Ứng xử ra sao với các công ty lỗ triền miên?
(Vietstock) – Cứ mỗi mùa báo cáo kết quả kinh doanh về, nhà đầu tư lại không khỏi thất vọng khi tiếp nhận thông tin thua lỗ của doanh nghiệp. Đặc biệt là với các công ty lỗ triền miên, thì họ lại càng ngán ngẩm hơn.
Nhà đầu tư nên thận trọng với các công ty có "thâm niên" báo lỗ
Lỗ lại hoàn lỗ
Chỉ trong nửa đầu năm 2011, toàn thị trường đã có 53 doanh nghiệp phát sinh thua lỗ. Đáng chú ý, những “gương mặt” nằm trong diện “lỗ triền miên” có thể kể đến CTCP Vận tải biển & BĐS Việt Hải (HNX: VSP), CTCP Nhựa Tân Hóa (HOSE:VKP), CTCP Basa (HOSE: BAS) khi lỗ kéo dài từ năm 2009 đến nay.
VSP dẫn đầu mức lỗ trong 6 tháng đầu năm 2011 khi âm 235.7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Sau soát xét, công ty mẹ VSP lỗ thêm cả 17 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2011. Chủ yếu do tăng 16 tỷ đồng chi phí tài chính (Chi phí tài chính sau soát xét lên đến 125.5 tỷ đồng, trong đó tiền lãi vay gần 105 tỷ đồng, phần còn lại là lỗ chênh lệch tỷ giá). Đây cũng là doanh nghiệp lỗ liên tiếp trong hai năm liền trước. Năm 2009, công ty này báo lỗ 359.6 tỷ đồng và 2008 là âm 781 triệu đồng.
Một công ty khác đang ngấp nghé bên bờ vực phá sản là VKP có tổng mức lỗ 2 năm trước là 86 tỷ đồng, và lỗ thêm 21.4 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2011. Với vốn điều lệ hiện tại là 80 tỷ đồng, cùng với các khoản nợ đang tồn đọng ở mức cao, liệu doanh nghiệp này còn đủ sức chịu đựng đến khi nào? VKP cũng đối mặt với hàng hoạt vấn đề phát sinh trong quá trình soát xét khi đơn vị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của công ty. Cụ thể như hơn 26 tỷ đồng các khoản nợ phải thu quá hạn không thu hồi được ngày 30/06/2011 chưa được lập dự phòng, phần thuế GTGT đầu ra phải nộp và thuế GTGT đầu vào được khấu trừ chưa có chứng từ thể hiện. Hay VKP có khả năng tăng lỗ luỹ kế thêm 8.35 tỷ đồng. Tất cả những vấn đề phát sinh khiến cho nhà đầu tư tỏ ra dè chừng cổ phiếu này, một doanh nghiệp không chỉ làm ăn thua lỗ mà tình hình tài chính còn hết sức rối ren, thiếu minh bạch.
Trong khi nhiều doanh nghiệp trong ngành thực phẩm làm ăn hiệu quả do đời sống kinh tế ngày càng cải thiện thì CTCP Sữa Hà Nội (HNX: HNM) và CTCP Nước giải khát Sài Gòn (HOSE: TRI) cùng lâm vào tình cảnh thua lỗ mỗi năm vài chục tỷ đồng, thậm chí TRI lỗ đến 144 tỷ đồng trong năm 2008.
Một số doanh nghiệp khác cũng có “thâm niên” báo lỗ như CTCP Viễn thông Thăng Long (HNX: TLC), CTCP Đầu tư & Sản xuất Việt Hàn (HOSE: VHG), CTCP Đầu tư & Phát triển Sacom (HOSE: SAM). Điều đặc biệt là hầu hết các doanh nghiệp này đều không thấy công bố phương án khắc phục thua lỗ.
Danh sách công ty lỗ 6 tháng năm 2011 (trđ)
a) Lỗ 6 tháng/2011 và có lỗ trong 3 năm liền trước

b) Chỉ lỗ trong 6 tháng/2011

Ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh, Tổng giám đốc Công ty Chứng khóa Sen Vàng cho rằng, làm ăn thua lỗ là chuyện bình thường trên thực tế. Khi đánh giá doanh nghiệp thua lỗ thì nhà đầu tư cần tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân. Mỗi doanh nghiệp hoạt động trong một ngành nghề riêng, chi phí hàng tồn kho lớn, chi phí khấu hao cao hoặc công ty đang trong quá trình đầu tư, mở rộng chi nhánh nên phát sinh chi phí cao, dẫn đến lỗ là chuyện thường tình. Ví dụ như trường hợp của CTCP Gạch men Chang Yih (HOSE: CYC), có thể là do năng lực sản xuất quá dư thừa so với thị trường một thời gian dài cùng với chính sách siết tín dụng vừa qua khiến doanh nghiệp này rơi vào cảnh thua lỗ. Đây là đặc trưng chung của ngành.
Dù vậy, ông Chinh cũng cho biết nếu doanh nghiệp lỗ liên tiếp nhiều năm là có vấn đề phát sinh như chưa thay đổi công nghệ, nhân sự yếu kém, đầu tư tài sản lớn, khấu hao kéo dài, hàng tồn kho nhiều…
Còn theo một chuyên gia giảng dạy bộ môn chứng khoán, nhà đầu tư cần phải xét đến việc doanh nghiệp lỗ đó có nộp báo cáo trễ không hay độ chênh nhau giữa các loại báo cáo trước và sau kiểm toán. Mấu chốt của vấn đề là ở chỗ mọi thông tin đến với nhà đầu tư dù tốt hay xấu cũng phải thể hiện tính công khai, minh bạch và kịp thời. Điều đó cho thấy ý thức chấp hành quy định của các công ty niêm yết như thế nào, tình hình quản trị doanh nghiệp, bộ máy kế toán của công ty ra sao?
Theo quy định về thời hạn công bố BCTC hiện tại, BCTC riêng lẻ quý 2/2011 phải được công bố chậm nhất là ngày 25/07 và BCTC hợp nhất vào ngày 20/08. Thế nhưng, đối chiếu với các doanh nghiệp thua lỗ trên ta thấy website Sở GDCK Hà Nội (HNX) đăng thông tin BCTC quý 2/2011 của VSP vào ngày 01/08 và mãi đến ngày 09/09 mới có báo cáo hợp nhất bán niên. Ngoài ra, VHG, SAM, TRI, TLC cũng công bố BCTC chậm hơn quy định.
Nghịch lý thua lỗ, cổ phiếu vẫn tăng trần
Có một nghịch lý là không ít cổ phiếu vẫn tăng trần dù doanh nghiệp đó lỗ “thê thảm”. Nổi cộm trong số này phải kể đến VSP. Giá cổ phiếu VSP lao dốc liên tục từ 64,000 đồng xuống chỉ còn 5,000 đồng từ 11/5/2010 đến 5/8/2011. Tuy nhiên, trong khoảng hơn một tháng nay thì cổ phiếu VSP quay đầu tăng điểm mạnh, đóng cửa phiên 12/09/2011 với giá 12,100 đồng/cp bất chấp mọi tin xấu. Trong đó có khoảng thời gian VSP tăng trần liên tục như giai đoạn từ 17/08 đến 23/08. Không ít người cho rằng đằng sau sự tăng trần kia có thể là do đội lái hoặc VSP sắp có tin đột biến như bán đất, bán tàu có lãi, hợp đồng ngon, trúng quả gì đó chẳng hạn.
Ngoài VSP, hàng loạt doanh nghiệp khác như SAM, VNE (Tổng CTCP Xây dựng Điện Việt Nam), SGT (CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn), ITC (CTCP Đầu tư Và Kinh doanh Nhà Intresco), NVT (CTCP BĐS Du lịch Ninh Vân Bay), VKP, VHG, NTB (CTCP Đầu tư Xây dựng & Khai thác Công trình Giao thông 584) mặc dù lỗ nhưng giá cổ phiếu trên sàn cũng liên tục tăng trần.
Theo ông Chinh, việc tăng trần một phần còn do thiếu sự liên kết đồng bộ giữa cơ quan quản lý với các bên liên quan, không có một cảnh báo nào được phát ra kịp thời để cảnh báo thị trường.
Nâng chuẩn niêm yết, chế tài thật nghiêm
Thua lỗ là câu chuyện của doanh nghiệp nhưng nếu các điều kiện niêm yết đươc khắc khe hơn, có lẽ số công ty rơi vào tình cảnh lỗ lã đã được giảm thiểu. Về vấn đề này, vị chuyên gia trên cho rằng UBCKNN cần siết lại điều kiện niêm yết và hủy niêm yết. Cần mạnh tay xử phạt, nếu công bố thông tin trễ thì phải tạm ngừng giao dịch ngay, để nuôi dưỡng niềm tin cho nhà đầu tư. Nên chăng rút ngắn việc đưa cổ phiếu vào diện kiểm soát do lỗ 2 năm liên tiếp như hiện nay xuống còn 1 năm.
Đồng thời, sự minh bạch trong báo cáo tài chính và thông tin là điều tiên quyết. Không ít trường hợp nhân viên kế toán phù phép lãi thành lỗ, lỗ thành lãi nhập nhằng, rất khó đoán biết. Còn nhớ cách đây không lâu, Cavico bị hủy niêm yết tại sàn giao dịch Nasdag do chậm nộp báo cáo kinh doanh 2010. Điều này cho thấy yêu cầu niêm yết ở nước ngoài rất chặt chẽ và được thực hiện một cách hết sức nghiêm túc. Ngược lại, tại Việt Nam, có bao nhiêu công ty công bố đúng hạn? Trường hợp CTCP Dược Viễn Đông (HOSE: DVD) phá sản mà mấy tháng sau mới công bố là điều rất khó chấp nhận.
Vừa rồi UBCKNN yêu cầu hai Sở GDCK tính toán các chỉ số khác nhau để có thể đánh giá chuẩn xác mức độ diễn biến của thị trường. Theo ông Chinh, nên chăng bổ sung thêm các chức năng cảnh báo nhà đầu tư. Đồng thời nên xây dựng lại các chuẩn niêm yết phù hợp với thực tế hơn và phải mạnh tay xử lý vi phạm. Các chế tài phải thật nghiêm.
Về phía các cơ quan truyền thông báo chí cũng nên tăng cường đăng tải những trường hợp này để nhà đầu tư nắm bắt. Thị trường muốn công khai và minh bạch cần sự liên kết chặt chẽ giữa UBCKNN, Sở GDCK, các cơ quan truyền thông cùng các cơ quan liên quan để tạo nên sự lan tỏa. Thông tin được cung cấp nhiều hơn nhưng phải đảm bảo tính trung thực và thời điểm phù hợp.
Thiết nghĩ, thị trường chứng khoán là nơi của niềm tin và sự kỳ vọng. Những điều duy trì và phát triển lòng tin của nhà đầu tư thì phải làm càng sớm càng tốt. Điều đáng mừng là ngày 09/09 vừa qua, UBCKNN đã có công văn yêu cầu các Sở GDCK nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy chế niêm yết. Theo đó, tùy mức độ vi phạm có thể tạm ngừng giao dịch hoặc hủy niêm yết đối với tổ chức niêm yết có hành vi vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm chế độ báo cáo, công bố thông tin. Kỳ vọng rằng quy chế này sẽ sớm đi vào thực tiễn vì một khi niềm tin của nhà đầu tư còn chưa được củng cố, thị trường khó mà phát triển bền vững.
Bội Mẫn



Xem bài viết: Ứng xử ra sao với các công ty lỗ triền miên?