Vietstock Daily 22/09: E ngại về CPI tại TPHCM tăng cao là hơi quá đà!
(Vietstock) – Giao dịch trên thị trường cho thấy lượng cổ phiếu chốt lời/mong muốn thoát hàng đang cạn dần, phù hợp với ước tính của chúng tôi vào đầu tuần.
I. NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG NGÀY 22/09/2011
Diễn biến giao dịch: VN-Index tiếp tục sụt giảm mạnh 1.5% về mức 447.57 điểm, HNX-Index tăng nhẹ 0.3% lên 74.6 điểm, trong khi VS 100 giảm nhẹ 0.09% cho thấy thị trường thực sự có phiên đóng cửa đi ngang.
Khối lượng giao dịch khớp lệnh giảm nhẹ 3.9% trên HOSE và tăng 2.1% trên HNX so với phiên giao dịch hôm qua.

Khối ngoại bán ròng nhẹ trên cả hai sàn với tổng giá trị 6.8 tỷ đồng. VIC tiếp tục dẫn đầu danh sách bị bán ròng mạnh nhất, trong khi khối ngoại lại đẩy mạnh gom vào SSIFPT. Room khối ngoại tại cổ phiếu SSI chỉ còn 0.04%, tương ứng với 126 ngàn cổ phiếu.
Triển vọng thị trường: VN-Index sụt giảm sâu chủ yếu do bị ảnh hưởng của BVH, MSN, VIC (tổng cộng 3 mã này kéo chỉ số giảm gần 1.3%). VS 100 cho thấy xu hướng chính của thị trường trong phiên hôm nay là giằng co đi ngang.
Cổ phiếu Ngân hàng tăng nhẹ 0.2%, Xây dựng đóng cửa đứng yên, trong khi chỉ số Chứng khoán chỉ giảm nhẹ 0.07%. Bất động sản giảm điểm mạnh nhất 1.1% trong những ngành nóng.
Lực cầu có dấu hiệu quay trở lại đón lõng nhưng chỉ chấp nhận mua vào khi thị trường sụt giảm mạnh. Những phút cuối của giao dịch chứng khiến lực bắt đáy gia tăng, đặc biệt là trên HNX khi các cổ phiếu nóng như BVS, KLS, VND đã quay đầu tăng điểm nhẹ và trở lại tham chiếu, giao dịch cũng tỏ ra sôi động.
Nhìn chung, áp lực bán đã giảm bớt khá nhiều, trong khi khối lượng khớp lệnh ngừng rơi và thậm chí tăng nhẹ trên HNX là một tín hiệu khá tích cực, nhờ vào sự trở lại của lực cầu giá thấp như đề cập ở trên.
Sau khi CPI tháng 9 ở Hà Nội được công bố chỉ tăng rất nhẹ 0.22% so với tháng trước, CPI tại TPHCM được báo cáo tăng mạnh đến 0.88%. Thông tin CPI tháng 9 tại TPHCM đã “giáng một đòn mạnh” vào tâm lý giao dịch trên TTCK, đặc biệt là thời gian đầu của phiên hôm nay.
Tuy vậy, chúng tôi cho rằng sự e ngại này của giới đầu tư có vẻ như đang hơi quá đà.
CPI tháng 9 của TPHCM tăng trở lại sau khi đã có dấu hiệu giảm tốc tích cực vào tháng 8 (chỉ tăng 0.68%, trong khi Hà Nội tăng 1.06%), nhưng có thể thấy tác động mạnh nhất là giá cả các mặt hàng và dịch vụ liên quan đến Giáo dục (tăng 4.54%).
Với mùa lễ khai giảng năm học mới trong tháng 9, việc tăng giá này gần như chỉ mang tính thời vụ và sẽ không lặp lại trong các tháng sau. Ngoài ra, cần để ý thông tin mức tăng này chủ yếu đến từ khối trường tư. Các trường tư ở TPHCM vẫn luôn có động thái tăng giá dịch vụ hằng năm, nhưng ở các địa phương khác thì không hẳn như vậy.
Các phân tích của chúng tôi cho thấy, đà tăng giá ở nhóm Giáo dục có thể còn tạo ảnh hưởng một ít lên CPI tháng 10 (Trước đây chúng tôi có nói đến ngoài Thực phẩm, nhóm Giao thông, Nhà ở và vật liệu xây dựng, Giáo dục cũng tác động đáng kể đến lạm phát); nhưng chúng tôi cho rằng CPI cả nước ít có khả năng biến động mạnh như con số vừa công bố ở TPHCM.
Chỉ số giá Lương thực ở TPHCM vẫn đang gia tăng khá mạnh, nhưng cần để ý rằng chỉ số giá Thực phẩm dù có cao nhưng chỉ tăng ở mức 0.34%, và tính chung cả nhóm Hàng ăn và Dịch vụ ăn uống tăng dưới 1% (ở mức 0.92%). TPHCM vẫn đang thực hiện chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, và số liệu mới công bố này chứng tỏ mức hiệu quả liên tục nhất định sau khi CPI đã được kéo xuống mạnh trong tháng 8.
Với các thông tin hiện có, chúng tôi vẫn chưa thay đổi quan điểm nhận định trước đây () cho rằng CPI đã đạt đỉnh trong tháng 8 và sẽ hãm lại vào cuối năm. Tuy vậy, lạm phát năm 2011 sẽ vẫn còn đứng ở mức cao, vào khoảng 19 – 20%.
Giao dịch trên thị trường cho thấy lượng cổ phiếu chốt lời/mong muốn thoát hàng đang cạn dần, phù hợp với ước tính của chúng tôi vào đầu tuần. Kịch bản xấu là CPI tháng 9 của cả nước tiếp tục “nóng” và tâm lý giới đầu tư trở nên bi quan. Nhưng trong trường hợp này, một sự bán tháo (mới) và khối lượng chốt lời/thoát hàng trong đợt vừa qua đang cạn dần về cuối tuần thì cơ hội mua vào trong ngắn hạn có thể sẽ xuất hiện trở lại.
Phân tích kỹ thuật: HNX-Index – Thời điểm quan trọng. Khối lượng trên HNX đã ổn định trở lại chứ không còn giảm mạnh như trước.
Mặt khác, càng về gần đường trendline ngắn hạn và SMA 100 (tương đương vùng 73 – 74 điểm) sự suy giảm của giá càng yếu đi và bắt đầu xuất hiện những phiên phục hồi nhẹ. Sự xuất hiện của mẫu hình nến (candlesticks) spinning top khiến cho hy vọng phục hồi tăng lên.
Chúng tôi vẫn duy trì quan điểm cho rằng vùng 73 – 74 điểm sẽ trụ vững nếu như khối lượng tiếp tục được cải thiện.

VN-Index – Khối lượng duy trì ổn định. Riêng 3 mã MSN, BVH, VIC đã khiến cho VN-Index giảm gần 1.3%. Vì vậy, hôm nay VN-Index phản ánh không hoàn toàn đúng tình hình thị trường.
Đà suy giảm mạnh của khối lượng trên HOSE đã chấm dứt khi mà trong những phiên gần đây liên tục duy trì trên mức 43 triệu đơn vị/phiên. Chúng tôi đánh giá cao sự tiến triển này vì nó sẽ giúp cho đà giảm không quá mạnh trong những phiên tới và có thể sớm kết thúc.
Như chúng tôi đã từng đề cập, đường internal trendline kháng cự trung hạn tạo nên một sức ép rất lớn đối với VN-Index trong những phiên gần đây. Để phá vỡ được ngưỡng này, chỉ số cần có một thời gian tích lũy đủ lâu. Vì vậy, khả năng trong vài phiên tới hiện tượng suy giảm vẫn sẽ tiếp tục, dù có thể không nhiều.

VIETSTOCK INDEX
VS 100: Gần như đứng yên (-0.09%) trong phiên giao dịch ngày 21/09/2011, VS 100 vẫn đang duy trì bên trên đường chống đỡ của Double Bottom.
Khối lượng tiếp tục duy trì khá tốt chứng tỏ lực cầu ở những mã quan trọng vẫn khá mạnh. Mục tiêu 75 – 80 điểm vẫn có thể đạt được nếu như thanh khoản gia tăng trở lại trong những phiên tiếp theo.

VS-Market Strength: Trong phiên giao dịch ngày 21/09/2011, VS-A/D HOSE đạt mức 0.62, tức số mã tăng giá bằng 0.62 lần số mã giảm giá; trong khi VS-U/D HOSE là 0.67, tức khối lượng của cổ phiếu tăng giá bằng 0.67 lần so với khối lượng giao dịch của phía giảm giá. VS-A/D HNX đạt 0.75 lần và VS-U/D HNX bằng 0.67 lần. Chỉ số VS-Arms VN duy trì ở mức 0.76.
Những tín hiệu này cho thấy có khả năng trong vài phiên tới thị trường sẽ tiếp tục phân hóa mạnh.

II. PHÂN TÍCH KỸ THUẬT DOW JONES
Ngắn hạn – Thất bại trong việc vượt ngưỡng Fibo Retracement 161.8%. Trong phiên giao dịch ngày 20/09/2011, DJIA đã test lại ngưỡng Fibo Retracement 161.8% một lần nữa nhưng vẫn không thể vượt qua được ngưỡng này. Điều này một lần nữa lại cho thấy khả năng có đột phá trong ngắn hạn là rất khó.
Nếu như giá vẫn tiếp tuc tình trạng như hiện nay thì RMO Trade Mode sẽ cho tín hiệu khá bi quan. Trong trường hợp sụt giảm mạnh, vùng 10,450 – 10,600 điểm sẽ đóng vai trò là vùng hỗ trợ ngắn hạn cho giá.

Dài hạn – Sức ép tăng dần. Khoảng cách giữa hai đường SMA 100 và SMA 200 đã thu hẹp xuống mức gần như bằng 0. Điều này có nghĩa là tín hiệu bán gần như chắc chắn sẽ xuất hiện trong 2 – 3 phiên tới.
Chúng tôi vẫn tiếp tục hy vọng ngưỡng Fibo 261.8% sẽ tiếp tục giữ vững trong vài tuần tới để giá có thời gian tích lũy đủ dài và có thể phá vỡ được các đường MA dài hạn.
III. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG NGÀY 21/09/2011

Phòng Nghiên cứu Vietstock



Xem bài viết: Vietstock Daily 22/09: E ngại về CPI tại TPHCM tăng cao là hơi quá đà!