Doanh nghiệp nhà nước: Sự cưng chiều và thua lỗ đầm đìa
Báo cáo mới đây của **** ủy khối doanh nghiệp (DN) trung ương cho thấy ngoài tình hình thua lỗ nặng nề của một số DN lớn, lợi nhuận của các công ty nhà nước đều ở mức thấp.
Một số công ty có thể bị vỡ nợ, rơi vào tình trạng khủng hoảng nếu như không có các biện pháp hỗ trợ kịp thời. Theo đó, tám tháng qua, dự kiến Tập đoàn Điện lực VN lỗ 11.700 tỉ đồng; mức thua lỗ của Tổng Công ty Xăng dầu VN (Petrolimex) có thể lên tới 1.200 tỉ đồng; Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy VN (Vinashin) dự trù lỗ hơn 3.000 tỉ đồng và Tổng Công ty Hàng hải VN dự kiến lỗ 613 tỉ đồng. Điều này làm dấy lên các mối lo ngại về tình trạng làm ăn của các công ty nhà nước. Bên cạnh đó, những thông tin thua lỗ ở các DN nhà nước đã trở nên quá quen thuộc qua mỗi lần công bố, cho thấy những yếu kém của DN nhà nước vẫn chưa được cải thiện.
Trước đó, Bộ Tài chính nhận được đề xuất từ Bộ Xây dựng về hỗ trợ một số công ty thuộc Tập đoàn Sông Đà khó khăn không trả được nợ nước ngoài. Cụ thể, Công ty Cổ phần Xi măng Đồng Bành không trả được nợ gốc và lãi hơn 141 tỉ đồng. Không những thế, từ năm 2011 đến 2015, DN này còn thiếu 607 tỉ đồng để trả nợ. Chắc chắn một điều Bộ Xây dựng sẽ không có tiền và chỉ cách duy nhất là xin Chính phủ cho vay tạm từ ngân sách nhà nước. Đây thực sự là điều đáng báo động khi tình trạng nợ DN có thể biến thành nợ nhà nước, khiến cho khoản nợ nhà nước thêm trầm trọng.
VN là nước đang phát triển nên nhu cầu đầu tư rất lớn, trong khi nguồn lực có hạn nên cần phải đi vay để đầu tư phát triển. Tuy nhiên, với thực tế trên thì các DN nhà nước đang làm cho gánh nợ quốc gia thêm lớn vì Chính phủ bảo lãnh cho vay, DN không trả được nợ thì đương nhiên nợ đó sẽ biến thành nợ của Chính phủ. Lâu nay các DN nhà nước đang ở trong thế khác biệt hơn so với khối tư nhân. Họ được cưng chiều, nhận được nhiều sự ưu đãi, bao cấp hơn. Tuy nhiên, dù có nhiều lợi thế thì DN nhà nước vẫn thua lỗ đầm đìa. Đáng nói hơn sự yếu kém của DN nhà nước không chỉ dừng lại ở nguy cơ phá sản DN mà đang gây ra hậu quả đối với nền kinh tế quốc gia. Như vậy, chính những đứa con được xem như “rường cột, xương sống” của nền kinh tế sẽ trở thành gánh nợ của đất nước.
Trong thông điệp bước vào nhiệm kỳ mới, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh đẩy mạnh cải cách DN nhà nước, đặt DN nhà nước vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, loại bỏ hình thức ưu đãi, bao cấp còn tồn tại; minh bạch hoạt động của DN nhà nước theo tiêu chí của DN đăng ký trên sàn chứng khoán. Đổi mới cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước đối với DN nhà nước theo hướng cơ quan hoạch định chính sách không đồng thời thực hiện chức năng chủ sở hữu DN... Thế nhưng có vẻ như đến nay, các DN nhà nước đang đi chậm dần trong sự đổi mới.
Trà Phương
PHÁP LUẬT TPHCM



Xem bài viết: Doanh nghiệp nhà nước: Sự cưng chiều và thua lỗ đầm đìa