[table]


(Nguồn ảnh: laodong.com.vn)
[/table]Theo
tham khảo của PV từ ý kiến của nhiều nhà đầu tư cá nhân, mức giá đấu
của Vietcombank sẽ khá cao. Tuy nhiên, khi tham khảo ý kiến của các
chuyên gia chứng khoán thì mức giá nhận định khá khác biệt so với các
nhận định của các nhà đầu tư cá nhân.
Thành viên Hội đồng quản
trị một ngân hàng cổ phần lớn nhận định mức giá đấu bình quân sẽ khoảng
150.000 đồng/CP. Lý do là ở mức giá đó chỉ số P/E của Vietcombank đã
lên tới 80; trong khi đó P/E của ACBSTB hiện thấp hơn nhiều mức
này. Tuy nhiên, nếu tính cả tiềm năng phát triển của Vietcombank thì
mức P/E là 80 của Vietcombank cũng là hợp lý khi so với ACB hoặc STB.


Ông Phạm Khánh Lynh -
Phó tổng giám đốc Công ty liên doanh quản lý quỹ Việt Nam - cũng có
chung nhận định về mức giá đấu bình quân Vietcombank nhưng nhận xét
thêm: “Đối với các quỹ mới, tiền chưa giải ngân nhiều thì họ có thể có
thoáng hơn nhưng các tổ chức đã có kinh nghiệm sẽ không bỏ một mức giá
quá cao trong lần này”.


Phó giám đốc Khối dịch
vụ chứng khoán của một công ty chứng khoán (CTCK) lớn thì cho biết:
“Tôi chỉ bỏ giá khoảng 12-13 “chấm” thôi, cùng lắm là 15 “chấm”, hơn là
không chơi vì cũng mạo hiểm lắm”. Ông Nguyễn Đình Phong, Giám đốc Khối
dịch vụ chứng khoán CTCK VNDirect, cũng dự đoán mức giá khoảng 15
“chấm” cho Vietcombank.


Mặc dù có khá nhiều
chuyên gia nhận định về mức giá khoảng 15 “chấm” cho Vietcombank nhưng
các diễn biến trên thị trường lại nóng hơn mức đó rất nhiều.


Một chuyên gia hàng đầu
về chứng khoán đề nghị không nêu tên nhận xét: “Chưa có một đợt IPO nào
tại Việt Nam mà tất cả các tổ chức tài chính, ngân hàng lớn, nhỏ,
CTCK... đều muốn tham gia như đợt IPO Vietcombank.


Với một mối quan tâm lên
tới mức cực điểm như vậy mà bảo mức giá sẽ ở mức hợp lý (khoảng 150.000
đồng/CP) sẽ là điều rất khó tin. Cung ít mà cầu nhiều thì giá sẽ bị đẩy
lên cao. Đây là chưa kể đến việc các thông tin IPO của Vietcombank
cũng có những điểm cần phân tích rõ hơn”.


Theo vị chuyên gia này,
mức lợi nhuận chỉ khoảng 1.854 tỉ năm 2007 của Vietcombank là thấp so
với tiềm năng thực tế. Điều có thể thấy ngay là năm 2007 Vietcombank
trích dự phòng rủi ro tới 1.100 tỉ đồng là một nhân tố làm giảm mạnh
lợi nhuận, trong khi đó năm 2006 thì dự phòng rủi ro chỉ trích có 174
tỉ đồng. “Đây là chưa kể đến nhiều yếu tố tiềm năng khác chưa được phân
tích rõ”, ông này nói.


Vị chuyên gia này phân
tích thêm, nếu xét về tương quan trong ngành ngân hàng thì Vietcombank
không thể kém ACB mà giá của ACB thì đã được các quỹ đầu tư nước ngoài
trả giá tới 23 “chấm” trong lần phát hành gần đây nhất (ACB không bán
cho quỹ này mà bán cho cổ đông nước ngoài với giá 20 “chấm” - cao hơn
cả giá trên thị trường hiện nay).


“Liệu giá của
Vietcombank chỉ ở mức 15 “chấm” có phản ánh đúng thực tế mối quan tâm
của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài hay không?”,
vị chuyên gia này nói.


Chưa hết, chuyên gia này
còn đưa ra một bằng chứng khác về mối quan tâm của các nhà đầu tư nước
ngoài đối với cổ phiếu của các ngân hàng hàng đầu Việt Nam: “STB chỉ
nhầm “room” có vài phút mà lượng đặt mua STB của các nhà đầu tư nước
ngoài đã lên tới hàng triệu cổ phiếu và làm “room” của STB đã vượt mức
30% - mức tối đa được phép. Điều này cho thấy, nếu có cơ hội thì các
nhà đầu tư nước ngoài thậm chí còn sẵn sàng mua CP của các ngân hàng
hàng đầu với giá còn cao hơn cả các nhà đầu tư trong nước”.


Khi được hỏi, ông Lê
Đình Ngọc, Giám đốc CTCK Thăng Long, không đưa ra dự đoán cụ thể về mức
giá của Vietcombank nhưng nói: “Đây là một cuộc đấu giá mà không ai
trong giới đầu tư chứng khoán muốn mình đứng ngoài cuộc. Nói đơn giản
thì đây là một cơ hội lớn để kiếm tiền và khi đó thì giá cả được quyết
định bởi cung cầu trên thị trường. Mức dự đoán sát nhất sẽ có vào gần
sát ngày hết hạn nộp phiếu đấu giá”.




[table]





[/table]