Lập lại trật tự lãi suất: Mạnh tay nhưng không lơ là tiền gửi
Hai ngày qua, trên thị trường xuất hiện nghi ngại số dư tiền gửi trên toàn hệ thống ngân hàng bị sụt giảm và cho rằng, điều này có mối liên hệ với việc Ngân hàng Nhà nước siết chặt kỷ cương lãi suất tiền gửi 14%/năm.
Qua tìm hiểu của người viết thì đến 12/9, cấp tín dụng toàn hệ thống tăng 8,63% so với tháng 12/2010; nhưng nếu so với 31/8/2011 thì cấp tín dụng giảm 0,48%; so với ngày 9/9/2011 giảm 0,10%.
Còn huy động vốn đến 12/9 so với 31/12/2010 tăng 10,72% (chưa loại trừ giấy tờ có giá do tổ chức tín dụng nắm giữ). Nếu xét về tổng thể thì đó là con số đẹp vì huy động lớn hơn dư nợ cả về số tuyệt đối lẫn tốc độ tăng.
Tuy nhiên, khi mổ xẻ số liệu huy động vốn đến 12/9 thì thấy rằng, nếu so với 31/8/2011, tốc độ tăng trưởng huy động vốn giảm 0,26% và so với 9/9, tỷ lệ này giảm 0,25%.
Mặc dù chưa rõ ràng nhưng nhiều ý kiến liên tưởng đến câu chuyện lập lại trật tự lãi suất tiền gửi. Ngày 7/9, Ngân hàng Nhà nước ra Chỉ thị 02 thì đến 12/9, nguồn vốn huy động toàn hệ thống giảm, mặc dù nhìn vào kết quả tăng trưởng chung của 8 tháng và 12 ngày là con số tăng hay nói cách khác, kết quả tăng trưởng huy động vốn nói trên chỉ là thành quả của các tháng 6-7-8/92011.
Tại cuộc họp các tổ chức tín dụng có trụ sở tại Hà Nội ngày 15/9, khá nhiều lãnh đạo ngân hàng đứng lên kêu ca về tiền gửi bị rút đi trong các ngày 9-10-11/9/2011. Ngân hàng nào ít thì cũng bị rút vài trăm tỷ đồng, còn nhiều thì lên tới dăm trăm tỷ đồng. Mặc dù không giải thích lý do người dân rút tiền nhưng đa số ý kiến trên đều ngầm cho rằng, do trần lãi suất tiền gửi 14%/năm.
Xung quanh câu chuyện tăng trưởng tiền gửi sụt giảm, người dân rút tiền khỏi ngân hàng, tổng giám đốc một ngân hàng cho rằng, thực ra, dòng tiền chảy vào, chảy ra khỏi hệ thống ngân hàng là điều bình thường. Mặc dù hiện tượng này ít nhiều liên quan đến việc khống chế trần lãi suất nhưng có lẽ, cần phải tiếp tục theo dõi thêm một thời gian nữa mới có thể khẳng định mối lo trên có thực hay không.
Ở một diễn biến khác, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, khi Ngân hàng Nhà nước báo cáo với Chính phủ về khả năng tăng trưởng dư nợ tín dụng năm nay, Chính phủ đã có ý kiến rằng, năm 2011, không nhất thiết phải cố cho đủ mức tăng trưởng tín dụng 20% mà chỉ cần ở mức khoảng 15%.
“Rất có thể, khi thực hiện trần lãi suất tiền gửi 14%, sẽ có một lượng vốn lớn chảy ra khỏi ngân hàng để đầu tư vào thị trường khác nhưng khi mức tăng tín dụng cả năm nếu chỉ dừng ở 15% như nói trên thì cũng chưa hẳn là mối lo quá lớn”, một lãnh đạo cấp vụ của Ngân hàng Nhà nước nói.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước phải làm gì trước biểu hiện bất thường này? Những người trong cuộc cho rằng, trước hết, nhà điều hành cần quan sát số liệu rất chặt chẽ trên bảng cân đối từng ngân hàng, để khẳng định có hay không việc vốn chảy từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, để có căn cứ nghi ngờ và xử lý nghiêm tình trạng ngân hàng này dâng lãi suất lấy vốn ngân hàng kia như phản ánh của các ngân hàng tại cuộc họp các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội ngày 15/9/2011.
Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước cần phải theo dõi chặt biến động số liệu tiền gửi trên toàn hệ thống và có biện pháp can thiệp kịp thời đối với những đơn vị yếu thanh khoản qua công cụ giao dịch thị trường mở (OMO), tái cấp vốn.
Thứ ba, trong lúc này, các ngân hàng trong nhóm “G12 + 1” nên nghiêm túc thực hiện cam kết duy trì lãi suất tiền gửi 14%/năm, kiềm chế bớt ham muốn lợi nhuận để duy trì lãi suất tiền gửi 14%/năm và tiền vay trong khoảng 17% - 19%/năm, nhằm chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp cũng như hoạt động điều hành chính sách tiền tệ.
Theo tbktvn



Xem bài viết: Lập lại trật tự lãi suất: Mạnh tay nhưng không lơ là tiền gửi