Đường cong lãi suất báo hiệu tiền gửi bất ổn
Ngay sau Ngân hàng Nhà nước kiên quyết thiết lập trần lãi suất tiền gửi 14%, một ngân hàng tung ra thị trường mức lãi suất huy động một ngày 14%/năm.
“Một cây không thể tả cả rừng”, nhưng cùng với các số liệu khác, cho thấy nguồn tiền gửi trên hệ thống đang gặp bất ổn, cả về cơ cấu lẫn doanh số.
Đường cong lãi suất thẳng băng...
Trong thông báo phát đi, ngân hàng nói trên cho biết, để “tri ân” khách hàng, kể từ 12/9/2011, họ đưa ra mức lãi suất 14%/năm đối với sản phẩm “tiền gửi linh hoạt ngày”, áp dụng cho tất cả khách hàng cá nhân lẫn doanh nghiệp với kỳ hạn từ 1-2-3-4-5-6 ngày.
Theo đó, sản phẩm này không chỉ giúp khách hàng nhận được mức lãi suất cao và hấp dẫn mà còn giúp khách hàng linh hoạt trong việc sử dụng nguồn vốn của mình.
Mặc dù ngân hàng này cho rằng, đây là sản phẩm đặc thù chỉ có duy nhất trong hệ thống và lần đầu tiên được triển khai, nhưng thực tế, rất nhiều ngân hàng khác đã duy trì mức lãi suất 14%/năm đối với cả tiền gửi thanh toán. Trong khi, tiền gửi thanh toán là loại tiền gửi mà khách hàng chỉ lưu lại bất chợt trong hệ thống ngân hàng, thậm chí với thời gian mấy tiếng đồng hồ.
Mổ xẻ về loại “tiền gửi một ngày lãi suất 14%/năm”, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng biên tập tạp chí Ngân hàng, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Kế toán - Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Xét về bản chất, mức lãi suất này đã vi phạm chỉ đạo trần lãi suất tiền gửi 14%/năm của Ngân hàng Nhà nước”.
Cụ thể, 14%/năm là lãi suất của năm, nếu quản lý theo dòng tiền “lãi đẻ ra lãi” thì lãi suất của sản phẩm trên đã vượt trần quy định, thậm chí còn lên tới 15% - 16%/năm. Và đó là tiểu xảo để lách trần lãi suất.
Lách ở chỗ: khách hàng gửi tiền tính theo lãi suất ngày thì ngân hàng sẽ trả lãi ngay trong ngày đó, và khách hàng nhập lãi này vào gốc và nói “lãi đẻ ra lãi” là vì thế.
Chung ý kiến với bà Hương, cán bộ nguồn vốn một ngân hàng thương mại nhà nước nói: “Tiền gửi kỳ hạn 3 tháng, 4 tháng, với lãi suất 14%/năm đã là lách luật, nay nếu gửi một ngày mà cũng 14%/năm thì càng quá quắt!”.
Theo vị này, việc Ngân hàng Nhà nước chưa khống chế mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi thanh toán, tiền gửi ngắn hạn như sản phẩm tiền gửi nói trên là sơ hở. Theo vị cán bộ này, đối với các loại tiền gửi đó, chỉ nên duy trì mức lãi suất 2%/năm.
Thứ hai là vấn đề thanh khoản của các ngân hàng. Một chuyên gia ngân hàng cho rằng, đã gọi là kỳ hạn một ngày hay “không kỳ hạn”, hoặc “tiền gửi thanh toán” thì bản chất là một, nếu xét về mặt kỳ hạn.
“Theo thông lệ quốc tế, “tiền gửi thanh toán” còn chẳng được trả một xu lãi suất nào, chứ đừng nói đến 14%/năm. Điều đó cho thấy, mức độ cần vốn của ngân hàng đó rất lớn và không loại trừ thanh khoản đang gặp vấn đề”, vị này cho biết.
Mở rộng một chút, nếu xét về nguyên lý đường cong lãi suất “gửi càng lâu, lãi suất càng cao” thì diễn biến trên thị trường đang theo chiều ngược lại: lãi suất kỳ hạn ngắn dài đều như nhau, tiền gửi một ngày và tiền gửi trên một năm hay lâu hơn đều thẳng băng cùng mức 14%/năm. Điều này đã làm cho nguồn vốn của ngân hàng tỏ ra bất ổn về cơ cấu kỳ hạn và phản ánh sự khát thanh khoản.
...và bất ổn tiền gửi
Ngày 15/9, tại cuộc họp của tất cả các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội cho biết, tính đến 31/8/2011, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng tại khu vực này đạt trên 820 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% so với 31/12/2010, chiếm trên 1/3 so với tổng nguồn huy động toàn hệ thống ngân hàng.
Trong đó, nguồn tiền gửi VND chiếm tỷ trọng 73,1%, ngoại tệ chiếm 26,9% của tổng nguồn.
Một trong những thế mạnh của Hà Nội là huy động vốn nhưng trong ba tháng 5 - 6 - 7, nguồn huy động giảm so với cuối 2010. Trong tháng 8, huy động tăng chút ít nhưng hiện tại, việc huy động vốn bắt đầu trở nên khó khăn.
Liên quan đến vấn đề cơ cấu tiền gửi, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội cho biết, tiền gửi tiết kiệm chiếm tỷ trọng trên 34%, tăng 5% so với 31/12/2010; phát hành giấy tờ có giá chiếm trên 11%, tăng tương ứng 8,7%, còn nguồn tiền gửi thanh toán chiếm tới 54,6%.
Như nói trên, do tiền gửi thanh toán chiếm tỷ trọng cao nên đã gây bất ổn đến cơ cấu nguồn vốn ổn định cho ngân hàng, làm cho việc cấp tín dụng ra nền kinh tế rất khó khăn. Điều này lý giải vì sao, khách hàng muốn vay dài hạn thì rất khó so với vay ngắn hạn và nếu vay được thì phải chịu mức lãi suất rất cao.
Thứ hai, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội đến 31/8/2011 đạt khoảng 568,5 tỷ đồng, tăng gần 11,5%; trong đó, dư nợ VND tăng gần 7%, trong đó dư nợ ngoại tệ tăng trên 21%.
Như vậy, so sánh tốc độ tăng của huy động vốn (3,2%) và tốc độ tăng tín dụng 11,5% đã có sự chênh lệch rất lớn và đặt ra mối lo về cân đối nguồn và sử dụng nguồn. Vì thế, các tổ chức tín dụng đã huy động bằng mọi giá và khi trần lãi suất tiền gửi bị khống chế ở mức 14%/năm thì họ sẵn sàng san bằng lãi suất cho tất cả các kỳ hạn.
Thứ ba, theo tìm hiểu của người viết thì vốn huy động toàn hệ thống trong mấy ngày qua đã có biểu hiện sụt giảm so với trước khi thiết lập lại trần lãi suất 14%/năm.
Có vẻ như có sự trùng hợp nhưng không hoàn toàn ngẫu nhiên là khi dòng tiền vào ngân hàng sụt giảm thì thị trường chứng khoán tăng điểm. Rất có thể một phần trong đó đã được giải ngân cho thị trường chứng khoán và tạo nên vài đợt sóng ngắn hạn vừa qua. Hiện tượng này cũng chứng minh một thực tế: “ngân hàng hãm tín dụng thì chứng khoán đỏ, nới lỏng tín dụng thì chứng khoán xanh”.
Liên quan đến câu chuyện vốn huy động toàn hệ thống bắt đầu sụt giảm kể từ sau 7/9 (ngày Ngân hàng Nhà nước ban hành Chỉ thị 02, nghiêm cấm lách trần lãi suất), tại cuộc họp của tất cả tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội sáng 14/9, hàng loạt lãnh đạo ngân hàng thương mại kêu ra rả khách hàng rút tiền khỏi ngân hàng. Mặc dù không đưa ra lý do nhưng những ý kiến này đều ngầm ý đổ lỗi cho trần lãi suất tiền gửi 14%/năm.
Điều này cũng đồng nghĩa, một áp lực đang hiện dần lên chính sách trừng phạt xé rào lãi suất và ứng xử của Ngân hàng Nhà nước như thế nào trước vấn đề này sẽ còn phải chờ thêm ít ngày tới.
Còn trước mắt, Ngân hàng Nhà nước vẫn thẳng tay với hai ngân hàng vi phạm trần lãi suất tiền gửi.
Trong thông báo phát đi chiều muộn 14/9, Ngân hàng Nhà nước cho biết, thứ nhất, kỷ luật nặng hai cán bộ của Ngân hàng Đông Á và cấm ngân hàng này trong vòng một năm không được mở chi nhánh, phòng giao dịch, đặt máy ATM trong phạm vi toàn quốc.
Thứ hai, kỷ luật hai cán bộ của một ngân hàng khác vì đã tự ý lấy tiền túi tặng thêm cho khách gửi tiền và thưởng ngoài lãi suất cho khách hàng.
Năm ngoái, Techcombank cũng bị Ngân hàng Nhà nước kỷ luật lách trần lãi suất bằng hình thức không được mở chi nhánh, phòng giao dịch, đặt máy ATM trong vòng một năm.
Nguyễn Hoài - Thành Tâm
tbktvn



Xem bài viết: Đường cong lãi suất báo hiệu tiền gửi bất ổn