Quản lý thị trường xăng dầu: Phải vì lợi ích của nền kinh tế
Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan, người có nhiều năm nghiên cứu việc kinh doanh, lỗ lãi mặt hàng xăng dầu cho biết, bà rất quan tâm và ủng hộ những quyết định mạnh mẽ, quyết liệt của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ nhằm minh bạch thị trường xăng dầu, đặc biệt là để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Bà Phạm Chi Lan.

Kể từ sau cuộc hội thảo về xăng dầu do Bộ Tài chính tổ chức hôm 20/9 cùng các biện pháp mạnh mẽ của Bộ Tài chính, dư luận đặc biệt quan tâm và kỳ vọng những luẩn quẩn của thị trường xăng dầu vốn gây quá nhiều bức xúc sẽ được thay đổi.
Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan, người có nhiều năm nghiên cứu việc kinh doanh, lỗ lãi mặt hàng xăng dầu cho biết, bà rất quan tâm và ủng hộ những quyết định mạnh mẽ, quyết liệt của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ nhằm minh bạch thị trường xăng dầu, đặc biệt là để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11 của Chính phủ. Những vấn đề nóng đặt ra tại hội thảo cũng được bà xem xét rất kỹ với thông tin nhiều chiều.
Sáng 22/9, chuyên gia Phạm Chi Lan trao đổi thẳng thắn với phóng viên Báo CAND.
Kể từ khi đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã có nhiều biện pháp nhằm minh bạch hóa thị trường xăng dầu, nhưng diễn biến cho thấy còn nhiều khó khăn?
- Tôi rất mừng và hoan nghênh Bộ trưởng Vương Đình Huệ, đây là thái độ thực sự cần thiết trong việc điều hành lĩnh vực lớn như vậy. Lâu nay trong cách điều hành xăng dầu của chúng ta, thường thái độ của các Bộ khá mềm với doanh nghiệp và thiên về ủng hộ doanh nghiệp hơn là lợi ích của nền kinh tế hoặc lợi ích người dân để xem xét, phân tích các vấn đề. Ngay tại cuộc họp hôm đó (20/9) cho thấy thái độ lãnh đạo hai Bộ là khác hẳn nhau. Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đặt thẳng vấn đề là đứng trên lợi ích của 86 triệu dân, của nền kinh tế chứ không phải của 11 doanh nghiệp, còn số lãnh đạo khác vấn đề hàng đầu vẫn là chuyện lãi lỗ của doanh nghiệp. Tức là cách tiếp cận khác nhau hoàn toàn, lợi ích khác nhau hoàn toàn, như vậy có thể dẫn đến các xử lý khác nhau, vì vậy tôi hoan nghênh và tôi mong là sau sự việc này các bộ nên xem xét lại để xử lý theo cách tiếp cận của Bộ trưởng Vương Đình Huệ, tức là phải lấy lợi ích của nền kinh tế, của 86 triệu người dân lên hàng đầu.
Các bộ không phải là người đại diện cho các doanh nghiệp, không phải là người đứng ra để bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp, đó là điều cơ bản. Dù là doanh nghiệp Nhà nước thì các bộ với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước phải quản lý trên góc độ bảo vệ lợi ích của toàn bộ nền kinh tế, lợi ích của 86 triệu người dân, từ đó yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động làm sao cho có hiệu quả và phải đặt lợi ích của nền kinh tế, của người dân lên số 1. Cho nên, thái độ của Bộ trưởng Vương Đình Huệ là rất đúng đắn và tôi thực sự mong các Bộ, ngành khác cũng cần làm như vậy, trước hết là Bộ Công thương, xem xét lại cách tiếp cận của mình.
- Theo bà, những lý lẽ đưa ra của Bộ trưởng Vương Đình Huệ như thế nào, vì nếu không đủ sức thuyết phục thì dễ nảy sinh bất đồng?
- Bộ trưởng Vương Đình Huệ đưa ra vấn đề trên cơ sở thông tin đầy đủ và hiểu biết của ông rất sâu về lĩnh vực kinh doanh này chứ không phải là thiếu căn cứ. Ví dụ như qua hoạt động kiểm toán nhiều năm về hoạt động của các doanh nghiệp xăng dầu, Bộ trưởng nói thẳng là có các căn cứ, dữ liệu trong tay. Hay xung quanh quyết định giảm giá xăng 500 đồng/lít vừa rồi là đã tham khảo trên cơ sở số liệu của Hải quan, cho thấy thời gian đó doanh nghiệp đã có lãi, cần thiết phải giảm giá xăng dầu. Như thế, đó là quyết định đúng đắn. Trong khi Bộ Công thương và doanh nghiệp xăng dầu lại phản ứng, cho là không đúng. Tôi cho rằng, cách làm việc của Bộ trưởng Vương Đình Huệ như vậy là có căn cứ và thận trọng, nghiêm túc khi đưa ra quyết định.
- Còn việc Bộ trưởng tuyên bố chịu trách nhiệm cá nhân khi đưa ra quyết định?
- Khi lý giải vấn đề này, Bộ trưởng nhận thẳng trách nhiệm cá nhân khi đưa ra quyết định giảm giá xăng dầu lúc đó. Điều này cho thấy một thái độ rất đàng hoàng. Bộ trưởng hỏi lại, chất vấn lại Tổng Công ty Petrolimex, yêu cầu báo cáo lãi lỗ từng mặt hàng như thế nào và kết quả là ông Tổng Giám đốc đã không trả lời được. Sau đó, Bộ trưởng bình luận luôn, không hiểu Petrolimex quản lý theo kiểu gì. Tôi nghĩ, một đơn vị kinh doanh lớn như vậy và chỉ có mấy nhóm hàng thôi mà không nắm được trong từng mặt hàng lãi lỗ như thế nào mà lại bảo là tính gộp. Tính gộp làm sao được, không đơn vị kinh doanh nào làm như vậy. Bộ trưởng hỏi thế mà ông Tổng Giám đốc trả lời như vậy thì tôi nghĩ có lẽ ông không đáng làm Tổng Giám đốc.
- Liệu có chuyện mập mờ trong vấn đề này không, thưa bà?
- Rõ ràng là mập mờ mới muốn đánh ù từ cái nọ sang cái kia, lấy cái mập mờ đó mang lại lợi ích cho mình. Chỉ trong thời gian ngắn, có vài tháng thôi, lúc bảo lãi, lúc bảo lỗ mà rõ ràng không có được cơ sở từng nhóm hàng một để tính kinh doanh lãi lỗ như thế nào, đó là điều không chấp nhận được. Nhà nước giao lĩnh vực kinh doanh lớn như vậy vào tay những con người như thế thực sự là quá nguy hiểm.
- Bộ trưởng Vương Đình Huệ nói doanh nghiệp nào giải tán cho giải tán ngay?
- Tôi tán thành điều đó. Nhưng tôi nghĩ đối với trường hợp Petrolimex, không nhất thiết phải giải tán doanh nghiệp mà trước hết là đối với người đứng đầu, không nắm được công việc như vậy, làm Tổng Giám đốc nắm hệ thống doanh nghiệp mà không biết lãi lỗ từng mặt hàng như thế nào thì trước hết đó là trách nhiệm cá nhân của ông…
- Để xây dựng một thị trường xăng dầu minh bạch phải giải quyết mâu thuẫn này thế nào vì Bộ Công thương và Bộ Tài chính là hai Bộ chịu trách nhiệm chính về quản lý Nhà nước lĩnh vực này?
- Nếu các Bộ tiếp tục còn ý kiến khác nhau thì phải lên cấp cao hơn, chẳng hạn Thủ tướng để xem xét lại vấn đề. Bởi hai Bộ này sở dĩ liên quan đến nhau là do trong cơ chế điều hành giá xăng dầu, có tổ điều hành do hai Bộ phối hợp cùng nhau làm. Lẽ ra lâu nay nếu có điều gì trong quá trình hoạt động mà không thống nhất, không khớp được với nhau thì hai Bộ trước hết phải ngồi giải quyết với nhau, bản thân tổ điều hành không thống nhất được thì lên cấp cao hơn là lãnh đạo hai Bộ. Và nếu tổ điều hành còn có ý kiến khác nhau thì có thể thay đổi thành phần của tổ này. Bởi nếu công tâm, đứng trên lợi ích chung thì luôn luôn tìm được tiếng nói chung, ở đây tôi muốn nhấn mạnh là qua cuộc họp vừa rồi cho thấy hai Bộ đứng trên hai lợi ích khác nhau, ít nhất là người đại diện của hai Bộ. Ai cũng có thể thấy được là lập trường của đại diện Bộ Công thương không đúng, vì vậy nếu sau này còn có ý kiến khác nhau thì cần lấy bộ nào, cá nhân nào có lập trường dựa vào lợi ích nền kinh tế và của 86 triệu người dân là ý kiến được chấp thuận.
- Xăng dầu đã là câu chuyện muôn thuở, lỗ lãi doanh nghiệp báo chí cũng nói quá nhiều. Bà nghĩ sao từ sự kiện làm nóng dư luận này?
- Tôi nghĩ vì lâu nay họ được chiều chuộng, ưu ái quá nhiều. Vì vậy họ mới làm mình làm mẩy như vậy. Cho nên cách làm việc mới của Bộ trưởng Vương Đình Huệ là rất đáng hoan nghênh.
- Nhưng sẽ còn nhiều thách thức?
- Chắc chắn còn nhiều thách thức bởi rõ ràng qua hội thảo là nhóm lợi ích ở đâu, mà nhóm lợi ích quá lớn, hưởng lợi quá lớn thì họ không dễ dàng đầu hàng. Cho nên cuộc đấu tranh của Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ còn vất vả, tôi mong Chính phủ nhìn nhận được vấn đề để có sự ủng hộ cần thiết. -
Xin cảm ơn bà!
Dư luận ủng hộ Bộ trưởng Vương Đình Huệ
Hàng trăm ý kiến độc giả phản hồi bài báo trên mạng online xung quanh các quyết định kiên quyết của Bộ trưởng Vương Đình Huệ. Một độc giả chuyên sâu về kinh tế ở TP HCM bày tỏ: “Tôi rất đồng tình, ủng hộ ý kiến, quan điểm của Bộ trưởng Vương Đình Huệ. Đã lâu lắm rồi mới có vị Bộ trưởng mạnh mẽ, dám nói những chính kiến của mình vì lợi ích chính đáng của người dân. Qua thông tin trên mạng mấy ngày nay nhiều người tỏ ra phấn khởi, hân hoan, ủng hộ, đồng tình, nhưng tôi nghĩ, câu chuyện giá xăng, dầu đến đây có thể là chưa đủ, mà cần thiết phải được làm rõ có phải các Tổng Công ty Xăng dầu của Nhà nước thường xuyên lỗ như đã công bố hằng năm. Muốn làm được chuyện này, với chức năng, quyền hạn của mình, Bộ Tài chính cần khẩn trương kiểm tra một cách toàn diện”.

Đăng Trường (thực hiện)
Công an nhân dân



Xem bài viết: Quản lý thị trường xăng dầu: Phải vì lợi ích của nền kinh tế