Lại đề xuất cấm mua bán vàng miếng

Trong công văn vừa gửi lên Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) đề xuất cấm mua bán vàng miếng như một giải pháp chống “vàng hóa” nền kinh tế.
* VAFI kiến nghị áp 10% thuế GTGT với vàng miếng
* VAFI kiến nghị nên cấm mua vàng miếng
Bên cạnh đó, tổ chức này cũng đề nghị đánh thuế giá trị gia tăng (VAT) 10% vào các giao dịch vàng miếng và vàng nữ trang nếu giải pháp cấm mua bán vàng miếng không được áp dụng.
Công văn với nội dung “Tiếp tục đề xuất các giải pháp chấm dứt vàng hóa” của VAFI đề ngày 20/9, được gửi đi trong bối cảnh giá vàng trong nước cao hơn rất nhiều so với giá vàng quốc tế. Theo văn bản này, “giá vàng trong nước luôn ở tình trạng cao hơn giá vàng thế giới từ 800.000 đồng/lượng đến 2 triệu đồng/lượng mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần cấp giấy phép nhập khẩu vàng”.
Đáng chú ý, sáng nay (23/9), giá vàng trong nước đã cao hơn thế giới tới 2,8 triệu đồng/lượng do giá vàng quốc tế đêm trước giảm 2,5% nhưng giá vàng trong nước sáng nay chỉ hạ chừng 200.000 đồng/lượng.
VAFI nhận định, cơn sốt vàng kéo dài hai tháng qua đã khiến Việt Nam mất khoảng 1 tỷ USD để nhập khẩu vàng theo đường chính thức và phi chính thức, “đồng nghĩa với việc có khoảng 20 nghìn tỷ đồng được rút ra khỏi hệ thống ngân hàng thương mại để nằm chết trong kho, thay vì làm tăng nguồn dự trữ ngoại tệ của nhà nước và dành vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh”.
Văn bản của VAFI cho rằng, tâm lý nắm giữ vàng là một trong những yếu tố quan trọng dẫn tới tình trạng thiếu hụt USD ở Việt Nam, theo đó gây áp lực tăng tỷ giá USD/VND. Hệ quả của tình trạng này, theo VAFI, là “gây ra lạm phát, lãi suất cao, thu nhập của người lao động ngày càng thấp, và càng gây tâm lý khó ổn định một cách bền vững thị trường ngoại hối”.
Từ thực tế này, VAFI đề xuất, “giải pháp đơn giản nhất, tiết kiệm nhất và nhanh nhất là Ngân hàng Nhà nước đưa ra quy định cấm mua bán vàng miếng. Ngân hàng Nhà nước tổ chức thu mua vàng miếng trong dân theo giá quốc tế”.
Giải pháp tiếp theo mà VAFI đưa ra là nếu Ngân hàng Nhà nước không đồng ý cấm vàng miếng, thì phải xem vàng miếng, vàng nữ trang như hàng tiêu dùng thông thường, và như vậy phải áp thuế VAT 10% đối với giao dịch các mặt hàng này.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh VTV1 phát vào tối qua (22/9), ông Nguyễn Thanh Trúc, Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Agribank, cho biết, sở dĩ giá vàng trong nước cao hơn thế giới hiện nay là do một loại chi phí gọi là “phí chờ”.
Theo ông Trúc, vàng nguyên liệu được nhập về Việt Nam không thể bán ngay ra thị trường mà phải chờ được dập thành vàng miếng. Trong khi đó, không phải đầu mối nhập vàng nào cũng dập được vàng miếng, nên chủ yếu đi thuê SJC gia công. Năng lực sản xuất vàng miếng của SJC lại có hạn, nên từ khi vàng về Việt Nam cho tới khi được dập thành vàng miếng phải mất trên một tuần. Trong thời gian này, doanh nghiệp vàng phải chịu nhiều loại chi phí như tiền lãi vay ngân hàng…, khiến vàng bị đội giá thêm ít nhất 600.000 đồng/lượng.
Dường như đây là lần đầu tiên giới kinh doanh vàng có một cách lý giải mới về sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới. Đặc biệt, lý do này được đưa ra khi giá vàng trong nước “không chịu” hạ về ngang với thế giới, cho dù Ngân hàng Nhà nước từ tháng 8 tới nay đã cho nhập vàng 3 lần. Trước đây, các nhà kinh doanh vàng thường đưa ra lý do lực cầu vàng trong nước cao, nguồn cung không đủ đáp ứng.
Cách đây chưa lâu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã phát biểu trong một cuộc họp báo rằng, giá vàng trong nước cao hơn thế giới từ 400.000 đồng/lượng trở lên là đã có dấu hiệu của sự đầu cơ, làm giá.
Kiều Oanh
TBKTVN



Xem bài viết: Lại đề xuất cấm mua bán vàng miếng