Khi nói đến Hà Đô (Công ty cổ phần Hà Đô, Bộ Quốc phòng), nhiều người nghĩ ngay đến những công trình nguy nga đã và đang mọc lên trên khắp mọi miền đất nước. Đó là: Trụ sở Văn phòng Quốc hội tại TP Hồ Chí Minh; trụ sở cơ quan Thanh tra Chính phủ; Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia; Giảng đường trường Đại học sư phạm TP Hồ Chí Minh; Giảng đường Học viện Ngân hàng; các tòa nhà chung cư hoặc văn phòng thương mại cao tầng tại các khu đô thị mới của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh...

Không chỉ vậy, Hà Đô còn tham gia vào nhiều lĩnh vực đầu tư xây dựng khác. Cán bộ, chiến sĩ, nhân viên trong Công ty Hà Đô thường ví Công ty mình là những người bách nghệ...

Đầu tư nguồn nhân lực là đầu tư cho phát triển

Theo các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy của Công ty, ngay từ ngày đầu đi vào hoạt động, tập thể cán bộ, chiến sĩ và những người lính thợ trong đơn vị luôn xác định rõ: Không thể vươn lên nếu phát triển nguồn nhân lực không đi trước một bước. Nhờ xác định hướng đi đúng, Công ty đã có nhiều nỗ lực đầu tư cho con người. Với thế mạnh của đơn vị nghiên cứu khoa học quốc phòng, có đội ngũ cán bộ được tôi luyện qua những năm tháng chiến tranh gian khổ, ác liệt, đội ngũ kế cận của Hà Đô đã có bước phát triển lớn mạnh về chất và lượng: 250 thạc sĩ, kỹ sư, cử nhân và gần 2.000 công nhân lành nghề luôn đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh trên mọi lĩnh vực. Hiện nay, với 9 công ty thành viên và một chi nhánh tại miền Nam, Hà Đô không chỉ có năng lực thi công xây lắp dân dụng và công nghiệp, từ nhà ở, nhà máy cho tới cầu, đường, hầm, lắp máy điện nước, thiết bị công nghiệp - tự động hóa; tư vấn thiết kế - xây dựng… mà còn khẳng định được vị thế của mình trong các lĩnh vực đầu tư như kinh doanh hạ tầng công nghiệp, xây dựng các khu đô thị, khai thác các khách sạn - nhà hàng; vận hành khai thác các nhà máy thủy điện…

Nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, toàn thể cán bộ, công nhân trong đơn vị luôn ý thức được phải nỗ lực phấn đấu làm chủ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới. Thực hiện mục tiêu này, Công ty đã dành nhiều thời gian, tài chính, hợp tác với nhiều trường đại học, tổ chức trong và ngoài nước mở những lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn. Chủ động hợp tác với các giáo sư, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, nhà quản lý ở nhiều lĩnh vực để học hỏi kinh nghiệm cũng như tiếp cận với nhiều thành tựu công nghệ mới, tiên tiến trong lĩnh vực xây dựng, thi công công trình có quy mô lớn.

Lên rừng làm thủy điện

Trung tá Nguyễn Đức Toàn, Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty Hà Đô khẳng định: Tháng 3-2007, công trình thủy điện Za Hưng (xã Za Hưng - huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam), công suất lắp máy 30MW, tổng mức đầu tư 610 tỉ đồng, do công ty cổ phần Za Hưng (Hà Đô là cổ đông chi phối) làm chủ đầu tư chính thức khởi công đã đánh dấu bước trưởng thành của đơn vị trong lĩnh vực này. Công trình được xây dựng trên vùng núi cao, đập nước kết cấu bê tông trọng lực dài 300 mét, cao 35 mét; dung tích hồ chứa 740.000m3; dự kiến hoàn thành phần xây dựng vào tháng 12-2008. Theo thiết kế, sau khi đưa vào sử dụng sẽ tạo ra sản lượng điện trung bình hàng năm 124 triệu kWh. Ngoài nhiệm vụ phát điện, công trình này còn góp phần cùng các công trình thủy điện khác trong hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn hạn chế lũ trong mùa mưa, tăng lưu lượng nước trong mùa kiệt cho hạ lưu phục vụ sản xuất sinh hoạt của nhân dân.

Ngày 12-7-2008, tại xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An, đã diễn ra lễ khởi công xây dựng nhà máy thủy điện Nậm Pông do Hà Đô làm chủ đầu tư. Thủy điện được nghiên cứu xây dựng trên suối Nậm Pông thuộc địa phận huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An. Đầu mối công trình và vùng hồ chứa thuộc xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu. Tuyến công trình thuộc xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu. Trước sự chứng kiến của các cấp lãnh đạo huyện Quỳ Châu, cán bộ công nhân viên đang tham gia xây dựng trên công trường cùng nhân dân hai xã Châu Phong, Châu Hạnh, Trung tá Nguyễn Đức Toàn thể hiện quyết tâm: Tiến độ dự án là đến năm 2010, nhà máy thủy điện Nậm Pông, với tổng mức đầu tư 650 tỷ đồng sẽ chính thức phát điện. Hai tổ máy với tổng công suất 30MW, dự kiến sau khi hoàn thành, sẽ đóng góp cho điện lưới quốc gia 120 triệu kWh/năm.

Bằng những bước đi vững chắc trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, với đội ngũ cán bộ kỹ sư giàu kinh nghiệm, cùng sự quyết tâm của ban lãnh đạo, Hà Đô đã khẳng định được vị thế, tên tuổi của mình và được đánh giá là một trong những doanh nghiệp có tiềm lực hùng mạnh về con người, tài chính, trang thiết bị cũng như uy tín kinh doanh trên thương trường.

http://hado.com.vn/Default.aspx?f=News&op=3&p=12&id=183