Xung quanh lý luận về giảm phát





Trong suốt thời gian năm ngoái, các ngân
hàng trung tâm, các nhà kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp
và cả các chính trị gia đã đưa ra những cảnh báo về hiện tượng giảm
phát trong nền kinh tế.


Khi
giá cả các mặt hàng đồng loạt giảm xuống, theo nhận định của các nhà
kinh tế, rất có thể chúng ta sẽ phải đối diện với một cuộc khủng hoảng
theo kiểu những năm 1930. Có lẽ biện pháp duy nhất là in ấn tiền tệ một
cách ồ ạt.

Nhưng điều mà các nhà kinh tế học hiện đại quan tâm
là vai trò của lý thuyết giảm phát với nền kinh tế. Họ khẳng định “giảm
phát” không hề làm tổn hại nền kinh tế.

Theo phân tích của các
chuyên gia kinh tế, nền kinh tế vẫn thực hiện tốt những chức năng của
nó, kể cả khi ở trong hiện tượng giảm phát. Và giảm phát cũng không làm
ảnh hưởng đến quá trình phục hồi lại của nền kinh tế. Nhìn lại những
bằng chứng xác thực trong lịch sửcho thấy nền kinh tế vận hành cùng
giảm phát có thể là một đường lối đúng đắn cho nền kinh tế các nước phụ
thuộc nhiều vào các khoản vốn vay.

Phát biểu hồi đầu năm nay,
Bộ trưởng Bộ tài chính Anh – ông Alistair Darling đã đề cập đến việc
Ngân hàng trung ương Anh cần phải có những biện pháp đối diện với nguy
cơ giá các mặt hàng giảm mạnh.

Cũng đồng tình với những cảnh
báo ấy, trong cuộc phỏng vấn hồi đầu tháng 8 này, Chủ tịch Ngân hàng
trung tâm Châu Âu - ông Jean-Claude Trichet đã khẳng định: “chúng tôi
rất coi trọng việc đẩy lùi nguy cơ rủi ro từ giảm phát”. Những quan
điểm tương tự cũng được đưa ra bởi các nhà kinh tế hàng đầu trên toàn
thế giới.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là chính họ lại không hề
chậm chễ trong việc đầu tư những đồng tiền mới “đúc” của mình vào cái
mà họ gọi là nguy cơ rủi ro ấy. Trong thời gian qua, Ngân hàng trung
ương Anh đã bắt đầu đưa ra chương trình “nới lỏng tiền tệ”, đồng thời
họ in thêm một lượng tiền mới để nhằm ngăn chặn mối đe doạ “giảm phát”.
Vấn đề đáng quan tâm là những diễn biến của giảm phát không nằm trong
sự sắp đặt của họ. Và rồi giảm phát cũng đã xảy ra.

Giá giảm đồng loạt

Chỉ
tính riêng trong khu vực Châu Âu, giá các mặt hàng đã giảm 0,7% trong
tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái, theo thống kê của Văn phòng Liên Minh
Châu Âu. Ở Đức, nền kinh tế được xem là mạnh nhất Châu Âu hiện nay, giá
các mặt hàng tiêu dùng tính trên một năm đã giảm trong tháng 7. Đây là
lần đầu tiên trong suốt 22 năm qua, kinh tế Đức phải đối diện với nguy
cơ giảm phát. Giá bán buôn tại Đức cũng giảm tới 11% trong thời gian
qua.

Như vậy, liệu những giảm phát ở khu vực sử dụng đồng tiền
chung euro có đang đứng sau những rủi ro cho nền kinh tế? Câu trả lời
là không hẳn như vậy. Các nhà kinh tế cho rằng chính giảm phát đang đưa
nền kinh tế thế giới ra khỏi khủng hoảng. Tuần trước, những con số
thống kê mới nhất đã chỉ ra Đức và Pháp đang kéo nền kinh tế khu vực ra
khỏi suy thoái. Cả 2 nền kinh tế này đã ghi nhận mức tăng trưởng 0,3%
trong quý 2, sau khi nền kinh tế suy thoái trong suốt 4 quý liền.

Không có nhiều tín hiệu về sự nguy hiểm của giảm phát tới nền kinh tế thế giới.

Nền kinh tế quyền lực nhất

Trong
lịch sử, nền kinh tế thế giới đã trải qua nhiều năm giảm phát. Tuy
nhiên trải qua giai đoạn ấy, kinh tế Anh nổi lên như một nền kinh tế
mạnh mẽ nhất trên thế giới. Nền kinh tế nước này chỉ có những dấu hiệu
suy thoái khi có lạm phát. Ngược lại, giảm phát đã không hề ảnh hưởng
tới cuộc Cách mạng công nghiệp Anh - một trong những sự sáng tạo vĩ đại
nhất trong lĩnh vực kinh tế mà lịch sử từng chứng kiến.

Cũng
theo xu hướng nghiên cứu ấy, đề tài nghiên cứu năm 2004 được thực hiện
bởi Ngân hàng Dự trữ Liên bang của Minneapolis đã phân tích số liệu về
giảm phát ở 17 quốc gia trong suốt 100 năm. Họ chỉ ra cuộc đại khủng
hoảng những năm 1930 đúng là có liên hệ với hiện tượng giá các mặt hàng
giảm trong thời kỳ này. Tuy nhiên mối liên hệ ấy lại chưa được phát
hiện trong bất kỳ một giai đoạn nào khác. Vì vậy, các chuyên gia phân
tích đi đến kết luận: “không có bằng chứng xác thực nào để chứng minh
giảm phát là nguyên nhân của khủng hoảng kinh tế”.

Trên thực tế,
chúng ta vẫn luôn giữ quan điểm là giảm phát sẽ ảnh hưởng xấu đến nền
kinh tế, bởi vì nó làm cho người tiêu dùng không mua sắm nữa - họ cho
rằng giá các mặt hàng sẽ còn tiếp tục giảm. Nhưng những quan điểm ấy là
không có căn cứ khoa học.

Tác dụng từ 2 đòn bẩy

Mọi
người đều biết rằng giá cả của một chiếc máy tính hay máy nghe nhạc
iPod sẽ giảm trong 6 tháng cuối năm nay, cùng với sự tăng lên của chất
lượng. Và người tiêu dùng có xu hướng muốn sở hữu ngay những mặt hàng
ấy. Nắm được hai đòn bẩy trong tâm lý tiêu dùng của khách hàng, hàng
loạt các nhà kinh doanh dưới hình thức cửa hàng đã nhập kho một lượng
lớn các dòng máy tính và máy nghe nhạc.

Đây là tình trạng
chung cho ngành công nghiệp điện tử hiện nay, và một khi giảm phát đã
trở nên quen thuộc trên thị trường này, nó sẽ sớm lan ra các thị trường
các ngành công nghiệp khác.

Theo nhận định của các nhà kinh tế,
giảm phát có thể gây tổn hại đến lợi ích của một số nhóm người đặc biệt
trong xã hội, thường là nhóm những người có quyền lực. Cụ thể là giảm
phát gây khó khăn cho các nhà lãnh đạo cấp cao nhất. Trong môi trường
của lạm phát, các nhà lãnh đạo dễ dàng tăng lợi nhuận hơn. Họ chỉ cần
tăng giá sản phẩm lên một tỷ lệ nhỏ và thực hiện việc cắt giảm tiền
lương cùng các chế độ của người lao động.

Riêng với ngành ngân
hàng, ngành kinh tế được đánh giá là dựa trên lạm phát để có mức cho
vay cao và ổn định, cũng gặp trở ngại khi có hiện tượng giảm phát.
Tương tự, giảm phát cũng là điều mà Chính phủ không mong muốn, vì nó
không giúp Chính phủ thu hẹp giá trị thực tế các khoản vay của mình.

Mặt
khác, giảm phát mang đến lợi ích cho các nhà tiết kiệm, họ thu lợi
nhuận chỉ bằng việc đưa vào tài khoản số tiền rảnh rỗi của mình. Đồng
thời, giảm phát cũng mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, khi giá các
mặt hàng đều giảm. Đối với người lao động, giảm phát dường như cũng là
một tin tốt lành, bởi vì nhờ nó mà họ giữ được giá trị của số tiền
lương ngay cả khi giá cảm giảm.

Nhìn chung, sẽ có những người
được và mất - đó là 2 mặt tất yếu của bất cứ qua trình phát triển kinh
tế nào. Nhưng điều đáng nói là người chịu thiệt hại từ giảm phát là
những người đầy quyền lực, còn những người được lợi lại ở một vị trí
đối ngược. Có thể đó là lý do mà các nhà kinh tế thường không nhắc đến
những lợi ích của giảm phát, mà chỉ chú trọng những mặt tiêu cực và rủi
ro của nó.

Không có bất cứ thảm hoạ nào đến từ giảm phát. Thậm
chí, đó có thể là mục tiêu mà nền kinh tế hướng đến để cân bằng khuynh
hướng tiêu dùng và tiết kiệm, cũng như hạn chế việc vay vốn của Chính
phủ và hệ thống ngân hàng.





Nguồn: http://vfinance.vn/





Link gốc: http://vfinance.vn/m33/sm33/e207/kin..._giam_phat.htm