Vietstock Daily: Nhận định thị trường chứng khoán ngày 16/09
(Vietstock) - Dù VN-Index về thực chất giảm điểm nhưng phần lớn cổ phiếu trên sàn này giảm không quá mạnh, vì ít chịu áp lực chốt lời hơn so với HNX. Sẽ phải cần theo dõi thêm các tín hiệu để khẳng định rằng thị trường đi vào xu hướng điều chỉnh ngắn hạn.
I. NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG NGÀY 16/09/2011
Diễn biến giao dịch: VN-Index đóng cửa phiên giao dịch tăng nhẹ 0.79% về mức 470.67 điểm, trong khi HNX-Index sụt giảm 1.24% về 76.37 điểm. VS 100 phản ánh khá đúng xu hướng thị trường khi giảm 0.66% về 65.28 điểm
Khối lượng giao dịch khớp lệnh trên HOSE giảm khá mạnh 23.2% còn 56.3 triệu đơn vị, và trên HNX giảm 32% còn 62.3 triệu đơn vị. Tổng giá trị giao dịch thay đổi không đáng kể, giảm nhẹ 0.77% còn 1,277 tỷ đồng trên HOSE, trong khi sụt giảm mạnh hơn 31% còn 727 tỷ đồng trên HNX.

Khối ngoại bán ròng mạnh mẽ phiên thứ 4 liên tiếp trên HOSE với giá trị gần 166 tỷ đồng, trong khi mua ròng nhẹ 5.6 tỷ đồng trên HNX. FPT, VIC bị khối ngoại xả hàng mạnh mẽ, trong khi MSN tiếp tục được thu gom mạnh. Các quỹ ETF có dấu hiệu tiếp tục hoạt động mạnh trên thị trường.
Triển vọng thị trường: VN-Index đóng cửa tăng điểm nhẹ nhờ nhóm Large Cap, với lực mua của khối ngoại ở haiMSNBVH. Nếu hai mã này đứng giá, VN-Index đã giảm 0.43%. VS 100 có mức giảm 0.66%, cho thấy trên thực tế chỉ số thị trường đã có một phiên giảm điểm nhẹ.
Điểm đáng lưu ý là giao dịch trên HNX rung lắc rất mạnh, trong phiên có lúc HNX-Index đã giảm đến 1.78%. Chỉ số HNX-Index kết thúc phiên giảm 1.24% với lượng cung áp đảo. Công bằng mà nói bên bán trên HNX đã có dấu hiệu mong muốn thoát hàng.
Khối lượng giao dịch khớp lệnh trên cả hai sàn đều sụt giảm khá mạnh so với phiên hôm qua cho thấy sự áp đảo của nguồn cung và e ngại của bên mua. Đây là diễn biến kém tích cực so với phiên trước, khi đó bên mua đã tỏ vẻ sẵn sàng gom hàng với giá thấp.
Câu hỏi đặt ra là thị trường đang chốt lời trên diện rộng, hay đây là dấu hiệu đảo chiều của thanh khoản sau khi phân phối đỉnh?
Như chúng tôi đề cập trước đây, mức tăng nóng ở nhiều cổ phiếu trên HNX và sự gia nhập của dòng tiền mới đã kích thích hoạt động hiện thực hóa lợi nhuận – đó là chưa kể đến các giao dịch trong phiên. Cần để ý rằng trên HNX, chủ yếu nhóm Chứng khoán và Sông Đà, họ ”P” mới là các cổ phiếu giảm (sàn) mạnh nhất.
Trên HOSE, dù VN-Index về thực chất có phiên giảm điểm nhưng phần lớn cổ phiếu trên sàn này giảm không quá mạnh, vì ít chịu áp lực chốt lời hơn so với HNX.
Sẽ phải cần theo dõi thêm các tín hiệu trong các phiên sắp tới để khẳng định rằng thị trường đi vào xu hướng điều chỉnh ngắn hạn.
Ảnh hưởng mạnh đến phiên giao dịch hôm nay là thông tin cho rằng các CTCK có hoạt động tự doanh lớn vẫn chưa tham gia nhiều vào thị trường trong giai đoạn tăng nóng vừa qua, và quan điểm chủ yếu vẫn là bán ra để duy trì tiền mặt.
Có quan điểm cho rằng thiếu sự trợ lực từ dòng vốn tự doanh của các CTCK, được xem là người tạo lập thị trường, thì sự tăng trưởng của thị trường chưa thể đạt tới ngưỡng bền vững.
Dòng tiền từ các CTCK là một lực hỗ trợ quan trọng, nhưng nếu nhìn vào lịch sử thị trường, điều kiện vĩ mô hiện tại và chiến lược đầu tư của tổ chức thì lập luận trên chưa hẳn đúng hoàn toàn, vì còn có nhiều lý do khác hơn.
Đầu tiên, hoạt động tự doanh của các CTCK ở Việt Nam chưa đạt đến đẳng cấp chuyên nghiệp, chưa có khả năng ảnh hưởng mạnh mẽ đến xu hướng và điều tiết thị trường. Lịch sử giao dịch cho thấy các tổ chức đầu tư này cũng bị ”bầm dập” cùng với những con sóng của thị trường.
Thứ hai, trong điều kiện vĩ mô khá bất ổn như hiện nay, kênh tiền gửi tiết kiệm không chỉ hấp dẫn đối với những nhà đầu tư cá nhân, mà còn cả các tổ chức để kiếm lợi nhuận an toàn khá cao. Việc điều chỉnh giảm lãi suất huy động về mức trần 14%/năm trong thời gian ngắn vừa qua có thể chưa ảnh hưởng đến nguồn tiền gửi trước đó của các tổ chức. Đây cũng có thể là lý do dòng vốn tự doanh chưa vội vàng tham gia thị trường khi vẫn được hưởng mức lãi suất cao ngất ngưỡng và ổn định.
Thứ ba, chiến lược đầu tư của các tổ chức tự doanh khó có sự thay đổi nhanh chóng như của các nhà đầu tư cá nhân. Họ có thể là những người dẫn dắt thị trường, nhưng cũng có thể là những người đến sau để củng cố niềm tin thị trường.
Thứ tư, thị trường trong những năm 2009, 2010 đã chứng kiến những đợt sóng tăng điểm mà dòng tiền chủ yếu đến từ giới đầu tư cá nhân, trong khi lại thiếu vắng nhà đầu tư tổ chức.
Cách tốt nhất để kiểm chứng những thông tin dạng này là soi thật kỹ BCTC quý 3 của các CTCK liên quan.
Nếu việc chưa tham gia trong đợt tăng điểm của chứng khoán vừa rồi là đúng, thì các CTCK này đã bỏ lỡ một cơ hội kiếm lợi nhuận 15-10% danh mục, và kết quả kinh doanh sẽ không được cải thiện vượt trội. Tuy vậy, nếu thị trường giảm sâu thì họ sẽ có lợi thế nhờ xây dựng được lượng tiền mặt dồi dào trong thời gian qua.
Lập luận ảnh hưởng của việc đứng ngoài thị trường của các CTCK có lẽ nên đi ra ngoài yếu tố dòng tiền, mà thay vào đó là tính ”biểu tượng” – tức là nhà đầu tư lớn chưa tham gia thì sẽ ảnh hưởng đến tâm lý e ngại của nhà đầu tư cá nhân.
Phân tích kỹ thuật: HNX-Index – Engulfing Bear đã báo hiệu chính xác. Mẫu hình nến đảo chiều giá xuống Engulfing Bear đã báo hiệu khá chính xác sự sụt giảm tiếp tục trong phiên giao dịch ngày 15/09/2011.
HNX-Index sẽ test lại những đường MA trung hạn như SMA 50, SMA 100 trong các phiên tới. Đây là thời điểm quyết định xem liệu chỉ số này đã thực sự đạt đáy dài hạn hay chưa.
Chúng tôi vẫn tiếp tục ủng hộ chiến lược chú trọng vào sự dịch chuyển của thanh khoản. Mặc dù, HNX vẫn duy trì được mức thanh khoản an toàn (trên 50 triệu đơn vị/phiên) nhưng đã giảm khá nhiều so với ngày hôm qua 14/09/2011. Vì vậy, cần chú ý nếu như xu hướng này tiếp tục trong những phiên sắp tới.

VN-Index – Liệu đà tăng có duy trì được lâu? Mặc dù VN-Index vẫn tiếp tục tăng nhưng có một vài dấu hiệu cho thấy đà tăng trưởng này có thể sẽ chững lại một thời gian trước khi thực sự tăng nóng tiếp tục.
Chỉ số Stochastic Oscillator đã duy trì ở mức rất cao (trên 90) trong vùng overbought trong thời gian hơn 2 tuần. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 08/2009 hiện tượng này lặp lại. Thông thường khi điều này diễn ra sẽ kéo theo sau một sự điều chỉnh.
Nếu như suy giảm trong phiên cuối tuần này và đầu tuần sau, VN-Index sẽ nhận được sự hỗ trợ của SMA 300 (giờ đây đóng vai trò là ngưỡng chống đỡ mạnh) tại vùng 455 – 457 điểm.

VIETSTOCK INDEX
VS 100: Sự suy giảm tiếp tục của chỉ số này đe dọa sự thành công của Double Bottom. Đây là dạng mẫu hình đảo chiều mạnh và có độ tin cậy cao trên thế giới nhưng nếu hiện tượng throwdown (hay còn gọi là throwback) kéo dài quá lâu sẽ dẫn đến sự thất bại của mô hình và khi đó việc “cut loss” và thoát ra khỏi thị trường là cần thiết.

VS-Market Strength: Trong phiên giao dịch ngày 15/09/2011, VS-A/D HOSE đạt mức 0.44, tức số mã tăng giá bằng 0.44 lần số mã giảm giá; trong khi VS-U/D HOSE là 0.75, tức khối lượng của cổ phiếu tăng giá bằng 0.75 lần so với khối lượng giao dịch của phía giảm giá. VS-A/D HNX đạt 0.22 lần và VS-U/D HNX bằng 0.16 lần. Chỉ số VS-Arms VN duy trì ở mức 0.87.
Những tín hiệu này cho thấy có khả năng trong vài phiên tới thị trường sẽ tiếp tục có rung lắc mạnh.

II. PHÂN TÍCH KỸ THUẬT DOW JONES
Ngắn hạn – Test lại ngưỡng Fibo 161.8%. Trong phiên giao dịch ngày 14/09/2011, DJIA đã test lại ngưỡng Fibo 161.8% và sau đó thoái lùi khá mạnh. Điều này cho thấy sức kháng cự của ngưỡng này là rất mạnh.
Thanh khoản không hề có đột biến mạnh nên khó có thể tạo ra những breakpoint đi lên lớn. Trong trường hợp sụt giảm mạnh, vùng 10,450 – 10,600 điểm sẽ đóng vai trò là vùng hỗ trợ ngắn hạn cho giá.

Dài hạn – Áp lực ngày càng lớn. Áp lực điều chỉnh theo quan điểm của chúng tôi đang ngày càng lớn hơn vì chỉ đi ngang hoặc tăng nhẹ thêm 3 – 4 phiên nữa là DJIA sẽ test lại những đường MA dài hạn.
Chúng tôi cho rằng nếu như giá không phá vỡ được những đường này thì khả năng có thêm một đợt giảm mạnh nữa là rất lớn.
III. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG NGÀY 15/09/2011




Phòng Nghiên cứu Vietstock



Xem bài viết: Vietstock Daily: Nhận định thị trường chứng khoán ngày 16/09