Đâu là giá trị đích thực của cổ phiếu ngân hàng: TRONG DÀI HẠN CỔ PHIẾU NGÂN HÀNG VẪN ỔN ĐỊNH VÀ SINH LỜI NHẤT

VNECONOMY cập nhật: 21/07/2006


Cổ phiếu ngân hàng luôn là là cổ phiếu đầu tiên trong danh mục đầu tư của các quỹ và các tổ chức


Trái ngược với những kỳ vọng của rất nhiều nhà đầu tư, cổ phiếu niêm yết của ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất Việt Nam Sacombank đã tăng kịch trần một ngày sau hôm chào sàn hoành tráng (ngày 12/7) nhưng sau đó giá cổ phiếu này đã giảm mạnh, kéo theo cổ phiếu của những ngân hàng thương mại khác trên OTC cũng giảm giá theo.

Giới đầu tư đã rất kỳ vọng cổ phiếu Sacombank khi niêm yết sẽ là chất “xúc tác” mạnh vực dậy thị trường chứng khoán Việt Nam vốn đang ảm đạm. Những yếu tố kỳ vọng này rất có cơ sở bởi Sacombank không chỉ là ngân hàng thương mại đầu tiên lên niêm yết trên thị trường chứng khoán mà còn là doanh nghiệp niêm yết có vốn điều lệ lớn nhất, mức vốn hóa lớn nhất, số lượng cổ đông lớn nhất thị trường chứng khoán.

Những cái “nhất” đó của Sacombank đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến sự dao động của chỉ số VN-Index. Sang phiên thứ hai (ngày 13/7/2006), giá cổ phiếu STB tăng trần lên mức 81.500 đồng/CP và khối lượng giao dịch đạt trên 1,72 triệu cổ phiếu, trong đó riêng nhà đầu tư nước ngoài mua vào hơn 1,026 triệu cổ phiếu.

Tuy nhiên, bắt đầu từ phiên thứ ba (14/07/2006) trở đi, cổ phiếu này liên tục rớt giá. Chỉ sau 4 phiên giảm giá liên tiếp như vậy, giá cổ phiếu STB mất 10,4%. Cũng chính trong phiên ngày 19/07/2006, khi giá STB giảm xuống mức 73.000 đồng, một mức giá quá tệ đối với một cổ phiếu hàng hiệu như STB.

Sự giảm giá của STB không những kéo theo sự giảm giá của các cổ phiếu niêm yết trên thị trường chính thức mà nó còn trở thành mức giá tham chiếu đối với các cổ phiếu ngân hàng khác đang giao dịch trên thị trường tự do. Điều này cũng lý giải một phần vì sao, giá các cổ phiếu ngân hàng giảm trong hơn một tháng qua và đặc biệt trong hai tuần đầu của tháng 7 này. Ngày 20/07/2006, tức là chỉ ngay sau khi giảm xuống giá 73.000 đồng, cổ phiếu STB lên trần và kéo cả thị trường tăng theo.

Cuộc bán tháo cổ phiếu Sacombank ở các mức giá dưới giá tham chiếu của những nhà đầu tư Việt Nam có vẻ kỳ lạ, khi mà nhà đầu tư nước ngoài đáng lẽ phải là những người “thụ động” bởi tỷ lệ mua cổ phiếu cho họ chỉ còn dưới 3% số lượng cổ phiếu niêm yết. Trong cuộc chạy đua trút bỏ cổ phiếu Sacombank của nhà đầu tư Việt Nam trong bốn ngày đầu tiên kể từ hôm cổ phiếu Sacombank chào sàn, họ đã bỏ ra hơn 240 tỷ đồng để mua vào 3,118 triệu cổ phiếu, mức đầu tư cao nhất của nhà đầu tư nước ngoài đối với một cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam và chứng tỏ sức hấp dẫn không thể chối cãi của cổ phiếu này.

Câu hỏi được đặt ra: tại sao cổ phiếu ngân hàng lại giảm giá hay liệu giá cổ phiếu ngân hàng như vậy là quá cao?

Bài viết này xin giúp nhà đầu tư có cái nhìn khách quan về cổ phiếu ngân hàng ở Việt Nam.

Lý do thứ nhất liên quan đến bên cung, bao gồm lực lượng những nhà đầu tư cá nhân khoảng 6.000 người. Trong số đó, rất nhiều người đã mua được cổ phiếu Sacombank từ hồi thị giá của cố phiếu này khoảng 15.000-18.000 đồng/cổ phiếu. Sau nhiều đợt tăng vốn điều lệ của ngân hàng, họ lại được tiếp tục mua 40%, rồi 50% số lượng cổ phiếu nắm giữ với giá bằng mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu).

Thị giá của cổ phiếu này hiện nay đã trên 75.000 đồng/cổ phiếu. Mức lợi nhuận đạt được hẳn làm cho nhiều nhà đầu tư cá nhân thỏa mãn. Nhất là khi chưa thể phán đoán được thị trường chứng khoán sẽ diễn biến thế nào, thì việc “rút lãi” của nhà đầu tư cá nhân là thận trọng. Hơn nữa, nhiều người trong số họ là những cán bộ về hưu, thiếu kiến thức về thị trường chứng khoán nên đa phần đều có thể chấp nhận bán cổ phiếu ở “giá sàn” để chắc chắn thu hồi một khoản lãi kỳ vọng.

Lý do thứ hai liên quan tới bên cầu, bao gồm những tổ chức và các quỹ đầu tư lớn, hoặc những nhà đầu tư nước ngoài dày dặn kinh nghiệm chứng khoán. Họ nắm vững “tâm lý bầy đàn” của các nhà đầu tư cá nhân trong nước nên thay vì phải mua cổ phiếu ở mức giá “thụ động”, họ đã rất bình tĩnh mua cổ phiếu trong cuộc bán tháo của nhà đầu tư trong nước.

Chiến lược đưa ra thật đơn giản: khi bảng giá trực tuyến chỉ đưa khối lượng mua ở ba mức giá cao nhất và khối lượng bán ở ba mức giá thấp nhất, nhà ĐTNN đã đưa khối lượng mua ở các mức giá trên tham chiếu thật nhỏ để kín đáo đặt mua tất cả những khối lượng bán ở các mức giá thấp nhất. Những nhà đầu tư cá nhân trong nước rất có thể đã thêm phần hoảng loạn khi nhìn thấy khối lượng mua ở các mức giá trên tham chiếu quá nhỏ và bán tháo cổ phiếu với mức giá rẻ. Chiến lược này thành công nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam khớp lệnh cuối phiên, nên nhà đầu tư chỉ việc “quăng mẻ lưới” ở những phút cuối của phiên khớp lệnh để thu gọn tất cả những cổ phiếu với mức giá tốt nhất có thể.

Lý do thứ ba liên quan đến những yếu tố khách quan từ thị trường. Từ hơn một tháng nay, lượng cung tăng đột ngột do nhiều cổ phiếu mới liên tiếp được đưa lên thị trường niêm yết như CII, Ryninh, Nhựa Bình Minh, Sudico, Sacombank, Vĩnh Sơn - Sông Hinh, Vinafco, Comeco, đã góp phần không nhỏ vào việc “pha loãng” thị trường. Trong khi đó, một lượng cầu lớn đã rút đi và đưa tiền trở lại ngân hàng để bảo toàn vốn. Thái độ thận trọng của nhà đầu tư cá nhân trong nước càng được khẳng định trong bối cảnh giá vàng diễn biến thất thường, xăng dầu có nhiều khả năng tăng giá, kéo theo các vật phẩm sẽ tăng giá theo.

Tác động tiêu cực nhất của việc giảm giá cổ phiếu ngân hàng là sự ảnh hưởng lên hoạt động kinh doanh của lĩnh vực vốn nhạy cảm và được xây dựng trên lòng tin này. Tuy nhiên, đó là trong dài hạn. Còn trong ngắn hạn, có thể nhìn thấy một điều tích cực từ việc bán tháo cổ phiếu là cơ hội tái cơ cấu cổ đông của ngân hàng từ việc chuyển quyền sở hữu từ tay cá nhân sang tay tổ chức.

Cổ phiếu ngân hàng là một cổ phiếu ổn định, nhưng vốn không dành cho các nhà đầu tư cá nhân. Quả vậy, họ là những người dễ bị ảnh hưởng bởi yếu tố tâm lý, bất cứ một biến động nào của ngân hàng hay nền kinh tế nói chung đều khiến nhà đầu tư cá nhân hoảng loạn và bán tháo cổ phiếu ngân hàng, từ đó rất dễ xảy ra khủng hoảng lây lan của toàn bộ hệ thống ngân hàng. Cổ phiếu ngân hàng do đó là cổ phiếu đầu tiên trong danh mục đầu tư của các quỹ và các tổ chức, từ đó góp phần tăng tính ổn định cho hệ thống ngân hàng.

Nhìn về dài hạn, cổ phiếu ngân hàng ở Việt Nam là một trong những cổ phiếu ổn định và sinh lãi nhất với các yếu tố tích cực như sau:

Thứ nhất, ngân hàng Việt Nam hiện nay vẫn tăng trưởng với tốc độ trung bình 50%/năm. Trong điều kiện nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ 7%- 8%/năm, sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống ngân hàng là hiển nhiên vì phát triển ngân hàng và phát triển kinh tế luôn tỷ lệ thuận với nhau. Nếu so sánh với tốc độ tăng trưởng khoảng 5%/năm của các ngân hàng trong khu vực thì mới thấy tốc độ tăng trưởng của các ngân hàng thương mại Việt Nam thực sự ấn tượng, từ đó chỉ số P/E cao cũng chưa thể nói lên giá cổ phiếu ngân hàng ở Việt Nam là cao.

Áp lực cạnh tranh khi vào WTO là có, nhưng việc giảm lãi suất làm giảm lợi nhuận của ngân hàng lại là điều khó xảy ra, không giống như một chuyên gia nào đó đã nhận định ở mấy bài báo gần đây, bởi huy động vốn giờ đây không còn là mảng kinh doanh chính của các ngân hàng hiện đại, mà là kinh doanh các dịch vụ và tiện ích ngân hàng cho người dân.

Áp lực cạnh tranh sẽ khiến các ngân hàng thương mại Việt Nam tích cực đổi mới công nghệ, hiện đại hóa các dịch vụ cung cấp cho khách hàng, từ đó có thể huy động vốn một cách gián tiếp. Còn huy động vốn thông qua lãi suất kỳ hạn về lâu dài sẽ khó thực hiện bởi giờ đây, nhà đầu tư có quá nhiều cơ hội đầu tư sinh lãi hơn là gửi tiền vào ngân hàng hưởng lãi suất như: bất động sản, kinh doanh vàng, ngoại tệ, mở doanh nghiệp tư nhân, đầu tư chứng khoán....

Một ví dụ điển hình nhất là sự ra đời của máy ATM đã làm người dân thay đổi thói quen giữ tiền ở nhà mà đã bắt đầu để tiền trên tài khoản ở ngân hàng. Thời gian tới, mảng doanh thu từ phí dịch vụ của ngân hàng sẽ tăng lên khi ngân hàng trang bị đầy đủ công nghệ để có thể cung cấp rộng khắp các dịch vụ như cho vay tiền mua và xây dựng nhà, cho vay mua trả góp, đầu tư chứng khoán...

Thứ hai, sự tham gia của các ngân hàng nước ngoài thời kỳ hậu WTO sẽ góp phần tăng tính cạnh tranh cho ngân hàng thương mại ở Việt Nam, chứ không đi đến thôn tính và xóa bỏ các ngân hàng Việt Nam. Singapore là một đất nước nhỏ nhưng có tới hơn 200 ngân hàng cùng tồn tại và kinh doanh hiệu quả, đưa Singapore trở thành một trong những thị trường tài chính lớn nhất thế giới.

Do đó, điều quan trọng ở đây là chiến lược của các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ như thế nào? Một điều chắc chắn rằng Việt Nam đang và sẽ không theo đuổi chiến lược trao ngân hàng vào tay nước ngoài qua phương thức cho phép nước ngoài tham gia với tỷ lệ góp vốn cao vào các ngân hàng thương mại trong nước, bởi chiến lược đó sẽ làm ảnh hưởng đến tính tự chủ và sự ổn định của hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, nếu cứ khống chế nước ngoài bằng một tỷ lệ tham gia góp vốn quá nhỏ nếu tính theo lượng vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào ngân hàng trong nước, thì các ngân hàng Việt Nam sẽ không thể thu hút nguồn vốn đầu tư của nước ngoài để đẩy mạnh hiện đại hóa, cạnh tranh hiệu quả với các ngân hàng nước ngoài trong bối cảnh WTO.

Trong tương lai rất có thể sẽ xảy ra làn sóng sáp nhập ngân hàng để tăng quy mô, mạng lưới, tuy vẫn đảm bảo tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài được khống chế nhưng sẽ làm tăng lượng vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài lên, từ đó khiến nhà đầu tư nước ngoài tham gia tích cực hơn vào chiến lược phát triển của ngân hàng, từ đó tính cạnh tranh của ngân hàng được nâng cao. Hơn nữa, do quy mô được tăng mạnh, các ngân hàng thương mại Việt Nam hoàn toàn có thể tăng doanh thu và lợi nhuận từ việc tận dụng kinh tế theo quy mô (scale economy).

Thứ ba, ngân hàng là một ngành nhạy cảm với nền kinh tế, sự đổ vỡ của ngân hàng sẽ khiến cho toàn bộ nền kinh tế khủng hoảng. Do đó, khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO, kịch bản ngân hàng phá sản là rất khó xảy ra. Tất nhiên, vai trò giám sát của Ngân hàng Nhà nước sẽ phải tăng cường để giữ gìn sự ổn định của ngành ngân hàng.

Từ những phân tích trên đây, có thể kết luận rằng giá cổ phiếu ngân hàng giảm trong ngắn hạn và chỉ mang tính chất của một cuộc tái cơ cấu cổ đông. Cổ phiếu ngân hàng thực chất luôn là một cổ phiếu mang tính ổn định và bền vững lâu dài. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng, hệ thống ngân hàng Việt Nam hứa hẹn sẽ có những bước phát triển lớn mạnh để đủ sức cạnh tranh và góp phần quan trọng vào việc đưa nền kinh tế tài chính Việt Nam hòa nhập vào luồng chu chuyển vốn trên thế giới.

TS.Nguyễn Thị Thanh Huyền