Tương lai của châu Âu và 10 ngày quyết định
(Vietstock) - Số phận của gói giải cứu Hy Lạp và tương lai của liên minh kinh tế tiền tệ Eurozone sẽ được quyết định trong một vài tuần tới.

Dù kế hoạch tăng cường sức mạnh của Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSF) chỉ còn trải qua một số cuộc bỏ phiếu quan trọng nữa, nhưng mức độ bất ổn tại Eurozone vẫn rất cao.
Ngay cả sự tham gia của Hy Lạp vào gói giải cứu cũng còn chưa chắc chắn. Gói giải cứu này vẫn chưa nhận được 90% sự tham gia cần thiết của lĩnh vực tư nhân để có thể thực hiện được việc hoán đổi trái phiếu. Trong khi đó, người dân Hy Lạp đang tiến hành rất nhiều cuộc biểu tình trên khắp cả nước nhằm chống lại các biện pháp cắt giảm chi tiêu khắc nghiệt.
Dù khó có thể dự báo được cuộc khủng hoảng sẽ đi đến đâu nhưng sau đây là 10 sự kiện lớn mà nhà đầu tư có thể mong đợi về khu vực này:
1. Ngày 19/09
Tại Đức, Ủy ban Ngân sách Hạ viện thảo luận về kế hoạch mở rộng EFSF và gói giải cứu Hy Lạp. Các ý kiến và quyết định của Ủy ban này sẽ là tín hiệu về khả năng thông qua kế hoạch trên tại Quốc hội sau đó 10 ngày.

2. Ngày 22-25/09
Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ tổ chức cuộc họp thường nhiên tại thủ đô Washington. Thị trường sẽ dõi theo cuộc họp này để biết xem liệu tin đồn về việc các quốc gia BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) sẽ giải cứu châu Âu có phải là sự thật hoặc thậm chí các quốc gia mới nổi này có thể thuyết phục thêm một số quốc gia khác cùng tham gia.

3. Ngày 27/09
Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou sẽ có chuyến viếng thăm Quốc hội Đức chỉ vài ngày trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu về kế hoạch gia tăng quy mô của EFSF. Nếu Thủ tướng Merkel không giữ được lập trường của mình, lời thỉnh cầu của ông Papandreou có thể là một yếu tố quan trọng đối với việc thông qua kế hoạch trên.
Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou
4. Ngày 29/09
Quốc hội Đức bỏ phiếu về EFSF. Ngày này từng bị dời lại một lần do Thủ tướng Merkel phải đấu tranh để duy trì liên minh của bà. Nếu Quốc hội Đức bỏ phiếu chống, động thái này có thể ngay lập tức đặt dấu chấm hết đối với kế hoạch mở rộng gói giải cứu.
Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble và Thủ tướng Angela Merkel

5. Ngày 03/10
Các bộ trưởng tài chính châu Âu sẽ nhóm họp tại Luxembourg trước thềm hội nghị thượng đỉnh của Eurogroup. Chương trình của cuộc họp này sẽ phụ thuộc nhiều vào tiến triển của việc thông qua gói giải cứu Hy Lạp và EFSF như đề xuất hôm 21/07.

6. Ngày 04/10:
Hội đồng Kinh tế và Tài chính châu Âu (Ecofin) sẽ gặp để thảo luận về các bất đồng gần đây nhất của Eurozone. Trong cuộc họp lần trước, Ecofin đã thảo luận về vấn đề thế chấp, việc mở rộng EFSF và gặp gỡ với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner. Tương tự như cuộc họp của Eurogroup, chương trình nghị sự cho cuộc họp của Ecofin cũng sẽ phụ thuộc nhiều vào tiến triển của việc thông qua gói giải cứu Hy Lạp và EFSF.

7. Ngày 06/10
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ công bố lãi suất sau cuộc họp tại Berlin. Ngân hàng này đã giữ nguyên lãi suất ở mức 1.5% trong hai tháng 8 và 9 sau hai lần nâng lãi suất gây nhiều tranh cãi vào đầu năm nay. Việc áp dụng chương trình nới lỏng định lượng đã được đề cập và có thể được bàn luận sôi nổi hơn trước khi cuộc họp này diễn ra.
Chủ tịch ECB Jean-Claude Trichet
8. Ngày 17-18/10
Ủy ban châu Âu (EC) sẽ nhóm họp vào ngày 17-18/10 tại Brussels. Thành thật mà nói, không ai có thể biết được các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ bàn về vấn đề gì. Đến tháng 10, gói giải cứu có thể đã được thông qua và thực hiện. Tuy nhiên, nếu gói giải cứu thất bại, cuộc họp này có thể quyết định số phận của đồng EUR.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy
9. Ngày 26/10
ECB công bố khảo sát về hoạt động cho vay ngân hàng. Kết quả của cuộc khảo sát có thể cho thấy rõ hơn hình thức thắt chặt tài chính mà các ngân hàng châu Âu đã phải áp dụng trong quý 3. Thời gian qua, tin đồn về cuộc khủng hoảng tín dụng đã tác động tiêu cực đến các ngân hàng khu vực.

10. Ngày 01/11
Ông Jean-Claude Trichet sẽ thôi giữ chức Chủ tịch ECB và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ý Mario Draghi sẽ nắm giữ vị trí này. Đây là động thái có thể đánh dấu sự dịch chuyển từ phương thức lãnh đạo bảo thủ Đức - Pháp sang phương thức lãnh đạo Nam Âu mang tính xã hội hơn và hiếu chiến hơn. Ý có thể là nền kinh tế lớn đầu tiên của Eurozone vỡ nợ nếu cuộc khủng hoảng lây lan sang khắp châu Âu.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ý Mario Draghi - Chủ tịch tương lai của ECB
Phạm Thị Phước (Theo Business Insider)



Xem bài viết: Tương lai của châu Âu và 10 ngày quyết định