THV: Quyết tăng vốn dù cổ phiếu giá “bèo”

Giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu ra công chúng vừa được cấp cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam (HNX: THV). Chưa rõ đợt phát hành thêm có thành công hay không, nhưng chí ít THV đã “thắng” trong việc trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu ra công chúng số 99/GCN-UBCK ngày 30/9 đã đồng ý với phương án phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn của THV như Nghị quyết đại hội cổ đông phê chuẩn. Theo đó THV sẽ phát hành thêm làm hai đợt. Đợt một bao gồm 2,75 triệu cổ phiếu trả cổ tức 5%. Chào bán cho cổ đông hiện hữu 27,5 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tỉ lệ 2:1. Phát hành cho người lao động 2,75 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng. Đợt hai THV sẽ đấu giá tại HNX 12 triệu cổ phần với giá khởi điểm 10.000 đồng.
Phương án phát hành của THV đã từng được giới đầu tư chú ý bằng một sáng kiến chưa từng có tiền lệ của đơn vị tư vấn: bảo lãnh với giá tối thiểu bằng mệnh giá, cộng thêm phần lãi suất theo thời gian “đọng vốn” từ ngày cổ đông phải nộp tiền mua đến ngày cổ phiếu phát hành thêm lên sàn.
Phương án này đã được phân tích là “rắc rối” không cần thiết và có nhiều điểm thiếu chặt chẽ, có thể khiến nhà đầu tư bị thiệt. Sau đó Hội đồng quản trị THV đã quyết định không lựa chọn phương án bảo lãnh nêu trên.
Mặc dù thất bại nhưng phương án bảo lãnh đó xuất phát từ mối lo thực tế: Thị giá của THV trên sàn đang thấp hơn mệnh giá. Do đó việc bán cổ phiếu bằng mệnh giá chắc chắn thất bại. Vậy với mức giá đóng cửa ngày 4/10/2011 chỉ ở mức 5.800 đồng/cổ phiếu, liệu THV có phát hành thành công?
Trước hết, THV chắc chắn sẽ “thắng lớn” với đợt trả cổ tức bằng cổ phiếu. Chắc chắn doanh nghiệp sẽ phát hành thêm thành công 2,75 triệu cổ phiếu vì cổ tức thì đương nhiên cổ đông phải nhận. Nếu trả cổ tức bằng tiền mặt, THV sẽ hấp dẫn hơn một chút với tỉ suất cổ tức trên thị giá vào khoảng 8,6%.
Vấn đề còn lại nằm ở chỗ nếu thị giá của THV không cao hơn mệnh giá, liệu doanh nghiệp có phát hành thêm được khối lượng cổ phiếu còn lại hay không. Thông tin về kế hoạch bảo lãnh phát hành đối với THV trước đây đã góp phần kéo giá cổ phiếu này tăng trần được hai phiên liên tục và lên sát mệnh giá. Tuy nhiên sau đó, cùng với việc hủy bỏ kế hoạch bảo lãnh, giá THV đã giảm mạnh trở lại.
Tăng vốn bằng lợi nhuận để lại trong khi không thu hút thêm được vốn mới là “cực chẳng đã”, nhất là khi mức vốn cần huy động lên tới trên 400 tỷ đồng. Theo thông tin từ THV, công ty sẽ hoàn tất đợt tăng vốn trong tháng 11 tới. Như vậy, còn hơn một tháng nữa để THV chào bán với giá 10.000 đồng/cổ phiếu trong khi thị giá hiện tại chỉ là 5.800 đồng/cổ phiếu.
Dĩ nhiên với mức giá quá chênh lệch như trên, chắc chắn không có nhà đầu tư bình thường nào lại chịu bỏ ra 10.000 đồng để mua một cổ phiếu, trong khi chi phí thực chỉ bằng một nửa. Chỉ có những nhà đầu tư thực sự cần mua một khối lượng cực lớn mới chọn hình thức đấu giá để khỏi ảnh hưởng đến giá cổ phiếu này trên sàn. Nếu THV trên sàn không có chuyển biến trong vòng một tháng tới, khả năng cổ đông và người lao động từ chối quyền là cao, dù cổ phiếu này sẽ không bị điều chỉnh giá tại ngày giao dịch không hưởng quyền.
“Khởi động” cho quá trình này là thông tin Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc THV đăng ký mua 6,1 triệu cổ phiếu, từ ngày 26/9 đến 30/11. Khối lượng đăng ký mua nói trên là tương đối lớn, gấp khoảng 6 lần mức giao dịch bình quân 20 phiên gần nhất của THV.
Kế hoạch phát hành của THV thực chất cũng đã có bước “dự phòng”. Với triển vọng cổ đông từ chối quyền cao, THV sẽ đem số cổ phiếu không phát hành hết trong đợt một ra đấu giá cùng với 12 triệu cổ phiếu phát hành thêm đợt hai. Một lãnh đạo THV phát biểu trên báo chí cho biết phương án phát hành đã nhận được sự ủng hộ của cổ đông hiệu hữu cũng như một số nhà đầu tư lớn.
Như vậy biết đâu THV lại có màn lội ngược dòng ngoạn mục khi bán hết được số cổ phiếu ế (trong trường hợp thị giá vẫn thấp hơn mệnh giá). Thực ra cổ đông nội bộ của THV cũng đã sở hữu một lượng lớn cổ phiếu. Đơn cử như Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc đang sở hữu khoảng 22,75 triệu cổ phiếu. Nếu đại diện này mua đủ số đã đăng ký, khối lượng sở hữu sẽ lên tới gần 28,86 triệu cổ phiếu, chiếm 52,47% vốn của THV.
Đợt đăng ký mua cổ phiếu phát hành thêm sẽ là cơ hội để những người lèo lái THV chứng tỏ sự gắn bó với doanh nghiệp. Là những người nắm quyền biểu quyết chính, việc bỏ phiếu thông qua kế hoạch phát hành thêm trong bối cảnh cổ phiếu giao dịch với giá “bèo”, cũng đồng nghĩa với cam kết lâu dài. Hi vọng THV sẽ không lặp lại kịch bản đáng buồn của DTA: Chỉ có duy nhất một nhà đầu tư bình thường đăng ký mua 100 cổ phiếu trong đống 5,5 triệu cổ phiếu phát hành thêm, trong khi cả bộ lãnh đạo doanh nghiệp này đều “chạy làng”.
Nếu cổ đông nội bộ, cổ đông lớn của THV chấp nhận mua ở một mức giá cao hơn nhiều giá đang giao dịch, biết đâu THV lại có thêm động lực?
Khánh Hà
TBKTVN



Xem bài viết: THV: Quyết tăng vốn dù cổ phiếu giá “bèo”