Ông Bùi Kiến Thành: Chính sách tiền tệ không thể "gánh" hết lỗi gây lạm phát
Chuyên gia kinh tế cao cấp BÙI KIẾN THÀNH
Chuyên gia kinh tế cao cấp BÙI KIẾN THÀNH cho rằng, có nhiều điểm chưa phù hợp khi đánh giá về nguyên nhân lạm phát thời gian qua, trong đó có việc "quy" cho chính sách tiền tệ. Ông phân tích những nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng lạm phát kéo dài.
Thưa ông, Chính phủ vừa có chỉ đạo các bộ, ngành phải làm rõ nguyên nhân lạm phát để có các giải pháp căn bản, ứng phó hiệu quả, phù hợp với thực tiễn. Ông đánh giá thế nào về việc này?
Hiểu cơ bản, lạm phát là "lạm dụng quyền phát hành", đẩy ra thị trường quá nhiều phương tiện thanh toán, khiến giá cả tăng cao. Còn tại Việt Nam, lạm phát được hiểu là chỉ số giá tiêu dùng tăng, chưa hoàn toàn chính xác, dễ gây hiểu nhầm.
Hơn nữa, lâu nay ở Việt Nam đã hình thành một phản ứng: cứ nói có lạm phát là "bấm nút" chính sách tiền tệ, hãm tăng trưởng tín dụng, chưa chú ý đúng mức đến phân tích sâu sát các yếu tố khác đang góp phần đẩy giá lên. Do đó, gánh nặng kiềm chế lạm phát bị dồn cả cho chính sách tiền tệ, vừa không xử lý dứt điểm được vấn đề, vừa có thể phản tác dụng.
Ông có thể nói rõ hơn?
Ở nhiều nước, siết tín dụng có thể xử lý được lạm phát, do tỷ lệ tín dụng tiêu dùng của họ cao, tới 70 - 80% dư nợ. Khi kinh tế phát triển quá nóng, vượt chi phí cận biên, cần hạ nhiệt thì phải giảm cầu, bằng cách tăng lãi suất lên để giảm sức tiêu thụ. Mối liên hệ đó là trực tiếp và hiệu quả, giúp giảm chỉ số giá tiêu dùng.
Ở Việt Nam, có đến 80 - 90% là tín dụng cho doanh nghiệp, không dùng "thuốc" tăng lãi suất được. Làm vậy chi phí sản suất cao lên, cung ứng hàng hóa giảm, không những không giảm được giá tiêu dùng, mà còn làm tăng giá tiêu dùng.
Vừa rồi, chúng ta cũng đã thừa nhận, lạm phát một phần do tác động khách quan, còn phần lớn hơn là do tác động chủ quan, trong đó có sử dụng chính sách tiền tệ như công cụ chính để giảm lạm phát.
Còn những tác động của nhập siêu thì sao, thưa ông?
Nó cũng nằm trong chuỗi tác động đó. Nền kinh tế của ta là mở và liên thông với thị trường nước ngoài, khi không sản xuất và cung ứng đủ hàng hóa thì hàng nước ngoài sẽ tràn vào. Dù là nhập chính thức hay bị nhập lậu thì cũng dẫn đến nhập siêu, làm giảm dự trữ ngoại hối, căng thẳng tỷ giá, mất giá đồng nội tệ.
Nguyên lý giảm giá đồng nội tệ để thúc đẩy xuất khẩu là đúng, nhưng chỉ áp dụng được với các hàng hóa mà ta sản xuất ra đủ, thừa, cần thúc đẩy xuất khẩu. Việt Nam xuất chủ yếu là nông sản thô, năng suất đâu có dư thừa, nếu hạ giá đồng nội tệ thì chỉ làm tăng chi phí hàng hóa.
Ông nhận định thế nào về thực trạng phân bố dòng vốn trên thị trường hiện nay đối với lạm phát?
Đó là yếu tố quan trọng góp phần làm giá thành hàng hóa cao. Các doanh nghiệp nhà nước hiện chiếm hơn 50% lượng tín dụng, nhưng do hiệu suất đầu tư thấp hơn khu vực tư nhân nhiều, nên giá hàng hóa cao. Đó là chưa kể một loạt yếu tố nữa, như khâu phân phối, dịch vụ bán lẻ của ta có nhiều hạn chế; các chi phí không chính thức… đều góp vào chi phí làm ra sản phẩm.
Không thể không nhắc đến chính sách tài khóa, thưa ông?
Liên quan đến chính sách tài khóa cũng có những bất cập lớn, nhất là việc sử dụng vốn đầu tư công và mua sắm công. Đó là điểm yếu để những chi phí không chính thức phát sinh, gây tác động kép. Những dự án cơ sở hạ tầng kém chất lượng, nhanh xuống cấp, phải làm lại, làm tiếp, đẩy chi phí, là tác động trực tiếp. Nhưng gián tiếp còn đáng ngại hơn. Thất thoát trong đầu tư, xây dựng cơ bản lên đến vài chục phần trăm trong tổng vốn hàng trăm nghìn tỷ đồng. Lượng tiền này mua sắm, trang bị gì, đắt rẻ ra sao rất khó kiểm soát, sẽ đẩy giá cả lên cao.
Vậy hướng giải quyết tình trạng trên là gì?
Phải nghiên cứu tất cả những yếu tố đó, nhìn khách quan, rõ ràng vai trò của từng yếu tố trong việc làm tăng giá, những tác động lẫn nhau của các yếu tố, nhìn rõ tương quan giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, từ đó có điều chỉnh đồng bộn
Huy Hào
ĐẦU TƯ



Xem bài viết: Ông Bùi Kiến Thành: Chính sách tiền tệ không thể "gánh" hết lỗi gây lạm phát