Vietstock Daily 28/09: Lạc quan trở lại trước hàng loạt yếu tố cộng hưởng?
(Vietstock) – Thương vụ VCB - Mizuho đang phát đi một thông điệp mạnh mẽ về tính hấp dẫn của thị trường Việt Nam. Trong khi đó, chứng khoán thế giới đang phản ứng rất tích cực trước các tiến triển của việc giải cứu khủng hoảng nợ công châu Âu.
I. NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG NGÀY 28/09/2011
Diễn biến giao dịch: VN-Index tăng 0.7% đạt mức 437.47 điểm, trong khi HNX-Index đi ngang khi chỉ giảm nhẹ lần lượt 0.08% đứng tại 73.34 điểm, và VS 100 tăng nhẹ 0.05%.
Khối lượng giao dịch khớp lệnh bất ngờ tăng 9.7% trên HOSE và 23.8% trên HNX so với phiên giao dịch đầu tuần. Giao dịch thỏa thuận cũng đột biến với hơn 10 triệu cổ phiếu trên HOSE và gần 6 triệu cổ phiếu trên HNX.
Giá trị bán ròng của khối ngoại đã giảm đáng kể, chỉ còn 28 tỷ đồng trên HOSE. SSI có phiên bán chốt lời thứ 2 liên tiếp sau khi được thu gom mạnh trước đó. VIC tiếp tục đứng đầu danh sách bị khối ngoại xả hàng mạnh.

Triển vọng thị trường: VN-Index có phiên tăng điểm nhờ lực kéo của hai mã cổ phiếu vốn hóa lớn BVHMSN, với mức tác động lên chỉ số lớn hơn mức tăng chung của thị trường. Nếu hai mã này đứng giá thì VN-Index đã có phiên giảm điểm nhẹ. VS 100 tăng 0.05% chứng tỏ thị trường trên thực tế có một phiên giao dịch giằng co đi ngang.
Giao dịch trên HNX đang rất sôi động nếu so sánh với HOSE, khi hôm nay khối lượng tiếp tục tăng trưởng và duy trì mức cao, cao hơn 30% so với HOSE.
KLS tiếp tục thu hút dòng tiền đầu cơ trở lại, trong khi cổ phiếu nóng đình đám trong thời gian gần đây là PVL lại có thêm phiên tăng trần mạnh mẽ với hơn 3.3 triệu cổ phiếu sang tay. Diễn biến ở AAA cũng tiếp tục ”nóng” trong phiên hôm nay.
Trên HOSE, chuỗi ngày tăng giá của MSNIJC vẫn chưa kết thúc, mặc dù quỹ FTSE Vietnam Index ETF công bố thông tin mua đã đủ tỷ lệ cổ phiếu MSNIJC trong danh mục.
Mô hình Định lượng Kỹ thuật của chúng tôi tiếp tục cho tín hiệu HNX đang ít rủi ro hơn, khi tỷ trọng cổ phiếu đang được nâng cao hơn so với hôm qua, dù chưa đến mức lý tưởng cho trading ngắn hạn.
Mặc dù tâm lý giới đầu tư vẫn còn dè chừng và chưa hoàn toàn hứng khởi trở lại, nhưng việc khối lượng khớp lệnh duy trì ở mức cao theo chúng tôi là một tín hiệu tích cực.
Thu hút sự chú ý của giới đầu tư hôm nay là thông tin VCB sắp hoàn tất việc bán 15% cổ phần cho cổ đông chiến lược Mizuho Financial Group Inc. (Nhật Bản). Theo đó, VCB sẽ phát hành thêm khoảng 347 triệu cổ phiếu mới cho ngân hàng Nhật Bản này với giá trị ước tính vào khoảng 570 triệu USD, tương đương khoảng 11,856 tỷ đồng.
Ước tính của Vietstock cho thấy giá cổ phiếu VCB phát hành thêm cho Mizuho sẽ vào khoảng 34,000 đồng/cp. Tuy vậy, nếu tính theo giá trước khi pha loãng thì mức giá này lên đến 40,000 đồng/cp, cao gấp 1.5 lần so với giá cổ phiếu VCB tại ngày 27/9/2011 (26,600 đồng/cp).
Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của VCB sẽ tăng lên mức hơn 23,000 tỷ đồng (1.1 tỷ USD). Sức ép về khả năng sinh lợi đối với ngân hàng này trong thời gian tới là không hề nhỏ, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới chưa sáng sủa trở lại, và cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng đang rất gay gắt.
Dù gì thì VCB cũng sẽ có thêm khoản tiền gần 12,000 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn và cải thiện các tỷ số an toàn hoạt động.
Thương vụ M&A lớn nhất từ trước tới nay ở Việt Nam này cũng đang phát đi một thông điệp mạnh mẽ về tính hấp dẫn của thị trường Việt Nam.
Một đối tác chiến lược trong ngành sẽ sẵn sàng trả với mức giá cao hơn rất nhiều so với thị trường để phục vụ các mục đích kinh doanh (ở đây là mạng lưới hoạt động, thương hiệu nội địa, khả năng tiếp cận khách hàng trong nước…). Điều này là khác biệt so với những nhà đầu tư tài chính (quỹ đầu tư), vốn tập trung vào mua bán chênh lệch giá (và việc huy động vốn, giải ngân sẽ phụ thuộc rất nhiều vào triển vọng kinh tế vĩ mô chung).
Ngoài ra, cũng cần để ý rằng VCB hiện đang giao dịch với P/B cuối quý 2/2011 chỉ là 1.7 lần và P/E 4 quý gần nhất ở mức 9.1 lần. Rõ ràng là không thể so sánh với mức đỉnh cao như giai đoạn 2006 – 2007, nhưng điều này phần nào cho thấy chứng khoán Việt Nam đang giao dịch với định giá rất thấp trong con mắt giới đầu tư nước ngoài.
Châu Âu: Trước nguy cơ cuộc khủng hoảng toàn cầu mới cận kề, châu Âu đang nỗ lực lên một kế hoạch giải cứu đầy tham vọng trong 5 - 6 tuần tới. Có thông tin cho thấy theo kế hoạch này, Hy Lạp sẽ được xóa 50% nợ và quy mô quỹ giải cứu của Cơ quan ổn định tài chính châu Âu (EFSF) sẽ tăng từ 440 tỷ EUR lên 2,000 tỷ EUR (tương đương 2,700 ngàn tỷ USD).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản cũng lên tiếng cho biết nước này sẽ xem xét giải cứu Hy Lạp với điều kiện Eurozone đề ra được kế hoạch hợp lý nhằm xoa dịu mối lo ngại của các thị trường toàn cầu.
Trong khi đó, Thủ tướng Hy Lạp đang viếng thăm Đức để thuyết phục nước này về kế hoạch bơm thêm tiền hỗ trợ, và thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng triệt để với một đạo luật đánh thuế bất động sản mới như là một cam kết để nhận thêm các khoản tài chính từ Liên minh châu Âu. Cần lưu ý rằng, Hy Lạp nhiều khả năng sẽ phải hứng chịu sự phản đối của dân chúng khi thực hiện các chính sách hà khắc này.
Thị trường chứng khoán châu Âu và tương lai của Mỹ đang tăng vọt trước các tiến triển mới trong việc giải cứu khủng hoảng nợ công.
Tuy vậy, trong bối cảnh tâm lý giới đầu tư đã ở mức ”cùng cực”, thì một tín hiệu tích cực nhỏ cũng đủ làm cho thị trường hưng phấn tột độ. Do đó, chúng tôi cho rằng việc theo dõi sát sao các kế hoạch giải cứu ở châu Âu sẽ vẫn rất cần thiết trong thời gian tới.
Phân tích kỹ thuật: VN-Index – Hồi phục nhẹ khi về gần SMA 100. Chỉ số đã có những dấu hiệu hồi phục khá mạnh khi về gần đường SMA 100. Tuy nhiên, sức ép từ các ngưỡng kháng cự bên trên vẫn rất lớn nên khiến cho hiện tượng rung lắc trong phiên diễn ra thường xuyên.
Những phiên giao dịch sắp tới sẽ đóng vai trò rất quan trọng đối với triển vọng ngắn hạn của VN-Index. Trong 3 phiên gần đây, liên tiếp xuất hiện những mẫu hình nến dạng doji, spinning top cho thấy động lực tăng trưởng đang được cải thiện đáng kể.
MACD mặc dù cho tín hiệu bán mạnh từ vài phiên trước nhưng vẫn chưa dịch chuyển xuống bên dưới đường zero-base nên mức độ nguy hiểm và cảnh báo đảo chiều là không quá cao.
Khối lượng đã tăng trưởng trở lại sau nhiều phiên liên tục điều chỉnh giảm. Nếu xu hướng này vẫn tiếp diễn trong thời gian tới, VN-Index có khả năng sẽ hồi phục bền vững.

HNX-Index – Khối lượng có dấu hiệu tích cực. Đà giảm đã ngưng lại sau khi giá về gần đường trendline chống đỡ ngắn hạn. SMA 100 cũng góp phần giúp cho đà giảm của giá không quá mạnh và phục hồi dần về cuối phiên.
Khối lượng bắt đầu có tín hiệu tăng trở lại và đây được coi là yếu tố quyết định cho sự phục hồi bền vững. Sự thận trọng sẽ giảm bớt nếu thanh khoản tiếp tục duy trì trên 35 triệu đơn vị/phiên.

VS 100: Tăng nhẹ (+0.05%) trong phiên giao dịch ngày 27/09/2011, VS 100 đang duy trì ở vùng khá nhạy cảm. Nếu như tiếp tục quá trình phục hồi và vượt lên trên được vùng đỉnh cũ 66.5 – 67.5 của giai đoạn trước thì mục tiêu của mẫu hình dài hạn Double Bottom nhiều khả năng sẽ đạt được.

II. PHÂN TÍCH KỸ THUẬT DOW JONES
Ngắn hạn – Sắp test SMA 50. Xét dưới góc độ ngắn hạn, DJIA sẽ test lại SMA 50 trong vài phiên nữa nếu tiếp tục tăng trưởng.
Sự xuất hiện của mẫu hình nến spinning top trong phiên trước đó đã báo hiệu khá chính xác phiên đảo chiều ngoạn mục vào ngày 26/09/2011. Điều này cũng cho thấy ngưỡng Fibo 261.8% là rất vững chắc.
Khả năng trong vài phiên tới thị trường Mỹ sẽ tiếp tục tích cực.
Dài hạn – Hy vọng trở lại. Phân kỳ giá lên (bullish divergence) rất mạnh của Swing Trd 2 đã bắt đầu có hiệu lực khi mà trong các phiên gần đây DJIA liên tục có tín hiệu tốt. Những dấu hiệu này làm tăng hy vọng phá vỡ trở lại các đường MA dài hạn.

III. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG NGÀY 27/09/2011

Phòng Nghiên cứu Vietstock



Xem bài viết: Vietstock Daily 28/09: Lạc quan trở lại trước hàng loạt yếu tố cộng hưởng?