TS. Lê Đăng Doanh: Bài học quá đắt từ tàu Hoa Sen

Tàu Hoa Sen do Vinashin nhập từ Ý về với giá 60 triệu euro năm 2007 cho đến nay vẫn liên tục gây thiệt hại kinh tế, một lần nữa nhắc nhở chúng ta về những hệ quả đau lòng của các quyết định đầu tư vô trách nhiệm, không quan tâm đến hiệu quả kinh tế.
* Tàu Hoa Sen ngốn thêm tiền tỉ
Tàu Hoa Sen và Vinashin chỉ là một giọt nước tràn ly mà chúng ta biết đến, trong rất nhiều ví dụ khác mà mỗi người đều có thể đưa ra từ cấp xã đến cấp trung ương.
Cần thay đổi cách quyết định đầu tư công, đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước, cách phân bổ nguồn lực để những “quả đắng” trên không lặp lại.
Con tàu được đóng mới từ năm 2000, đã qua sử dụng để chuyên chở hành khách và ôtô ở miền nam nước Ý từng bị vá đáy, tân trang. Tàu này được nhập về VN để chuyên chở hành khách và ôtô giữa Nam và Bắc với khoảng cách trên 1.000km.
Thua lỗ liên tục phải sửa chữa, bị giữ lại ở Trung Quốc và Hàn Quốc, tàu Hoa Sen đã trở thành “điển hình” xấu cho cách đầu tư bằng tiền nhà nước. Hệ quả đến nay đã chứng minh khi các thiết chế giám sát không phát huy tác dụng, nguồn tiền bạc lớn lao bị tiêu hoang, không những làm tan biến cơ hội phát triển và cải thiện cuộc sống cho nhiều người mà còn đẩy nhiều doanh nghiệp, người lao động vào đường khó khăn.
Để tăng hiệu quả đầu tư, rõ ràng ngoài thủ tục hành chính, cần thay đổi cả cách điều hành nền kinh tế, cách tạo và phân bổ các nguồn lực. Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước không thể làm mọi việc, đầu tư mọi cái mình muốn nhằm tìm kiếm lợi nhuận nhưng đầy rủi ro như chứng khoán, bất động sản hay không thuộc quốc kế dân sinh như khách sạn, nhà hàng.
Doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động vì mục đích công ích, phải được quản lý dựa trên hiệu quả hoạt động, công khai minh bạch, chịu sự giám sát của chủ sở hữu. Giám đốc doanh nghiệp nhà nước phải được bổ nhiệm có thời hạn, có điều kiện, cam kết thực hiện một số mục tiêu nhất định.
Nếu ưu tiên công nghệ thì doanh nghiệp nào đầu tư vào công nghệ cao đều được ưu tiên, theo quy mô vốn và hiệu quả đóng góp, không phân biệt quốc doanh hay tư nhân. Không doanh nghiệp nào được đương nhiên hỗ trợ chỉ vì nằm trong thành phần chủ đạo được ưu ái.
Đặc biệt, cần chấm dứt chính sách hỗ trợ không rõ thời hạn và điều kiện. Các nước khi hỗ trợ một ngành phát triển thường hỗ trợ 2-3 doanh nghiệp, đưa ra thời hạn và điều kiện ngặt nghèo để doanh nghiệp buộc phải vươn lên. VN nên buộc doanh nghiệp nhà nước phải cạnh tranh để nhận được hỗ trợ.
Câu chuyện hiệu quả đầu tư cũng không nên chỉ dừng lại ở các dự án của doanh nghiệp. Điều cần được rút kinh nghiệm nhất, cần thay đổi nhất, xin nhấn mạnh lại chính là cách phân bổ nguồn lực quốc gia, giám sát việc sử dụng các nguồn lực này cũng như phải xử lý tốt trách nhiệm cá nhân để tránh những sự đã rồi, cái giá quá đắt như tàu Hoa Sen.
C.V.Kình ghi
TUỔI TRẺ



Xem bài viết: TS. Lê Đăng Doanh: Bài học quá đắt từ tàu Hoa Sen