Sức ép đè nặng, tỷ giá khó bề chống đỡ
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước tuyên bố từ nay đến cuối năm giữ tỷ giá tăng không quá 1%, song, trước nhiều sức ép đang dồn lên, liệu tỷ giá có giữ được lâu hơn.

Lộ diện những sức ép
Chợ USD tự do ở Hà Nội sau hơn nửa năm im tiếng gần đây bỗng "thức dậy". Hai tuần qua, hoạt động giao dịch trở nên sôi động và công khai như chưa từng trải qua giai đoạn bị kiểm soát gắt gao.
Đặc biệt, từ cuối tuần trước, sau nhiều lần tăng giá bất thành, USD đã xác định mốc 21.000 đồng khá chắc. Sau đó, đồng ngoại tệ này bắt đầu tăng giá, gia tăng khoảng cách với tỷ giá chính thức.
Đầu tuần này, giá USD đã "bốc" lên đến 21.300 đồng. Đây là mức giá cao nhất tính từ đầu năm. Giá lên càng kích thích các giao dịch mua bán, làm sức nóng thị trường tăng lên.
Trong hệ thống ngân hàng, tỷ giá cũng căng. Ngân hàng Nhà nước duy trì tỷ giá liên ngân hàng ở mức 20.628 đồng/USD trong suốt quãng thời gian dài hơn 1 tháng. Các ngân hàng thương mại đã niêm yết giá kịch trần ở mức 20.834 đồng/USD, và đây cũng là mức giá là Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước áp dụng.
Mặc dù những thông tin gần đây từ cơ quan quản lý đánh giá, ngoại tệ trên hệ thống ngân hàng vẫn khá ổn định, thậm chí đang ở trạng thái tích cực. Tuy nhiên, thực tế từ các ngân hàng, nhất là các ngân hàng nhỏ, lại khác hẳn.
Chi nhánh của một ngân hàng cổ phần trên phố Trần Đại Nghĩa - Hà Nội cho biết, tình trạng căng thẳng đã xuất hiện từ hơn 1 tháng nay. Hạn mức huy động của chi nhánh là 400.000 USD, song có thời điểm, việc gom đủ 20.000-30.000 USD trả khách cũng khó. Chuyên viên ở đây còn than thở, tình trạng này đã diễn ra với nhiều chi nhánh trong hệ thống và các chi nhánh ngân hàng khác có cùng quy mô.
Như một lẽ tất nhiên, khi ngân hàng căng thẳng thì các DN cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận USD. Theo nhiều DN nhập khẩu ở Hà Nội, hiện việc mua bán USD rất khó khăn và các khoản chi phí cũng tăng lên. Các ngân hàng viện đủ lý do từ chối và tăng chi phí, nhưng DN buộc phải chấp nhận bởi khi ngân hàng không có USD, hay họ phải mua USD thị trường giá cao. Khi đó, DN và người dân sẽ phải gánh chịu hậu quả cuối cùng.
Về điều này, đại diện Ngân hàng Đông Á cho rằng, ngoại tệ của các ngân hàng đang dương nhưng nếu nhu cầu đô-la tăng đột biến, đặc biệt để phục vụ nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh trong thời điểm nào đó, thì ngân hàng cũng sẽ rất khó cân đối. Ngân hàng phải mua được USD thì mới bán được cho doanh nghiệp, và tất nhiên, giá cả phải theo thị trường. Chỉ khi nào ngân hàng mua được giá thấp thì mới bán cho doanh nghiệp với giá thấp được.
Thậm chí, lo ngại những biến động về tỷ giá, chuyên gia này lưu ý, các doanh nghiệp nhập khẩu nên vay tiền đồng, dù lãi suất cao hơn nhưng độ an toàn cũng cao hơn.
Vay nợ USD chính là vấn đề lớn nhất mà các ngân hàng đang đối mặt khi nói về tỷ giá. Thông tin chính thức cho biết, đến 31/8/2011, trong khi dư nợ VND chỉ tăng 6,94% thì dư nợ ngoại tệ tăng 21,79%. Thậm chí, cón số sơ bộ mới nhất đến 7/9/2011, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ toàn hệ thống đạt khoảng 25% và với nhu cầu cuối năm tăng cao thì dự báo đến hết năm, sẽ lên tới 30%.
Cho vay tăng cao, trong khi huy động vốn ngày càng khó khăn do lãi suất ngày càng bị ép xuống thấp, khiến các ngân hàng mất chênh lệch lớn giữa huy động và cho vay. Theo tính toán của một số chuyên gia, chênh lệch giữa huy động và cho vay ngoại tệ 7 tháng đầu năm đã lên tới trên 150.000 tỷ đồng, tương đương 7,3 tỷ USD.
Để đáp ứng nhu cầu cho vay, hiện nay, các ngân hàng đều sử dụng vượt nguồn 100% khá lâu và để có thêm ngoại tệ cấp tín dụng ra nền kinh tế, họ đều vay nước ngoài. Lãnh đạo một ngân hàng quốc doanh tiết lộ, số tiền các ngân hàng Việt Nam vay nước ngoài hiện khoảng 5 tỷ USD. Đa số các khoản vay là ngắn hạn. Và trong tình hình hiện nay, nếu các đối tác nước ngoài thu hồi nợ sớm hơn dự định thì khả năng cân đối ngoại tệ ở một số ngân hàng sẽ rất khó khăn.
Trước thực tế trên, các chuyên gia nhận định, nguồn ngoại hối cho vay là không bền vững, và điều này sẽ là sức ép lớn các ngân hàng khiến cho tỷ giá đang chịu nhiều rủi ro. Đây là một yếu tố chưa được tính toán đầy đủ.
Trong khi đó, mới cách đây vài tháng, Ngân hàng Nhà nước còn vui mừng với dự trữ ngoại hối tăng cao, thị trường ổn định. Đến nay, niền vui đó không còn khi nhân tố vàng đang khiến cho dự trữ bị ảnh hưởng và nếu tiếp tục theo đuổi nhập khẩu vàng, nguy cơ này sẽ tiếp tục tăng lên.
Tính đến nay, quota nhập vàng đã cấp ra là 15 tấn. Khoảng 10 tấn đã nhập về Việt Nam. Theo thời giá biến động vừa qua, chúng ta đã phải tiêu tốn một lượng lớn cả trăm triệu USD để nhập vàng.
Lo ngại trước tình hình này, ông Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, cảnh báo nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chọn giải pháp nhập vàng để bình ổn thị trường thì về lâu dài sẽ tiêu tốn rất nhiều ngoại tệ.
"Nóng ruột" cuối năm
Tháng trước, Việt Nam có dấu hiệu xuất siêu, đây là tín hiệu mừng để củng cố nhận định cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam sẽ thặng dư trong năm nay. Tuy nhiên, với những diễn biến gần đây thì nhập siêu vẫn tiếp tục tăng và dồn gánh nặng lên tỷ giá.
Chính vì thế, chuyên gia kinh tế Phạm Đỗ Chí nhận định, cán cân thanh toán tổng thể vẫn có thể âm từ 1 đến 2 tỷ USD vào cuối năm do cán cân thương mại vẫn thâm hụt 13-14 tỷ USD, mặc cho dự trữ ngoại hối đã có sự cải thiện.
Không dự đoán về khả năng thâm hụt cán cân thanh toán, song, các chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TƯ cho rằng, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa luôn luôn gia tăng vào những tháng cuối năm dẫn đến nhu cầu về thanh toán của doanh nghiệp tăng. Không loại trừ, khi con số nhập siêu lớn, việc giữ tỷ giá quá dài làm tốn quá nhiều USD dự trữ sẽ gây quá sức chịu đựng. Khi đó, NHNN hoặc phải lựa chọn bán USD để bình ổn thị trường hoặc chấp nhận phá giá USD, hoặc kết hợp cả hai như đã làm trong giai đoạn đầu năm 2011. Dù lựa chọn cách nào thì tỷ giá cũng sẽ biến động.
Việc cơ quan này tuyên bố giữ tỷ giá tăng không quá 1% đến cuối năm, nhiều chuyên gia bình luận đó là một mục tiêu không hề đơn giản. Thậm chí, có người đặt vấn đề, Ngân hàng Nhà nước chỉ cam kết giữ đến hết 2011, còn sau đó... ? Đã không dưới 1 lần, USD được giữ đến hết năm như công bố và điều chỉnh ngay vào đầu năm mới, thậm chí còn ngay trước Tết âm lịch.
Nói về những thách thức đối với việc giữ tỷ giá trong tình hình hiện nay, các chuyên gia cảnh báo, với một mặt bằng lãi suất mới thấp, người dân đã bắt đầu quan tâm đến việc sử dụng đồng tiền vào cách kênh đầu tư có hiệu quả. Vàng và USD đang được chú ý. Thực tế nếu mua USD sẽ đẩy tỷ giá trực tiếp tăng, còn mua vàng thì nhu cầu mua đôla Mỹ để nhập vàng tăng. Tỷ giá USD/VND khó bề mà giữ.
Rồi cuối năm tới, khi tín dụng đến hạn, DN sẽ đồng loạt phải trả các khoản nợ ngắn hạn. Nhu cầu USD cao sẽ đẩy tỷ giá lên. Không còn cách nào khác, họ sẽ phải tìm đến các "chợ đen" cả trong và ngoài ngân hàng để thỏa mãn nhu cầu.
Hiện nay, dấu hiệu nợ xấu ngoại tệ cũng đang tăng, trong khi sức ép tỷ giá càng lộ rõ khiến cả hai phía là DN và ngân hàng đều nóng ruột. Cả hai đang vất vả tìm những nguồn ngoại tệ khả dĩ để đáp ứng nhu cầu. Và trên một nền tảng cán cân thanh toán đang mất cân đối, việc đó sẽ gây xáo trộn cho thị trường.
Đấy là chưa kể, còn đó những nỗi lo: ẩn số tác động của dòng tiền từ xuất nhập khẩu, dòng tiền đầu tư quốc tế và nhu cầu chuyển đổi tài sản từ VND sang USD mang tính thời vụ cuối năm...
Vì thế, TS.Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế TƯ, cho rằng, áp lực mất giá đồng tiền còn cao do một loạt nguyên nhân như: lạm phát tại Việt Nam vẫn cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, thâm hụt cán cân thương mại còn lớn; dự trữ ngoại tệ vẫn mỏng; tín dụng USD rất lớn... Nếu những áp lực này không được xử lý khéo, Việt Nam sẽ lại rơi vào vòng xoáy mất giá VND và lạm phát.
Lê Khắc
Diễn đàn kinh tế Việt Nam



Xem bài viết: Sức ép đè nặng, tỷ giá khó bề chống đỡ