Để “không ai doạ được Nhà nước”
Vị tân bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cam kết sẽ công khai, minh bạch chuyện lỗ lãi của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, và “công bố các gian lận” nếu có, là câu chuyện thời sự trong tuần qua. Nhưng toàn cảnh thị trường rồi sẽ ra sao trước lời cảnh báo của đại diện bộ Công Thương mà ông Huệ và người dân tiếp nhận như lời đe doạ là cứ đà giảm mà không tăng giá này “hệ thống phân phối sẽ vỡ”?
Ông Huệ nói “Nhà nước không dọa ai” trước câu “không ai doạ được Nhà nước”. Và để không ai doạ được mình, Nhà nước đôi khi cũng cần “doạ” doanh nghiệp.
Chưa bàn đến khả năng dám vỡ của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, bản thân việc đặt ra khả năng đó đã là một “vũ khí” trong cuộc mặc cả nhân danh mặt hàng chiến lược mà phía bên kia không chỉ có một mình bộ Tài chính. Cũng giống như tập đoàn Điện lực nhân danh an ninh năng lượng để đòi tăng giá hay hiệp hội, doanh nghiệp lúa gạo từng nhân danh an ninh lương thực để hạn chế xuất khẩu, kiềm giá bán của nông dân mà ẩn đằng sau là nhu cầu cắt lỗ cho những hợp đồng xuất khẩu đã lỡ ký với giá thấp trong khi chưa có hàng để giao. Thật tội nghiệp cho người dân, cứ phải bấm bụng mua mắc, bán rẻ nhân danh lợi ích của mình.
Thứ trưởng bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú nói đúng, “có đủ xăng dầu mới là lợi ích lớn nhất của người dân”, cũng như phải có đủ điện, nhưng chỉ bấy nhiêu đó thì không đủ, và không hết trách nhiệm của mình. Sao mục tiêu không là có đủ với giá rẻ nhất có thể (sau khi doanh nghiệp đã thu lợi nhuận hợp lý)? Muốn vậy, phải giải được bài toán lỗ lãi theo cách không chỉ đọc báo cáo của doanh nghiệp là đủ. Không bàn đến chuyện động cơ, với chức năng đảm bảo nguồn cung, lưu thông, phân phối, có thể hiểu thái độ bảo vệ doanh nghiệp – bảo vệ hệ thống phân phối của ông Tú. Nhưng với một thị trường còn độc quyền như xăng dầu (Petrolimex giữ vai trò thống lĩnh tới khoảng 60% thị phần), với cơ chế điều hành giá nửa thị trường, nửa theo sự chỉ đạo của Nhà nước như hiện nay thì trong lúc khó khăn, doanh nghiệp không có nhiều động cơ cải cách quản trị để giảm lỗ. Mục tiêu, lộ trình chung của nền kinh tế là thị trường hoá, thị trường xăng dầu cần cạnh tranh hơn nữa để giảm thiểu việc những doanh nghiệp như Petrolimex tối đa hoá lợi ích khi chuyển đổi từ độc quyền nhà nước sang độc quyền doanh nghiệp. Dỡ bỏ rào cản, tạo điều kiện cho sự gia nhập thị trường là việc trong tầm tay bộ Công thương với tư cách là cơ quan cấp phép và là giải pháp phòng thủ mang tính chủ động nếu quả nguy cơ vỡ hệ thống phân phối là thật.
Đúng là cần có một hay nhiều Viettel trong thị trường xăng dầu, nhìn từ kinh nghiệm cạnh tranh thành công của thị trường viễn thông. Nhưng vẫn còn câu hỏi lớn từ thực tế hiện có 12 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, một con số không phải nhỏ. Lời giải có thể nằm ở chỗ cần phải nâng đỡ cạnh tranh hơn nữa bằng cách hạn chế vòi bạch tuộc hạn chế cạnh tranh hay cạnh tranh không lành mạnh của doanh nghiệp lớn đối với doanh nghiệp nhỏ trên tinh thần luật Cạnh tranh chứ không phải từ lòng tốt (mà đằng sau nó dễ là những xin – cho) của cơ quan quản lý. Cho đến nay, mọi sự lên hay xuống giá của các doanh nghiệp đều chỉ dám theo… Petrolimex. Nên nhớ rằng bộ Công thương đang là chủ quản cục Quản lý cạnh tranh, cơ quan có chức năng bảo vệ cạnh tranh trong cả nước.
Yêu cầu doanh nghiệp nào không đảm bảo dự trữ lưu thông, có ý định rút khỏi thị trường vì lỗ hãy lên tiếng để bộ Tài chính biết – cách ông Huệ ứng phó với lời đe doạ trên có thể hiểu là sẽ theo hướng này. Có điều, như đã nói, quả bóng lại trong chân bộ Công thương. Sau hội thảo tuần rồi, bộ Tài chính đã ra văn bản giải thích việc điều hành (giảm) giá xăng dầu vừa qua là có sự thống nhất về mục tiêu và hành động với bộ Công thương chứ hai bên không có bất đồng. Mọi sự thống nhất sau này, trên cơ sở nào, cũng cần được công khai, để xem có “thống nhất” với quyền lợi người dân như lựa chọn của ông Huệ hay không, nhưng bản thân nó có giá trị tiền đề cho những giải pháp cần sự phối hợp tiếp theo.
Cho tới nay, một môi trường kinh doanh bình đẳng vẫn là niềm mơ ước của doanh nghiệp dân doanh trong tương quan với “đối thủ” là doanh nghiệp nhà nước. Cũng cho đến nay, quan điểm về vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước đối với những lĩnh vực, mặt hàng thiết yếu để dễ điều tiết mà cùng với nó là những ưu đãi vẫn tồn tại, cho dù không phải sự chỉ đạo nào cũng dễ dàng nếu chỉ đạo – “cây gậy” không kèm theo “củ càrốt”. Giải pháp khả dĩ, trong trường hợp của thị trường xăng dầu hay điện, có lẽ là chia tách doanh nghiệp nhà nước đang độc quyền thành các doanh nghiệp nhỏ để chúng cạnh tranh nội bộ với nhau như đề xuất của nhiều người. Chia tách là việc nằm ngoài khả năng thực tế của các bộ, cho dù theo luật Cạnh tranh, cơ quan quản lý cạnh tranh có quyền này. Tập đoàn, tổng công ty do Thủ tướng quyết định thành lập, thì cũng vậy đối với việc chia tách.
Còn độc quyền, chưa có cạnh tranh đúng nghĩa, chưa thị trường hoá hoàn toàn thì không thể để doanh nghiệp quyết định giá, Nhà nước phải can thiệp. Đó là quyết định đúng đứng trên quan điểm về vai trò của Nhà nước, nhưng lựa chọn này cũng đặt Nhà nước trong thế mắc kẹt – mắc nợ – phải bù lỗ cũng như bị đe doạ như lời doạ vỡ hệ thống.
Ông Huệ nói “Nhà nước không dọa ai” trước câu “không ai doạ được Nhà nước”. Và để không ai doạ được mình, Nhà nước đôi khi cũng cần “doạ” doanh nghiệp. Cạnh tranh là lời đe doạ hữu hiệu nhất để bảo vệ thị trường, bảo vệ hệ thống phân phối. Cạnh tranh đầy đủ theo nghĩa chống lại mọi hành động phản cạnh tranh, cần quyết tâm và hành động từ nơi quản lý nền kinh tế cao nhất.
Mỹ Lệ
sài gòn tiếp thị



Xem bài viết: Để “không ai doạ được Nhà nước”