Thiếu cơ chế, vàng còn bị đầu cơ
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Thời gian qua, giá vàng trong nước thường xuyên cao hơn thế giới, có thời điểm chênh lệch lên tới gần 5 triệu đồng/lượng. Nguyên nhân vẫn là thị trường vàng thiếu một cơ chế vận hành đầy đủ. Đó là ý kiến của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng khi trao đổi với ĐTCK.
Giá vàng trong nước thời gian qua biến động rất mạnh và thường cao hơn nhiều so với giá thế giới, theo ông nguyên nhân do đâu?
Do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là biến động trên thị trường vàng thế giới. Thứ hai là tâm lý gom, giữ, mua bán vàng phổ biến và truyền thống của người Việt, nhất là trong thời điểm lạm phát cao. Thứ ba là yếu tố đầu cơ, trong mấy tuần qua, với sự biến động mạnh của giá vàng thế giới, giới đầu cơ đã không "chậm trễ" để kiếm lời.
Vấn đề đầu cơ đã được nhắc đến nhiều lần trước đây, sao nay vẫn chưa ngăn chặn được?
Hiện thị trường vàng của Việt Nam vẫn chưa được tổ chức với một cơ chế rõ ràng cũng như chưa có cơ quan đặc trách việc này. Sở dĩ như vậy, một phần cũng do đến nay, giữa các cơ quan quản lý, nghiên cứu vẫn chưa thống nhất được cách "ứng xử" với vàng: xem vàng là tiền tệ hay chỉ là hàng hóa thông thường. Trước đây, từng có đề xuất giao thị trường vàng cho NHNN quản lý dựa trên quan điểm coi vàng là tiền tệ. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, không nên xem vàng là tiền tệ mà chỉ là hàng hóa và do đó, không nên để NHNN quản lý thị trường vàng.
Bên cạnh đó, việc thị trường vàng Việt Nam chưa liên thông với thị trường vàng thế giới nên có một độ trễ nhất định. Hai thị trường có nhiều lúc không đồng điệu, làm cho khoảng cách giá biến động sâu. Đây là điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu cơ, làm giá.
Vậy những động thái của NHNN thời gian qua, được cho là sự can thiệp của cơ quan này vào thị trường vàng, có ý nghĩa như thế nào?
NHNN đã cấp phép cho những đơn vị giao dịch vàng và cho phép nhập - xuất khẩu vàng. Đó chỉ là những biện pháp mang tính tình huống hơn là một gói giải pháp tổng thể của một cơ quan chủ quản về chính sách tiền tệ và chỉ có ý nghĩa hỗ trợ thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới, đồng thời làm dịu tâm lý muốn nắm giữ vàng của người dân.
Chênh lệch về giá là do biến động thị trường, trong khi cơ chế vận hành thị trường vàng vẫn còn nhiều bất cập và NHNN không phải là cơ quan chủ quản của thị trường, nên những biện pháp của cơ quan này có tính định hướng hơn là can thiệp. Công bằng mà nói, thị trường vàng hiện tại đang biến động ngoài sự can thiệp và quản lý của NHNN. Không thể nói hiện nay NHNN đang can thiệp vào thị trường vàng với những quy định nhập, xuất khẩu vàng, đơn vị kinh doanh vàng, đề xuất liên quan đến vàng..., vì tất các những biện pháp này chưa thể xem như một "chính sách toàn bộ về giao dịch vàng".
Ông có thể nói rõ hơn về sự bất cập của cơ chế vận hành thị trường vàng?
Nghị định, quy chế quản lý vàng đã lạc hậu, quy định mới chưa có. Đó là một điểm thiếu sót, dẫn đến tình trạng lúng túng trong giải pháp quản lý, điều tiết thị trường vàng. Trong nhiều trường hợp, cần có biện pháp mạnh hơn, thì cơ chế hiện hữu chưa cho NHNN đầy đủ quyền lực, công cụ và trách nhiệm để thực hiện điều mình mong muốn.
Những biện pháp cho phép nhập khẩu vàng chỉ là giải pháp tạm thời nhắm vào tâm lý người dân là chính. Song cũng chính vì thế mà nó có thể dẫn đến tình trạng "nhờn thuốc" và những đợt cho phép nhập khẩu vàng sau đó không đem lại nhiều hiệu quả. Thực tế thì số lượng vàng NHNN cho nhập không đáng kể, chưa đủ liều lượng để can thiệp vào thị trường vàng hiệu quả. Lý do là việc nhập vàng sẽ gây hệ luỵ lên thị trường ngoại tệ.
Nhưng nếu để NHNN có đủ thẩm quyền quản lý thị trường vàng, thì theo những lý lẽ nhất định, trước tiên phải coi vàng là tiền. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Tại Mỹ, vàng không được xem như phương tiện thanh toán, không là đối tượng của chính sách tiền tệ, nên cơ quan chủ quản là Ngân hàng Dự trữ liên bang Hoa kỳ (FRB) không can thiệp trực tiếp vào thị trường vàng, mặc dù FRB đôi khi vẫn có những biện pháp ổn định thị trường vàng vì liên quan đến những hoạt động kinh tế quốc gia. Ví dụ, FRB can thiệp về tổng phương tiện thanh toán, hay trên lãi suất, hay qua những công cụ chính sách tiền tệ để có thể ổn định thị trường tiền tệ nói chung và có tác động vào thị trường vàng, nhưng không can thiệp trực tiếp vào thị trường vàng, không ra hạn ngạch nhập, xuất vàng bởi không phải là cơ quan chủ quản nên không có thẩm quyền làm. Như các sản phẩm khác, vàng cũng ở trên sàn giao dịch như dầu hỏa, than đá, cà phê, ngũ cốc… Có rất nhiều sàn giao dịch nhưng lớn nhất và chủ yếu tập trung ở sàn Chicago Mercantile Exchange.
Nhưng đối với Việt Nam , nhất là trong tình hình kinh tế biến động hiện nay, không thể mong đợi người dân coi vàng là một hàng hóa giao dịch bình thường. Có nghĩa, mặc dù vàng không được xem là tiền tệ, nhưng trên thực tế vàng đã, đang và có lẽ sẽ vẫn là một phương tiện thanh toán trong một thời gian khá dài nữa. Vì vậy, việc quản lý thị trường vàng vẫn phải nằm trong tầm tay của NHNN đến khi nào loại trừ được tính chất phương tiện thanh toán của vàng.
Ông có đề xuất gì để thị trường vàng vận hành hiệu quả hơn?
Chính phủ nên giao chức năng quản lý thị trường vàng cho NHNN vì Việt Nam đang quyết liệt giảm thiểu tình trạng vàng hóa và đô la hóa của nền kinh tế. Tuy nhiên, khi giao NHNN làm cơ quan chủ quản quản lý vàng thì NHNN phải có một quyền lực, công cụ thích hợp để có thể vận hành thị trường cũng như phối hợp với các cơ quan khác của Chính phủ, nhất là các cơ quan đang quản lý thị trường hàng hóa nói chung. Và sự hỗ trợ của Chính phủ đối với NHNN phải hết sức tích cực, không để xảy ra tình trạng "ông đánh đông, bà đánh tây". Đặc biệt, trong việc kiểm soát thị trường ngoại hối, NHNN đã có dự trữ ngoại hối và với vàng cũng phải có dự trữ vàng, phải có đủ hàng hóa để can thiệp vào thị trường. Về tỷ lệ dự trữ vàng, có lẽ khoảng 10% là thích hợp. NHNN cũng nên lập một Hội đồng Vàng với vai trò tư vấn cho NHNN trong những chính sách liên quan đến vàng ở Việt Nam .
Tóm lại, cần phải có một luật về vàng, trong đó vàng cần được định nghĩa rất rõ ràng là phương tiện thanh toán hay chỉ là sản phẩm hàng hóa. Luật phải chỉ định cơ quan quản lý thị trường vàng. Luật cũng phải quy định, tất cả các giao dịch phải đặt trong một khung pháp lý có nói đến các trách nhiệm và quyền lợi của những người tham dự thị trường, uy quyền của cơ quan chức năng. Để khung pháp lý vận hành tốt, cần có một cơ chế bắt đầu từ một cơ quan quản lý đầu não, rồi cơ quan đó cũng cần phải thành lập các sàn giao dịch vàng… Ngoài ra, cũng cần phải tăng cường truyền thông để mọi người nhận thức được rủi ro cũng như giá trị của thị trường vàng.
Hồng Dung thực hiện
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN



Xem bài viết: Thiếu cơ chế, vàng còn bị đầu cơ