Blog: Triển vọng TTCK tháng 10
-
03-10-2011 10:34 PM #1
Triển vọng TTCK tháng 10
--------------------------
Blogger: ThS. Lê Đạt Chí
Thời gian đăng: 01/10/2011
Blog: http://vn.360plus.yahoo.com/ledatchi
--------------------------
Như nhận định trong bài “Áp lực điều chỉnh vẫn còn” đăng tải trên ĐTTC vào ngày 26.9.2011, các chỉ số chứng khoán trong nước tiếp tục mất điểm mạnh trong tuần qua. Theo đó, chỉ số VN-Index và HNX-Index lần lượt đóng cửa giảm 2.88% và 4.34% so với cuối tuần trước. Liệu bức tranh TTCK tháng 10 sẽ sáng sủa hơn?
TTCK Mỹ: Đáy lớn tháng 10?
Với những lý do được trình bày trong bài “Áp lực điều chỉnh vẫn còn”, chúng tôi vẫn giữ quan điểm TTCK Mỹ trong tháng 10 sẽ tiếp tục giảm điểm. Mô hình phân tích sóng Elliott và mẫu hình cờ hiệu cho thấy, chỉ số DJIA có thể đạt mục tiêu giá quanh mức 10,000 điểm (xác suất cao) và thậm chí là thấp hơn 9,100 điểm (xác suất thấp, chỉ 46%).
Sau khi thất vọng với quy mô chương trình Operation Twist của Fed đưa ra vào cuối tháng 9, giới đầu tư đang đặt hy vọng vào cuộc họp của EU (Ủy ban Kinh Tế và Tài Chính - EU Economic & Financial Affairs Council) vào ngày 4.10 và 5.10 tại Luxemboug, Hà Lan. Tại đây, EU sẽ bàn thảo về kế hoạch mở rộng quy mô Quỹ ổn định tài chính Châu Âu - EFSF (European Financial Stability Facility) hiện đang ở mức 440 tỷ EUR. Gói EFSF có nguồn quỹ được gây dựng từ việc các nước mạnh ở khu vực EU phát hành trái phiếu để cho các quốc gia đang lâm vào khủng hoảng nợ công vay. Theo đánh giá của “bộ ba” (IMF, EU và ECB), để có thể giúp khu vực EU chống chọi với cơn bão nợ công, quy mô của quỹ EFSF phải được nâng lên mức tối thiểu 2,000 tỷ EUR. Đây là một số tiền lớn rất khó để thực hiện trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Do đó, ngay cả khi Quốc Hội Đức (quốc gia được kỳ vọng sẽ đóng góp nhiều nhất vào quỹ EFSF) bỏ phiếu thông qua mức đóng góp của Đức lên mức 211 tỷ EUR từ mức 123 tỷ EUR vào ngày 30.9.2011, thị trường vẫn không thể lạc quan. Theo đánh giá của Fredrik Erixon, trưởng Ủy ban trung ương EU về Kinh tế chính trị quốc tế, kết quả bỏ phiếu là “quá ít và quá muộn” (nguồn: Bloomberg). Để mở rộng quỹ EFSF, cần phải được sự chấp thuận của tất cả 17 quốc gia khu vực EU. Đến cuối ngày 30.9.2011, đã có 13/17 quốc gia phê chuẩn. Nếu như kết quả mở rộng quỹ không đạt đến con số như kỳ vọng, rất có thể TTCK lại tiếp tục giảm điểm.
Tuy nhiên, “trong tin xấu vẫn có tin tốt”, một thống kê cho thấy tháng 10 thường là tháng tạo đáy lớn đối với TTCK Mỹ. Điều này đồng nghĩa rằng, TTCK Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian còn lại của năm sau khi thiết lập đáy lớn. Hay nói cách khác, đây chính là đợt giảm điểm cuối cùng của năm 2011. Điều này cũng trùng khớp với mô hình phân tích sóng Elliott. Bởi vì sau khi kết thúc sóng 5, TTCK sẽ có ba sóng hồi phục A-B-C (xem lại đồ thị ở bài “Áp lực điều chỉnh vẫn còn”).
Nếu như thị trường tiếp tục giảm điểm, vùng thời gian nào được kỳ vọng sẽ tạo đáy? Một số hiện tượng chiêm tinh tài chính địa tâm có thể đưa đến một số gợi ý. Trong tháng 10, có hai hiện tượng địa tâm được xem là khá quan trọng là Hỏa Tinh hợp góc 90 độ với Mộc Tinh vào ngày 3.10.2011 và Mộc Tinh hợp góc 120 độ với Diêm Vương Tinh vào ngày 28.10.2011. Theo thống kê của Raymon Merriman (2001), đây là hai hiện tượng địa tâm được xếp vào Level 2, tức có mức độ tương quan không cao với sự đảo chiều của chu kỳ lớn (từ chu kỳ 18 tuần trở lên). Hiện tượng chiêm tinh quan trọng nhất là vào ngày 7.11.2011, Hỏa Tinh sẽ hợp góc 180 độ với Hải Vương Tinh, và đây được xem là Level 1, có mức độ tương quan 78% (cao) với sự đảo chiều của chu kỳ lớn trong biên độ +/- 8 ngày giao dịch. Nói cách khác, trong vùng thời gian từ ngày 26.10.2011 đến ngày 17.11.2011 (tức khoảng cuối tháng 10 đến đầu tháng 11), chỉ số DJIA có xác suất hình thành đáy lớn. Cũng vào ngày 17.11.2011, Hỏa Tinh sẽ hợp góc 120 độ với Mộc Tinh, nhưng đây lại là một hiện tượng thuộc level 2. Vào ngày 23.11.2011, Mặt trời sẽ hợp góc 240 độ với Thiên Vương Tinh, và đây là hiện tượng thuộc Level 1, có xác suất tương quan 74% (cao) với sự đảo chiều của chu kỳ lớn trong biên độ +/- 11 ngày giao dịch (tức từ ngày 8.11.2011 đến ngày 8.12.2011). Như vậy, có thể thấy rằng, trong vùng thời gian từ ngày 26.10.2011 đến ngày 17.11.2011 thì khoảng thời gian từ ngày 8.11.2011 đến ngày 17.11.2011 lại có xác suất cao hơn cả (Lưu ý: phân tích này không đồng nghĩa là loại bỏ vùng thời gian từ ngày 26.10.2011 đến ngày 8.11.2011 mà đơn thuần chỉ nói lên rằng vùng thời gian từ ngày 8.11.2011 đến 17.11.2011 là có xác suất cao hơn. Trong phân tích chiêm tinh tài chính, xác suất từ 78% trở lên đã là rất tốt để sử dụng).
TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục giảm mạnh
Những phân tích từ TTCK thế giới cho thấy những tín hiệu bi quan. Trong bối cảnh như vậy, áp lực giảm điểm của TTCK thế giới sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến TTCK trong nước. Hiện tại, phân tích kỹ thuật của chỉ số HNX-Index cho thấy xu hướng giảm điểm vẫn đang tiếp diễn. Phân tích theo khung thời gian tuần cho thấy, tín hiệu phân kỳ ẩn giữa Stochastic Oscillator và đường giá đang xác nhận xu hướng giảm điểm (xem Hình 1).
Hình 1: Biểu đồ kỹ thuật chỉ số HNX-Index
(Nguồn: Cung cấp bởi phần mềm Fibonacci Galactic Trader. Thiết lập khung thời gian: O=Ngày; N=Tuần; H=Tháng)
Liệu đáy của TTCK Việt Nam có tương đồng với TTCK thế giới? Quan sát diễn biến chỉ số HNX-Index từ tháng 6 đến nay cho thấy, chỉ số này đang tạo nên tương quan cao với độ nghiêng nhật tâm (helio-declination: tức vị trí của các hành tinh trên bầu trời hoàng đạo của mặt trời so với đường xích đạo) tổng hợp của 6 hành tinh (Thủy Tinh, Kim Tinh, Trái Đất, Hỏa Tinh, Mộc Tinh, Thổ Tinh; trong đó Thủy Tinh chiếm trọng số cao nhất, gần 95%). Cụ thể, tại các đỉnh của Declination cũng là đỉnh của HNX-Index vào tháng 6 và tháng 9; đồng thời đáy của Declination cũng là đáy của HNX-Index vào tháng 8 (Xem hình 2). Trong ngắn hạn, khi một chỉ số có tương quan với diễn biến của độ nghiêng nhật tâm, chúng ta nên tiếp tục đi theo nó. Độ nghiêng nhật tâm sẽ đạt đáy vào đầu tháng 11.
Quay trở lại với hiện tượng chiêm tinh địa tâm Hỏa Tinh hợp góc 180 độ với Hải Vương Tinh vào ngày 7.11.2011, vì lịch sử 6 năm của chỉ số HNX-Index không đủ để tạo nên một thống kê có ý nghĩa nhưng quan sát diễn biến 3 lần xuất hiện của góc hành tinh này có hai lần rất ấn tượng. Theo đó, vào ngày 20.6.2008 và 18.12.2009, cặp góc hành tinh này đã tạo nên 2 đáy lớn (đường thẳng đứng màu xanh trong hình 2). Như vậy, có thể thấy rằng, khoảng thời gian từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11 cũng sẽ là vùng thời gian quan trọng để tạo đáy đối với chỉ số HNX-Index. Trong đó, xác suất sẽ cao hơn ở đầu tháng 11.
Với khung thời gian giảm điểm khoảng 1 tháng, chỉ số HNX-Index có thể phá vỡ các mức chống đỡ gần như 70 và thiết lập các mức đáy sâu hơn. Quan sát dãy băng Dynamic Fibonacci Channel của Tuần và Tháng cho thấy, có một mức chống đỡ hiện tại là 66 điểm. Tuy nhiên, theo diễn biến thời gian, đường chống đỡ động này sẽ tiếp tục đi xuống nếu thị trường còn giảm điểm và tạo nên mức chống đỡ thấp hơn.
Hình 2: Độ nghiêng nhật tâm tổng hợp và chỉ số HNX-Index
(Nguồn: Cung cấp bởi phần mềm Wave59)
Thông tin của chủ đề
Users Browsing this Thread
Có 1 thành viên đang xem chủ đề này. (0 thành viên và 1 khách vãng lai)
Similar Articles
-
KSA - Doanh nghiệp triển vọng phát triển lớn trong ngành khai thác khoáng sản năm 2011 của Việt Nam
By MrChen in forum Doanh nghiệp sàn HoSETrả lời: 104Bài viết cuối: 20-12-2011, 03:54 PM -
Cổ phiếu Ngân hàng tăng vọt 4.88%: Triển vọng tích cực hay đầu cơ đánh “xoay vòng”?
By tintucsukien in forum Thảo luận Tình hìnhTrả lời: 1Bài viết cuối: 01-09-2011, 04:46 PM -
Cần một TTCK ổn định trước khi muốn phát triển
By tintucsukien in forum Thảo luận Tình hìnhTrả lời: 1Bài viết cuối: 19-08-2011, 04:23 PM -
Triển vọng TTCK cuối năm nhìn từ lạm phát
By tintucsukien in forum Thảo luận Tình hìnhTrả lời: 1Bài viết cuối: 02-07-2011, 12:14 PM -
ĐỀ XUẤT PHÁT TRIỂN TTCK VIỆT NAM
By leduyenha in forum Giải pháp phát triển TTCKTrả lời: 0Bài viết cuối: 03-03-2008, 08:12 PM
Bookmarks