-------------------------
Blogger: ThS Lê Đạt Chí
Thời gian đăng: 24/09/2011
Blog: http://vn.360plus.yahoo.com/ledatchi
-------------------------


Theo nhận định trong bài “Sự trở lại của con gấu” đăng số ra ngày 12.6.2011, TTCK Mỹ được dự báo sẽ có sự giảm điểm mạnh trong nửa sau năm 2011. Thực tế diễn ra cho thấy dự báo trên đang trở thành hiện thực. Tính từ đỉnh ngày 2.5.2011 đến nay, chỉ số DJIA đã giảm gần 17%. Toàn bộ lợi nhuận mà chỉ số này có được trong con sóng đầu năm 2011 đã bị xóa sạch. Tuy nhiên, con gấu vẫn chưa bị đánh bại và TTCK Mỹ còn nhiều lý do để tiếp tục giảm sâu hơn nữa.


Triển vọng u ám của bức tranh kinh tế toàn cầu là lý do căn bản. Tại nước Mỹ, giới đầu tư chứng khoán thất vọng trước chương trình “Operation Twist” của Fed (còn được gọi là QE 2.5). Với quy mô chỉ có 400 tỷ USD, nhà đầu tư khó có thể lạc quan vào khả năng chương trình Operation Twist sẽ giúp nước Mỹ tránh khỏi suy thoái khi ngay cả 2,300 tỷ USD được Fed bơm ra trong gói QE1 và QE2 cũng không thể làm được điều này. Cần phải nói rằng, chương trình QE 2.5 là niềm tin mà giới đầu tư chứng khoán “bấu víu” trong suốt hơn 1 tháng qua. Trong cơn bán tháo hoảng loạn tháng 7, TTCK đã hồi phục từ ngày 9.8.2011 khi Fed gợi mở ý tưởng đầu tiên về chương trình QE 2.5. Do đó, một khi hy vọng cuối cùng biến mất thì việc bán tháo của các nhà đầu tư là chuyện không thể tránh khỏi. Trong quá khứ, TTCK Mỹ cũng từng giảm điểm mạnh khi gói QE1 gây thất vọng cho thị trường. Vào cuối tháng 11.2008, khi chương trình QE1 lần đầu tiên được công bố, chỉ số DJIA đã có sự hồi phục đến đầu năm 2009. Tuy nhiên, khi giới đầu tư cảm thấy thất vọng về sự mập mờ và quy mô của QE1, chỉ số DJIA đã tiếp tục sụt giảm cho đến ngày 9.3.2011. Lịch sử có lặp lại khi nhà đầu tư Mỹ một lần nữa thất vọng với gói QE 2.5?


Trên khía cạnh phân tích kỹ thuật, việc chỉ số DJIA hoàn tất điểm phá vỡ hướng xuống “mẫu hình cờ hiệu - Flag Pattern” dự báo khả năng giảm điểm sâu hơn. Theo thống kê của Bullowski, mức giảm giá trung bình của mẫu hình cờ hiệu là 16% kể từ điểm phá vỡ, tương ứng với mức 9,900 điểm. Thống kê cũng cho biết có xác suất 46% mẫu hình cờ hiệu sẽ giảm về mục tiêu giá 9,100 điểm. Phân tích mô hình sóng Elliott cho thấy, chỉ số DJIA đang đi vào sóng 5 của pha giảm điểm. Mục tiêu giá của sóng 5 từ 9,800-10,000 điểm. Do đó, vùng 10,000 điểm có thể coi là mục tiêu giá cho đợt giảm điểm kế tiếp của DJIA.


H1-Biều đồ kỹ thuật chỉ số DJIA


Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, Châu Âu đang rơi vào thế bế tắc trong vấn đề của Hy Lạp cũng như khủng hoảng nợ công của các quốc gia khác trong nhóm PIGS (Bồ Đào Nha, Italia, Hy Lạp, Tây Ban Nha). Hy Lạp vỡ nợ là câu chuyện hoàn toàn có thể trở thành hiện thực khi chính ECB cũng thừa nhận khả năng này. Nhưng giải quyết như thế nào để thoát khỏi hiểm họa này là vấn đề còn gây tranh cãi. Nếu Hy Lạp tiếp tục ở lại khu vực đồng tiền chung Châu Âu, việc mất đi tính độc lập trong chính sách tài khóa (buộc phải thắt chặt tài khóa) và chính sách tiền tệ (không thể phá giá đồng EUR) sẽ khiến nền kinh tế này tiếp tục trì trệ. Con số nợ công cũng ngày càng một lớn dần trong khi ngân sách hiện nay của chính phủ Hy Lạp chỉ đủ dùng đến cuối năm nay và thậm chí có số liệu cho biết là chỉ còn trong vài tuần nữa. Nhưng nếu đưa Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng Euro, điều này chẳng khác gì đưa Hy Lạp nhanh hơn vào chỗ chết. Theo phân tích của Willem Buiter, kinh tế gia của Citigroup, việc quay trở lại sử dụng đồng nội tệ sẽ khiến cho đồng nội tệ bị mất giá ngay lập tức 40%. Điều này sẽ khiến hệ thống ngân hàng của Hy Lạp sụp đổ và kéo theo hàng loạt chủ nợ ở Pháp và Đức. Không những vậy, việc kinh tế Hy Lạp có thể hồi phục được sau khi rời khu vực Euro vẫn là dấu hỏi lớn. Nền kinh tế Hy Lạp trong vài thập kỷ qua vốn sống dựa vào các dòng vốn vay từ bên ngoài. Do đó, một khi rời khỏi khu vực đồng Euro, đồng nghĩa cắt đứt nguồn vốn vay từ ECB và các tổ chức tài chính khác. Theo đánh giá của UBS, ước tính thiệt hại khi Hy Lạp rời đồng Euro sẽ vào khoảng 40%-50% GDP trong năm đầu tiên. Liệu một nền kinh tế yếu ớt như Hy Lạp hiện nay có thể chịu đựng một mức tổn thất lớn đến như vậy? Nếu như Hy Lạp vỡ nợ, với quy mô 483 tỷ USD, thị trường tài chính toàn cầu sẽ gánh chịu hệ quả còn tồi tệ hơn cả vụ phá sản của Lehman Brothers vào tháng 9.2008.

TTCK VN vẫn còn chịu áp lực điều chỉnh trong ngắn hạn

Diễn biến của TTCK trong 2 tuần qua đã cho thấy sự điều chỉnh giảm của các chỉ số như nhận định trong bài “Thị trường chứng khoán sẽ điều chỉnh” đăng số ra ngày 12.9.2011. TTCK VN trong thời gian tới chưa thể sớm hồi phục. Thứ nhất, triển vọng u ám của kinh tế thế giới và dự báo sự đi xuống mạnh của các chỉ số chứng khoán toàn cầu sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý của các nhà đầu tư trong nước. Thứ hai, trong thời gian tới, TTCK trong nước không có thông tin hỗ trợ. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 đã được công bố ở mức tăng 0.82% so với tháng trước, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 4 năm nay. Một con số tạm hài lòng đối với nhà đầu tư. Tuy nhiên, nguy cơ lạm phát có thể quay trở lại bất cứ lúc nào nếu NHNN tiếp tục bơm tiền để giảm lãi suất. NHNN đã có những biện pháp mạnh tay để đưa lãi suất huy động xuống 14%/năm nhưng hiệu quả vẫn là điều mà các nhà đầu tư đang chờ đợi. Thứ ba, thách thức cho TTCK VN là diễn biến giá vàng trong nước với giá vàng thế giới. Trong xu hướng giảm giá của vàng thế giới, giá vàng trong nước vẫn ở mức cao hơn nhiều gia, điều này càng tiếp tay cho nhập khẩu vàng lậu. Những ngày qua, tỷ giá thị trường tự do đã tăng khá mạnh càng gây sức ép lên cách chính sách lãi suất và tỷ giá của NHNN. Giá vàng giảm đã tạo cơ hội cho những ai bỏ lỡ cơ hội lần trước quay trở lại làm cho dòng tiền từ TTCK càng chịu nhiều thách thức.


Trên khía cạnh kỹ thuật, các chỉ số chứng khoán cả hai sàn cuối tuần qua đang đứng ở mức chống đỡ tương ứng tỷ lệ Fibonacci thoái lùi 38.2%. Cụ thể là mức 438 điểm đối với VN-Index và 74 điểm đối với HNX-Index. Đây chưa phải là mức chống đỡ mạnh cuối cùng. Phân tích chỉ số HNX-Index trên khung thời gian tuần cho thấy, hai chỉ báo MACD và Stochastic có sự mâu thuẫn nhau về tín hiệu. Cụ thể, Stochastic Oscillator cho tín hiệu bán trong khi MACD vẫn nằm ở trong vùng bullish. Sự trái ngược nhau về tín hiệu cho thấy xu hướng tăng là không tồn tại trong khung thời gian tuần. Quan sát lại đợt giảm điểm trong thời gian tháng 6 cho thấy, thị trường vẫn có thể giảm điểm khi có sự mâu thuẫn về tín hiệu. Nếu xét riêng về tín hiệu của Stochastic, trong khung thời gian tuần, chúng ta nhận thấy có tín hiệu phân kỳ ẩn, tức là đỉnh giá thấp hơn nhưng Stochastic Oscillator lại cho mức điểm cao hơn. Phân kỳ ẩn là chỉ báo tiếp diễn xu hướng. Do đó, với xu hướng giảm trước đó, tôi kỳ vọng thị trường vẫn đang nằm trong xu hướng giảm. Nếu phá vỡ tỷ lệ thoái lùi Finonacci 38.2%, các chỉ số sẽ tìm về các mức chống đỡ tiếp theo là 50% và 61.8%. Tương ứng với 427 điểm và 416 điểm đối với VN-Index; 72 điểm và 70 điểm đối với HNX-Index.


Biều đồ kỹ thuật chỉ số HNX-Index


(Nguồn: phần mềm Fibonacci Galatic Trader. Cài đặt khung thời gian O=Ngày, N=Tuần; H=Tháng)