[h1]Vượt qua khủng hoảng kinh tế.[/h1]



Thư mục: Những vấn đề Kinh tế |




Quan trọng



[/i]

Đăng ngày: 18:22 01-08-2009





Nguyên
nhân và những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới được coi
là tồi tệ nhất kể từ năm 1929 đã được làm sáng tỏ qua những bài viết
của nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế, nhưng để có giải pháp hữu
hiệu nhằm vượt qua khủng hoảng thì vẫn còn bỏ ngỏ. Trong cuốn sách
“Vượt qua khủng khoảng kinh tế” của tác giả Nguyễn Sơn do Nhà xuất bản
Thống Kê phát hành đã giải đáp phần nào nguyên nhân và giải pháp. Nó đã
giúp tôi có cái nhìn rõ hơn về nguyên nhân khủng hoảng kinh tế hiện tại
và hiệu quả của những giải pháp mà nhiều quốc gia đã và đang thực hiện.







Được
sự cho phép của tác giả tôi xin trích đăng 1 số đoạn trong cuốn sách
“Vượt Qua Khủng Hoảng Kinh Tế” của tác giả Nguyễn Sơn do Nhà Xuất Bản
Thống Kê – 2009, nhằm giới thiệu bạn đọc.



Ngôi Sao Đang Lên Lâm Bệnh




Quá trình đổi
mới của Việt Nam được bắt đầu từ năm 1986 đã thu được những thắng lợi
lớn lao. Nền kinh tế tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới đẩy tổng sản
phẩm quốc nội (GDP) tăng gấp 4 lần trong vòng 20 năm. Thu nhập bình
quân đầu người ngấp nghé ngưỡng 1.000 USD. Nếu như hơn 20 năm trước,
chúng ta “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi”, không thể nào đạt được mục
tiêu 21 triệu tấn lương thực quy ra thóc thì giờ đây thậm chí chúng ta
còn dư gạo để xuất khẩu. Thế giới bắt đầu không còn coi Việt Nam là
nước nghèo nữa. Họ nhìn thấy “chiến trường đang biến thành thị trường”,
nhìn thấy ở trung tâm ASEAN một ngôi sao đang toả sáng. “Việt Nam –
ngôi sao đang lên của châu Á” là tên một bài viết nổi bật trên tờ tạp
chí kinh tế hàng đầu thế giới The Economist số ra hồi đầu năm 2008. Đó
cũng là khẳng định của hầu hết những định chế tài chính quốc tế đang
nóng lòng nhảy vào thị trường còn rất tinh khôi này.



Nếu lúc đó có ai
đó bảo: “Cẩn thận đấy, cơn bão từ nước Mỹ sẽ tràn qua và cuối năm nền
kinh tế sẽ phát bệnh”, hẳn mọi người sẽ nhìn anh ta như nhìn một người
bi quan thái quá và hoàn toàn thoát ly thực tế. Kinh tế đang phát triển
mạnh. Xuất khẩu liên tục có thêm những hợp đồng mới. Thị trường nhà đất
nóng bỏng. Thị trường chứng khoán tuy hơi xuống dốc, nhưng các nhà đầu
tư vẫn hăng say “mò đáy” đón đợi một cuộc bứt phá ngoạn mục mới.



Thế nhưng cơn
bão từ Mỹ vẫn cứ tràn sang thật. Nền kinh tế đã phát bệnh thật. Và
không chỉ một cơn bệnh, mà có tới hai cơn bạo bệnh liên tiếp chồng lấn
lên nhau.




Những Cánh Cửa Mở Ra Hy Vọng




Để đối phó với
suy sụt kinh tế, phải làm tốt 4 việc: đóng mở linh hoạt với thị trường
toàn cầu; giữ vững hệ thống tài chính – ngân hàng đồng thời kiềm chế
lạm phát; bảo đảm an sinh xã hội; kích cầu. Nhưng vấn đề là ở chỗ chúng
ta cần phải đối phó bao lâu? Đến bao giờ mới vượt qua được khó khăn
kinh tế.



Một số chuyên
gia kinh tế cho rằng nền kinh tế Việt Nam yếu hơn các nền kinh tế khác
nên sẽ bị bão tàn phá mạnh hơn và lâu dài hơn. Tuy nhiên, lập luận của
họ chỉ đúng khi người yếu kẻ mạnh cùng phải hứng chịu một mức độ khốc
liệt của cơn bão như nhau. Thực tế không phải như vậy: các nền kinh tế
khác nhau chịu mức độ khốc liệt khác nhau của cơn bão khủng hoảng toàn
cầu này. Như trên đã nói, chúng ta không phải nằm ở trung tâm cơn bão
mà chỉ nằm ở phần ngoại vi của nó. Như vậy, chúng ta sẽ không phải chịu
mức độ khốc liệt nhất của cơn bão. Đồng thời, khi cơn bão bắt đầu dịu
đi, phần ngoại vi sẽ thoát ra khỏi khó khăn sớm hơn phần trung tâm. Nói
cách khác, chỉ cần khủng hoảng kinh tế ở Mỹ dịu đi đáng kể là chúng ta
đã có thể vượt qua cuộc suy sụt kinh tế này rồi.



Như vậy, chúng
ta buộc phải chờ đợi cuộc khủng hoảng dịu đi ở tâm chấn của nó – nước
Mỹ. Khi nào thì nó dịu đi? Khi các chỉ số kinh tế vĩ mô cơ bản của Mỹ
được cải thiện. Đặc biệt cần chú ý chỉ số thất nghiệp. Có một định luật
kinh tế mang tên nhà hoạch định chính sách người Mỹ Athur Okun
(1929-1979) phát biểu rằng khi GDP giảm 2 điểm phần trăm thì thất
nghiệp tăng 1 điểm phần trăm và ngược lại. Như vậy, thất nghiệp giảm đi
là chỉ số đáng tin cậy nhất báo hiệu GDP sẽ tăng trở lại. Chỉ số đáng
quan tâm khác là chỉ số giá chứng khoán Mỹ. Thường thì các nhà đầu tư
nhạy hơn số đông dân chúng về thông tin kinh tế, nên khi họ “ngửi” thấy
nền kinh tế có chiều hướng được khôi phục, họ sẽ lao vào mua chứng
khoán và đẩy giá nó lên.



Cả hai chỉ số
nói trên đều liên quan trực tiếp đến niềm tin kinh tế. Mà cơ sở của nó
là ở chỗ người ta có tin là nền kinh tế đã tìm ra được lối thoát khỏi
khủng hoảng hay chưa. Tâm lý học đám đông dạy rằng niềm tin ấy cần phải
được đánh dấu bằng một cái mốc rõ ràng và gây sốc. Theo tôi, cái mốc đó
sẽ là việc chính phủ Mỹ quyết định quốc hữu hoá các ngân hàng đang
chênh vênh bên bờ vực thẳm. Một đổi mới tư duy, đổi mới ý thức hệ mang
tính đột phá như vậy mới đủ nặng ký để người dân xem xét lại nỗi lo âu
của chính họ.



Phần lớn các dự
báo của các chuyên gia kinh tế thế giới đều cho rằng khủng hoảng kinh
tế Mỹ sẽ khó có thể kết thúc sớm trong năm 2009. Tuy nhiên, nếu chính
phủ Mỹ kiên quyết hơn với hệ thống tài chính – ngân hàng của họ như đề
xuất của các nước châu Âu trong Hội nghị các bộ trưởng Tài chính G20
tháng 3-2009 thì tình hình có thể sẽ sáng sủa sớm hơn. Từ một khía cạnh
khác, nền kinh tế Mỹ sẽ có cơ hội nhận được sự kích cầu to lớn từ chi
tiêu chính phủ nếu xảy ra một xung đột quốc tế lớn khiến người Mỹ tin
rằng an ninh của họ bị đe doạ nghiêm trọng và họ phải dốc toàn lực để
đối phó. Trong trường hợp đó, kinh tế Mỹ cũng có thể sẽ vượt qua khủng
hoảng sớm hơn dự tính.





Nguyễn Sơn (stockpro trích đăng)