỷ lệ này đã lên đến 125% vào năm 2010. Cùng với đó, báo cáo của UNDP cũng chỉ ra những rủi ro không nhỏ trong tình hình nợ này, như: sử dụng đòn bẩy thái quá ứng với vốn chủ sở hữu không đủ tạo thành những mức nợ thiếu bền vững (giá trị tài sản thế chấp của các doanh nghiệp thường bị thổi phồng để đáp ứng nhu cầu vay mượn, đặc biệt là khối DNNN); tình trạng dễ tổn thương trước nguồn vốn nóng (năm 2007 hàng trăm nghìn tỷ đồng – tương ứng 10% GDP đã được phát hành để trung hòa các dòng vốn bằng ngoại tệ ồ ạt chảy vào – làm lạm phát năm 2008 lên kỷ lục); thị trường tài sản bùng phát, làm gia tăng tiêu xài tài sản xa xỉ khiến thâm hụt thương mại gia tăng; dựa vào nguồn vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn (do tín dụng nội địa chủ yếu trông cậy vào khu vực ngân hàng trong khi thị trường các công ty niêm yết và trái phiếu còn nhỏ bé)…
Thảo Nguyễn
Sài gòn tiếp thị
Xem bài viết: Nợ công tăng, khả năng trả nợ giảm
Thông tin của chủ đề
Users Browsing this Thread
Có 1 thành viên đang xem chủ đề này. (0 thành viên và 1 khách vãng lai)
Similar Threads
-
Báo cáo nội bộ Ngân hàng đánh giá khả năng giảm lãi suất
By chan_lon_choi_co_canh in forum BlogTrả lời: 0Bài viết cuối: 22-08-2011, 09:37 PM -
Sẽ công bố DN niêm yết có khả năng phá sản
By tintucsukien in forum Thảo luận Tình hìnhTrả lời: 3Bài viết cuối: 18-07-2011, 07:26 AM -
những cp có khả năng giảm mạnh trong vài ngày tới!
By chungkhoanchomoinguoi in forum Nhận định Thị trườngTrả lời: 0Bài viết cuối: 11-08-2010, 11:53 PM -
Có khả năng giảm LSCB
By huyhoangvtu in forum Nhận định Thị trườngTrả lời: 1Bài viết cuối: 24-01-2010, 09:23 AM -
SDY: Tăng vốn 1:1 (khả năng chia thưởng 2:1, phát hành 2:1), EPS quý 3 ~ 9k
By duonghn279 in forum Công ty chiến ở HNXTrả lời: 369Bài viết cuối: 05-11-2009, 07:56 PM
Bookmarks