Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Từ nay đến cuối năm sẽ không có chuyện tăng giá xăng dầu
Bộ trưởng Vương Đình Huệ chốt lại: Từ nay đến cuối năm sẽ không có chuyện tăng giá và cũng không nên tăng giá bán lẻ xăng dầu mà sẽ áp dụng các biện pháp bình ổn. Trong trường hợp cần thiết, Nhà nước sẽ bù lỗ.
Buổi hội thảo về "Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường" tổ chức sáng nay biến thành cuộc tranh cãi gay gắt giữa đại diện 2 bộ Tài chính và Công Thương. Dù rằng, cuộc họp có sự góp mặt của hơn 20 chuyên gia đầu ngành và giới báo chí.
Cho rằng bị sức ép bởi dư luận Bộ Tài chính điều hành giá xăng càng lúc càng rối, khiến doanh nghiệp lỗ nặng. Phản lại Bộ Tài chính khẳng định họ chịu trách nhiệm trước dân, nếu doanh nghiệp lỗ không kinh doanh được thì rút, dù cho đó là Petrolimex.
Bộ trưởng Tài chính - Vương Đình Huệ (ảnh trái), Thứ trưởng Bộ Công Thương - Nguyễn Cẩm Tú (ảnh phải).

Bộ trưởng Bộ Tài chính - Vương Đình Huệ với 10 năm kinh nghiệm trong ngành kiểm toán cho biết mục đích của cuộc hội thảo là để lắng nghe các ý kiến trái chiều liên quan đến mặt hàng nhạy cảm - xăng dầu. Trên cơ sở các số liệu công khai về lỗ lãi doanh nghiệp, biến động thị trường, các ý kiến đề xuất, Bộ Tài chính sẽ có các giải pháp điều hành hiệu quả trong thời gian tới.
Đại diện cho phía Bộ Công Thương có Thứ trưởng Bộ Nguyễn Cẩm Tú. Dù không có tên trong danh sách phát biểu, ông Tú xin có ý kiến vì cho rằng bức xúc của ông đã ở ngưỡng không thể tiếp tục kìm nén.
Ông Tú cho rằng cách điều hành giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam thời gian vừa qua mang tính nửa vời và chẳng giống ai. Nghĩa là không hẳn là bao cấp cũng chẳng thị trường. Mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ Bộ Tài chính không xác định rõ mục tiêu là đảm bảo an ninh năng lượng hay bao cấp cho dân. Vì vậy mà càng điều hành thì càng rối, làm đúng cũng bị chửi, và bị dân coi như thể tội đồ.
Theo ông, chủ trương của Chính phủ đã rõ đó là đảm bảo nguồn cung ở mọi lúc, mọi nơi và mọi thời điểm. Nghĩa là mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng phải được đặt lên hàng đầu. Thế nhưng, do chưa xác định mục tiêu cụ thể nên điều hành xăng dầu của VN thời gian qua vẫn theo kiểu "bịt mắt bắt dê", thấy báo chí lên tiếng là sợ, không dám tăng giá bán lẻ dù thị trường thế giới biến động, doanh nghiệp trong nước lỗ nặng. Dẫn đến hậu quả cơ quan quản lý bị tiếng xấu, doanh nghiệp bị chửi vì suốt ngày chỉ biết kêu lỗ.
"Chúng ta đang điều hành giá xăng theo kiểu 'sống chết mặc bay', dùng tay chân thay cho cái đầu vì vậy mà lãnh đạo cấp cao chửi, báo chí chửi, làm đúng cũng bị chửi và dân thì coi như tội đồ", ông Tú bức xúc.
Theo ông Tú, thời gian qua, Bộ Tài chính điều hành giá xăng theo kiểu dư luận tới đâu, điều hành tới đó. Thành thử các mục tiêu cân đối cung cầu, hệ thống ra sao, doanh nghiệp lỗ lãi thế nào, xuất lậu ra sao đều bị bỏ qua. Khi giá tăng, không dám tăng, giá giảm thì không có cơ để giảm và rồi khi ban hành quyết định thì giá mới khác quá xa so với thế giới.
"Bộ Tài chính hứa bù lỗ cho doanh nghiệp bao lần nhưng hứa nhiều lại thất hứa. Tôi thật xấu hổ khi hứa quá nhiều với doanh nghiệp nhưng lại bất lực không làm được gì giúp họ cả trong khi vẫn yêu cầu đảm bảo nguồn cung", ông Tú nói.
Theo ông, chính cách điều hành kể trên đã dẫn đến hậu quả là cơ quan quản lý bất lực trước doanh nghiệp. Nếu giá không theo thị trường, không giải quyết các khoản lỗ cho doanh nghiệp thì sẽ dẫn đến các nguy cơ vỡ hệ thống, đứt nguồn cung... Vì vậy, việc tăng giá từng bước cần phải thực hiện. "Dân chửi cố mà nghe, vợ tôi chửi, anh em họ hàng nhà tôi chửi, tôi cũng phải chịu. Đây là cách tốt nhất có thể làm lúc này. Lý thuyết nhiều nhưng thực tế thì khác xa nhiều lắm", ông Tú nói thêm.
Bổ sung cho ý kiến của Thứ trưởng Tú, Tổng giám đốc Petrolimex - Bùi Ngọc Bảo cũng dẫn chứng một loạt các con số lỗ - lãi mà doanh nghiệp này phải chịu trước áp lực giá thế giới và cách điều hành quá rối rắm của Bộ Tài chính.
Ông Bảo cho biết suốt thời gian qua, giá bán lẻ của Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với giá nhập khẩu. Vì vậy, doanh nghiệp luôn trong trạng thái lỗ trường kỳ. Tính tới tháng 8, Petrolimex lỗ 1.800 tỷ đồng. Dự kiến trong tháng 9 khoản lỗ của công ty ước khoảng 200 tỷ đồng nâng tổng số lỗ trong 9 tháng đầu năm lên 2.000 tỷ đồng. "Bộ Tài chính nên xem xét xử lý các khoản lỗ cho doanh nghiệp", ông Bảo nói.
Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu VN (PV Oil) - Lê Xuân Trình tiếp lời: "Các khoản lỗ này không phải do doanh nghiệp tạo ra mà do cơ chế".
Ông Trình đề xuất nên "thả" giá xăng, dầu theo thị trường giống như một số mặt hàng khác trong đó có gas. Vì khi giá theo thị trường "có lên, có xuống" người tiêu dùng sẽ cảm thấy sòng phẳng, doanh nghiệp cũng dễ thở hơn...
Tại buổi hội thảo, đại diện của Bộ Công Thương và một số doanh nghiệp cũng lớn tiếng chì chiết Bộ Tài chính về quyết định giảm giá bán lẻ xăng dầu 500 đồng hồi cuối tháng 8 vừa qua. Lý do là, quyết định này quá bất ngờ và nó không phản ánh đúng thực tế của thị trường. Tại thời điểm tháng 7/2011 khi giá thế giới giảm mạnh, doanh nghiệp lãi, Bộ Tài chính "lờ" chuyện giảm giá. Khi giá thế giới tăng trở lại (tháng 8/2011), doanh nghiệp lỗ, quyết định giảm giá lại được đưa ra. Thậm chí có ý kiến nói rằng việc đột ngột giảm giá này có yếu tố chính trị nhiều hơn là đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
Bằng thái độ khá bình tĩnh, người đứng đầu ngành tài chính Vương Đình Huệ nói rằng quyết định giảm giá bán lẻ được ông căn cứ vào đúng quy định của Luật, diễn biến thực tế của thị trường. Và nếu vì động cơ chính trị, ông đã giảm giá ngay thời điểm đảm nhận vị trí Bộ trưởng Tài chính - giai đoạn mà dư luận bức xúc nhất về giá xăng dầu, chứ không phải đợi đến 20 ngày sau mới ra quyết định.
Ông Huệ tiết lộ, tại thời điểm giảm giá xăng dầu, ông đã mời Chủ tịch Petrolimex lên để hỏi: "Có giảm giá hay không?". Lúc ấy, Petrolimex đã lãi tới 780 đồng mỗi lít xăng, chưa kể lợi nhuận định mức 300 đồng. Khoản lãi của Petrolimex cũng được ông Huệ cập nhật từ chính số liệu của hải quan. "Tôi ra quyết định giảm giá và tôi chịu trách nhiệm cá nhân. Chúng tôi không quan liêu mà sau mỗi quyết định là cả tập thể lãnh đạo", ông Huệ nói.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho rằng với kinh nghiệm 10 năm kiểm toán ông thuộc các số liệu lỗ lãi của doanh nghiệp như lòng bàn tay. Điều này có nghĩa, ông thừa hiểu các nhà nhập khẩu xăng dầu lỗ hay lãi và sức chịu đựng của họ đến đâu. "Không ai muốn tăng giá xăng cả vì tác động đến lạm phát ảnh hưởng tới 80 triệu dân. Việc giảm giá cũng vậy, không ai lại bỏ qua khi có cơ hội giảm", ông Huệ chia sẻ.
Theo ông, sở dĩ giá xăng dầu chưa thể "thả" theo thị trường ngay được vì vẫn còn tồn tại độc quyền. Ba doanh nghiệp đang chiếm trên 90% thị phần trong đó có Petrolimex (trên 60%) và PV Oil. Nếu 3 doanh nghiệp này "đi đêm" với nhau thì doanh nghiệp khác chết, người tiêu dùng sẽ chịu thiết.
"Bộ Tài chính không bỏ qua doanh nghiệp nào cả. Nếu cách điều hành của chúng tôi gây thiệt hại cho doanh nghiệp chúng tôi chịu trách nhiệm và bồi thường. Nếu doanh nghiệp nào không làm được thì rút lui. Kể cả Petrolimex, nếu không làm được chúng tôi sẵn sàng cho giải tán để lập tổng công ty khác. Nhà nước không dọa ai và cũng không ai dọa được nhà nước", ông Huệ tỏ thái độ.
Năm 2008, Nhà nước đã trích trên 4.600 tỷ đồng để bù lỗ cho doanh nghiệp. Theo bộ trưởng Huệ, sự hy sinh của Nhà nước chẳng ai đề cập tới, trong khi doanh nghiệp chỉ biết kêu lỗ mà không biết chia sẻ với người tiêu dùng.
Ông Huệ cảnh báo tới đây, Bộ Tài chính sẽ liên tục có "trát" yêu cầu doanh nghiệp phải báo cáo lỗ lãi, các hoạt động kinh doanh ở bất cứ thời điểm nào
Liên quan đến ý kiến của Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, ông Huệ cũng thẳng thắn: Bảo đảm nguồn cung, bình ổn, hoạt động kinh doanh... trách nhiệm thuộc về Bộ Công Thương. Việc vỡ hay không vỡ hệ thống không thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính. Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cũng đã vận hành 100% công suất là nguồn dự trữ cho thị trường nội địa.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ chốt lại: Từ nay đến cuối năm sẽ không có chuyện tăng giá và cũng không nên tăng giá bán lẻ xăng dầu mà sẽ áp dụng các biện pháp bình ổn. Trong trường hợp cần thiết, Nhà nước sẽ bù lỗ.
Hồng Anh
Vnexpress



Xem bài viết: Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Từ nay đến cuối năm sẽ không có chuyện tăng giá xăng dầu