Thu hút vốn ngoại: Hãy tiếp tục cổ phần hóa
Trái ngược với chuỗi bán ròng mạnh mẽ của khối NĐT nước ngoài đang diễn ra, ông Michael Kokalari, Trưởng bộ phận nghiên cứu của CTCK KimEng (KEVS) vẫn đánh giá TTCK Việt Nam đang dành được mối quan tâm khá lớn từ các NĐT quốc tế.
Thị trường đã phục hồi khá bất ngờ nhưng hiện đã bước sang trạng thái hoài nghi. Ông bình luận ra sao về hướng đi thị trường sắp tới?
Để nhận biết xu hướng thị trường từ nay đến cuối năm, chúng ta nên đánh giá lại nguyên nhân của đợt phục hồi vừa qua. Có nhiều lý giải nhưng theo tôi, sự kỳ vọng mặt bằng lãi suất giảm mạnh đã hỗ trợ thị trường. Ban đầu, thị trường phục hồi trong hoài nghi từ nhóm NĐT chịu được rủi ro cao đánh cược với thông điệp hạ lãi suất của tân Thống đốc NHNN. Một thời gian sau đó, NĐT bỗng nhận thấy trong thực tế, rất khó để mặt bằng lãi suất giảm mạnh. Sự điều chỉnh tất yếu xảy ra khi thị trường chưa tìm ra câu chuyện mới hơn.
Khi lãi suất chưa thể giảm mạnh về mặt bằng hợp lý thì thị trường sẽ đi ngang từ nay đến cuối năm. Chúng ta có thể sẽ chứng kiến sự biến động của thị trường theo hình răng cưa trong khoảng từ 400 - 460 điểm. Nhưng năm 2012, thị trường sẽ có phục hồi khá khi lạm phát được kiểm soát tốt hơn.
Được biết, đầu tháng 9 vừa qua, KEVS đã tổ chức cho một đoàn gồm các định chế tài chính lớn, quy mô tài sản lên tới hàng trăm tỷ USD đến thăm và tìm cơ hội ở TTCK Việt Nam. Ông có thể hé lộ một vài thông tin về chuyến thăm này?
Tôi có thể xác nhận về sự kiện trên. Nhưng về nguyên tắc, tôi không thể tiết lộ danh tính khách hàng của mình cũng như bình luận về các con số. Tuy nhiên tôi chia sẻ về mối quan tâm rất thật từ bên ngoài với các TTCK mới nổi trong đó có Việt Nam. Chẳng hạn, khi biết tôi làm việc ở đây, rất nhiều người quen và định chế tài chính từ Mỹ đã hỏi về cơ hội đầu tư tại đất nước các bạn. Hiện nay, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tại Mỹ là 2%/năm và trong xu hướng tiếp tục giảm, có thể xuống 1,6%/năm. Điều tương tự xảy ra ở nhiều nơi khác trên thế giới. Vì vậy xu hướng chung của nguồn tiền nhàn rỗi là đi tìm cơ hội sinh lợi tối ưu hơn ở nơi khác. Các thị trường mới nổi như Việt Nam lọt vào tầm ngắm.
Sự quan tâm với Việt Nam đến từ đâu?
Với các NĐT dài hạn, câu chuyện về tiềm năng tăng trưởng, cơ cấu dân số vàng của Việt Nam vẫn còn nguyên sức hấp dẫn, bất chấp một vài mất cân đối về kinh tế vĩ mô hiện tại. Về các chỉ số định giá, chứng khoán Việt Nam đang ở mức hấp dẫn nhất thế giới. Tôi vừa phát hiện ra một cổ phiếu ngành năng lượng, tăng trưởng lợi nhuận cực kỳ ấn tượng nhưng được giao dịch với P/E = 3. Một số công ty cùng ngành, cùng tốc độ tăng trưởng trong khu vực được giao dịch với P/E = 15.
NĐT nội địa có thể kỳ vọng vào làn sóng NĐT nước ngoài xuất hiện thời gian tới không, thưa ông?
Chưa nên. Thành thực mà nói, trong số các thị trường mới nổi, tôi không nghĩ dòng vốn quốc tế chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên. Lý do là với những vị khách chưa tới Việt Nam, các thị trường như Brazin hay Thái Lan vẫn có vẻ thân thiện hơn. Điều này có thể có lý do từ lịch sử, văn hóa và địa lý. Với các định chế tài chính lớn, điều này không thành vấn đề khi họ có phân tích và tìm hiểu kỹ lưỡng về TTCK Việt Nam. Nhưng hiện tại, dù hứng thú, họ vẫn vấp phải trở ngại lớn khi thị trường không có nhiều hàng hóa chất lượng như cổ phiếu Vinamilk để chọn lựa.
Phải làm gì để thúc đẩy sự quan tâm đã có thành hành động cụ thể?
Cổ phần hóa các DNNN với mức giá hợp lý để thu hút sự tham gia của các NĐT quốc tế. Sau khi IPO, sớm đưa các doanh nghiệp lớn lên niêm yết để tăng quy mô và thanh khoản cho thị trường. Với quy mô thị trường hiện nay, làm sao một quỹ đầu tư quản lý tài sản 100 tỷ USD dám mạo hiểm dành dù chỉ 1% giải ngân vào thị trường?
Bên cạnh đó, cần nâng cao sự minh bạch của thị trường trong công tác công bố thông tin, kế toán và kiểm toán. Việc cải cách thủ tục mở tài khoản với NĐT nước ngoài và chu kỳ thanh toán phù hợp với thông lệ quốc tế cũng cần gấp rút thực hiện. Tôi không phụ trách trực tiếp với bộ phận môi giới nhưng nghe nhiều đồng hương phàn nàn về thủ tục xin cấp mã số giao dịch (trading code). Với chu kỳ thanh toán, các NĐT nước ngoài phần lớn đầu tư dài hạn nên không quan tâm lắm đến việc mua cổ phiếu 4 ngày sau mới có thể bán. Tuy nhiên, biểu hiện này dễ khiến các NĐT quan tâm đến TTCK Việt Nam liên tưởng đến một thị trường tụt hậu và trì trệ. Khi có nhiều cơ hội ở nơi khác vẫy gọi, họ có thể bỏ qua Việt Nam.
Áp lực thoái vốn của các quỹ đầu tư nước ngoài tới hạn đang đè nặng lên tâm lý nhiều NĐT nội địa. Ông chia sẻ gì về thử thách này?
Làn sóng đầu tư gián tiếp vào Việt Nam diễn ra lần gần nhất vào năm 2006- 2007. Thời điểm đó, cái tên Việt Nam quá nóng nên các NĐT quốc tế không có thời gian chọn lựa, tìm hiểu kỹ các cổ phiếu niêm yết. Vài năm sau đó là quá trình tái cơ cấu liên tục như các NĐT nội địa đã chứng kiến. Hiện tại, có lẽ NĐT nước ngoài đang nắm giữ danh mục các cổ phiếu tốt nhất thị trường trong vài năm qua. Vì vậy, nếu có áp lực thoái vốn sẽ không quá căng thẳng khi sẽ xuất hiện các gương mặt thay thế.
Giang Thanh thực hiện
Đầu tư chứng khoán



Xem bài viết: Thu hút vốn ngoại: Hãy tiếp tục cổ phần hóa