Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú: 'Có đủ xăng dầu mới là lợi ích lớn nhất của người dân'
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng điều quan trọng nhất trong điều hành là phải làm sao có đủ xăng dầu cho dân dùng chứ không phải cố có mức giá rẻ để rồi dẫn tới nguy cơ vỡ hệ thống phân phối.
* Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú: “Tôi tin mình đúng”
Ông Tú dành hơn nửa ngày Chủ nhật (25/9) để trao đổi với VnExpress về câu chuyện điều hành thị trường xăng dầu, ít ngày sau hội thảo đầy kịch tính do Bộ Tài chính chủ trì.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú.

- Người tiêu dùng tin rằng lợi ích của họ là được quyền mua xăng giá rẻ. Là người tham gia điều hành thị trường xăng dầu nhiều năm, ông nghĩ thế nào về điều này?
- Đã có những năm tháng dài người dân nước ta sống dưới chế độ bao cấp, khi mà mọi thứ đều rất rẻ, rẻ tới mức gần như cho không nhưng hầu như họ không thể mua được mỗi khi cần, vì hàng không có mà mua. Đến khi có hàng, đôi khi người dân phải đi rất xa (vì có rất ít cửa hàng bán), phải xếp hàng rất lâu (nhiều khi phải xếp hàng cả ngày đêm) để mua cho được.
Nhắc lại chuyện này để thấy rằng giá rẻ chưa phải là toàn bộ lợi ích của người dân. Giá rẻ cũng không phải quan trọng nhất đối với người dân. Đối với người dân lợi ích quan trọng nhất là có hàng, tiếp đó là có chỗ để mua và sau đó mới là giá hợp lý.
- Vậy theo ông thế nào thì được gọi là giá hợp lý?
- Giá hợp lý phải đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên, người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Cũng nói về thời bao cấp, vì giá rẻ quá mức nên không ai muốn sản xuất, hệ quả là không có hàng hóa và cũng chẳng ai tha thiết bán nên rất khó tìm chỗ để mua.
Khi chúng ta chuyển từ chế độ bao cấp sang kinh tế thị trường, nhiều người lo lắng giá sẽ không kiểm soát nổi và quá khả năng chấp nhận của người dân. Nhưng thực tế từ đó đến nay, giá cả trên thị trường tuy có tăng lên nhưng vẫn vừa túi tiền để đại bộ phận người dân mua được.
Thị trường xăng dầu cũng theo nguyên lý tương tự. Chúng ta phải điều hành giá làm sao để luôn luôn có nguồn xăng dầu đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân và để hệ thống phân phối xăng dầu được trải rộng khắp cả nước, từ thành thị tới nông thôn cho tới vùng sâu vùng xa để người dân mua được hàng hóa một cách thuận tiện khi họ có nhu cầu. Nếu giá rẻ tới mức ảnh hưởng tới việc cung ứng xăng dầu và ảnh hưởng tới hệ thống phân phối thì cũng không đáp ứng được nhu cầu và lợi ích của người dân.
- Nhưng trong điều kiện thị trường xăng dầu vẫn còn độc quyền, lợi ích của người dân khó được đảm bảo nếu các doanh nghiệp cố tình trục lợi?
- Tại hầu hết các nước trên thế giới, nền kinh tế vận hành theo nguyên tắc thị trường. Sự can thiệp của nhà nước có thể có nhưng rất ít ỏi. Trong điều kiện kinh tế như vậy, một doanh nghiệp chiếm thị phần lớn có thể sử dụng vị thế của mình để trục lợi bằng cách định giá cao cho sản phẩm và người dân phải mua vì không có nhiều lựa chọn. Vì vậy lợi ích của người dân có thể bị vi phạm.
Chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng còn một thời gian rất dài nữa mới có thể hoàn thành được mục tiêu này. Còn hiện tại Nhà nước vẫn can thiệp rất sâu vào các hoạt động kinh tế. Kể cả tới khi chúng ta hoàn thành mục tiêu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì đó vẫn là nền kinh tế thị trường có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước để đảm bảo lợi ích của nhân dân.
Thị trường xăng dầu nước ta vẫn đang vận hành trong bối cảnh kinh tế như vậy. Nhưng còn có hai đặc điểm cần quan tâm. Thứ nhất, hiện nay các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối đều là doanh nghiệp nhà nước nên phải thực hiện mục tiêu an sinh xã hội của Nhà nước. Thứ hai là đến tận hôm nay (trừ giai đoạn tháng 1, tháng 2/2010), giá xăng dầu bán lẻ trên thị trường vẫn do Nhà nước quyết định.
Đây là điểm mấu chốt để nói rằng các doanh nghiệp không thể lợi dụng thị phần lớn để có thể cầu lợi cho riêng mình mà làm hại cho nhân dân. Bởi vì đơn giản là họ không có quyền định giá. Kể cả sắp tới đây, nếu chúng ta thực hiện hoàn toàn nghị định 84, thì doanh nghiệp cũng không thể lợi dụng thị phần lớn để cầu lợi. Bởi theo Nghị định 84, Nhà nước vẫn quản lý giá, doanh nghiệp chỉ được một quyền tự chủ rất nhỏ. Và ngay việc tự chủ đó vẫn bị Nhà nước kiểm soát.
- Các doanh nghiệp xăng dầu quy mô lớn đều thuộc Bộ Công Thương, vì thế khó tránh khỏi tâm lý Bộ chủ quản bênh vực doanh nghiệp của mình?
- Các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu hiện nay thuộc các bộ ngành khác nhau (Giao thông Vận tải, Hàng hải, Quốc phòng) và các địa phương khác nhau (TP HCM, Đồng Tháp)… chứ không phải tất cả đều thuộc Bộ Công Thương.
Bộ Công Thương không bênh vực doanh nghiệp một cách chung chung mà chỉ lo tạo điều kiện hợp lý để các doanh nghiệp cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường và đảm bảo hệ thống phân phối hoạt động ổn định, đảm bảo dự trữ xăng dầu đề phòng những bất trắc trên thị trường, nói cách khác là góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.
Vì thế, điều Bộ Công Thương quan tâm là Chính phủ và các bộ ngành tìm được giải pháp phù hợp để giải quyết số lỗ tích lũy của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trong thời gian kể từ khi chúng ta thực hiện Nghị định 84 (15/12/2009) tới nay do phải thực hiện việc kìm giá để phục vụ nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội của Chính phủ.
- Vậy thực hư chuyện lỗ lãi trong kinh doanh xăng dầu như thế nào?
- Nói về lỗ lãi trong kinh doanh xăng dầu thì phải xuất phát từ các cấp độ quản lý khác nhau. Dưới góc độ quản lý vĩ mô của Nhà nước (như tôi phát biểu tại hội thảo), thực tế là có số lỗ lũy kế của tất cả các doanh nghiệp đầu mối sau thời gian dài chúng ta điều hành giá xăng dầu ở mức thấp để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Đây là số lỗ có thật, phát sinh là do nhu cầu điều hành của Chính phủ, thuộc trách nhiệm giải quyết của Chính phủ và các bộ ngành.
Dưới góc độ điều hành giá xăng dầu, thì không có khái niệm lỗ hay lãi, mà chỉ là sự chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ thực tế trên thị trường. Giá cơ sở là giá pháp định, được quy định trong Nghị định 84, các cơ quan quản lý đều phải sử dụng trong công tác điều hành của mình. Giá này thoát ly hoàn toàn khỏi một doanh nghiệp cụ thể, khỏi một thời điểm cụ thể, và khỏi hoàn cảnh kinh doanh cụ thể. Nó là giá tham chiếu cho toàn bộ thị trường xăng dầu. Còn giá bán lẻ là do Nhà nước quyết định. Con số chênh lệch này là một trong những dữ liệu để các cơ quan quản lý cân nhắc khi quyết định giá bán lẻ xăng dầu tại từng thời điểm cụ thể.
Dưới góc độ quản lý doanh nghiệp, thì lỗ hay lãi phản ánh hiệu quả kinh doanh thực tế của một doanh nghiệp. Thực tế, quan tâm lớn nhất của người dân hiện nay chính là số liệu lỗ lãi này. Nhưng thực sự doanh nghiệp lỗ lãi bao nhiêu, còn phải chờ kết luận của cơ quan chức năng.
Vì thế, trong đánh giá cũng như suy nghĩ, chúng ta cần phân định rất rõ chúng ta đang đề cập tới khái niệm nào. Có như vậy, chúng ta mới không phạm sai lầm.
- Cũng xoay quanh câu chuyện lỗ lãi mà hội thảo ngày 20/9 đã diễn ra tranh cãi giữa Bộ Công Thương và Tài chính, khiến nhiều ý kiến cho rằng hai bộ đang có sự bất đồng quan điểm gay gắt. Thực hư chuyện này ra sao thưa ông?
- Ngày 20/9 là một hội thảo khoa học, không phải cuộc họp giữa hai bộ. Tất cả mọi người đều tham gia với tư cách nhà khoa học hoặc chuyên gia về kinh doanh xăng dầu. Tranh luận giữa những người tham gia hội thảo chỉ là nhằm tìm ra giải pháp tốt nhất để điều hành thị trường xăng dầu. Mọi người đều nêu ý kiến một cách thẳng thắn, với nhiều ý kiến trái chiều. Tranh luận giữa các ý kiến khác nhau cũng bình thường như mọi khi, không gay gắt hơn so với các hội thảo trước đây về điều hành xăng dầu.
Còn về quan hệ công tác giữa Bộ Công Thương và Tài chính, tôi khẳng định không có sự bất đồng về quan điểm điều hành xăng dầu. Bởi vì hai bộ có cùng một mục tiêu là điều hành xăng dầu làm sao để đảm bảo tốt nhất cho nhu cầu phát triển kinh tế và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Thứ hai là chúng tôi cùng căn cứ trên cùng một hệ thống văn bản pháp lý. Thứ ba là hai bộ đều chấp hành các chủ trương của Chính phủ.
- Vậy theo ông sắp tới điều hành xăng dầu nên như thế nào để giải quyết những khó khăn hiện nay?
- Về lâu dài, khi nào chúng ta xây dựng hoàn chỉnh một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thì xăng dầu cũng như các mặt hàng khác sẽ hoàn toàn tự do kinh doanh.
Nhưng từ nay đến khi đó, chúng ta sẽ phải trải qua nhiều bước, mỗi một bước quyền kinh doanh của doanh nghiệp sẽ được mở rộng hơn, đồng thời các doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh hơn. Việc thay đổi đó sẽ tiến hành dần dần cho tới khi chúng ta tạo được môi trường cạnh tranh lành mạnh thì các doanh nghiệp sẽ được quyền tự chủ quyết định giá.
- Sau cuộc tranh luận vừa rồi, ông phải chịu những sức ép nào trong công việc điều hành cũng như cuộc sống?
- Về cơ bản tôi không chịu sức ép nào cả. Công việc thì đã có chuẩn mực, tôi cứ theo chuẩn mực để thực hiện. Đối với cuộc sống, tôi nghĩ rằng sự khác biệt về suy nghĩ và cách làm, tranh luận, thảo luận thậm chí bị hiểu lầm là chuyện bình thường. Nhưng có thời gian thì mọi hiểu lầm sẽ được giải tỏa.
Hoàng Lan - Song Linh
vnexpress



Xem bài viết: Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú: 'Có đủ xăng dầu mới là lợi ích lớn nhất của người dân'