Nhập siêu thấp - mừng mà lo

Các chính sách kiềm chế nhập siêu xem ra đang phát huy tác dụng, khi 9 tháng đầu năm, nhập siêu chỉ ở mức 6,8 tỷ USD, tương đương 9,8% kim ngạch xuất khẩu. Nhưng mừng đấy, mà cũng lo đấy.
Mừng là vì, cán cân thương mại đang được thu hẹp đáng kể. Mừng hơn nữa, khi mối lo về một sự bấp bênh của thành tích nhập siêu, nhất là khi Việt Nam phải nhập khẩu vàng, chưa diễn ra, ít nhất trong tháng này. Tháng 9, Việt Nam đã chi khoảng 550 triệu USD để mua vàng. Tháng trước, con số này không thấp hơn bao nhiêu - khoảng 466 triệu USD. Còn nếu tính từ đầu năm, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Việt Nam đã nhập khẩu vàng trị giá 1,3 tỷ USD, trong khi xuất khẩu đạt 2,2 tỷ USD.
Nếu loại trừ cả xuất và nhập vàng, nhập siêu cũng chỉ ở mức 7,7 tỷ USD, tương đương 11,4% kim ngạch xuất khẩu. Như vậy, nếu xét cả về giá trị tuyệt đối, cũng như tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu, nếu không tính nguyên do, mà chỉ tính kết quả cuối cùng, thì thành tích kiềm chế nhập siêu của Việt Nam trong hiện tại là đáng kể, nhất là so với xu thế nhập siêu cao trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, bên cạnh thành tích đáng mừng thì cũng hiện hữu không ít mối lo. Lo trước hết bởi một lý do rất cũ, đó là nhập siêu năm nay sẽ không chỉ dừng ở con số 6,8 tỷ USD. Ba tháng cuối năm, nhập khẩu thường tăng mạnh, khiến nhập siêu tăng cao. Lường trước những diễn biến bất thường của nhập siêu những tháng cuối năm là điều nên được cảnh báo.
Lo hơn nữa, vì nguyên nhân nhập siêu được kiềm chế tốt có vẻ không nằm ở cốt lõi của vấn đề - đó là Việt Nam đã thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, thay vì phụ thuộc vào nguyên nhiên liệu nhập khẩu, nay đã chủ động được. Nhập siêu giảm là do xuất khẩu tăng đã đành, nhưng cũng vì nhập khẩu giảm tốc.
Số liệu thống kê cho thấy, nếu loại trừ nhập khẩu vàng, kim ngạch nhập khẩu trong tháng 9 ước giảm 5% (448 triệu USD) so với tháng trước. Trong đó, đáng chú ý, nhập khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 3% (123 triệu USD). Nếu loại trừ yếu tố giá cả, mức tăng nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm chỉ là 9,4%, thay vì 27%.
Lý giải về điều này, Tổng cục Thống kê đã nhận định rằng, phải xét đến nguyên nhân là nhu cầu tiêu thụ cho sản xuất trong nước, tiêu dùng có xu hướng giảm. Đây mới chính là điểm cần lưu ý.
Xét về tiêu dùng, có thể mừng, bởi nhập khẩu hàng tiêu dùng đã giảm chỉ còn chiếm tỷ trọng 7,7%. Lâu nay, dư luận hay đổ lỗi rằng, hàng tiêu dùng, đặc biệt là các mặt hàng xa xỉ, đã đẩy nhập siêu lên cao. Nay, nhập khẩu mặt hàng này giảm, chứng tỏ các biện pháp kiểm soát nhập siêu đã được thực hiện tốt - ít nhất là trên lý thuyết.
Nhưng khi mà Việt Nam chưa thể tự lo được nguyên nhiên vật liệu, do quá trình tái cấu trúc nền kinh tế vẫn đang trong bước chạy đà, thì nhập khẩu và nhập siêu giảm tốc cũng đồng nghĩa với nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu giảm tốc. Sản xuất xem chừng đang thực sự gặp khó khăn, thậm chí đình trệ. Và đây là điều đáng lo, cần được cảnh báo, nhất là trong những tháng tới.
Nguyên Đức
ĐẦU TƯ



Xem bài viết: Nhập siêu thấp - mừng mà lo