Khi lấy chàng... (Truyện có thật) Chỉ biết im lặng mà đọc
  • Thông báo


    + Trả lời Chủ đề
    Trang 1 của 2 1 2 CuốiCuối
    Kết quả 1 đến 20 của 33
    1. #1
      bi04virgo
      Guest

      Mặc định Khi lấy chàng... (Truyện có thật) Chỉ biết im lặng mà đọc

      Ai đọc cũng sẽ giữ lại cho mình một chút trong 30 tập cho cuộc sống . Hầu như ai cũng như thấy mình trong đó,chân thực ,và biết nhìn mọi việc theo chiều hướng cởi mở tốt đẹp hơn .

      Tập 14 ,nói về mẹ tác giả, ai đọc xong mà ko khóc nhỉ ,

      Địa chỉ nhà chị Hiền tác giả cuốn sách " khi lấy chàng ": số 87 ngõ 361 Lạc Long Quân

      30 tập trong 1 cuốn mà,giá có 40k thôi, sách in ko phải lậu á .

      Lậu thì nó rẻ hơn ...5k là 35k...nếu các bạn mún sở hữu 1 cuốn truyện để đọc cho thích thì các bạn nên mua sách in, vì cũng là ủng hộ tác giả,và tiền bán sách còn làm từ thiện nữa ^^.

      Ở HN thì ra đường Nguyễn Xí, hoặc hàng sách Fahash số 39 Đường Kim Liên mới
      Đặt mua online ở vinabook hoặc http://www.saharavn.com/Địa chỉ nhà chị Hiền : số 87 ngõ 361 Lạc Long Quân , hình như chị có mở cửa hàng bán thời trang, xin chữ ký và đặt sách từ chị thì chắc chắn sách in có tem .

      Tự bạch của Tác giả:

      1.JPG (22.89K)
      Lượi tải: 21

      Sinh ngày 1/11/1981.

      Là con một trong gia đình bố mẹ làm công nhân viên. Cả họ ai cũng đẻ con trai mà nhà mẹ lại đẻ con gái nên mình bị bố ghét. Suốt ngày mình bị bố so sánh.

      Học gần như đội sổ suốt những năm cấp I và suýt nữa trượt khi thi vào cấp III, càng ngày mình càng bị bố ghét. Cấm đủ thứ ở trong nhà. Đến giờ mình cứ đi đâu vẫn phải cầm bản đồ theo, âu cũng là tác dụng phụ từ chuyện cấm cửa của bố ngày ấy.

      Trong ba năm cấp III của Trường THPT Xuân Đỉnh, gặp được ông thầy giáo dạy văn rất giống bố, lý do: ghét mình. Chắc tại vì mình khó đào tạo quá, toàn bị điểm kém. Bí bách mình đành quay ra học toán, lý, hóa, thề không bao giờ thi vào trường nào có khối C. Có lần thầy giáo dạy văn nhân dịp giảng bài về Chí Phèo đã nhìn mình mà nói “Chữ Hiền với chữ Hèn gần nhau lắm. Chỉ cách nhau mỗi chữ i mà thôi”. Ức thầy, thế là từ đó học hành bớt mải chơi hơn. Nhưng vẫn giữ lời thế, toán lý hóa là toán lý hóa.

      Trượt đại học năm đầu. Lạ thật, trường Đh Kinh tế và ĐH Thương mại đánh trượt một đứa có thể tự mở được một quán chè suốt mùa hè năm lớp 10 và đi buôn hoa đào ngày tết suốt những năm lốp 10, 11, 12. Khóc lóc chán đành gom vốn mở quán nước ven hồ Tây gần nhà.

      Tất nhiên là lấn chiếm vỉa hè thôi, cũng một phần để trốn những cơn thịnh nộ của bố. Nào ngờ từ thời điểm ấy tới suốt năm năm sau quán nước đó lại là thu nhập chính của cả gia đình.

      Lần thứ hai cá chép vượt vũ môn, con bé bán quán nước vẫn luôn phải chạy hàng khỏi xe ô tô bắt bớ những kẻ lấn chiếm vỉa hè của công an địa phương. Ơn trời, đỗ thủ khoa khoa công nghệ điện tử thông tin của Viện Đại học Mở. Bắt đầu bốn năm trời đi học mà cứ như trên mây. Chọn lầm nghề, chọn nhầm ước mơ vì bố mẹ bảo: “Học cái đó đi, sau này lương cao lắm”.

      Sinh viên hết năm thứ 1, mình quyết định bay bổng. Thế là mình đi làm thêm cho hãng AGNET của Ý hai năm và đi làm kỹ thuật cho cửa hàng máy tính Hoàng Anh một năm nữa rồi tốt nghiệp.

      Kịp trang bị cho mình một bằng tiếng Anh, một bằng tiếng Ý, một bằng giỏi tốt nghiệp Đại học Mở, một bằng kế toán ba tháng chỉ vì sợ ít bằng quá sẽ không xin được việc. Mình nhận được cú điện thoại dọi đi làm trước khi ra trường ba ngày.

      Hai năm đầu luẩn quẩn làm một nhân viên văn phòng, một chức danh hoa mỹ cho một nhân sự dành cho các việc vặt, kể cả đi lau chuì nhà vệ sinh lúc chị lao công nghỉ ốm. Sợ bị bố mang ra so sánh với con bé cũng tên là Hiền của nhà hàng xóm nổi tiếng khu tập thể, mình lại vội vàng tiếp tục học.
      Tự học ngày học đêm về marketing và về thiết kế.

      Vừa học vừa làm, vừa học vửa trả giá, vừa học vừa ôm lấy những việc chưa ai dám làm, cuối cùng bangiams đốc cũng trọng dụng: năm thứ ba, mình đã là thiết kế chính các sản phẩm của công ty và chịu trách nhiệm chính về mảng marketing nữa. Thế mới biết, đừng vội nản trước những ước mơ. Hai năm sau này, mình đã được đảm nhận công việc mà mình yêu mến.

      Cuối năm thứ ba, mình đi lấy chồng. Cơn lốc chứng khoán làm mờ mắt những gã đàn ông nóng vội, cuốn đi biết bao nhiều xót xa. Cơn bão ấy cuốn cả ông xã mình, cả những khoản nợ to tướng, cả những tích cóp của mình từ ngày cấp III. Khó khăn, mình trở thành người kiếm tiền trả nợ cho chồng.

      Sinh xong em bé, cảm thấy cứ đi làm công ăn lương thế này biết bao giờ mới mở mặt được, mình ủng hộ ông xã chung vốn với bạn bè ra làm ăn buôn bán hàng thời trang, chuyên đổ buôn cho các cửa hàng. Ké thâm tí ti cung cấp máy khâu mini. Cuộc sống bắt đầu đỡ vất vả hơn.

      Ôi, cuộc sống, lên rồi lại xuống, nhìn lại mà thấy thật đáng trân trọng. Có lẽ vì thế mà phởn chí viết ra cuốn "Khi lấy chàng…"

    2. Những thành viên sau đã cám ơn :
      Deckese (16-09-2011)

    3. #2
      bi04virgo
      Guest

      Mặc định

      Tập 1: Cưới


      Ngày được chàng yêu, trời đất như chao đảo. Mình là nhất. Một ai đó đã nói: đối với phụ nữ đang yêu, thế giới này chỉ có hai nhóm đàn ông: nhóm 1_người tôi yêu, chỉ có 1, nhóm 2_là tất cả những người đàn ông còn lại! Nhưng với chàng, mình đã có lần từng hỏi: "ở đây, ai là tướng ?" và chàng trả lời: "anh biết phận anh rồi, em là tướng chứ ai". Hạnh phúc khiến mình không tin lời các chị đã lấy chồng cảnh báo!

      ...Và đám cưới...
      Chàng luống cuống không đeo nổi nhẫn cho mình. Chàng không vòng tay qua eo như những cô dâu chú rể khác. Chàng chỉ cầm tay mình lôi đi, cứ như con ăn trộm bị bắt quả tang. Về sau chàng bảo: anh ngượng !!!

      ....Buổi chiều đầu tiên ở nhà chồng...
      Mệt mỏi trút bỏ bộ áo cánh váy vời, rửa vội cái mặt dày bình bịch phấn vừa khóc xong để xuống sân dọn dẹp với anh em nhà chồng. Khách về hết rồi, chỉ còn mình ở chốn toàn người lạ, giờ thì kể cả chàng cũng là người lạ nốt. Đám trẻ con xếp hàng một, mỗi đứa cầm một cái bát chờ bà gì múc cho súp ở trong cái nồi to tướng còn thừa ở cỗ.

      Một ai đó cũng đưa mình cái bát, bảo mình đứng đó chờ ăn súp. Đám trẻ con lớn bé có cả, xô đẩy làm mình bị ép dí vào tường. tuổi thân quá, cảm giác như đi xin ăn ở nhà người lạ, cảm giác bị bỏ rơi cho dù chính mình là kẻ đi theo "giai" cơ mà. Nhìn chàng vẫn còn khà khà với mấy đứa bạn vô duyên ở lại muộn, mình lại òa khóc lần nữa, không biết chạy vào đâu, sợ trẻ con nó cười, mình chui vào gầm cầu thang khóc.

      ...Buổi tối...
      Cuối cùng cũng xong đống ngổn ngang sau đám cưới. Mình xin phép bố mẹ cho đi gội đầu. Chàng đưa mình ra đầu làng...

      Xong cái đầu và cái mặt sạch sẽ, mình mở mắt và ngồi dậy. Cô bé gội đầu khen mình xinh nhưng mình không để ý, mình bận đảo mắt tìm chồng. Mọi ngày là mình cười toe toét khi được khen đấy. Còn hôm nay thì không. Một bà ngồi chờ ở đó bảo: "chồng mày trả tiền và về trước rồi, nó bảo bao giờ xong thì tự về". Ối trời ơi, 11h đêm, một mình đi từ đầu làng đến cuối làng để về nhà...trong ngày trọng đại. Ngày đầu tiên làm vợ chàng

      ...Đên tân hôn...
      Về đến nhà, mở cửa phòng, tạm gác cái uất ức trên quãng đường vừa xong. Tự hỏi chàng bận gì mà vội về thế. Có thể có việc gấp. Nhưng...
      Hả, chàng đang xem bóng đá !!!
      Mình: tắt đèn cho em ngủ cái !
      Chàng: tắt bây giờ người ta cười cho. mới có 11h
      Mình: nhưng em mệt, phải đi ngủ sớm để mai 6h dậy quét nhà mới lại rửa cốc chén, mẹ em dặn thế.
      Chàng: để yên để anh xem bóng đá !

      Xong, mình chùm chăn đi ngủ, lòng đầy căm hận chàng. Thật phí cái áo VERA rõ quyến rũ của mình, thật phí sữa tắm hương hoa hồng của mình, thật phí công mình đứng trước gương mãi, ngập ngừng mãi mới dám bước ra. Thật phí một đêm trọng đại.

    4. #3
      bi04virgo
      Guest

      Mặc định

      Tập 2: kiếp làm dâu

      ...ngày đầu tiên làm dâu...
      Nằm mãi không ngủ được. Mình sợ ngủ quên. Bóng tối khiến mình càng lạ nhà hơn, mình chỉ biết định hướng đâu là cái đồng hồ. Tích tắc...tích tắc....

      Mẹ dặn, bác cả dặn, 2 bà cô dặn, tổng cộng 6 bà gì cũng dặn: "phải dậy từ 5h sáng mà quét nhà đấy nhá, cọ ấm chén nữa, làm bữa sáng nữa..., rõ chưa?"

      Và mình cũng sợ bị giang hồ đồn là cô dâu này lười lắm, nên phải cố mấy ngày đầu thôi. Trời ơi, sao đêm dài thế. Mẹ ơi, con nhớ mẹ. Nhìn sang bên, tự dưng thấy căm thù chàng. Vì chàng mà mình đến nông nỗi không dám ngủ thế này đây......

      ......
      ......
      Bịch
      ....ơ.....ôi....ơ....

      Mình giật mình tỉnh giấc, nhìn vội đồng hồ đã 6h30 từ lúc nào. Chàng ném cái chân gác dở của mình chiễm trệ đặt lên cổ chàng khiến mình đứt giấc. Trời ơi, mình ...sao mình dám ngủ trong cái thời bom đạn này. Trời ơi, phi ra khỏi giường ngay thôi !


      ...Bữa sáng...

      7h cả nhà mới túc tắc dậy từng người một. Ai cũng uể oải chắc bởi hôm qua diện lắm thứ quá làm cơ thể quá tải. Lại ăn thừa chất nữa. Quả này bữa sáng mình không phải làm đây.

      Nhưng...sau một tiếng quét 3 tầng nhà, dọn vệ sinh sân vườn, cọ ấm chén...thấy mẹ chồng đi đun lại thức ăn hôm qua, mình hốt hoảng vào bếp. Thôi xong rồi, Bữa sáng muộn.

      Mình sợ.

      Mẹ chẳng nói gì.

      Mình thở phào nhẹ nhõm. Ôi sao mình may mắn thế.

      Mãi về sau, mình mới biết rằng mẹ im lặng.... để chiều mang sang hàng xóm kể !

      Chàng vẫn ngủ quay đơ quên cả về nhà vợ lại mặt. Mình chỉ muốn òa khóc.
      Tức quá. Trời ơi, các chị ơi, những đồng đội hay buôn chuyện với nhau ơi, giờ thì em tin vì sao các chị bảo em hôn nhân là cái toa lét rồi.

      Đúng là người ở ngoài thì chỉ muốn vào. Và người ở trong thì chỉ muốn ra. Quả này em ham rẻ lấy phải chàng rồi. Của rẻ là của ôi rồi. Đứa nào xui em lấy chồng hơn nhiều tuổi cho nó sướng, thế là em chọn chàng với cái bản tuổi hơn em 6 tuổi, để giờ em biết mình hớ rồi. Kiểu này phải ngồi thiền lại để nhớ đứa nào xui mất thôi. hu...hu...

      ...ba ngày sau...

      Họ bên nội có giỗ, và nhà chàng đăng cai tổ chức. Thế vận hội này đông thật. Thanh niên nhiều mà các cụ cũng nhiều. Mình có cơ hội để biết ai thì phải xưng hô như thế nào. Nhưng ngượng thật, các em đều hơn tuổi mình, ngày xưa chưa lấy chàng, chúng nó đều gọi mình bằng em. Giờ mình đâm ra sợ !
      ...ăn....ăn...ăn...
      ...tám...tám...tám...
      ...ăn...ăn...ăn...
      ...tám...tám...tám...

      cuối cùng, thế vận hội giỗ đã xong. Các cô thanh niên xì tin dọn hộ mình bát đũa ra sân, cười nói tưng bừng. Cứ ngỡ chị em sẽ có cơ hội gần nhau hơn khi cùng rửa bát. Nhưng....
      đứa thứ 1: thôi, em về đi học đây
      đứa thứ 2: em cũng thế
      đứa thứ 3: em chiều nay có hẹn quan trọng lắm, chị hộ em nhá
      đứa thứ 4: để em vào xem có ai sai cái gì không nhá.....
      đứa thứ n: .....1001 lý do
      .....
      Ngoài sân, xe máy, bàn ghế, mình, 6 mâm bát đã ăn xong, 3 cái xô nước, và....một niềm tin: chàng sẽ tới bên mình tựa như anh hùng cứu mỹ nhân.

      ...1 tuần sau...

      Hôm thế vận hội giỗ, chàng say nên bò đi sân vận động hàng chiếu. Mình vừa rửa bát vừa hát cho chóng xong việc. Hát hết những bài đã thuộc, hát cả đến những bài chưa thuộc, rồi huy động nốt những bài chỉ thuộc một câu còn đâu là ư ử giai điệu, cuối cùng mình cũng xong. Nghĩa thầm, ở nhà mẹ thì lười thế !

      Còn hôm nay, Ông trời ơi, ông trời giúp mình rồi, cuối cùng cũng đến ngày đi làm lại. Nhớ công ty quá. Người ta thì có một tuần trăng mật ơ đâu đó, còn mình thì có một tuần vỡ mật ở nhà.

      Cũng tại mình, không dám đi tuần trăng mật sợ tiền sử nhà chàng chưa có ai đi, nay mình đầu têu sẽ được coi là phá hoại, mình đành bảo chàng là ở nhà với bố mẹ cho vui. Giờ càng nghĩ càng thấy tiếc. Đành lòng mong mau mau đến ngày đi làm. Mừng quá là mừng thôi.

      Ngày đầu tiên đi làm lại, cảm giác như cô học trò mới xin được việc, lại lâng lâng tự do. Chỉ có điều, nhìn thấy những anh đẹp trai ngoài đường, tự dưng thấy tiếc. Biết vậy, mình ở giá cho các anh ấy thèm.

    5. #4
      bi04virgo
      Guest

      Mặc định

      Tập 3: Con đường tình yêu

      ...trước khi cưới chàng 11 năm...

      Mình là bạn thân của em gái út nhà chàng. Hai đứa chỉ biết học mà không biết làm đẹp là gì. Luộm thuộm, ngốc nghếch, chỉ thích đọc chuyện: 7 Viên Ngọc Rồng.Mục tiêu cố sao cho điểm phẩy cuối năm không được dưới 7,0.
      Chàng là sinh viên đại học. Da trắng, râu cạo rồi nhưng vẫn xanh rì nửa mặt, gầy gò với chiếc xe đạp thống nhất không còn biết màu nguyên bản. Và, mỗi khi tết đến, chàng mừng tuổi mình 2000đ

      Năm ấy, Hà Nội bắt đầu có xe buýt, tuyến Bờ Hồ là 2500đ, hai con bé học lớp 8 rủ nhau đi chơi tết bằng xe buýt cho đỡ tò mò. Dù đứa nào cũng say xe. Chàng phá lệ mừng tuổi mình 3 tờ 2000đ và xoa đầu bảo: "còn phải mua vé lượt về mà". Em gái chàng làu bàu đằng sau với con mắt mang hình viên đạn: "mừng tuổi nó những 3 tờ, mừng tuổi người ta có mỗi một tờ ...!!!"

      Mình sướng hết chỗ nói


      ...trước khi cưới chàng 8 năm...

      Mình đã là nữ sinh trung học. **** cười, mấy anh lớp trên cứ cưa mình mà không cưa con bạn mình. Nó ức mình lắm. Nhưng...chàng vẫn mừng tuổi và xoa đầu mình mỗi khi tết đến. Chắc thời giá leo thang, giờ là 10.000đ

      Có lúc mình tự hỏi: "anh không biết là em lớn rồi sao?"

      Một hôm, con bạn mình khoe anh mang bạn gái về nhà, tự dưng mình thấy tan nát. Mình buồn như bị điểm 1 vậy. Rồi lại nghĩ: "thôi, anh cứ yêu đi, yêu xả láng bao nhiêu cũng được. Nhưng..........em sẽ là người chờ anh ở cuối con đường tình !!!"
      Giờ nghĩ lại, sao mình lại khiếp thế nhỉ ? Ăn nói vu vơ thế mà lại thành lời sấm truyền, sợ thật.


      ...trước khi cưới chàng 3 năm...

      Mình hãnh diện khi chỉ còn một năm nữa là tốt nghiệp đại học. Vừa đi học, vừa đi làm, nhà lại có quán nước ven hồ Tây nữa, nên mình bận tối mắt tối mũi. Chẳng có thời gian đi đâu. Có lẽ vì vậy những con thiêu thân tự đến. Quán của mẹ lúc nào cũng đông.

      Thường thì 11h đêm mẹ dọn hàng về. Thế là những chàng trai đứng dậy thi nhau dọn giúp mẹ. Thật là vui. Quán lúc nào tiếng cười cũng tràn khắp. Rồi ở cơ quan nữa, ở lớp nữa, mình vui vì được mọi người quan tâm yêu mến.

      Chàng đến vào một buổi bán hàng giúp mẹ. chàng khoe là chàng đi thăm bạn tiện đường ghé qua. Về sau khi cưới rồi chàng mới để lộ rằng hôm đó chàng bốc phét.
      Ngồi một xó không dám nói gì. Chàng và cốc trà đá !!! Bẻ các khấc ngón tay và nhìn ra hồ.

      Hết giờ bán hàng

      Mẹ, mình, các chàng trai khác lại cùng dọn hàng. Chàng đứng dậy, móc ví trả tiền mới sợ chứ, xin phép...bác ở... cháu về !!!
      Tự dưng, mình bắt đầu ghét chàng.


      ...trước khi cưới chàng 2 năm...

      Sau rất nhiều biến cố xảy ra trong một năm ngồi với cốc trà đá của chàng, rồi những khi chàng nhào tới giải quyết các rắc rối mình gây ra ở công ty mới. Những hôm chàng ngồi mốc ở nhà mình trong khi mình đi chơi với bạn. Mình đã trả lời cái lời yêu của chàng rằng: "em phải yêu cho đủ 6 anh, người thứ 7 em sẽ lấy. Để còn có cơ hội xếp 6 anh kia ăn một mâm !" Chàng lặng lẽ di đầu mũi giầy xuống đất. Lặng lẽ đứng lại chỗ hẹn, mình tung tăng bỏ về, trong lòng đầy hả hê. Đáng đời !
      Quả thật, mình ghét chàng


      ...2 năm sau...

      Không hiểu vì sao mình lại đồng ý cưới chàng. Đến tận bây giờ vẫn không hiểu. Trước khi cưới nhau một năm, mẹ chàng đi xem bói còn bảo là lấy mình về trong nhà sẽ có người chết cơ mà. Mình đã dứt khoát bỏ chàng, bỏ tên đàn ông hiền lành đến mức mẹ nói thế mà cũng mang ra kể với mình. Vậy mà loanh quanh vẫn lấy chàng. Cuộc hôn nhân mà có lẽ chàng mới là kẻ thắng cuộc. Chiến thuật k cưa mình mà cưa bố mẹ, họ hàng, ông bà của chàng đã thành công. Còn mình, ồn ào như một cơn bão, ...thua cuộc. Mình lấy chàng mà không quên được câu bố mẹ nói: "nó hiền lành thế mới không sợ trai gái, rượu chè, hút trích".

      Trong 2 năm, chàng cứ đi đâu theo mình, bạn bè lại hỏi: "ai đấy?" với ảnh mắt tinh quái. còn mình, vẩy tay làm hiệu, trả lời như đúng rồi: "à, đệ ấy mà". Chàng cười cười, không có ý kiến gì phản kháng. Miết rồi cũng quen. Ngày về quê mình ra mắt, mấy đứa em họ ùa ra hỏi "ai đấy hả chị?". Chàng nhanh nhẹn đỡ lời: "à, anh là đệ của chị Hiền". Cả lũ trố mắt. Không ai dám hỏi gì nữa, lẩn xa chị nó sạch.

      Cuối năm ấy, mình ôm bó hoa về theo chàng. Bắt đầu những ngày tháng đầy bất ngờ và thách thức.

    6. #5
      bi04virgo
      Guest

      Mặc định

      Tập 4: Socola_vừa đắng_vừa ngọt

      Người ta thường ví tình yêu như socola, vừa đắng lại vừa ngọt. Dạo trước chàng cũng hay tặng mình, và mình có thói quen giữ lại những cái vỏ giấy sau khi đã ăn hết cả gói, không phần chàng mẩu nào.

      ...noel đầu tiên...

      Mình lấy chàng đầu tháng 12 nên chẳng bao lâu cũng đến ngày noel đầy ồn ào và nhiều dự định. Hôm ấy, công ty vẫn đi làm bình thường, nhưng cả phòng mình đứa nào cũng rộn rạo chỉ chờ sếp bay là cả lũ biến. Bọn chưa chồng thì ngồi đoán xem đêm nay người yêu tặng gì để chốc đi làm về mua quà cho những gã đàn ông tội nghiệp đó. Bọn có chồng rồi thì loanh quanh nghĩ thực đơn cho bữa tối nay. Ai cũng nhồi nhét trong đầu mình những dự định như một cuốn phim lãng mạn. Và tất nhiên, mình cũng vậy !!!

      11h trưa, chàng gọi điện.

      Mình mừng rỡ sau thông báo của cô bé lễ tân nối máy. Ôi trời, chàng sẽ mời mình đi đâu ư, hay có gì đó bất ngờ? Không, mình sẽ vẫn làm kiêu một tí, sẽ bảo là không đi hoặc không ăn đâu để chàng còn năn nỉ. Mình sẽ khiến cho bọn chưa chồng ghen tị, để chúng nó còn mót đi lấy chồng, sau này còn dễ buôn chuyện. Nhưng...

      chàng: em à, anh đây ! em ăn cơm chưa?

      mình : (ha ha...chắc mời mình đây....), em chưa, nhưng trưa nay có sếp mời đi ăn rồi.

      chàng: sếp em hả, đi đông không?

      mình: (phải cho gia vị vào tình yêu mới được) không, sếp chỉ đi với mình em thôi !

      chàng: ừ, em ăn nhiều vào nhé, cho thằng cha ấy nó biết nỗi khổ của anh mỗi lần đi cùng em thế nào. À này, anh bảo này ...

      mình: (ha ...ha...chàng có món gì hay đây) vâng, em nghe.

      chàng: thằng Vân nó rủ anh đi mua hoa với nó, nó bảo bọn anh ra Ngọc Hà mỗi thằng một bó to to đẹp đẹp, nhưng anh bảo nó là sợ mua về em tiếc tiền lại mắng anh. Nên anh không mua nữa. Giờ anh lại sợ về em dỗi, nên gọi điện hỏi em xem có mua hay thôi ?

      trời ơi, hóa ra đó là mục đích cú điện thoại của chàng. Từ trưa đến chiều, chàng làm mình ủ rột.

      Tối hôm ấy, cả nhà đi chơi hết, còn mình với chàng. Hai đứa mua chân nướng, vài cây nến, ít hoa quả và pha hai cốc trà hoa cúc. Ở nhà. Ăn hết chỗ đầu tư cho dạ dày. Và ngồi trông nhà ! Cũng lãng mạn chán, chẳng phải đi đâu. Ừ, lấy chồng kể cũng hay thật. Mình dựa vào chàng, nhâm nhi cái chân bóng nhẫy, cuộc đời đẹp thật !


      ...tết Tây...

      Bố mẹ cả hai bên đều làm cơm. Thành ra khó quá. Mình thương bố mẹ mình hơn. Vì mình đi lấy chồng rồi, chỉ còn hai cụ ăn cơm với nhau. Còn bên này, không có vợ chồng mình còn các em đấy. Vậy mà không dám nói ra. Chàng thì vô tâm, không để ý.

      9h sáng
      Điện thoại của chàng reo....
      Mặc quần áo vội vàng, chàng nói bạn nó gọi có công việc quan trọng.

      11h trưa
      Điện thoại của mình reo...
      - Vâng, anh ấy đi có việc, chắc khi nào về bọn con sang mẹ nhé !!!

      12h trưa
      Điện thoại của chàng reo...
      - Ừ, anh về ngay đây, em cứ bình tĩnh

      12h30 trưa
      Điện thoại nhà bố mẹ đẻ mình reo...
      - Mẹ à, anh ấy bận quá, chắc con không sang được. Mới lại trưa nay con ăn cơm bên này để chiều ăn cơm nhà mình cho đỡ khó xử. Chiều bọn con qua mẹ nhé.

      14h chiều
      Điện thoại của chàng reo...
      - Em ăn cơm đi, anh với mấy thằng bạn đi nhậu mất rồi, khổ, không về được. Cùng lắm một tiếng nữa anh về.

      16h chiều
      Điện thoại của mình reo...
      - Tối nay à? Chắc tao không tụ tập với hội mày được, xã nhà tao chưa về, mới lại tao cũng muốn về ăn cơm với mẹ
      .........
      - Thôi mà, thông cảm cho tao nhá. Chồng rồi phải khác chứ
      ..................
      - Vợ chồng son hả? ừ, có son mới đi đâu cũng phải cùng đi chứ. Ừ, tối tao rỗi sẽ bảo chàng đèo tao tới đó.

      18h chiều
      Điện thoại của chàng reo...
      - Ừ, anh đang trên đường về đây. Bình tĩnh, rồi đâu sẽ có đó.

      19h tối
      Điện thoại nhà bố mẹ mình reo...
      - Mẹ à, con xin lỗi, anh ấy vừa về. Cho ăn chè một bát tướng rồi leo lên giường đi ngủ rồi. ...Vâng, thôi để lúc khác mẹ nhé.
      ........
      Vâng, con biết, mẹ mua nhiều đồ ăn quá ạ? Thôi bỏ tủ lạnh ăn dần vậy mẹ.
      ...........
      Vâng, con cũng nhớ mẹ lắm.

      20h tối
      Điện thoại của mình reo...
      - Tao xin lỗi, xã nhà tao bận làm ăn nên không về được. Mà tao không dám đi một mình. Sợ dâu mới về, buổi tối, chồng thì ở nhà, vợ thì bỏ đi chơi. Sáng mai cả làng bàn tán mệt lắm.
      ........
      - Thôi mà, chúng mày đừng giận tao đi mà. Xã nhà tao cũng bất đắc dĩ phải đi làm ngày nghỉ thôi mà. Cũng phải hi sinh không đi tụ tập bạn bè đấy chứ. Nên tao không dám làm càn.
      ........
      - ừ, chúc mừng năm mới nhé !!!

      Năm mới, để giữ thể diện cho chàng, mình đã nói dối mới !

      24h đêm
      Chẳng điện thoại của ai reo cả.
      Tivi hát bài hát của ABBA nổi tiếng, tiếng pháo phụt Trung Quốc ở các nhà bên phì phì.. Ngoài Hồ Tây, nhà nước cũng bắn pháo hoa đì đùng. Tiếng xe máy của các nhà đi chơi rồ ga rộn rã...
      Mình
      Leo lên mái nhà
      Ngồi hát một mình

      Khóc

      Chúc mừng năm mới nhé cô dâu trẻ !!!

    7. #6
      bi04virgo
      Guest

      Mặc định

      Tập 5: Mình là gái có chồng !

      Thật kỳ lạ là đám đàn ông đi đâu cũng kêu: "anh chưa gì sứt !", có khi chỉ vào cái nhẫn cưới sờ sờ ở tay mặt vẫn tỉnh bơ bảo: "nhẫn đeo cho vui ấy mà". Phụ nữ, có thể lúc có người yêu rồi vì ngượng mà bảo: "em chưa gì sứt". Nhưng nếu đã có chồng thì bảo có chồng thôi.

      ...vụ án chiếc nhẫn cưới không chủ...

      Dạo mới cưới chàng gầy. Chắc không phải lỗi tại mình. Họ hàng cứ trêu là mình làm thế nào cho chàng béo lên đi. Mình nghĩ thầm:"tát cho mấy tát là hai má phính lên ngay thôi mà. Còn muốn tay cơ bắp thì cứ chịu khó bế mình từ tầng 1 lên tầng 3 và ngược lại ngày khoảng 30 lần là toại nguyện thôi."

      Sáng, mình thường tràn ngập trong đâù những việc cần làm trong ngày. Mình vội vàng công tác đánh răng rửa mặt vì cái tận ngủ nán. Trời ơi, mùa đông mà, ai chẳng thế. Tập thể dục ba năm không bằng nằm thêm một tí mà. Bỗng, chiếc nhẫn vàng vọt để chênh vênh trên nắp bình giật nước bồn cầu làm mình để ý. Căm thù thật, đây k phải là lần đầu tiên. Mình quyết định, dấu nó dưới gối và im lặng.

      - Chết rồi em ơi ! - chàng hốt hoảng chạy từ nhà tắm ra nhưng nhìn thấy ánh mắt mình đang đưa từ bát mỳ đưa lên thì khựng lại- À, à,,không, không có gì !
      - Có gì thì anh cứ nói. Nhà tắm có ai dọn đến ở à?
      - Không, không có gì đâu.

      Chàng vừa đánh trống lảng vừa lặng lẽ đi tìm các ngóc ngách, hình như chàng biết được nếu nói ra, chắc tối nay chàng ra ban công mà làm bạn với đám Xương Rồng của chàng. Chàng lo lắng tìm trong ánh mắt đắc thắng của mình.

      Chiều...

      Mình hí hửng đi làm về với dự định sẽ xử lý vụ chàng chuyên gia quên đeo nhẫn cưới trước khi đi làm. Quả này sẽ làm cho ra nhẽ.
      Nhưng,

      thật bất ngờ,

      chàng,

      trời ơi,

      sao lại thế kia?????????????

      Chàng hoan hỉ chạy ra cổng dắt xe cho mình, cười tươi lắm, hình như chàng cố tình để cho cái nhẫn lấp lánh nhiều hơn dưới ánh sáng chiều le lói.

      Sao lại thế nhỉ, sao chàng lại có nó???????Mà hình như cái nhẫn đó còn hoan hỉ hơn cả chàng. Nó như muốn ưỡn ngực sáng hơn trước, không xây xước như trước và vừa với chàng hơn trước.

      Minh hớt hơ hớt hải chạy về phòng, lật cái gối lên, thò tay xuống lớp ga đệm,

      ơ.......ơ...

      Cái nhẫn mình túm được vẫn còn đây.

      Sao lại thế?


      Tối...
      Chàng làm ra vẻ thân thiện mới dám hỏi mình:
      - Em lấy nhẫn của anh sáng nay à?
      - Nhẫn nào? mình phản bác
      - Thôi mà, em không thắng được anh đâu
      - Nhẫn nào, ơ anh này vô duyên, nhẫn chẳng ở trên tay anh đấy thôi.

      Chàng chẳng nói nữa, quay mắt vào cái điện thoại chơi game. Lòng mình tức điên lên.

      Im lặng toàn thành phố.

      Mình không nhịn được nữa, không thể kiềm chế được lâu hơn, minh lao đến chàng, túm cổ chàng, mắt trợ lên và hét (tất nhiên âm lượng chỉ đủ chàng nghe, bố mẹ chồng mà nghe thấy chắc mình khỏi phải đeo nhẫn):
      - Anh lấy cái nhẫn này ở đâu ra?
      - Ơ...anh...
      - Nói đi, nói đi, em không làm gì anh đâu.
      - Thì em trao nó cho anh hôm cưới còn gì
      ..........
      ..........
      Cuộc tranh đấu đấy gam go mà chàng nhất quyết không chịu khai ra hang ổ Việt Cộng. Biết làm thế nào đây.
      Mình đành thay đổi chiến thuật, nhẹ nhàng, lấy nhu thắng cương vậy.

      - Nói đi, nói đi, em không làm gì anh đâu. Em sẽ trả anh cái nhẫn cũ
      - Anh, ..anh (chàng còn cảnh giác lắm)...anh tìm mãi trong phòng không thấy. Nên giờ nghỉ trưa anh quay lại Bảo Tín Minh Châu mua cái mới. Nhưng họ không bán một cái ...nên...nên anh mua cả đôi !
      - Thế anh lấy tiền đâu ra mua ngay trưa nay? Mình điên lắm rồi nhưng cố ra vẻ
      - Hì, hì...cái này thì....
      - Nói đi mà
      - Hì,,,,hì....anh vay tạm tiền em để dành mua laptop

      Trời ơi,

      tôi ngã ngửa.

      Tự tôi hại tôi rồi.

      Trời ơi, có vợ chồng nào có 2 nhẫn cưới không? Có ai lại như chàng của tôi không? Chắc để dành sau này đẻ con trai mà cho nó mất. Ối giời đất ơi.

      Tôi lăn đùng ra giường và .......ức. Vừa buồn cười vừa ức.


      ...vụ án những biển số xe...

      Chàng hiền lắm, hiền đến mức giống như cái ao bèo trong một tác phẩm nào đó của Thạch Lam. Tức là có ném viên gạch nào xuống cũng chỉ tủm một tiếng, dập dềnh một tí rồi thôi. Tình yêu giống như món thịt bò xào cần tỏi, thêm chút ít hạt tiêu rắc qua thì ngon biết nhường nào. Giờ, món xào của mình nhạt nhẽo đến phát ghét.

      Hôm ấy thế nào tan sở về mình lại để quên di động ở phòng làm việc. Đành về đến nhà rồi gọi điện cho anh Lâm cùng phòng mang về giúp mình. Sáng mai mang đến cho mình là xong. Phòng mình khóa đang sửa. Ông anh vui vẻ nhận lời.
      Thượng đế trêu ngươi, cuộc sống đầy rẫy những điều kỳ lạ.
      Đúng hôm ấy,
      chàng đi công tác Trung Quốc 2 ngày.

      Tất nhiên, đêm không dám gọi cố định vì máy đó ở tầng 1, mình ở tầng 3, chàng gọi di động....

      Hôm sau...

      Ông anh cùng phòng kể lại chuyện có 4 cuộc nhỡ anh không dám nghe. Đến cuộc thứ 5 đành nhấc máy báo là Hiền quên máy, tôi cầm hộ. Có thế mới được đi ngủ yên.
      Mình cười ha hả bảo ông anh yên tâm, chàng lành khô à, không vấn đề gì đâu.

      Chiều...

      - Em à, anh về rồi. Anh đi đón em đây.
      ............
      - À, em không phải lo, anh chờ dưới cổng rồi. Thế nhá..

      17h30, mình ra khỏi cổng công ty, nhìn thấy chàng đang ngồi trên xe máy trước cổng. Gớm mọi hôm mà đón vợ là sà vào quán nước. Thế mà hôm nay tử tế thật.

      - Ơ, số gì mà anh ghi đầy tay thế?
      Tôi tò mò khi chuẩn bị leo lên xe chàng thì nhìn thấy lòng bàn tay nhằng nhịt đầy số của chàng. Chàng cười tinh quái và hỏi tôi thật ơi là thật:
      - Em ơi em, số nào là số xe thằng Lâm đấy ?

      Ối trời ơi, tôi được bữa cười rụng rốn. Hóa ra, cái ao bèo của tôi cuối cùng cũng biết ghen !!! Tôi nhìn chàng cười và chỉ cho chàng ông râu quai nón, cơ bắp cuồn cuộn bất chợt đi qua. Chàng cũng nhìn tôi và cười.

    8. #7
      bi04virgo
      Guest

      Mặc định

      Tập 6: Mẹ chồng

      Ai sinh ra con trai cũng có lúc được làm mẹ chồng. Chỉ trừ phi con trai người ta ...ế. Còn các trường hợp đau buồn hơn thì không buồn nói đến làm gì. Hai cái chữ mẹ chồng khiến cô gái nào cũng ớn lạnh. Vừa sợ vừa bao hàm nhiều thử thách. Biết đâu....lại được mẹ chồng cưng thì sao?

      Ngày mình còn học cấp 3, mẹ từng bảo: "Đấy, tôi có anh cả chưa người yêu đấy, cô có lấy thì yêu nó đi. Tôi đi xem bói rồi, năm 40 tuổi, nó sẽ làm tổng giám đốc". Nghe mà vừa sợ vừa tham. Sợ vì mẹ cứ tôi tôi cô cô, tham vì thể nào đời mình cũng giàu, vợ tổng giám đốc cơ mà. Hì...hì...ước mơ cuộc sống sau này của mình chỉ giản dị thôi, sao cho cuộc sống này được hạnh phúc, hạnh phúc đến nỗi đi siêu thị không bao giờ phải nhìn giá tiền là được rồi.

      Ngày mình học đại học, dù con bạn đã sang Nhật du học nhưng một năm mình cũng cố gắng thu xếp 1 lần mua hoa quả đến chơi. Lần nào mẹ cũng lấy sữa chua cho ăn. thế, dạo đó mình lại không biết ăn sữa chua, nên mắt trước mắt sau là dúi vào gầm gường. Không biết khi mình ra về, mẹ có khốn khổ đi tìm cái cốc không nhỉ?

      Năm thứ 2 làm sinh viên, con bạn về nước thăm nhà, mình đội mưa đến chơi. Ngồi đến 10h chưa về vì lâu ngày không gặp, hai con bé lắm chuyện để tám. Mẹ nói: "Thôi, cô không về mà dọn hàng cho mẹ cô à?". Khổ quá, trời mưa nhà mình có bán hàng đâu. Nhưng mẹ nói thế, mình tự ái, mình về. Suốt con đường mưa, mình tự nhủ: "sẽ không bao giờ thèm đến cái nhà này nữa !!!"

      Năm cuối làm sinh viên, khi con trai mẹ bắt đầu cưa mình. Mẹ trách chàng không đưa người yêu về nhà. Mẹ không biết đó là mình. Nên mẹ hào hứng muốn xem mặt con bé nào mắc mưu con trai mẹ đây. Mẹ và các gì chiều nào cũng ngồi đầu làng buôn chuyện, và đoán già đoán non xem con bé này là con bé nào. Nếu có vinh dự được có con trai, chắc sau này mình cũng thế.
      Chàng lại le te kể lại y nguyên cho mình. Mình chỉ cười mà không tới. Mình vẫn tự ái lời mẹ nói khi xưa. Và bản thân mình vẫn cảm thấy sợ mẹ.

      Ra trường, đi làm được 1 năm, mình và chàng rủ nhau cưới. thật, biết thế ở vậy thì giờ có phải vẫn còn eo ót không. Ngày xưa, đám con gái chơi thân với nhau ở khu tập thể chẳng rủ nhau ở vậy cho giai nó thèm thì gì. Vậy mà lại đồng ý cưới. Thật ra bội ước lời thề với đám bạn gái vì còn bồng bột, suốt ngày bị bố đẻ mắng mỏ là đồ lười, đồ nên mình tức, muốn đi lấy chồng cho giải thoát thôi. Chứ lúc đó vẫn thích đi tụ tập hơn là đi chơi với chàng. Ấy vậy mà dự định cuối năm cưới.

      Một buổi trưa tháng 6, đang chui vào kho linh kiện IC để ngủ, chàng gọi điện: "em ơi, bà nội anh mất". Sững sờ, và chia sẻ. Mong chàng đừng buồn, cố gắng việc gia đình giải quyết ổn thỏa. Nhưng chàng lại cười: "Úi giời, chuyện bình thường ấy mà. Bà già thì phải chết thôi, cũng gần trăm tuổi rồi. Anh có phải nhà bác cả đâu, em không phải lo". Vậy mà mình lại lo. Nhà chàng có việc, sao lại không lo. Đúng là con dở hơi. Còn chàng, đúng là vô tâm số 1. Ngày đưa ma, mình tới viếng. Lâu lắm rồi, mình mới lại tới nhà chàng. Vì chàng, mình tự vượt qua tự ái. Mặc quần áo tối mầu và lặng lẽ đi sau chàng.

      Đoàn xe đến Văn Điển city, mình tới chào bố mẹ chàng, lúc ở nhà bố mẹ bận nên mình không dám làm phiền. Mẹ đón mình bằng một nụ cười: "À, con đến từ bao giờ thế. Uống nước này!" Mình sững sờ vì sự nồng hậu của mẹ trước bao người. Hình như, mình có cảm giác, mẹ biết chuyện mình với chàng. Mình bối rối, lí nhí trước mẹ: "cháu xin lỗi, cháu đến muộn". Mẹ còn chưa kịp nói gì thì tiếng các bà bác đã cắt ngang câu chuyện. Đến giờ hạ huyệt rồi, mẹ phải ra khóc cho đủ lệ bộ. Công nhận, mẹ khóc to thật. Nhưng sau này, trên đường về, các bà bình luận, mẹ vẫn chưa khóc khéo bằng các bà.


      Cuối năm ấy, cả hai đứa hí hửng đi xem ngày. Rồi chàng cũng hí hửng về khoe với mẹ. Chàng hứa sẽ gọi điện báo lại ngay.


      Tiếng chuông reo, chàng hẹn gặp ở quán cafe, mình hồi hộp rồi lo lắng. Trời ơi, mình sắp sang trang đời mình đây.

      - Em à, có chuyện này............... quan trọng.......... anh ........anh......muốn nói

      Chàng ấp úng mãi không lên lời mà mình tụt cảm hứng. Linh cảm phụ nữ mách cho mình rằng có chuyện rồi. Nhưng mình mạnh mẽ. Mình là cơn bão cơ mà. Mình sẵn sàng nghe.

      - Em à, ...chúng mình...chúng mình....không........ cưới nhau .....năm nay được.

      Mắt mình mở tròn to, sững sờ và cần một câu trả lời nhanh gọn. VÌ SAO?

      - Mẹ nói.....mẹ nói.......

      Chàng vẫn ấp úng, chàng khó nói. Chàng vẫn thế, dát gan y như dạo đèo mình bị công an bắt được vì đi ngược chiều ở đường Hàng Bài vậy. Nhưng lần này chàng không run bắn lên làm rơi điện thoại, lần này mình cũng không đứng ra cưa chú công an để xin cho chàng, lần này...tự chàng phải nói.


      - Mẹ nói mẹ đi xem bói, người ta bảo bà nội ghê gớm. Chết là sẽ rủ đi theo mình 3 người. Mà họ nhà anh từ dạo đó chết thêm 2 cụ rồi. Giờ cưới em về, nhà đen, dễ chết thêm người nữa. Nên mẹ bảo để năm sau. Chờ ai đó chết nốt cho đủ 3 người. Thì yên tâm cưới.

      ..............

      .............

      Khoảng không im lặng, cốc sinh tố mãng cầu của mình cũng im lặng, tách caffee của chàng im lặng, chàng cúi mặt im lặng, và những giọt nước mắt của mình cũng im lặng.

      Mình còn biết nói gì nữa.

      Mình cảm thấy đau. Nơi mình đặt tình yêu ngự trị hình như bị vỡ.

      Mình cảm thấy rũ rượi, cảm thấy mất mát, cảm thấy chơi vơi, cảm thấy bị phản bội, cảm thấy trống rỗng.

      Giá mà có lý do khác cho chuyện cưới lúc này thì có lẽ mình đã không có cảm giác như bây giờ. Trời ơi, một lý do mà chính mình cũng không tưởng tượng được.

      Mình cảm thấy chàng thật vô tích sự.

      Mình cảm thấy căm thù chàng

      Mình còn biết nói gì đây nữa !!!

      Cơn bão ư? giờ chỉ là cơn gió lang thang.

      ..................

      .................

      Khoảng không vẫn im lặng

      ..................

      ..................

      Chàng chăm chú nhìn mình Còn mình, cúi mặt uống ừng ực cốc sinh tố. Hai tay đỡ cốc run lên. Mắt không nhìn rõ chàng vì ướt. Mình cố biết miệng để khóc không thành lời. Uống hết cốc của mình rồi, mình lấy nốt tách caffee còn chưa kịp cho đường của chàng, làm phát ực hết.


      - Anh cho em về.


      Mình cố nén cái nghẹn ứ ở cổ như có cục gạch trong yết hầu để nói cho tròn vành.

      Chàng lại van xin, và mình nhất quyết muốn lẩn trốn. Mình thấy mình có lỗi với bản thân mình. Mình muốn về ngay với mẹ đẻ để khóc. Mình càng sợ mẹ chàng hơn.


      Suốt con đường, hai đứa không nói câu gì vì mình bận khóc. Mình khóc không phải vì lễ cưới vớ vẩn kia, mình khóc vì ức. Mình có phải là đồ bỏ đi đâu mà bị đối xử như con hủi vậy. Rồi còn chàng nữa, điều vô lý đến như vậy mà chàng lại nghe lời mẹ ư? Mình khóc vì tất cả những thứ đó. Xuống xe, mình nhìn chàng như lần cuối. Mình đã thề với chàng, không bao giờ mình thèm gặp chàng nữa. Vì sớm muộn gì, lấy chàng, cũng có ngày mình bị mẹ chàng lót lá chuối tống ra khỏi nhà với một tội vớ vẩn nào đó. Còn chàng, chắc có lẽ sẽ chỉ biết đứng nhìn mà thôi.


      2 tháng sau....


      Mẹ đem kể với cả làng là chúng nó bỏ nhau rồi. Lạ thật, không hiểu mẹ lấy thông tin đó ở đâu ra thế không biết. Cả làng tin, chỉ có chàng là không tin. Chàng lặng lẽ đổi chiến thuật. Giờ, chàng cưa bố mẹ đẻ mình. Khơi dậy tình thương của bố mẹ mình bằng cái vẻ thật thà tội nghiệp. Còn bố mẹ đẻ mình, mắc mưu, quay ra mắng mình tàn tệ.


      1 năm sau....


      Mình lại ngồi sau cái xe mà mình đã thề.


      Ngày sang dạm ngõ, mẹ và bố, gì út sang nhà mình. Suốt buổi nói chuyện, mẹ tự hào quảng cáo con trai mẹ đẹp trai nhất làng, tài giỏi nhất làng, ngoan nhất làng. Mẹ quay ra bảo mình đanh đá, ghê gớm hơn con bé bạn, tức là con gái mẹ. Giữa bài phát biểu của mẹ, cả họ nhà mình nhìn nhau ngơ ngác: "Ơ, thế họ chê con Hiền như vậy thì sang đây làm gì?" Buồn cười. Thế mà lễ dạm ngõ cũng qua êm ả.


      Rồi lễ ăn hỏi cũng tới. Giữa cái thời buổi toàn người và xe này, mẹ hãnh diện dẫn đoàn 7 cái xích lô lọng vàng sang nhà mình đặt viên gạch xí chỗ. Mẹ cẩn thận mặc cái áo dài nhung đỏ, trang điểm tí chút và làm tóc xoăn vỏ bào. Công nhận, mẹ đẹp thật. Giờ mình đã hiểu vì sao mẹ khen con trai mẹ đẹp trai.


      Rồi thì ngày cưới nữa, khi một ngày ồn ào cuối cùng cũng qua. Mình mệt mỏi bước vào nhà tắm. Lần đầu tiên trong đời mình cảm thấy mình có lỗi với mẹ. Dù mẹ có nói gì đi nữa, nhưng thật tâm mẹ đâu có ghét bỏ gì mình đâu. Đôi khăn mặt mới với đôi bàn chải đánh răng trong phòng tắm mẹ cẩn thận xếp ngay ngắn. Bộ ga gối mẹ đích thân đi mua cho vợ chồng mình. Mẹ làm mình thay đổi cách nghĩ. Mẹ ơi, con sẽ cố gắng bớt lười để làm con dâu ngoan của mẹ. Sáng mai, con sẽ dậy sớm...


      Nửa năm sau, chàng mới kể lại: mẹ quý mình là vì sau lễ ăn hỏi, tự dưng mẹ cứ chơi lô là thắng. Trong 1 tuần từ lúc ăn hỏi đến lúc cưới, mẹ thu về được mấy chục triệu. Có bà nói, con dâu nó hợp đất nhà bà đấy. Thế là mọi việc êm xuôi


      Thật không thể tin được .

    9. #8
      bi04virgo
      Guest

      Mặc định

      Tập 7: Cái tết đầu tiên của mèo con.

      Đó là tên của một câu chuyện được học từ thời còn nhỏ. Cũng chẳng nhớ của lớp mấy nữa. Nhưng cái cảm giác thương con mèo con lần đầu tiên tới căn bếp lạ dưới sự soi mói của bác nồi đồng, chị chổi xuể... vẫn còn y nguyên. Và giờ, với cái tết này, không hiểu sao mình lại nhớ đến câu chuyện ấy.


      ...Gói bánh chưng...

      Năm nay, thấy mẹ bảo: "gói bánh chưng" làm mình lo lắng. Tính mình vốn chậm chạp, rồi lại cẩu thả nữa, nên rất không yên tâm nếu cọ lá, hay làm bất cứ cái gì quan trọng.

      Nhớ hồi còn học cấp 3, con bạn thân yêu anh khóa trên, dở hơi lại xung phong đến nhà anh ấy nhận phần cọ lá. Mình thương bạn, lại nể vì lời rủ rê, nên cũng đi. Thế là từ sáng sớm đến trưa muộn, hai con bé chưa cọ được mấy trăm lá thì đã hát hết các bài đã thuộc, chưa thuộc hay chỉ ư ử âm điệu rồi. Đành lòng vừa làm vừa mắng nhau là đồ thôi. Giờ nghĩ đến gói bánh mà sợ.

      Năm nay công ty cũng bận, nhiều hợp đồng nên công việc thiết kế cũng thường xuyên phải về sau 8h tối. Sếp hí hửng lắm, giáp tết mà mình vẫn ở lại làm cho xong việc. Có lần sếp bắt tay an ủi: "cố gắng em nhé, tết này sẽ thưởng em to nhất !!!" . Sếp đâu biết rằng, mình cũng vui lắm khi có việc mà làm đến giờ này. Mình trốn mấy cái bánh chưng thôi !!!


      ...Đi sắm tết...

      Khác hẳn những ngày xưa tết tết, năm nay mình ky cóp để nhỡ đâu đi sắm tết với mẹ chồng. Nhưng mẹ đuổi, mẹ bảo thà đi với mấy bà già còn hơn đi với mình. Mẹ bảo đi với mình rách việc lắm. Đành lòng ngậm ngùi biếu mẹ tiền sắm tết, còn thui thủi chờ tối chồng về thì mách chồng thôi.

      .................
      - Thì em kệ mẹ, em cứ phải đi cùng làm gì. Mẹ thích thế.

      - Nhưng mà em muốn thân thiết hơn

      - Em chỉ lắm chuyện, nhà anh thế đấy. Không phải đi đâu. Kệ mẹ làm gì thì làm.

      Chàng quay mặt vào cái game mobile chết tiệt làm mình buồn thối ruột. Chàng sống thoáng quá thì phải. Thoáng đến nỗi những cố gắng vun đắp tình đồng đội đồng chí của mình với gia đình nhà chàng thổi bên tai phải sẽ chạy ào luôn ra tai trái thì phải. Chàng không giúp mình như gián điệp giúp quân đội ta, như hoa tiêu chỉ lối, chàng cho rằng mình lắm chuyện. Mình chỉ có chàng là đồng minh thôi mà. Sao chàng lại thế chứ.

      - Này, em bảo

      Mình làm vẻ thân thiết sán tới bên chàng với bộ mặt nghiêm túc.

      - Gì?

      Chàng nhíu mày vì trả lời các câu hỏi của mình chàng sẽ không liền mạch chơi game được.

      - Anh nên bỏ em đi.

      - Sao lại thế

      Mắt chàng vẫn dán vào điện thoại, mồm vẫn nói và toàn thân vẫn không thay đổi.

      - Em lấy giấy bút cho anh nhé

      - Có gì thì em nói đi, cứ vòng vèo. Anh ghét nhất tính vòng vèo của em đấy.

      Chàng gắt lên nhưng vẫn ở mức độ kiềm chế được. Còn mình, sự kiên nhẫn của mình cũng trào lên gần đến cổ rồi. Mình đang cố dìm nó xuống đây. Chàng ghét tính đó ư? Mình không nhớ rõ, nhưng chắc thời yêu nhau chàng sẽ không nói thế. Vì tất nhiên, nếu nói thế thì giờ ngồi bên mình là anh khác chứ không phải là chàng.

      - Em thấy chỉ có 3 thứ anh nên lấy làm vợ chứ không phải là em: tivi kênh HBO, máy tính với internet, và cái điện thoại với game nữa đấy.

      Chàng im lặng. Mắt vẫn nhìn điện thoại, tay vẫn bấm bấm. Cái điện thoại vẫn bíp bíp như để trêu tức mình.

      .......

      ...........

      5 phút sau...

      - Hả, em vừa nói cái gì cơ, nói lại anh nghe nào?
      ...............

      Mình xông vào, giằng lấy điện thoại trên tay chàng, kéo cái cạp quần chàng, và....vứt cái điện thoại vào trong đó. Cho cái điện thoại chết vì sặc.


      ...Tết đến rồi...

      Mình là con một. Ngày xưa bố mẹ ham vui nên không nhớ ra là phải đẻ thêm thì phải. Vì vậy mà đi lấy chồng rồi, thương bố mẹ ở nhà đơn độc lắm. Tết đến, lại càng thương bố mẹ nhiều hơn.

      Ngày trước, tết đến hai mẹ con còn tíu tít đi mua đồ ăn tết. Ngày tất niên còn bày trò món nọ món kia. Mấy ngày tết bạn bè mình còn đến ăn uống tán phét với bố. Giờ thì có còn ai nữa đâu.

      Từ cách đó mấy hôm, mình đã xin phép mẹ chồng cho phép hôm tất niên được ăn một bữa ở nhà ngoại, và một bữa sẽ ăn ở nhà nội. Mẹ chồng đồng ý, mình tưng bừng chờ đón cái tết. Mẹ mình cũng thế, tưng bừng chuẩn bị làm cơm để con gái về.

      ....

      Đêm giao thừa, giữa cái rét của bà già mùa đông vô duyên, đứng bên chàng, bên cả Hồ Tây nữa, pháo hoa nổ đì đẹt mà đẹp mê hồn, mình vẫn được chàng mừng tuổi. Lần này là 100.000đ. Mình cười: "Tiền mất giá quá anh nhỉ, mới có lúc nào chỉ cần mừng 2000đ phải không anh". Chàng cười, xoa đầu mình, vòng tay ôm lấy vợ, và thì thầm: "chúc mừng năm mới, bà xã !!!"

      Mình đã khóc vì hạnh phúc. Ước gì thời gian đừng trôi.


      ...Sáng mùng 1...

      Mới 8h sáng, mình còn chưa muốn chui ra khỏi chăn vì tối qua đi đón giao thừa, qua Quốc Tử Giám xin chữ và về Hà Đông đi lễ Bia Bà đến 3h sáng. Năm nào cũng thế, mình quen đón giao thừa như vậy rồi. Thế nhưng có lệnh triệu tập, chàng hốt hoảng gọi mình dậy chỉnh chu nhanh chóng vì bố tổ chức buổi họp thì phải. Mình mắt nhắm mắt mở làm theo yêu cầu. Lạ nhỉ, có việc gì vào sáng mùng 1 đâu.

      Xuống đến tầng 1, mình là đứa xuống muộn nhất. Nhưng không khí âm u cũng đủ để mình hiểu có điều gì không hay đang xảy ra rồi. Cả nhà im bặt. Chỉ có chàng là cúi gằm. Thôi chết, lại chuyện gì nữa đây. Lặng yên trước bài nói đang dở dang và đang cao trào của bố, mình mới hiểu ra rằng, việc mình về nhà đẻ ăn tất niên là đi ngược lại truyền thống gia đình nhà chàng. Bố không cho phép 2 bữa tất niên không có đủ các thành viên. Và mình đã gián tiếp giết chàng.

      ....

      Sau cơn bão ấy, chàng đã bị đánh gục. Về phòng, nằm cuộn tròn không ăn gì, không đi đâu cho đến ngày hôm sau. Khổ thân, cái ao bèo của mình ngoài biết ghen còn biết dỗi nữa. Mình cũng sợ. Cũng chỉ vô hồn ngồi góc nhà ăn hết cái này đến cái khác. Thương chàng mình không dám nói, chứ thực lòng mình cũng buồn. Không lẽ bố mẹ đẻ mình ngày tất niên thui thủi 2 thân già hay sao? Không lẽ không có quyền ăn cơm với con gái hay sao?

      Kết thúc câu chuyện của mèo con, chú mèo đã thắng. Nó không còn sợ hãi nữa, nó có thể vượt qua hoàn cảnh để trưởng thành. Còn mình, nỗi thất vọng và sợ hãi bắt đầu bao trùm nhiều hơn, cái mốc để có thể trưởng thành ngày một xa hơn. Và hình như, những ngày tới mới là bắt đầu.

    10. #9
      bi04virgo
      Guest

      Mặc định

      Tập 8
      Đám cưới thằng bạn thân


      - Ngày kia tao cưới nhé !
      - Ơ, mày nói thật hay đùa thế ?
      - Tao nói thật, tao cưới cái con bé hôm tao dẫn sang nhà mày ấy
      - Thật hay đùa đấy, sao giờ mới báo tao?
      - Thật mà, 11h trưa mai nhá, tại nhà văn hoá trung tâm huyện Thanh Trì
      - Thật đấy à?
      - Thật, thế nhé. Nhớ mang cả thẳng con trai cả đi, đường xa để nó đèo đỡ vất vả.
      …………..
      Cú điện thoại cúp rồi mà mình vẫn không hiểu là thật hay đùa. Bạn thân đấy, nó cưới ư ?

      Ngày đi ôn thi đại học, trong cái lớp cấp tốc sát kỳ thi, chỉ có mình là con gái. Trong lớp, mình được bầu là lớp trưởng. Cũng đúng thôi, Viện Đại Học Mở khoa Công Nghệ Thông Tin lấy đâu ra phụ nữ, nhất là cách đây hơn 8 năm. Vì vậy có nhiều anh chàng hay trêu lắm. Buồn cười, dạo đó mình ghét tất cả.
      Buổi ôn thi nào cũng thế, 9h tối mới tan. Từ Hà Đông đạp xe về Bưởi, lúc nào mình cũng thấy có thằng cha đạp xe đi theo mình. Mình rẽ Ngã Tư Sở nó cũng rẽ, mình đi tắt Quan Nhân nó cũng đi, mình hướng về Cầu Giấy nó cũng hướng. Vậy là lần nào mình cũng co giò lên đạp thật nhanh. Về đến nhà hôm nào cũng đứt cả hơi.
      Một tối, đói quá, ra chơi mình đi lượn lờ bách hoá Thanh Xuân, và xà vào quán cháo vịt. Vừa ngồi xuống lau cái thìa, thằng cha đáng ghét ấy đã xuất hiện. Nó cũng ăn cháo vịt. Và…nó chọn chỗ ngồi cạnh mình.
      - Bà tưởng tôi bám đuôi hả?
      - Ơ, thế là thế nào ? (mình giật mình vì sự trắng trợn của thằng cha đáng ghét)
      - Này, đừng có tưởng bở nhé, nhà tôi cũng đi lối đó. Nhà tôi ở Xuân Thuỷ
      - Thì ai bảo gì đâu, ăn đi rồi vào lớp.
      Mình ngượng chín cả mặt vì sự sai lầm của mình. Chắc mỗi lần nó đi theo mình là nó buồn cười lắm đấy. Giờ lại còn táo tợn đề cập thẳng vấn đề nữa chứ. Thật không thể chịu nổi người này.
      - Ăn xong rồi, ăn sau trả tiền nhá.
      - Ơ
      - Cảm ơn trước
      Mình nhanh nhẹn lau miệng và lao về lớp như một viên đạn. Để mặc nó với 2 bát cháo. Mặc kệ nó có đủ tiền trả hay không, nhưng mình trả thù được món nợ đó, mình đỡ tức.

      Một tháng sau
      Ngày nhập học, mình há mồm kinh ngạc khi nó và mình học chung một lớp. Tên trong sổ điểm lại chỉ cách nhau có 3 người. Hiếu với Hiền mà, vậy nên kiểm tra hay thi lần nào cũng dễ bị ngồi gần nhau. Trời ơi, đúng là ghét của nào trời trao của nấy thật.

      Năm đầu tiên, bọn mình học chỉ là những môn cơ bản. Thầy toán quý mình nên thường được gọi lên làm bài mẫu. Lần nào thầy cũng khen kết quả, nhưng…lần nào nó cũng nói nhỏ đủ nghe khi mình đi qua: “làm thế không biết, may mà đúng được kết quả”. Mình tức nó lắm. Mình tức nó thật.

      Năm thứ 2, có rất nhiều chuyện xảy ra khi đời sinh viên gõ cửa. Nhà ở Hà Nội, nên mình không biết cảnh sống ở trọ, mà ước được ở ký túc cũng không được. Ấy vậy mà mình gây ra không ít rắc rối với tất cả mọi thứ xung quanh. Thượng đế trêu ngươi, lần nào cũng là nó. Nó xông ra như anh hùng cứu mỹ nhân. Nó xông ra giải quyết các vấn đề như là việc của nó. Và…mình với nó trở thành bạn thân từ lúc nào.

      Thường thì nó đến đón mình đi học, bữa nào có xe máy thì cùng vi vu. Bữa nào có xe đạp thì mỗi đứa một cái. Nó kêu thà chết chứ không đèo mình. Nó bảo mình lần nào ăn gì cũng ăn lắm, nên nặng, nó không đèo nổi. Bữa đó, lớp phải học cả ngày, đứa nào trong lớp cũng uể oải. Vậy là buổi trưa cả hội cùng nhóm đề tài rủ nhau về nhà mình làm lẩu cá nhậu nhẹt, rồi về trường học tiếp. Mùa đông mà, lẩu là đúng nhất. Sinh viên mà, lẩu cá là rẻ nhất.

      Lũ con trai phởn trí lấy rượu của bố mình ra uống nên lừ đừ hết cả. Nhà hết giấy ăn, mẹ thật thà đưa cho tụi mình giấy báo để thay giấy ăn đang cần khẩn cấp để còn về đi học. Khổ thân, sau bữa nhậu, đứa nào đứa nấy mặt đen lem luốc, mực từ giấy báo được lau vào mặt, lại dính mỡ nên cả phi đội đều đáng được đưa vào kỷ lục Việt Nam môn trang điểm ấn tượng, hay thật. Rồi còn chỉ nhau cười chế nhạo nữa chứ. Thật là…

      Nó hét toáng lên khi mình lo ngại một lũ lừ đừ lên xe về trường đi học. Nó bảo: “Chỉ có tao mới có tư cách đèo mày, tao không say tẹo nào !” Và mình thì tham đi xe máy.

      H…u..ỳ..n…h…!!!

      Xe máy đổ đánh ầm khi đi qua Sở Thú, chỉ vì tốc độ nhanh và một em bé chạy vụt qua đường. Mình và nó, chìm trong cái vũng nước ổ voi trời mới mưa hôm qua. Mùa đông. Áo len trắng và quần bò xanh đẹp nhất bộ của mình. Thế là xong.

      Nó thường không hay ngồi cạnh mình, nó hay ngồi bàn dưới để làm camera quan sát và bình phẩm thì phải. Chỉ có mấy anh chàng dỗi hơi là hay xin ngồi cạnh. Và tất nhiên, lần nào trên đường đi học về, nó đều chê bai và bình phẩm thằng cha nào ngồi cạnh mình.
      Nhưng hôm đó nó lại ngồi cạnh.
      - Sao hôm nay mày tử tế thế ? Mình hỏi mỉa mai.
      - Tao thấy mày ngồi mà nước từ mặt ghế cứ ròng ròng chảy, nước từ áo len ấy. Tao sợ k ai dám ngồi cạnh mày nên tao ngồi thôi.
      - Căm thù !!!
      Mình rít lên đủ để nó nghe và làm ra vẻ chú tâm vào bài học. Mình ghét nó thế không biết, mình ướt và rét thế này là tại nó hết.

      5 phút

      10 phút

      - Hiếu ơi, tao rét quá, tao về đây, tao không chịu được nữa.
      - Tao đưa mày ra ban công hóng gió nhé. Gió một lúc là khô thôi.
      - Khô sao được mà khô, tao ướt hết cả 3 lớp rồi đây này.
      - Giời ơi, có là gì đâu, tao ướt cả 5 lớp nhé - Rồi nó còn lấy tay ra hiệu để miêu tả - lớp quần bò này, lớp quần đông xuân này, lớp quần đùi này, lớp quần này nữa này, và lớp da tao nữa.

      Phải công nhận thế giới này hiếm có ông đàn ông nào trơ trẽn như nó, thô quá thể. Nhưng thì thầm đến thế thôi thì cũng phải đi hóng gió với nó thật. Oái oăm, càng đứng trước gió, càng rét.
      - Thôi, nhất quyết là tao về đây, rét quá, tao mà chết là lớp không kịp bầu cán bộ lớp đâu
      - Đâu, đưa tao xem nào
      - Vớ vẩn, mày cứ đứng đây cho bao giờ khô đủ 5 lớp của mày. Tao về đây. Căm thù…
      ……
      - Khoan đã !!!
      Vậy là 2 đứa bùng 3 tiết cuối. Dù sao cũng điểm danh rồi. Hôm đó gió mùa rét lắm, gió cứ tát vào mặt người đi xe máy như thể kẻ thù vậy. Mình dành phải cúi xuống nép vào lưng áo nó. Hai hàm răng va vào nhau cạp cạp.Bỗng nhiên nó vòng tay ra sau cầm tay mình. Nhét vào túi áo nó. Và…nắm chặt tay mình mãi trong túi.
      Con đường im lặng
      Nó im lặng
      Mình im lặng
      Chỉ có cái xe máy Đài Loan trùng xích là kêu như tàu hoả.
      ………….
      - Này !
      - Hả ?
      Bỗng nhiên nó phá cái khoảng lặng rối ren giữa hai đứa làm mình bị dứt ra khỏi luồng suy nghĩ:”Nó đang có ý đồ gì đây !”
      - Tao thấy mày rét quá thì mới nắm tay thôi đấy nhé.
      - Ừ, thì mày có cái vị gì đâu mà tao phải nghe giải thích – Mình bực mình bật lại – Tao nghĩ mày như em trai tao nên mới để yên đấy chứ.
      - Ờ, tao cũng nghĩ mày là chị gái nên mới nắm tay đấy nhé. Đừng có hiểu lầm.

      …..Khoảng không lại im lặng….
      - Này !!
      - Gì ???
      - Nhưng mà tao dặn trước nhé - lại là nó với cái giọng cẩn trọng – Mày không được yêu tao đâu đấy !
      - Ơ, cái thằng này, mày bị dở hơi à ? - Mình tức khí – Tao điên à mà yêu mày.
      - Thì đấy là tao cứ dặn trước.
      - Đồ dở hơi !!!

      Không hiểu chuyện gì đang xảy ra, nhưng kể từ đó cứ thằng cha nào trong lớp có ý định cưa mình là nó lại bình phẩm, những hôm hai đứa tổ chức nấu cái gì đó cùng ăn nó lại lôi ra chê bai dè bửu. Về sau, quá đáng hơn, kể cả những anh khác hay ngồi ngoài quán của mẹ, nó cũng liệt người ta vào dạng xấu xa hết chỗ nói. Còn nó, lâu lâu lại thấy đèo một cô tới nhà mình chơi, hôm sau lại hỏi: “Trông thế nào? Được không ?” Mình trả đũa: “Xì, dây thần kinh tình yêu của mày bị đứt à? Thế mà cũng chọn” . Và …lại không thấy cô bé ấy xuất hiện nữa.

      Năm thứ 3
      Gia đình nó có chuyện, nó phải bỏ dở chuyện học hành để sang định cư bên Nga với gia đình. Ngày nó lên máy bay mình không tiễn, chỉ tối hôm trước hai đứa rủ nhau đi uống café mà thôi.
      - Dạo tết tao thấy lá số của mày cũng được đấy chứ. Thôi, mày đi nước ngoài cho rộng tầm mắt. Mừng cho mày
      - Số tao lận đận lắm. Trong lá số ấy người ta bảo: năm tao 30 tuổi làm ăn sẽ lụi bại, năm tao 40 tuổi mới có vẻ gỡ gạc được, năm tao 50 tuổi mới có tí của để, năm tao 60 tuổi mới làm ăn được. Lấy đâu ra mà được.
      - Ơ, tao nhớ là họ nói năm mày 65 tuổi sẽ đại cát đại lợi mà. Mày cứ đi đi. Bao giờ 65 tuổi thì về gặp tao nhé.
      - Không ạ, để tao mốc à?
      - Tao có bảo mày để mốc đợi ngày nắng thì mang ra phơi đâu. Chỉ bảo mày và tao sẽ chờ nhau ở cuối con đường tình mà.
      - Ừ, năm 2 đứa mình 65 tuổi nhé.
      Cả hai đứa cùng cười, nhưng không hiểu sao trong lòng mình muốn khóc. Chả hiểu vì cái gì. Còn nốt một năm nữa thôi là ra trường rồi, nhưng nó và mình sẽ không còn được cùng đi bảo vệ đồ án tốt nghiệp nữa, không còn ai chiều về rủ mình xà vào hàng bánh chuối trên đường Láng nữa, không còn ai mắng mình là Hiền tồ tẹt nữa.

      Đêm hôm ấy, café làm mình mất ngủ. 1h sáng, nó gọi điện cho mình, hai đứa lại tâm sự đến 2h sáng. Tâm sự cũng không phải, tâm sự gì mà thi nhau nói xấu thầy cô ở trường.

      Nó đi, và chẳng còn ai bình phẩm các chàng trai đến cưa mình nữa.

      Thi thoảng, nó vẫn gọi điện về. Chứ mình làm gì có tiền mà gọi cho nó.

      Bốn năm sau,
      Vô tình nó gọi về trước ngày mình cưới một tuần. Nó không bình luận gì cả. Chỉ hỏi: “có hoãn được 2 tháng để chờ tao về không?” Mình trả lời: “Không ! cái này do người lớn quyết định”. Nó bảo: “Ừ, thế thôi, chúc mày hạnh phúc”. Cúp máy, tự dưng mình lại muốn khóc.

      Hai ngày trước khi cưới,
      Mình và chú rể tương lai lên thăm bà nội đang điều trị tai biến mạch máu não trong viện. Mình có kể với bà rằng:”Thằng Hiếu mấy hôm trước có gọi về chúc cháu hạnh phúc bà ạ .”Bà chỉ cười gật gật thôi. Trước khi về, khi chú rể xuống lấy xe, bà nắm lấy tay mình thì thầm:
      - Hôm hai đứa chúng mày rủ nhau đi uống café tạm biệt ấy, lúc mày đang chỉnh trang trên gác, nó có bảo với bà rằng: Chỉ vì tự ái một câu nói đùa mà cháu mất hết bà ạ”

      Con đường về, vẫn đoạn đường toàn mùi bánh chuối rán, tự dưng mình bật khóc. Lần này, mình khóc vì hai đứa dở hơi ngày nào nắm tay nhau, không phải ướt vì mưa cho nó ra dáng lãng mạn một tí, mà là ướt vì ngã xe máy.

      Hai năm sau,
      Nó mời mình ăn cưới nó chỉ trước có 2 ngày. Dạo nó về nước được một năm, cũng đèo cô bé đó đến nhà mình. Và giới thiệu là chị gái. Không biết trùng lặp hay sao ấy, trước nó cũng bảo là coi mình như chị gái mà. Mình hết ngạc nhiên lại đến sượng sùng.

      Đêm trước hôm nó cưới,
      Tâm trạng mình cứ thế nào ấy, buồn kiểu gì khó tả lắm. Đàn bà thật phức tạp và tham nữa. Mình lên mạng và tâm sự với một người bạn trong thành phố Hồ Chí Mình, mình bảo:
      - Chắc là buồn vì tham, giờ phải chia sẻ thằng bạn thân cho cô gái khác rồi.
      - Mất hẳn chứ chia sẻ đâu mà chia sẻ.

      Câu trả lời làm mình như bị giật ra khỏi u mê. Ừ, lấy đâu ra mà chia sẻ. Mất hẳn rồi. Cảm giác lúc này cứ như bị ai móc túi cái gì thật quý giá. Tiêng tiếc thế nào ấy. Kỳ cục thật.

    11. #10
      bi04virgo
      Guest

      Mặc định

      Tập 9: Qua rồi mộng mơ

      Vậy là mình và chàng đã hết những tháng ngày tán tỉnh nhau. Giờ thì tính tốt tính xấu phơi bày ra hết rồi. Buồn cười thật, chàng tỏ vẻ khó chịu khi thấy mình mặc váy đi làm và ngồi cả buổi với cái game mobile mỗi lần sang chơi với bố vợ.

      …Lười…

      Thật ra thanh niên bây giờ ai chẳng lười, không riêng gì mình, không riêng gì chàng. Sau hai tháng làm con dâu mới, mẹ chồng cuối cùng cũng cất lời vàng ngọc:
      - Thôi, cô không phải dậy sớm quét nhà nữa đâu nhé. Cô cứ lạch cạch làm tôi muốn ngủ thêm cũng khó. Trời mùa đông thế này ai mà chịu được. Từ mai trở đi luôn nhé.
      - Dạ !!!
      Cái dạ đầy biết ơn và từ tốn. Không biết mẹ có nhận thấy cái dạ đó đang kiềm chế nhiều tiếng reo hò trong lòng mình hay không. Nhưng cũng kể từ đó, mình chỉ dậy trước giờ đi làm 1 tiếng đồng hồ thôi.

      Chàng cũng lười, ngày yêu mình thì chàng chăm lắm. Mình mà làm cái gì một mình, chỉ cần lườm chàng một phát là chàng vội vàng lao ra phụ một tay ngay. Có lần sang nhà mình ăn trực, (hí…hí…vì sang chơi mời ở lại ăn cơm lại vâng ngay chẳng là ăn trực thì là gì?) thấy mẹ mình đang đứng nấu nướng liền sán tới kêu “làm gì cho con làm với.” Rồi dưới sự đảo mắt điều khiển của mình, chàng lao vào chậu rửa bát như một viên đạn.

      một phút…

      hai phút…..

      ba phút……
      ….


      Chàng chạy lại, mắt tái dại, cắt không còn hột máu, thì thầm vào tai mình:
      - Em ơi, chết dở rồi, anh có chuyện này muốn nói với em.
      - Anh không làm nốt đi còn bỏ dở để ra đây là gì?
      Mình tỏ ra khó chịu khi thấy chàng chưa hoàn thành xong công việc. Có mấy cái bát thôi mà lười thế …

      - Anh….anh ….bị đứt tay rồi.
      Chàng e dè chìa ngòn tay bị con dao do chàng cọ vừa cứa. Mình la lên……tất nhiên, cả nhà lại xúm vào, cuống quýt băng bó. Làm như tai nạn chiến tranh không bằng. Từ lần ấy trở đi, mẹ không cho chàng mỗi lần sang chơi làm bất kỳ việc gì nữa. Mãi về sau, mình mới nghĩ, có thể chàng cố tình để đỡ phải làm chăng?



      Giờ, khi lấy nhau về rồi, không còn chàng trai tội nghiệp ngày nào nữa. Mà thế vào đó là một ông chồng vừa lười vừa khó tính. Hai vợ chồng có pha tách trà ngồi uống với nhau thì trong đầu đã phải toan tính xem kiếm cớ gì đây để kẻ kia đi rửa chén sau bữa tiệc rồi. Hay thật, đúng là hôn nhân khác ngày yêu quá thể.


      Tính chàng bừa bãi, rất hay lấy đồ mà không để vào chỗ cũ. Đi làm, thay cái quần đùi ra cũng vứt luôn ra sàn nhà rồi kệ nó ở đó. Mình đi theo dọn dẹp cũng điên tiết. Thể nào cũng có ngày mình cầm cầm cái quần đùi của chàng ném ra ngoài cửa sổ.

      …tình yêu thời hậu chiến…

      Không ai yêu nhau mà không từng một lần đi ăn tiệm. Đôi khi không phải vì thích món ăn đó, mà là vì thích được đi với nhau. Và tất nhiên, phong tục Á Đông, người đàn ông thường là người trả tiền.

      Không hiểu sao mình cũng thế, mình thích đi ăn mà chồng là người trả tiền, cho dù lĩnh lương lần nào mình cũng lột sạch của chàng, cho dù mình luôn là người lừa chàng đi ăn tiệm.

      - Alô, anh à, tới ngay số 9 Văn Cao nhé !
      - Việc gì thế em – Chàng ngơ ngác hỏi – Anh trưa nay bận lắm !
      - Việc gấp lắm. Em cần anh !

      Chàng hớt hải lao từ cơ quan về phố Văn Cao. Đàn ông mà, mình biết, chàng hẹn bia hơi với lão Vân - bạn nối khố - chứ bận gì đâu. Khi nào chàng bận thật sự, thì chàng sẽ nói việc đó là việc gì rồi, hoặc chàng nhờ ai đó chạy qua chỗ mình, chứ chàng không nói chung chung như thế.

      Nhìn cái dáng thân yêu đứng ngơ ngác ngoài đường, trước cửa quán tìm kiếm mà thương quá. Nhưng qua khung cửa kính tầng 2, làm sao chàng thấy được ánh mắt có mùi của sự đắc thắng này.

      - Anh à, sao lâu thế, gấp lắm rồi
      - Ơ, em đang ở đâu, lại vượt đèn đỏ à? lại bị công an tóm à ?
      - Không, lên tầng 2 đi anh, em sắp gọi món rồi,
      - Ơ…sao em bảo có việc gấp ?
      - Thì em đói quá em bảo gấp chứ sao? Em đói không quan trọng với anh à?

      Bữa trưa thật bất ngờ với chàng và thật vui với mình. Đôi khi mình thích hâm nóng tình yêu bằng cách trêu tức chàng hoặc làm những chuyện không ai nghĩ ra. Tình yêu thời hậu chiến mà, mỗi người đã không còn mới lạ ở người kia nữa. Nên mỗi một bất ngờ lại là một lần làm mới thôi.

      - No quá, cảm ơn em nhé !
      - Anh trả tiền đi rồi về
      - Ơ…em mời anh mà…
      - Xì…thế anh không phải là đàn ông à, để em đứng lên trả tiền mọi người sẽ nhìn anh chứ không nhìn em đâu nha
      - Nhưng…em lột hết của anh rồi mà.
      - Kiểu gì chẳng còn
      - Ừm, em tinh quái lắm, đã lột hết lương, còn đẽo dần lậu. Em cứ thế này anh chết đấy.
      - Vâng, anh chết em vẫn còn trẻ, còn nhiều cơ hội đi lấy chồng nữa mà.

      Chàng biết thua rồi, chàng chấp nhận trả tiền. Nhưng lần sau, chắc chắn không rủ đi ăn bằng bài cũ được nữa. Chàng sẽ cảnh giác hơn. Nhưng mình lại càng có nhiều bài hơn, miễn sao đẽo được hết lậu của chàng. Mình mà, “ở đây, ai là tướng ?”
      Khà …khà….

      Giờ cái quán số 9 Văn Cao đã đổi chủ rồi, trở thành quán bia hơi, mỗi lần đi qua đó, lại tủm tỉm cười và…nhớ chàng !

    12. #11
      bi04virgo
      Guest

      Mặc định

      Tập 10: Những bài hát chưa bao giờ thuộc

      Vậy là mình đã về làm dâu nhà chàng được 2 tháng. Trong đó có 1 tháng là xây dựng tư cách đạo đức. Cũng may là chưa vỡ cái bát cái đĩa nào. Hoặc nguy hiểm hơn nữa là làm cho ai trong họ hàng nhà chàng ghét. Mẹ mình bảo: “mày làm mẹ nhẹ cả người. Chiều con, cứ để học hành, mọi việc mẹ làm cho hết, cuối cùng gả đi, chỉ sợ bị người ta chê con mình !” Thật tội cho mẹ.

      Ngày giỗ ông

      Sau nghi nghe thông báo từ tổng chỉ huy trung ương, mình vừa mừng vừa lo. Mừng vì sẽ có dịp gặp gỡ họ hàng nhà chàng cho gần gũi. Lo vì chưa thực sự biết các phong tục ở đây như thế nào. Ví như sau khi cưới chàng vài ngày ấy, thấy mình rửa bát một mình giữa trời rét ngoài sân, chàng ra ngồi ở cửa chờ. Vợ rửa xong thì chàng bê đỡ vào nhà úp bát hộ. Vậy mà chàng vừa vào trong nhà một cái, mình đang lúi húi quát sân, thì mẹ ở đâu đã xuất hiện, ghé vào tai mình làm mình giật thót cả tim. Mẹ thì thầm: “Này, đàn ông làng Đông không có thói quen rửa bát đâu nhé. Mày đừng làm cho ông bố nhìn thấy mà ông ấy ghét đấy”. Trong lòng run lên bần bật, mình dạ mẹ mà trong lòng tự hứa thật sắt đá: “có chết cũng không dám để chàng úp bát giúp mình nữa”. Âu đấy cũng là chưa biết về phong tục tập quán. Âu đấy cũng là cô dâu mới thôi mà.

      Tiếng khoá mở cửa dưới tầng 1 làm mình vội vàng vung chăn lao ra khỏi giường. Lạ thật, nếu có cuộc đua xem ai tai thính nhất chắc chắn mình sẽ tham gia để dành giải nhất mất. Thật đấy, bình thường thời con gái, mình ngủ nhiều, nhưng cũng là đứa ngủ thính lắm. Mình tự hào vì điều này, bởi lẽ nhờ ngủ thính mà nhiều khi mọi người cứ tưởng mình ngủ, đem nói xấu mình thật lực. Hè, hè, nghe thấy hết, có lúc còn bất bình, định vùng dậy cãi lại, nhưng lại thôi vì nếu làm như thế lần sau mọi người sẽ cảnh giác. Nói xấu mình nhiều nhất luôn là bố. Còn mẹ thì cứ ra sức bênh vực. Có lúc thấy ghét bố, bố chê mình thế sao còn nuôi mình làm gì !!!

      -Mẹ cho con đi chợ cùng mẹ nhé, con sẽ xách đồ cho mẹ đỡ nặng !
      -Đi đâu mà đi. Không khiến đâu. Cô ở nhà đi. Tôi đi với gì Vinh. Chúng tôi đi còn nhiều chuyện để bàn.

      Rồi mẹ đi với tiếng đóng cổng cành cạch. Bỏ lại sau lưng là cái mặt mình ngắn tũn đứng tần ngần ngoài cửa chính. Mùa đông 2006 được nhà nước và chính phủ công nhận là mùa đông rét, vậy mà mình mặc cái áo len phong phanh, đứng ở cửa, tần ngần, tẽn tò, ngơ ngác, vào lúc 6h sáng, không dám quay trở lại phòng ngủ, mà cũng không dám chạy theo mẹ.

      20 phút sau…

      - Anh ơi, nằm… dịch vào …cho …em nằm… với
      - Sao lại rét thế, không chịu mặc cho đủ ấm rồi đi đâu thì đi (Chàng cáu kỉnh vừa dịch vào trong giường vừa nói)
      - V…â…ng (mình lập cập trong tiếng run rét trả lời)
      - Mà tưởng em đi chợ với mẹ?
      - Mẹ không cho em đi, mẹ bảo mẹ đi với dì Vinh vì có chuyện phải bàn.

      Chàng lại động đến nỗi đau của mình, làm giọng thuật lại của con bé tội nghiệp trong mình có vẻ méo đi đôi chút. Chàng cười, quay lại véo má vợ mà an ủi:
      -Mẹ và gì sáng nào chẳng đi chợ với nhau. Các bà ấy còn phải bàn xem chiều nay đánh con gì ấy mà. 7h sáng là giờ tính xem nguyên nhân vì sao hôm qua về chẵn lẻ. Còn 3h chiều là giờ tính xem hôm nay lẻ chẵn sao đây. Em hiểu chưa? Thôi, đừng buồn làm gì. Ngủ đi !!!

      Đúng là đồ đàn ông vô tâm, ngủ thế nào được mà ngủ. Hay nói chính xác hơn là không dám ngủ. Mình cũng rửa mặt rồi mà. Đành nằm trong chăn, chăm chú lắng nghe xem tiếng cổng bao giờ lại lạch cạnh, mẹ về và…mình lại lao xuống phụ giúp chuyện bếp núc. Nằm im….lắng nghe… mùa xuân về !!!

      ….

      Cứ tưởng đây sẽ là dịp để mẹ và họ hàng thán phục tài nấu nướng của mình. Mọi ngày ở nhà, mỗi ngày có cỗ bàn hay hội họp, mình vẫn được làm bếp trưởng. Nhà mình ông bà nội toàn các chú, các chú lại toàn con trai. Thế là mình vẫn luôn chịu trách nhiệm đi chợ và nấu nướng mà. Có mấy đứa em họ lon ton giúp sức, vui ơi là vui. Nhưng….

      Gì bảo:
      -Mày xem bóc tỏi thì bóc, nếu không thì nhặt rau sống thôi. Biết gì mà làm.
      -V…â..n..g !

      Mẹ bảo:
      -Thôi, thôi, cô đi chỗ khác cho khỏi vướng chân
      -V…â..n..g !

      Tự dưng, chỉ luẩn quẩn như một đứa trẻ lên ba…

      Hết việc vặt, hết những việc được phép làm, mình mệt mỏi bò lên tầng ba ngồi cho đỡ buồn. Ở dưới bếp, tiếng mẹ và các gì bảo nhau vẫn còn rõ:

      -Mày cho nó làm làm gì ? Nó con một thì biết làm cái gì mà làm. quét cái nhà còn chẳng sạch nữa là.
      -Thì em có để nó làm đâu. Tôm chị em mình mua trăm nghìn một cân, ai dám đưa cho nó chế biến, nhỡ nhịn đói cả nhà thì sao?
      ….

      Tiếng cười dưới bếp làm mình chán không buồn xuống nhà nữa. Chui vào chăn lắng nghe tiếp. Lạc lõng…

      ….


      Bữa tụ tập nhân dịp dỗ ông cuối cùng cũng xong. Họ hàng nhà chàng thật đông, đặc biệt là đội ngũ tuổi teen. Nhưng khi bữa ăn kết thúc, đứa nào cũng có đủ lý do chính đáng để ra về sớm sủa hoặc để được miễn dọn rửa. Trời mua đông tối sớm. Một cái sân ngổn ngang như chiến trường. 6 mâm bát đĩa đủ loại. Và….1 cô dâu mới về nhà chồng. Nhớ lại khi còn ở nhà, mỗi lần rửa bát, mấy chị em xúm vào, vừa cười đùa vừa chuyện làm công việc mới nhanh làm sao. Giờ…chỉ còn mình mình.

      Nào…vừa hát vừa làm thôi….

      Hát những bài hát đã thuộc.
      ….

      Hát những bài hát hơi hơi thuộc.
      …..

      Chết mất, một mình cô dâu lúi húi ngoài sân, lắng nghe tiếng cười trò chuyện của già trẻ lão ấu trong nhà mà tuổi quá. Hiền ơi, cố lên nào !
      …..

      Hát những bài hát dạo đi mẫu giáo vẫn hát.
      …..

      Hát những bài hát chưa thuộc.
      ….

      Ui cha, sao 6 mâm bát lại nhiều thế này…!
      ….

      Ư ử giai điệu của những bài hát không thuộc tí nào.
      …..

      Cuối cùng,
      Cuộc chiến,
      Cũng,
      Kết thúc.

      Đôi bàn tay
      Chỉ toàn lướt trên bàn phím
      Giờ..
      Tê cứng, …đỏ au,…không co duỗi được.

      Thôi nào, đừng tuổi thân mà khóc ở đây. Có gì thì lao lên phòng đóng cửa sau. Hay hôm nào về kể cho mẹ để mẹ an ủi vỗ về. Thôi nào, lấy chồng thì phải khác chứ, ai hầu mà đòi sướng. Thôi nào, mọi người cười cho đấy. Rồi mai cả làng lại đem chuyện này ra mà cười. Thôi nào,…thôi nào….

      Tự dỗ dành mình
      Vậy mà
      Úp xong đám nồi trong bếp, mình vẫn ứa nước mắt không sao cầm lại được. Những giọt nước mắt vô lý không có tí âm thanh sụt sịt. Nó trào ra, lăn vụng trộm trên mặt, bị gạt vội đi, và …khô dần trong tiếng cười nói của những họ hàng mà mình còn chưa biết hết tên.

    13. #12
      bi04virgo
      Guest

      Mặc định

      Tập 11: Tiền

      Con trai cả lấy vợ, mẹ công bố: “Toàn bộ đồ đạc trong căn phòng này không có trong trí nhớ của chúng tôi đâu nhé !” và chàng hiền lành cười cười: “Mẹ cứ để kệ con!”. Hôm ấy có mặt mình, sang chơi mà, trong lòng hoang mang biết bao nhiêu. Trời ơi, có nên lấy chàng hay không đây ? Mẹ chàng khiếp thế cơ mà ? Còn chàng, cái bến đỗ của tôi đây sao ? Liệu có an toàn cho tôi gửi gắm nốt cuộc đời còn lại của mình không đây ? Chưa biết chừng một ngày nào đó chàng nghe mẹ, dắt mình ra khỏi nhà cũng nên ! …………Nhưng thôi, chắc mẹ chồng tương lại nói vậy thôi chứ trong lòng chẳng ác ý gì. Thôi, bỏ qua và tiếp tục yêu chàng nào !!!

      Vậy là 2 năm yêu nhau, ngoài tình yêu, còn có con lợn đất làm chứng. Cứ hết tháng, mình và chàng lại trích nửa tiền lương bỏ lợn. Đủ để sắm nội thất cho phòng cưới. Vừa mừng, vừa hạnh phúc, nhưng bản thân mình, còn thêm một cảm xúc nữa: tuổi thân! Bố mẹ chồng chẳng cho nổi một cái…..giường.

      Cuộc sống, chẳng bao giờ có tiệt toàn màu hồng. Cũng chẳng bao giờ có tiệt toàn màu đen cả. Nó là sự tổng hoà của loang lổ biết cơ man nhiêu là màu. Có lẽ vì thế mà tình yêu sau ngày vu quy, nó bắt đầu loang lổ.

      Trút bỏ bộ váy cưới đẹp lộng lẫy là chữ ….nghèo. Toàn bộ tiền mừng mẹ cầm cả. Chỉ để cho chàng vỏn vẹn hai triệu. Mẹ cũng chẳng đưa danh sách cho để biết họ hàng hay bạn bè mừng bao nhiêu. Chuyện đương nhiên, sau này còn đi mừng người ta cho phải đạo. Mẹ bảo:”Ai cũng mừng như nhau, danh sách cái gì mà danh sách?”.

      Chẳng còn những buổi rủ nhau đi uống cà phê hay đi ăn ở những quán quen. Dạo đó có lúc sĩ lên mình đòi trả tiền. Oai thật ! Dạo ấy, mình hỏi: “sau này lấy nhau thi thoảng anh có rủ em đi ăn tiệm cho hâm nóng tình yêu không ? ” Chàng gật lấy gật để: “Đương nhiên rồi !” Còn bây giờ, có tiêu pha gì thì là tiền của hai đứa thôi. Quá tay là chết. Bây giờ phải tự nuôi mồm rồi. Còn phải nghĩ đến chuyện ky cóp nữa.

      Lấy nhau về, tay trắng. Chưa kể còn nợ vụ chứng khoán. Hai trái tim đồng tự nhủ: Lập nghiệp thôi. Dành dụm được chút ít đã rồi mới sinh em bé. Không thể sống trong căn nhà tranh được. Cố gắng lên !

      Nhớ hôm lại mặt chàng rủ rê:

      -Đi tuần trăng mật em nhé !

      -Tiền đâu mà đi ?

      -Có hai triệu đây này (chàng vỗ túi đồm độp)

      -Ôi trời, hai triệu thì đi vòng quanh Hồ Tây hả anh ? Hay sang Gia Lâm, thuê cái nhà nghỉ, ở tịt trong đó mấy ngày rồi về ?

      -Ừ , ý của em hay đấy. Để anh tính xem nào, nếu sang Gia Lâm, cả ăn cả ở chắc được …..gần tuần !

      -Cái gì….? (Mình hét lên khi bị chàng bơm vá vào câu châm biếm)

      -Hí……..Hí………..
      -Anh làm thế thật em đập chết, ăn thịt, phần còn lại cho lên nóc tủ, bày hoa quả đấy !

      -Ừ, anh đùa, anh đùa. Nhưng số tiền ít ỏi đó đi chỗ nào tầm như Hà Tây là được mà. Đi 3 ngày thôi.


      -Ừ……….ừ………..mà thôi anh ạ. Mình đang không có tiền, anh còn phải trả nợ nữa. Không đi cũng chẳng sao đâu anh ạ. Có lẽ tiêu tiền mà trong lòng cứ nghĩ đến kiếm tiền cũng không vui đâu. Số tiền đấy anh để trả nợ anh Vân đi. Còn em, tuần này em vẫn chưa hết phép, em sẽ ở nhà với bố mẹ cho thân mật. Cơm nước cho gia đình. Rồi sau này, chúng mình có tiền, chúng mình đi sau.

      -Em việc gì phải thế ?

      -Thôi, em để dành tuần trăng mật đến khi nào chúng mình bớt khó khăn hơn cũng được mà.

      Chàng không nói gì, cũng chằng dỗ dành gì mình nữa. Chàng quay mặt đi, ngồi một xó, cúi mặt xuống , và…………chăm chú chơi điện tử trong điện thoại di động của chàng.

      Mình cũng không nói gì, lặng lẽ ra đứng dựa cửa sổ, trong đầu mênh mang mong đến ngày mà mình bảo chàng là sẽ bớt khó khăn hơn, rồi đôi khi ý nghĩ về những lịch trăng mật của những đứa bạn xen ngang sự mênh mang của mình. Mình ngước nhìn lên chỗ có mây cao nhất, để nhìn, mà……..cũng để nước mắt đang ngấn đầy đỡ trào ra.

      Tháng đầu tiên…

      Đã đến lúc phải đóng tiền ăn cho mẹ chồng rồi. Chẳng biết phải đóng bao nhiêu. Hỏi các chị trong công ty, mỗi bà một ý. Kinh tế mỗi nhà một khác nên cái khoản tế nhị ấy mỗi người một ý riêng thôi. Bọn con gái chưa chồng, đương nhiên nó cũng như mình dạo nọ. Đi làm có bao nhiêu thì đắp vào thân. Biếu bố mẹ đẻ được bao nhiêu thì biếu. Có hỏi chúng nó, chúng nó biết trả lời mình ra sao.

      -Tao bảo này, vợ chồng mày nghèo, lại chỉ ăn có một bữa ở nhà, lại đi làm cả ngày, tối về có tí thì đi ngủ. Tính ra có mấy tiếng ở nhà. Chắc mỗi đứa năm trăm !

      -Mà có khi chúng nó còn chẳng buồn bật đèn ấy chứ, giảm trừ được khoản tiền điện, ba trăm thôi em ạ !

      -Ừ, đứa nào da đen là đều ngại bật đèn cả!

      -Ha….ha….ha……

      Mấy bà chị tệ bạc luôn biến mọi câu chuyện về một vấn đề mà ……tất cả chúng ta đều hiểu. Tự dưng, cả hội đồng cố vấn cười ha hả vì vấn đề không thắp đèn.

      -Thế thắp đèn ngủ thì nộp bao nhiêu các bà ơi? Các bà bậy bạ quá, để cho mấy đứa kia chúng nó còn lấy chồng chứ.

      -Ôi trời, bọn này bây giờ khôn lắm, không tồ như chúng tao ngày xưa đâu

      -Ha…….ha……ha………..

      Sau 2 ngày tham khảo ý kiến bạn bè, cô gì chú bác…

      -Anh đưa tiền cho mẹ nhé !

      -Thôi, em đưa đi

      -Anh buồn cười nhỉ, anh là con trai mẹ cơ mà. Em ngại lắm. Sao việc gì động đến tiền anh đều ủn cho em thế.

      -Em đưa đi. (Chàng kéo dài giọng ra điều khó chịu. Chàng vẫn luôn là thế, cái gì ngại là trốn tiệt. Đồ đểu !)

      Nói rồi chàng biến mất. Chối bỏ trách nhiệm vụ gửi tiền ăn. Chàng vẫn tệ như thế. Từ ngày lấy chàng, chưa thấy chàng che trở gì cho mình cả. Chàng cứ để mặc mình trước mọi cơn gió mới. Những cơn gió mà dù mạnh hay nhẹ cũng khiến mình choạng vạng, lơ quơ không biết bấu víu vào đâu. Vì có cái mái che là chàng thì chạy mất tiêu rồi. Thôi chết, thế nhỡ sau này có bão thì sao? Không lẽ, mình vẫn chỉ có một mình thôi sao?

      Thụt thò mãi ở cửa bếp, chỉ khi mẹ ngước mắc nhìn lên, mình mới dám bước vào. Lạ thật, cái dạo còn gọi bằng bác ấy, sao tự nhiên thế. Đến nhà là Lý Thông cười nói tưng bừng, chuyện trò bả lả nghe chừng vui tươi. Rồi còn vào bếp nấu hộ con bạn cái gì cũng ra dáng nữa chứ. Vậy mà về làm dâu được một thời gian rồi, đứng ở cửa bếp cũng sợ, nhìn thấy mẹ chồng cũng sợ. Căng thẳng vô cùng.

      -Mẹ,

      -Ờ, cô đi lên nhà đi, xuống đây làm gì ?

      -Mẹ ơi, Tháng này vợ chồng con mới cưới, chưa có nhiều. Anh Hậu lại còn lo tiền làm ăn nữa, nên ……….(ngập ngừng không nổi, mình cười trừ). Con biết là bố mẹ vất vả vì chúng con, nên đáng lẽ chúng con phải đóng góp nhiều hơn….

      Mẹ ngửng mặt lên nhìn mình chằm chằm làm mình bối rối. Mẹ lắng nghe xem con bé rườm rà này nói những gì. Mình căng thẳng ! Có lẽ những lần tập thuyết trình cho buổi hội thảo hoặc đứng lớp giảng cho các khoá đào tạo nhân viên mới ở công ty cũng không đến nỗi như thế này. Cơ mà chẳng lẽ tắt đài ngay lúc này à ? Lại tiếp tục lí nhí bài nói dở dang thôi:

      -Nhưng thôi, chắc bây giờ còn thiếu bao nhiêu thì bố mẹ cho bọn con. Rồi sau này…

      -Thôi được rồi, nộp tiền ăn chứ gì ?

      -Dạ………….ơ………….vâng.

      Bài diễn văn còn chưa nói hết. Bao nhiêu sự chuẩn bị còn chưa thể hiện, ấy vậy mà mẹ đã hiểu ý mà cắt ngang sự run rẩy của mình. Sự cắt ngang ấy làm mình im tịt mà còn ngơ ngác. Chẳng biết phải nói tiếp cái gì cho mẹ nghe. Thôi chết, quên sạch những gì mình còn chưa nói, mình ngại ngùng đưa mẹ cuộn tiền gập làm 4 đang dấu trong tay. Mẹ ơi, may mà mẹ hiểu ý !

      ***

      Lần đưa tiền tháng sau…

      Mình đã thành ma cũ. Đỡ lo lắng và trơ hơn nhiều. Nộp cho mẹ gấp rưỡi lần trước, có lẽ vì thế mà tự tin lên không ? Chẳng có bài diễn văn nào cả, ngắn gọn mà sao tình cảm ơi là tình cảm:

      -Mẹ ,mẹ ….

      -Gì thế ?

      -Tiền về …….tiền về…mẹ ơi !

      -Ừ ừ, tiền về ….tiền về . May quá, dạo này tao thua hết cả tiền. Thế này là được rồi !

      Mình hả hê sau khi chuyển khoản cho mẹ đúng lúc. Mẹ thì vẫn vui như mọi khi. Cuộc sống mà, rồi sẽ thích ứng hết thôi.

    14. #13
      bi04virgo
      Guest

      Mặc định

      Tập 12: Tịt

      Hai tháng sau… Mẹ chạy huỳnh huỵch lên gác 3 đầy giận dữ:

      -Cái vỏ bao bì băng vệ sinh trong thùng rác là của mày à?

      -Ơ….dạ….vâ…n..g ! Nhưng nó chỉ là cái vỏ túi thôi ạ ? (Mình lo sợ và ngơ ngác trả lời mẹ)

      -Tao không nói chuyện ấy, tức là mày vẫn chưa có gì hả?



      -Tao lại cứ tưởng mày …Ôi giời ơi !

      Đoạn thở dài ngao ngán, mẹ không dấu nối nỗi thất vọng và giận dữ trong ánh mắt nhìn mình. Còn cô dâu bé nhỏ, vừa sợ lại vừa lo!

      Mẹ cũng như bao bà mẹ thương con khác, mong có cháu cho vui cửa vui nhà. Các bà cùng hội “hai số cuối” của mẹ bà nào cũng có cháu hết rồi. Chỉ có mẹ là vất vả nuôi các con ăn học, rồi đến năm 32 tuổi, anh con trưởng mới nhấp nhểnh đi lấy vợ. Mẹ không mong sao được. Tối nào cũng vậy, vào lúc tiếng nhạc “sổ số ca” trên ti vi rộn rã, là các bà bế các cháu tụ tập. Có cô bé Chích Bông mới hai tuổi đầu, đã biết hét lên: “kết ….kết…” và chập chững đi tìm sổ cho bà chép kết quả. Còn những đứa khác thì nhảy tưng tưng theo nhạc. Mẹ ngồi đó, chỉ có một mình, nách không mang theo cháu nào cả. Chắc mẹ cũng buồn.


      Dự định tích cóp đã rồi mới sinh em bé bị dập tắt thẳng thừng khi có một hôm mình đi làm về sớm la cà buôn chuyện ở bờ giếng làng. Mọi người cứ hỏi chuyện, rồi có người nhìn mình với ánh mắt thương cảm, có người lại còn vỗ vai an ủi. Chả hiểu ra làm sao cả. Cuối cùng, sau tiếng đồng hồ đấu tranh khai thác, mình cũng hiểu nguyên nhân.

      -Này, em nói nhỏ..

      -Hả …hả….cái gì mà bí mật thế

      Mình hí hửng lắm, cô em họ chồng tỏ ra thân thiện bá vai bá cổ mình chuẩn bị lộ bí mật gì đây. Chuyện bí mật, nói thật, phụ nữ nào cũng muốn nghe. Một trăm người phụ nữ, thì có đến một trăm lẻ một người thích thầm thì. Nhưng…mấy ai giữ được bí mật.

      -Mấy hôm trước ấy, mẹ chị ngồi đây nói chuyện này…

      -Ừ….ừ…

      -Mẹ chị kể với các bà ở đây về chị nhiều lắm. **** cười, bà còn bảo là chị bị tịt đấy ….ha….ha…

      Ơ hay, sao lại thế ?

      Mình không thốt ra câu ấy, nhưng trong lòng bỗng chột dạ thốt lên câu ấy. Cái mặt hứng khởi đón chờ câu chuyện bị tưng hửng trong nháy mắt. Trong tiếng cười ha…ha ấy, mình biết, cô em họ chỉ buồn cười các cụ già thôi. Nhưng…

      tự dưng…

      mình….

      thấy bị tổn thương.

      Mẹ vẫn vậy, ừ, ai chẳng vậy. Nhưng sao mẹ nỡ nói mình thế chứ. Bản thân mình còn không biết mình có tịt hay không mà.

      ***

      -Ha…ha….ha…

      -Sao anh lại cười? nh càng cười, em càng buồn lắm.

      -Trời ạ, em cứ như cây xấu hổ ấy. Đúng là ….


      Nói rồi chàng dí vào trán mình cái ngón trỏ đáng ghét. Gạt tay chàng ra, mình chẳng buồn kể chuyện cho chàng nữa. Kể chuyện cho chàng nghe mà chàng làm như mình kể chuyện cười ấy. Chàng không bênh mình gì cả.

      -Anh biết tình hình chúng mình rồi đấy. Không lẽ mẹ nói vậy mà anh lại chế giễu em à?

      -Úi giời, Hiền tịt, ha….ha…..Hiền tịt !!!

      -Im đi, đồ tồi. Có anh tịt thì có. Trông cứ như con cò hương thế kia, tịt là cái chắc.

      -Này, quên đi nhé, đây là nhà vô địch !

      Nói rồi chàng gồng đôi bắp tay như cái cẳng cò lên mà gồng. Cái mặt cười toe toét để lộ hàm răng khấp kha khấp khểnh. Càng nhìn càng bực.

      -Này anh, gồng vừa thôi kẻo đứt gân, lăn đùng ra đấy thì chết đấy. Mai cả làng Đông này lại kháo nhau là Hậu vừa tịt vừa bị đứt gân bắp tay. Thật tội.

      Chàng không ra vẻ nhà vô địch nữa, lẳng lặng lao ra giá sách, cầm lấy vỉ thuốc của mình, ném vào sọt rác.

      -Thôi, anh quyết định rồi, chúng mình sẽ sinh em bé.

      -Anh có nuôi nổi em không? Lương em thấp lắp đấy

      -Nuôi được.

      -Anh có dỗ được con mỗi khi nó khóc đêm không ?

      -Ngon lành !

      -Anh có biết sinh em bé phải chuẩn bị cẩn thận lắm không ?

      -Kệ, đến đâu tính đến đó.

      -Anh có sợ em đẻ con gái không ? Mà không khéo em đẻ con gái, mẹ lại lấy lá chuối lót tay đuổi em đi cũng nên.

      -Con nào cũng được.

      -Điêu

      -Hề….hề………..


      Thế là chàng vứt hẳn vỉ thuốc của mình đi rồi. Phí thật, mới uống có 10 ngày. Chàng bậy bạ thật !

    15. #14
      bi04virgo
      Guest

      Mặc định

      Tập 13: Hậu chiến

      Ngày ác mộng cuối cùng cũng qua đi. Nặng nề và thất vọng nhiều như cơn mưa trái mùa của buổi sáng hôm sau. Mưa tầm tã, mưa nặng hạt. Mình không đi làm nữa, hai cái mắt sưng húp làm mình ngại xuất hiện trước mọi người. Lại trăm nghìn câu hỏi của đồng nghiệp, của người đi đường và của bạn bè quan tâm. Nhưng mình sợ hãi nếu phải ở nhà, mình cảm thấy lạnh đến tận xương sống khi chàng đi mình còn lại một mình. Rồi đến bữa cơm, sẽ phải làm sao ? Nhịn thì mình không nhịn được rồi, còn ăn ? Tất nhiên không thể nuốt trôi.

      Vẫn sắp đồ ra xe, lặng lẽ, mẹ chạy theo mình nói nhỏ:

      -Này, mày đi thì mày cứ đi, đừng có chào ông ấy đấy nhé. Ra ngõ cũng không được chào ai hết. Nghe rõ chưa.

      Mình im lặng, không phải vì láo, mà là không biết vâng hay phản đối. Bố mẹ dạy nhưng sao lại quái đản thế. Chẳng biết có nên nghe hay không? Sắp xong đồ, mình vẫn quyết định chào bố mẹ thật to rồi đi. Thôi kệ, cứ coi như mình cãi lại mẹ vậy. Không khí u ám lặng im sẵn từ buổi sáng bỗng sống động hẳn. Bố đóng cửa phòng đến rầm, mẹ nhìn theo khó chịu. Kệ, dù sao mình vẫn cứ chào. Tí nữa, ra ngõ, mình chào cả làng, để xem bố mẹ sống được với mình bao lâu. Đang sẵn chán đời đây, giờ thế nào cũng được.



      -Mẹ ơi! Đó là tất cả câu chuyện hôm qua đấy. Lúc ở trên trần phơi quần áo, con chỉ muốn chạy ngay về đây thôi. Con muốn đi ngay lập tức, bỏ hết, không mang theo gì cũng được. Con gọi mẹ nhiều lắm chẳng biết mẹ có cảm thấy gì không?

      -Ừ, mẹ cũng không ngờ con lại ra nông nỗi ấy. Sao ông bà ấy lại ghế thế nhỉ? Lúc sang xin cưới, bảo với mẹ là thương con nhất, quý con nhất là gì. Lần nào sang chơi, cũng bảo gia đình lao động nên quý con người lắm cơ mà. Vậy mà như thế sao? Mẹ không ngờ đấy. Lúc ấy con không về đây? Khổ thân con gái của mẹ.

      Mẹ ôm lấy mình đầy xót xa. Cái mặt mẹ vốn đã khổ khổ nay trông càng tội. Mẹ xoa đầu mình trong lòng như lúc mình còn bé. Ôi, ở đây mới bình yên làm sao.

      -Vâng, mẹ biết không, ngay lúc con đứng giậy để đi, tự dưng con chợt nghĩ: con được cưới xin đàng hoàng, có 7 cái xích lô lọng vàng đón rước. Ngày cưới, họ hàng hai bên phát biểu đủ thứ, vậy mà con lại ra đi trong đêm tối lặng lẽ thế này sao? Đi thì dễ, nhưng trở về mới khó. Liệu đến khi anh Hậu sang đón con về, xin lỗi đủ điều, thì bố mẹ chồng con có quên được ngày con bỏ đi hay không ? Người ta bảo phải tu 10 kiếp, đến kiếp thứ 10 mới được duyên vợ chồng với nhau, con cũng đâu nỡ bỏ lại anh Hậu, để rồi gặp lại nhau biết nói gì cho đỡ sượng sùng? Nên con chỉ biết ôm mặt khóc mà ở lại thôi mẹ ạ.

      Mình vừa xình xịch khóc vừa kể cho mẹ nghe cơn ác mộng đó. Bản năng vô thức, dắt xe ra ngõ tự cái tay chỉnh lối để về với đấng sinh thành. Ùa vào lòng mẹ rồi khóc. Mẹ cũng xót xa, từng nếp nhăn nặng trĩu lại. Mẹ cho rằng đó là lỗi của mẹ, vì chính mẹ ra sức miệt thị tất cả các chàng trai khác mà dỗ mình lấy cái ao bèo.

      -Ừ, con nghĩ được thế thì mẹ yên tâm rồi. Thôi, nín đi. Trưa nay ăn cơm với mẹ nhé. Thích ăn gì mẹ nấu ? Canh cua nhé !

      Gạt nước mắt, mình cười méo mó trong lòng mẹ. Trời ơi, sao nó ấm đến lạ kỳ. Chẳng bù đêm qua lạnh quá.



      Buổi chiều, mình đi làm như bình thường. Vết thương của con voi còi đã lành lại sau nhiều chắp vá của sự an ủi. Tính mình hay quên, mải lao vào công việc và những tán láo của đồng nghiệp lại làm mình lấy lại cân bằng nhanh chóng. Mình chỉ sợ 5h chiều thôi. Sợ về lại cánh cổng xanh ấy.



      -Sao hôm nay em đi làm về muộn thế ?

      -Vâng, em nhiều việc, làm nốt mới được về. Bản thiết kế cần đến 4 phương án.

      -Có thật không ? (Chàng nhìn mình tinh quái)

      -Thật !

      -Anh không tin, anh biết em mà.

      -Mà ừ thế đấy, (mình đổi giọng bất bình), anh biết nguyên nhân mà còn hỏi à. Mọi chuyện là từ anh cả đấy.

      -Sao lại là anh ? (Chàng mở to mắt ra vẻ ngây ngô)

      -Anh nỡ để em một mình ở phòng khách. Trời đánh còn tránh miếng ăn. Thế mà em không có một ai che trở. Em về đây, chỉ có anh là người thân duy nhất. Em bơ vơ trơ trọi khi anh làm bạn với ti vi và cốc sữa chua. Anh có cần phải đối xử với em thế không ?

      -À, ùi, (chàng xuề xòa) em chấp nhặt lâu thế. Em bảo anh biết bênh em thế nào ? Càng làm căng thẳng trong nhà ra thôi.

      -Em không bảo bênh em. Em cũng sợ anh phải đứng giữa bố mẹ với em. Và em không có ý định ấy. Nhưng ít nhất anh cũng phải giải thoát cho em chứ ?

      -Giải thoát ?

      -Vâng, em chỉ cần anh ra vẻ cáu lắm, bực lắm. Anh xông vào mắng em. Rồi quay ra bảo bố mẹ cứ bình tĩnh, đừng bận tâm mà hại sức khỏe, để con giạy vợ con. Rồi anh lôi xềnh xệch em lên phòng ra vẻ như sắp đánh em đến nơi ấy. Đóng cửa phòng lại, em thì được giải thoát, còn bố mẹ thì được hả hê. Có phải hơn không ?

      -Ui giời, ai mà nghĩ được như em ?

      Chàng chỉ cười rồi lôi điện thoại ra chơi điện tử. Hình như chàng không tiếp thu ý tưởng mới của mình. Bao giờ hãng NOKIA mở giải thưởng cho những người đàn ông nào dành cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp game mobile thì chắc chàng được cúp vàng danh dự ngay lập tức. Bực lắm, mình mở máy tính đọc tin tức rồi làm nốt công việc dở dang ở công ty. Hôm nay mình lại làm việc khuya. Kệ cho chàng cười, mình sẽ trả thù.



      -Hiền ơi !

      Tiếng hét ở nhà tắm thất thanh làm mình mắt nhắm mắt mở lồm cồm bò giậy. Hôm qua, mình 2h sáng mới đi ngủ. Còn chàng, cái ao bèo vô tâm, con người đáng bị trả thù và trừng phạt, chàng đang kinh hãi trước gương với bộ râu mèo bằng bút bi được vẽ cẩn thận khắp má và mũi. Kỳ cọ mãi không hết, chỉ mờ.

      Kệ chàng, để sàn chứng khoán hôm nay thiên hạ được biết thế nào là sự trừng phạt của Hiền !

    16. #15
      bi04virgo
      Guest

      Mặc định

      Tập 14 & 15 : Mẹ

      Không biết mọi đứa con trên đời có ai giống mình không, chứ mình từ bé đã thích ngửi mùi mồ hôi của mẹ. Mỗi lần ngủ, gối tay mẹ, hay rúc nách mẹ, cứ hít hít ngửi ngửi, rồi cười tít mắt.

      Đời mẹ vất vả, chưa khi nào, chưa lần nào thấy mẹ được bình yên.

      Cô gái quê lớn lên ở cái vùng thuần chất cấy lúa một nắng hai sương. Năm anh chị em, mẹ không phải là lớn nhất, nhưng lại chăm chỉ nhất. Bế em chẹo cả xương hông, đi cấy lúa đỉa cắn đầy hai bên bắp, mang cơm cho bố ngoài đầu làng, cũng phải cầm kéo học nghề cắt tóc. Chẳng có gì là không làm. Nhưng mẹ vẫn xinh lắm lắm. Dì kể:

      -Mẹ mày chắt bóp từ trong máu. Cóp tiền mua được con con, nuôi được cho nó lớn thì bố và anh trai mang ra thịt. Mẹ mày khóc. Cả nhà bảo: cũng ăn mà, khóc cái gì ? Thế là mẹ nhịn. Bà ngoại mua cho ba chị em gái ba tấm mía, hai dì ăn hết, mình mẹ mày dành dụm cất đi. Mấy ngày sau mía mọc mầm, không ăn được nữa, mẹ mày nhịn. Đi bộ đội, đến khi được nghỉ phép, về đến đầu huyện, đứng khóc vì không biết đường về nhà. Cả đời chỉ quanh quẩn trong cái làng bé con con bên bờ sông nước đục, một năm chỉ một vài lần được lên xã, nên cổ lỗ sĩ vô cùng.

      Rồi mẹ chuyển ngành, đi học trung cấp Thương Nghiệp để ra làm thủ kho cho công ty Bách Hoá Hà Nội. Còn các dì chẳng phải đi bộ đội, chẳng phải hô hào vì nhân dân quên mình, chẳng phải phấn đấu để được nhiều bằng khen, nhưng bà nào cũng làm một chân to trong toà án và sư phạm. Khi các dì mỗi người có hai cái nhà. Mẹ vẫn chui ra chui vào cái nhà lợp giấy dầu. Âu cũng là cái số. Ai bảo vì nhân dân quên mình !

      Mẹ gặp bố, đồng ý lấy bố với tình thương nhiều hơn là tình yêu. Vì bố ốm yếu, đi khập khiễng và là đứa con bị kỳ thị trong gia đình. Lúc ấy, mẹ đã ba mươi hai tuổi. Nhưng nhìn mẹ, ai cũng tưởng mẹ chỉ mới hai nhăm. Mẹ trẻ và xinh đẹp.

      Ngày nhà trai từ Hà Nội về quê xin cưới, các bá quan văn võ thi nhau thách cưới. Ở quê là thế, nhất là mẹ lại lấy được một …….anh Hà Nội, con ông to.

      - Một trăm thúng bánh nướng, một trăm thúng bánh dẻo, mười cân chè ngon…
      - Thôi, nhà bác không phải kể ra nữa đâu. Nhà chúng em cũng chỉ là bộ đội, không có nhiều thế đâu. Chỉ có cân chè Thái Nguyên với tút thuốc Điện Biên thôi, bác nhất trí thì để hôm tới ăn hỏi em cho cháu mang tới.

      Nói rồi bà nội đứng dậy xin phép ra về. Lúc ấy, ông nội mình là vụ trưởng vụ 1 bộ Công Nghiệp Nhẹ. Bà ngoại thì hiền lành, các quân sư nói sao thì gật đầu vậy. Chồng mất rồi, hai anh con trai lớn thì đi bộ đội. Gả chồng cho cô con gái đầu tiên chẳng biết đâu mà lần. Nhưng nghe thấy bà nội mình nói thế cũng biết tự ái. Tự ái giấu trong lòng thôi.

      Mẹ cuối tuần về làng, nghe tin thì uất quá, lên ngay Hà Nội để tìm cho được con người nhu nhược ấy, con người phụ bạc ấy. Nhưng rồi ông bà nội lại dỗ dành. Và loanh quanh vẫn dẫm phải …bố. Y như mình, loanh quanh thế nào vẫn dẫm phải người vô tâm như…chàng.

      Sinh mình ra trong cơn đẻ khó. Đau ba ngày mà không đẻ được. Đến khi nhảy ổ, bố biết tin mẹ xong rồi thì chạy tít về nhà báo tin, bỏ mặc mẹ vừa đau vừa đói, vừa lẻ loi trong bệnh viện. Ông bà nội thấy bảo đẻ con gái, giống ông nội như đúc mừng lắm, ăn cơm xong bảo nhau mai vào thăm. Chỉ có mỗi ông cậu của bố ở quê lên chơi, vội vàng đạp xe mấy cây số tìm mua cho mẹ bát phở. Mẹ kể: “mẹ mang ơn cậu ấy suốt đời, chẳng bao giờ quên.”



      Hết cấp một, mình kể với mẹ:
      - các bạn cùng lớp cứ trêu quần áo con mặc. Con chẳng mặc quần áo mẹ khâu nữa đâu. Mẹ mua cho con bộ quần áo mới đi.

      Mẹ cười hiền từ nhìn mình thì thầm:

      - Con chịu khó mặc lại quần áo của các cô các chú, mẹ sẽ khâu đẹp hơn. Bao giờ con lớn, mẹ sẽ cho con ăn diện nhất cái khu tập thể này .

      Nói rồi mẹ lại ngồi chăm chú khâu cho mình cái váy đồng phục.

      Ngày khai trường, cả trường mặc đồng phục áo trắng váy xanh đẹp ơi là đẹp. Chỉ có riêng mình mặc cái áo trắng cháo lòng và váy xanh màu bộ đội. Cô giáo nói:

      - Em không đóng tiền mua đồng phục à ? Vậy đứng cuối hàng nhé, kẻo lớp mất điểm thi đua.

      Về nhà nước mắt ngắn nước mắt dài, chỉ có mẹ là hiểu. Mẹ mua đền bù cho con gái miếng đu đủ. Mẹ bảo:

      - Bữa nào thấy có miếng vải nào giống của các bạn, mẹ lại khâu cho con cái váy khác. Còn áo trắng, các con hay nghịch bẩn, đằng nào chẳng giống nhau.



      Năm mình học cuối cấp hai, mẹ về hưu non. Bố về mất sức. Chẳng còn biết sống kiểu gì. Bố không có ý định đi tìm việc làm. Bỏ mặc thùng gạo bao giờ vơi bao giờ đầy. Giấu tạm nỗi quyến luyến, mẹ lên Mộc Châu đi làm giúp việc cho anh trai cả. Ba năm sau mới về. Những năm tháng ấy, mình sắp thành một cô gái. Không còn chơi trò may quần áo cho búp bê nữa mà bắt đầu biết soi gương để tết hai bím tóc thật gọn gàng. Những biến đổi đầu tiên trong đời khiến mình hốt hoảng. Từ một hình chữ nhật trở thành hình cái lọ hoa, từ một nhúm cau trở thành cỡ bự, từ một …..trở thành….., từ một…..trở thành...

      Học sinh ngày ấy tồ lắm. Mình mất chiếc dép do đi lội Hồ Tây còn đứng khóc cơ mà. Mình chưa nghĩ ra những bữa cơm no bụng hai bố con là tiền của mẹ. Mình chỉ biết không có mẹ ở bên, mà cũng không có ai đáng tin tưởng để mà hỏi: “Tại sao con thế này ?”
      Mình chỉ biết nhìn trộm bạn gái cùng lớp để bắt chước. Trong lòng tự dưng lại giận mẹ đến vô cùng. Những bức thư mình viết cho mẹ, ngày càng giận dỗi. Mình hét lên trong thư: “Mẹ bỏ rơi con, con ghét mẹ”.

      Cho đến khi mình cũng có một em bé của riêng mình, bỗng nhớ lại ngày ấy, chợt giật mình, không biết lúc ấy nước mắt mẹ nhiều đến ngần nào.

      Hai năm sau, đúng ngày mùng một tháng mười một, đi học về đã thấy mẹ nằm ở giường, mình mừng rỡ chạy tới ôm lấy cổ mẹ. Thời gian xa cách quá nên không còn chỗ cho tự ái mà chỉ còn chỗ cho nhớ nhung.

      - Mẹ, mẹ về! Mẹ ơi, mẹ về từ lúc nào thế ? Sao mẹ biết hôm nay mà về. Mẹ ơi, mẹ say xe à? sao lại nằm mệt mỏi thế ?

      - Hôm nay á ? - Mẹ lơ đãng hỏi lại - Hôm nay là ngày gì ?

      - Hôm nay là sinh nhật nó - Bố gắt –

      - Mẹ, thế không phải hôm nay mẹ về vì sinh nhật bước sang tuổi mười tám của con ư ? Mẹ, mẹ nỡ quên sinh nhật của con ?

      - Ừ, mẹ quên mất. - mẹ mệt mỏi trả lời rồi nằm quay mặt vào trong tường.

      Trời ơi, sự rạng rỡ, ánh mặt trời chói lọi trong cái tiềm thức của một đứa con thiếu mẹ như bị vụn vỡ. Mình bước thụt lùi lại khỏi cái giường rồi ngồi thụp xuống đất. Người dừ dẫn không muốn bước. Cái cảm giác bị ẩn lại phía sau để trước mặt là tấm lưng của mẹ làm mình như rơi xuống một cái hố. Hố sâu đen ngòm toàn những mảnh sắc nhọn biết cứa đau. Mình thất vọng, cái thất vọng đổ xuống đè nát tất cả. Đè nát cả nỗi nhớ nhung mong ngóng mẹ trở về.

      - Mẹ……….thế thì mẹ về làm gì ? Mẹ có nhiều con để mà nhớ đâu. Không có mẹ con vẫn sống được mà. Không có mẹ, có lẽ đời con cũng khác rồi. Mẹ nghỉ ngơi rồi đi lúc nào cũng được. Mẹ đi đi. Cũng chẳng phải mẹ có nhớ sinh nhật con hay không, con chẳng cần. Nhưng con nghĩ, chẳng có người mẹ nào lại quên ngày mình đau đẻ. Có con bất hạnh nên con có thôi. Gần ba năm mẹ đi, con chỉ có gửi thư đi mà chẳng có lấy một dòng nào trở lại. Con vẫn bền bỉ viết mà mong ngày hôm nay. Quần áo con rách, chẳng có tiền mua, tự cắt lại đồ của các cô các chú để may đồ cho mình. Đi học mà như con hề ấy. Thế mà…

      - Con kia, mày im đi.

      Bố gào lên cáu giận. Hình như bố sắp đập vỡ một cái gì. Bố không cần phải đập, ở đây, trong tim này cũng đã vỡ rồi. Nước mắt mình không còn ri rỉ trên bờ má gầy gò nữa. Nước mắt trào rộng, nhoè nhoẹt trong tiếng nấc, mình oà khóc như một đứa chỉ mới 2 tuổi. Mình nhìn bố đầy trách móc, lao về phòng, đóng cửa đánh rầm. Và không còn muốn ai đến sinh nhật chào đón tuổi mười tám nữa. Mình căm ghét tất cả những thứ thuộc về mình.

      Mẹ lặng im, không nói. Cái khoảng không mẹ dành hết cho những giận dữ của mình. Nước mắt mình rơi, còn mẹ, mẹ quay mặt vào tường như thể ngủ. Nước mắt mẹ lặn trong lòng. Cô bé mới lớn làm sao hiểu nổi.

      Ngày ấy, mình không biết rằng sau ba năm mẹ giúp đỡ hết lòng cho hai bác, đến khi mẹ bị tiểu đường, mọi sức lực mất hết, người chỉ như một cây rơm, bác dâu đưa cho mẹ mấy trăm nghìn và bảo mẹ về lại Hà Nội. Mẹ trở về như một….cái vỏ chanh.



      Học hết lớp 12, bố mẹ ngẩng cao đầu với tất cả vì mình tốt nghiệp còn thiếu 1 điểm nữa thì được bằng giỏi. Những ngày tháng ôn thi đại học như những con thiêu thân tìm đường đến với cái đèn chụp muỗi. Mệt mỏi, căng thẳng và lo lắng. Lớp ôn thi đại học xô bồ và ngổn ngang đủ mọi tầng lớp. Học 4h chiều mà phải mang quyển vở đến xí chỗ từ 9h sáng. Đấy là học ở trung tâm Cửa Bắc. Còn ở trung tâm của trường đại học Sư Phạm thì ca này nối tiếp ca kia, chen nhau bẹp ruột. Nhưng nào ngờ, niềm tự hào của bố mẹ bị rơi xuống cái hang không đáy khi nghe tin mình trượt đại học. Mình cũng ngỡ ngàng không kém. Xót xa, rụng rời. Chẳng hiểu vì sao mình trượt.

      Những năm 89 – 99 là những năm thì tuyển sinh đại học tiêu cực nhất trần đời, phải đến 3 năm sau, báo đài mới nói nhiều. Nhìn lại mà xót xa nền giáo dục nước nhà.

      Mẹ đi bán hàng ngoài hồ, bố ở nhà đập phá, chửi rủa. Bố bảo mình trượt đại học là bôi tro chát trấu vào mặt bố. Bố bảo mình là đồ ăn hại, chỉ ăn với chơi là giỏi thôi. Mình lặng lẽ đi quạt lò nấu cơm, nhưng khổ, lò mãi không bén lửa. Khói tùm lum. Bố điên tiết xông tới cầm cái chậu nhôm phang vào mặt con gái. Rồi đấm đá cho bõ ghét. Mình sợ hãi, chạy khỏi căn nhà. Chạy mãi, chạy mãi, ra đến chợ Bưởi, và…ngơ ngác không biết đi đâu về đâu.

      Hai hôm sau, mình gọi về cho mẹ, mình khóc vì cả nhà chẳng thấy ai đi tìm. Mẹ giọng thẳng băng: “Con đi chán thì liệu mà về nhé! Mẹ không đồng ý con đi như thế đâu” làm mình giận mẹ lắm. Mình đâu biết rằng bố nói dối mẹ, bố bảo nó bỏ sang nhà cái Lý chơi, giờ này vẫn chưa chịu về. Chắc mẹ cũng giận mình. Gì chứ mẹ nghiêm khắc lắm. Mà cũng may có cô bạn cho ở nhờ mấy hôm, không thì biết bấu víu vào đâu.



      Cuối cùng, mình cũng đỗ đại học, có việc làm và đi lấy chồng. Mẹ lặng lẽ làm tất cả mọi thứ cho con đường mình đi được thuận buồm xuôi gió hơn. Mẹ vẫn ngồi khâu cho mình cái nút áo bị đứt, vẫn dặn mình về nhà chồng phải ra làm sao cho bố mẹ khỏi bận lòng. Hai tháng bỏ nhà theo chàng làm dâu làng Đông, là hai tháng mẹ sắp cơm vẫn lấy đủ 3 cái bát. Gạo vẫn đong hai bò rưỡi. Ngày thứ bảy chưa về thăm mẹ, sáng chủ nhật sang đã thấy mẹ tủi thân rơm rớm nước mắt rồi. Mẹ bảo: “cả ngày hôm qua không làm gì cả, cứ ngồi ngóng tiếng xe của chúng mày.”

      Mẹ ơi, biết đến bao giờ con mới trả hết được ơn sinh thành...

    17. #16
      bi04virgo
      Guest

      Mặc định

      16. Xuống đáy biển sẽ mò thấy ngọc trai

      Các cụ vẫn có câu: "lên voi xuống chó", nhưng chưa lần nào được "lên voi" thì mình đã phải "xuống chó rồi". Nói vậy có khi là bạc miệng, nặng lời quá với cuộc sống mà người ngoài nhiều khi nhìn vào và nói: "còn tốt chán!", song đúng là có những giai đoạn mình cảm thấy bí bách đến vô cùng. Chán ngán chỉ muốn nằm xuống, mặc kệ tất cả để buông xuôi.

      Lấy chàng, tình yêu trong sáng bắt đầu được dán đè lên bởi những hóa đơn thanh toán, bởi những hớt hải lo đóng tiền ăn cho kịp dù chưa được lĩnh lương hay khoản nào đó hay ho. Lấy mình, chàng bắt đầu nghỉ việc ở Xuất nhập khẩu Đà Nẵng. Chàng tự ái sếp thì phải. Đàn ông hay thật, tinh thần bất khuất tự cường muôn năm. Tinh thần ấy thường được lên cao khi không nhìn thấy mấy cái nồi trong bếp của vợ. Chàng bắt đầu cà phê sáng với bạn bè và tham dự cơn lốc của chứng khoán trong những ngày lúc nào ti vi cũng cảnh báo là "bong bóng" sắp vỡ. Còn mình tối đến là ngồi ngẩn ngơ xem còn bao tiền trong nhà và phải chi tiêu những khoản gì đây.

      - Em chẳng biết cái gì cả. Bây giờ à, ngoài sàn đến cả bà đi bán rau cũng nghỉ buổi chợ để tham gia cơ mà. Các bà ấy không biết khai gì trên tờ lệnh, phải nhờ người viết hộ mà vẫn xây được nhà to đấy.

      - Em chả biết, nửa năm trước em có chơi chung với cái Thạch. Từ 20 triệu chẳng hiểu làm sao em chỉ còn 6 triệu. Ngẩn ngơ cả người! biết thế đắp vào người cho nó bổ béo. Em hết yêu chứng khoán rồi.

      - Tại em nên mới thế chứ. Lại tin bạn nữa. Riêng anh á, chỉ trong một tháng thôi anh sẽ sắm cho em xe tay ga là ít. Miễn là giờ em đưa thêm tiền đây cho anh. Tầm này mới trúng này.

      - Chả cần. Em còn phải sinh con, còn phải có tiền dự phòng trong nhà. Công việc của em biết đến bao giờ mới được tăng lương nên chả có khoản nào nữa đâu.

      Thế rồi ngày nào chàng cũng đi đi về về như thế. Nịnh nọt để xem mình còn khoản tiền nào thì lòi ra cho chàng. Chứng khoán tự dưng như một mẻ bạc lớn, mẻ bạc mà cả làng Đông hai số cuối không phải ai cũng chơi.

      Cái ví cứ mỏng dẹp cho dù mới mười ngày kể từ ngày lĩnh lương, và rỗng tuếch khi nửa tháng đã qua. Nói với chàng, nhưng tai chàng ở cao quá không nghe thấy. Nói với ai bây giờ. Một buổi tối mẹ chàng lên phòng mình, mẹ biết chàng không có nhà. Mẹ mệt mỏi, nằm kềnh lên giường thở dài:

      - Hừm, tháng này có vẻ chậm lượng quá nhể?

      - À ... à vâng. Sáng mai con đi làm, chiều con mang tiền về gửi mẹ, mẹ nhé. Con cũng chưa lĩnh lương đâu, nhưng chắc con xin tạm ứng trước được.

      - Ừ thì tôi có hỏi gì đến tiền ăn đâu. Chỉ hỏi chơi thế thôi. Dạo này tôi cũng thua kinh quá. Có mấy con le le đuổi mãi không về. Bây giờ mà bỏ thì mất hết, phải nuôi tiếp thôi. Cùng lắm hai ngày nữa là nó về. Tôi tính chán rồi, chẳng có con nào mà câm đến sáu ngày đâu.

      Mình dạ mẹ mà lòng nặng trĩu. Mình chỉ biết còn mỗi một chỗ để đi, mặt mo cũng phải đi.

      Tút... tút...

      - Alô! Mẹ à!

      - Mẹ ơi, con ngại quá nhưng vẫn phải hỏi mẹ.

      - Mẹ cho con vay tạm 2 triệu để đóng tiền ăn, mẹ nhé. Con cảm ơn mẹ.
      Nuôi cho lớn, cho ăn học, chẳng cho được đồng nào, giờ có con gái còn quay về vay tiền để đóng tiền ăn nuôi chồng nữa. Mẹ không than thở một lời nào, chỉ lặng lẽ rút hết những đồng tiền tiết kiệm phòng khi vào viện cho con gái. Thương mẹ rồi cũng thương thân mình biết bao nhiêu.

      ...

      Mình bắt đầu phải làm thêm cho một công ty nữa. Học hỏi nhiều thứ hơn để cả hai bên công ty đều hoàn thành tốt công việc. Có khi chỉ vì đọc một cuốn sách cũng mất luôn mấy đêm để kịp buổi hội thảo. Chàng càu nhàu vì ánh đèn làm chàng khó ngủ, còn mẹ cho rằng con dâu hưu, đi tối đi ngày.

      Công ty tổ chức triển lãm. Chẳng có ai được phép chỉ tay năm ngón, dù đó là người chịu trách nhiệm quản lý. Hôm sau khai mạc mà hôm nay vẫn bộn bề quá, leo trèo, bê vác... Mình cũng lao vào làm nốt cho nhanh để còn kịp về trước. 11 giờ đêm. Cái tối lạnh lẽo hắt vào mặt cơn mưa bụi khốn khổ. Mình rón rén mở cổng bước vào nhà. Mẹ đứng trong phòng nhìn mình qua khe cửa, chống hai tay vào mạn sườn, thở dài ngao ngán. Mẹ lắc đầu rồi đi ngủ tiếp. Chẳng biết mẹ có bao giờ tự đặt ra câu hỏi: "Vì sao con trai mình nằm khểnh chân xem bóng đá trong khi con kia giờ này mới về?", cho mình được hai chữ công bằng.

      Công việc căng như dây đàn, lúc nào cũng ngổn ngang vội vã. Mình phải có một quyển sổ to để kê ra từ đầu giờ sáng hoặc từ hôm trước xem hôm nay có những việc gì kẻo quên mất. Cái đầu nhức như say xe, cổ họng khô cứng, nôn nao, bước xuống cầu thang mệt lử. Bà chị ở cơ quan bảo:

      - Hay là mày có bầu?

      - Đâu mà, chắc tại em mệt thôi.

      - Thử đi. Bây giờ hiện đại tiên tiến, tội gì mà không áp dụng. Mày cứ vô tâm thế bảo sao trông xấu. Cả đời chả thấy son phấn bao giờ.

      - Vâng, thế để mai em đi khám. Chắc đi khám sẽ xinh hơn đấy chị nhể.
      Nói rồi cả hai chị em cùng cười. Nụ cười tươi méo xẹo của mình lo lắng một hi vọng.

      Hai tuần sau.

      Một buổi sáng, bước xuống cầu thang đi làm, mọi thứ mờ mịt trong những đường bay của con đom đóm. Đầu nhức như búa bổ. Sém tí nữa mình trồng cây chuối trên cầu thang. May cái lan can giúp đỡ, mình chỉ xây xước ngoài da. Chàng bảo:

      - Mai anh đưa em đi khám nhé, nhìn mặt em chẳng có hột máu nào.

      - Thôi, chắc em thiếu ngủ thôi mà. Chắc ăn thì anh mua cho em một que thử, hết có mười nghìn. Chứ đi khám chưa gì đã mất bốn mươi nghìn rồi, chưa kể đủ thứ thuốc. Phải tiết kiệm, anh ạ.

      Vẫn biết cả làng đang đồn là mình tịt, vẫn biết ai cũng ngóng chờ, nhưng lúc này khi mà mọi thứ chỉ có đôi vai mình gồng gánh thì hi vọng kia bỗng trở nên nặng nề.

      ...

      Sáng, cánh cửa buồng tắm mở, mình lay chàng dậy thật gấp. Cái mặt mình hơn hớn chỉ để báo một tin trọng đại:

      - Anh ơi, mừng quá, hai vạch này.

      - Ừ.

      - Ơ kìa, anh được làm bố rồi đấy. Em cứ lo lắng, nhưng giờ nhìn thấy cái vạch này không hiểu vì sao em vui thế chứ. Chúng mình phải ăn mừng thôi anh.

      - Ừ, anh biết rồi. Để yên cho anh ngủ. Hôm qua xem bóng đá suốt đêm.
      Mình đang vui nên không giận chàng. Chỉ tiếc tại sao chàng không ôm lấy mình mừng rỡ như mấy bộ phim ti vi vẫn chiếu. Khi đi lấy chồng, mình cứ tưởng với đứa con đầu lòng chàng cũng mừng, ít nhất là cầm tay cảm ơn mình một câu. Có lẽ phim luôn chỉ là phim thôi.

      Mình cứ lo sợ có con lúc này làm mình không đủ sức gánh kinh tế. Nhưng giờ tự dưng thấy tự hào về bản thân quá. Mình là đấng sinh thành, mình sắp có một em bé, một em bé biết ôm cổ mình thì thầm: "Con yêu mẹ".

      Lao xuống tầng một, nắm lấy tay mẹ chồng, mình reo lên:

      - Mẹ ơi, con có bầu rồi.

      - Ừ! có thế chứ. Tôi lại cứ tưởng cô tịt!

      Mẹ vẫn giữ được vẻ mặt không chút thay đổi tí nếp nhăn, chẳng như mình cứ hớn hở tứ tung. Ôi trời, giật cả mình. Biết vậy chẳng chạy xuống nữa. Đứa cháu đầu lòng của mẹ mà không có tác dụng gì ư? Thế nếu tịt thật thì thế nào nhỉ? Nhưng thôi, phải gọi điện về cho mẹ yêu thôi.

      Cuối cùng cũng có người teo lên với mình qua điện thoại. Cuộc sống ơi, hình như có tia nắng nào đó cho lòng này thêm ấm rồi.

      ...

      Nhìn lại những ngày nặng nề, mình không còn thấy ngao ngán mệt mỏi mà trầm uất nữa. Mẹ vẫn luôn dạy mình phải bao dung cho mọi thứ cơ mà. Cái cảm giác như "xuống chó" tự dưng nhẹ hẫng, chỉ như bị ngã xuống một đáy biển tối thôi. Nhưng biển sẽ lại trả về cho mình hậu hĩnh hơn vì mình thật can đảm. Biển trả về cho mình một viên ngọc trai quý. Một sinh linh bé nhỏ ở trong lòng

    18. #17
      bi04virgo
      Guest

      Mặc định

      17. Cái tên

      Mình ghét cái tên của mình lắm. Ngày xưa còn bé, mẹ vẫn thường cắt tóc con trai cho mình để đỡ phải mua thun buộc tóc, đỡ phải cắt tóc nhiều lần và đỡ nóng nữa. Mắt to, miệng rộng lại toàn mặc thừa lại đồ của các chú các bác. Buổi trưa đi thả diều, mặt đỏ tía tai, nếu có ai hỏi:

      - Cháu tên là gì?

      - Dạ, cháu tên là Thu Hiền ạ. Ông nội cháu bảo đặt tên thế có nghĩa là mùa thu dịu hiền ạ.

      Thế là mọi người đều ôm bụng cười lăn lóc. Cười vỡ cả bụng. Những tiếng cười chạy theo cả thời phổ thông. Đến giờ ai hỏi mình tên là gì, mình biết trước nếu nói ra thể nào họ cũng cười.

      Có bầu, nghĩ là mình sẽ là mẹ, người sẽ cho sinh linh bé nhỏ kia một sự sống, một vòng tay yêu thường và một cái tên thật oách. Ít nhất không làm khổ những người xung quanh. Làm cho họ mỗi khi hỏi tới là phải cười bò lăn bò càng. Nhỡ đâu sau này lớn, em bé sẽ giận mình thì sao.

      Thế là nghĩ. Nghĩ từ lúc bụng nhỏ đến lúc bụng to vẫn nghĩ. Chẳng thể tìm ra một cái tên hay. Lên mạng bới móc, ngồi toét cả mắt vẫn chưa thôi kiếm tìm. Bế tắc, tên hay thì đụng bề trên bề dưới. Tên xấu thì không thể được rồi. Nửa đêm thức giấc lại bật dậy ngồi nghĩ, mình quay sang chàng hỏi ý kiến, chàng thều thào trong cơn mơ: "Tùy ... em" làm mình điên tiết. Đấm chàng mấy cái rồi lại bực dọc nằm suy nghĩ. Cơn buồn ngủ ôm lấy mình nhẹ nhàng nhẹ nhàng.

      ...

      Buổi chiều ...

      Đi làm về mệt mỏi, mình tháo bỏ đôi giày rồi lao vào tủ lạnh kiếm tìm chai nước mát. Bỗng, ối trời ơi!

      Một ông tiên từ trong hộp sữa đặc có đường bước ra. Ông ấy là ông Thọ chứ nhể? Ông tiên vác theo một cái bao tải to lắm, như cướp nghề của ông già Noel ấy. Ông nói:

      - Ta sẽ đặt tên cho con gái nhà ngươi.

      - Thế ạ? Cháu cảm ơn ông.

      - Tên con nhà ngươi sẽ là như thế này nhé ...

      Nói rồi ông lôi trong bao tải ra một cái tên. Ái chà, không được rồi, tên đó đụng vào tên họ hàng. Ông tiên lại lục lọi tìm trong bao tải cái tên khác. Không được, tên đó vẫn trùng. Ông tiên cúi xuống bới tìm cẩn thận, đưa cho mình một cái tên nữa. Không được, tên gì mà xấu òm. Cứ thế ... cứ thế ...

      Lục lọi kiếm tìm ...

      Không được, trùng rồi...

      Bới bới kiếm tìm...

      Không được, xấu ơi là xấu...

      Lục lọi...

      Không...

      Lục lọi...

      Không...

      Giờ thì bao tải đã trống toác, bao nhiêu tên mình không ưng đều bị vứt. Ông tiên mệt mỏi chán nản như muốn thua cuộc. Cái chuyện tìm tên có vẻ làm hai ông cháu mất cả buổi chiều sang đến cả buổi tối. Nản chí, ông tiên ngẩng mặt lên trời, giơ hai tay lên đầu thét lên uất ức. Nhưng tiếng thét mới được một nửa đã thấy ông tươi như hoa quay lại nhìn mình cười đầy phấn khởi:

      - Ta nghĩ ra tên cho con gái ngươi rồi.

      - Là gì ạ?

      - Là Nguyệt Đan. Có nghĩa là viên linh đan quý ở trên mặt trăng. Hằng Nga có cái chày giã thuốc đấy, xem phim Tây du ký chưa, nhưng chưa bao giờ Hằng nga làm được linh đan đâu, thành ra nó quý lắm đấy nhá.

      ...

      Bật dậy, trời còn nhá nhem 4g sáng, mình vội vàng ghi lại tên Nguyệt Đan vào tờ giấy, cất cẩn thận vào ngăn kéo và ngủ tiếp. Giấc mơ lạ kỳ.
      Lúc ấy, mình có thai được 7 tháng.

      ...

      Chỉ còn hai tuần nữa là đẻ rồi. mà mãi chẳng dám bảo bố mẹ chàng là bọn mình sẽ đặt tên cho cháu. Phức tạp thật, ông bà có đẻ đâu mà cứ muốn giành lấy quyền đặt tên thế nhể. Nhiều nhà bị ông bà đặt cái tên nghe hay quá làm bố mẹ cháu cứ ấm ức mãi. Còn mình, mình đã thề với cái hộp sữa ông Thọ trong tủ lạnh rồi, sống chết gì mình cũng tranh đấu để được đặt tên trong giấc mơ lạ kỳ kia cho con. Chàng bảo mình:

      - Kệ ông bà, ông bà muốn đặt tên gì mà chả là tên.

      - Không.

      - Ông bà chẳng lẽ không được đặt tên cho cháu à?

      - Anh đừng có vớ vẩn. Thế em là cái gì mà không được đặt tên? Ở đây ai vất vả nhất? Ai đau đớn nhất? Ai đẻ ra nó?

      - Thế thì em đi mà bảo, anh chẳng bảo đâu.

      - Anh không phải là bố nó à? Sao anh lại như thế không biết. Bố mẹ đẻ ra anh mà anh còn sợ rúm tó thế kia thì anh làm được cái gì cơ chứ. Chưa biết chừng mới nói được ba từ thì đã ngã vật ra ấy chứ. Sợ quá đứng tim mà chết!

      Chàng lẩn đi chỗ khác. Những lời khích tướng theo binh pháp Tôn Tử của mình hình như không có nghĩa lý gì. Tôn Tử nói: "Tiểu nhân và đàn bà là hai thứ khó trị nhất". Nhưng bây giờ chắc Tôn Tử có sống lại cũng phải công nhận rằng: "Thiếu, mới có hai dạng người đó là thiếu, phải kể cả chàng nữa thì mới đủ. Dạng người khác thường". Thôi thì cuộc chiến đấu vì cái tên mình phải đơn phương độc mã vậy. Cuộc chiến bắt đầu.

      - Mẹ ơi, hôm qua anh Hậu nằm mơ thấy có thần hiện lên bảo đặt tên em bé là Nguyệt Đan đấy, mẹ ạ.

      - Cái gì?

      - Vâng, sáng nay anh Hậu kể với con thế. Nếu đặt tên theo mộng thì sau này cháu lớn lên học hành và làm ăn đều có người phò tá cả.

      - Này, im đi nhé. Mày đừng có nói mà ông bố trong phòng nghe tiếng lại ghét đấy. Đặt tên cái gì mà đặt tên.

      Xong!

      Mình dùng kế Ve sầu lột xác mà cũng không nổi. Mọi tội lỗi đều đổ hết lên đầu chàng mà bố mẹ cũng không cân lên xem trọng lượng nó là bao nhiêu. Cũng phải, chàng có là ai ở nhà này đâu. Mẹ siêu thật, chỉ một câu nói nhỏ mà cũng làm mình im re không dám nói gì nữa.

      Từ đó mình quyết tìm cơ hội khác. Mình dùng kế mưa dầm thấm lâu. Những ngày sắp đẻ, ai hỏi han cũng kèm thêm câu: "Thế đặt tên bé là gì?" Và tất nhiên, mình nhanh nhảu trả lời cái tên như mình mong muốn. Mẹ chỉ cười, mẹ bảo họ: "Thì nói thế thôi chứ đã tìm được cái tên nào đâu".

      Ôi, sao cuộc chiến này lại gian truân thế này.

      Kệ, đã thế thì bao giờ đi đẻ về, có giấy chứng sinh rồi mình sẽ bắt chàng đi làm giấy khai sinh luôn. Làm xong mình sẽ giấu đi. Chẳng thể làm gì được mình. Đã thế thì cùn tí. Mình cùn, bố mẹ sắc, xem ai mẻ sớm hơn!

      ...

      - Con, làm như thế là không được, ông bà là bề trên, con có làm gì cũng phải xin phép đàng hoàng. Cái tên đó là tên đẹp, bố mẹ cũng thích lắm nhưng con và thằng Hậu vẫn phải xin phép ông bà bên ấy cho đặt tên mới được. Chứ cứ làm theo ý mình, về sau ông bà ghét cả bố mẹ lẫn cháu. Đâm ra con bé thiệt thòi. Khổ thân nó.

      Những giận dỗi vác về nhà mẹ đẻ để xả ra hình như bị những lời nhẹ nhàng của bố biến nó thành có tội. Mình thấy mình xốc nổi, thấy mình ồn ào mà chẳng nghĩ được là bao. Bố nói đúng, có lẽ những bon chen ngoài đời làm bố nghĩ cho con gái khi đi lấy chồng nhiều hơn. Mình thấy mình có lỗi với bố mẹ chồng biết nhường nào nếu như chống đối kiểu này. Bố đẻ mình đã ốm hai năm nay rồi, giọng bố khản đặc nhưng những lời của bố làm mình thương bố quá. Bố ơi, nếu không có bố thì làm sao con nghĩ ra được biết bao nhiêu điều. Bố ơi, con biết con phải làm gì để bố mẹ an lòng rồi.

      ...

      - Anh, thế rút cục anh có đủ can đảm để nói với bố mẹ về chuyện đặt tên cho con không? Em sẽ đi theo anh, đứng đằng sau anh để anh có thêm nghị lực. Nếu anh không có đủ can đảm đứng trước bố mẹ mình thì anh ở lại phòng này. Em cũng chẳng cần anh đứng sau em làm gì, em sẽ nói với bố mẹ dù chỉ có một mình. Chỉ sợ lúc ấy bố mẹ anh sẽ đuổi em đi thôi. Lúc ấy anh tay trắng đấy: không vợ, không con. Và em thề em sẽ không ở lại căn nhà này nữa đâu. Chẳng có gì níu kéo em cả. Em chán lắm rồi. Em cứ ngỡ đã kiếm tìm được một bến bờ vững chắc, nhưng cuối cùng chỉ là một cái ô làm bằng lá cọ che mưa. Gió bấc thổi, ô bay, em chỉ còn lại một mình. Tốt nhất để an toàn cho mình, cho con, em sẽ về nhà em.

      Chàng lặng im ... chơi điện tử trong góc giường. Mặc cho mình muốn độc diễn thế nào thì độc diễn. Mặt chàng nhăn như bị, làu bàu. Mình không nói nữa, người khôn nói ít hiểu nhiều, mình mở tủ thu xếp đồ đạc. Đồ đểu, đểu, đểu. Không nhanh, cũng không chậm.

      5 phút ...

      Mình vẫn cặm cụi thu xếp đồ đạc, đều đều, đều đều...

      10 phút 15 giây...

      Mình gạt nước mắt gấp lại những thứ của con mà mình đã chuẩn bị để đón chào nó...

      16 phút rưỡi...

      Chàng vứt điện thoại vào góc tường kêu đánh bốp, làu bàu chửi đổng mấy câu rồi vùng vằng đứng dậy bước phừng phừng xuống phòng bố mẹ. Trước khi đi, tiếng thở dài của chàng còn hắt lại, đập vào cánh cửa phòng và bắn về phía mình. Tiếng thở dài nặng thế mà lại như một cơn gió, làm mình ... khoái chí. Chẳng biết lúc này đàn ông họ nghĩ gì nhỉ? Có cần thiết đi gặp bố mẹ đẻ ra mình mà phải dũng cảm thế không?

      ...

      - Đấy, em hài lòng rồi nhé (chàng vẫn vùng vằng), bố mẹ bảo muốn làm trò gì thì làm.

      - Bố mẹ đồng ý đặt tên là Nguyệt Đan rồi à?

      - Ừ, em muốn đặt tên gì thì đặt, được chưa? Còn bây giờ để anh yên.

      - Không, còn một việc nữa anh phải làm.

      - Lại cái gì nữa đây?

      Chàng rít lên khó chịu khi nghe tiếng "không" đanh thép của mình. Mặt chàng nhăn nhúm lại như cái bánh bao lúc nặn bột bị lỗi ấy. Mình vẫn tỉnh bơ, ra đúng chỗ chàng đang ngồi chơi điện tử, ngồi xuống, với tay lấy cái điều khiển, bật ti vi xem chăm chú và nói:

      - Cất hộ em đống quần áo kia vào tủ. Anh nói rồi thì em không đi nữa. Ban nãy em dỗi, giờ ... em hết dỗi rồi. Cất đi nhanh lên, 10 phút nữa có phim chính bây giờ đây này.

      Cái bánh bao nhăn nhúm giờ nở dần như được hấp chín vậy. Chàng đỡ lo và mừng rỡ hơn hẳn. Căng thẳng của chàng sao dễ hóa giải thế nhỉ. Chàng nhún nhảy như con sâu đi cất đồ cho mình. Còn mình thầm nghĩ: "Phù! may quá! Lão ấy mà ngồi lâu tí nữa thì mình hết cả quần áo để gấp. Tí nữa thì bị về nhà mẹ thật. May quá, bài khích tướng này cuối cùng cũng ra trò".

    19. #18
      bi04virgo
      Guest

      Mặc định

      18. Lòng ghen tị

      Mình sinh ra trong gia đình binh nghiệp nên hai tuổi đã phải ở với ông bà nội trong kỷ luật thép rồi. Hồi đó mẹ bảo nhớ mình lắm mà chẳng dám cãi ông bà, đành chịu cảnh cách xa con, tuần đón về hai ngày thứ bảy, chủ nhật. Sáng thứ hai mình lại về với ... đơn vị ông bà nội. Đằng sau cánh cửa nhà ông bà lúc nào cũng có một cái chổi phất trần. Góc nhà có một cái roi được vót cẩn thận. Góc bếp có cái chổi chít với cái cán vừa to vừa dài, cán chổi phải cao hơn mình 20cm cũng nên. Ôi, ký ức tuổi thơ của mình mấy cái đó sao mà rõ nét thế! Chốt lại cũng là để ông bà bảo sao thì mình phải tuân theo như vậy, cãi là chết, bướng là chết, chống đối lại càng ... chết.

      Bố mẹ làm công nhân, chẳng đủ tiền cho đi mẫu giáo Bình Minh - một trường nổi tiếng ở khắp khu vực Bưởi. Đến bây giờ vẫn nổi tiếng. Một trường được hát, được múa, được cơ man nào là đồ chơi. Một trường mà đứa trẻ nào vào học là coi như được vào thiên đường. Thế là thi thoảng bám gấu áo bà đi bán ngan vịt trong ngày phiên chợ, đi qua Bình Minh cứ cố ngó vào, cố nhìn theo, cố níu lấy chút thòm thèm qua cánh cổng sắt to đùng cao ngất ngưởng. Còn bà thì mắng: "Ai bảo bố mẹ mày nghèo!"

      Cuối tuần, bố mẹ đón mình về. Mình bảo:

      - Mẹ ơi, bà bảo tại bố mẹ nghèo nên còn không được đi Bình Minh. Nghèo là gì hả mẹ?

      Mẹ xót ruột, chiều thứ bảy đi đón con, mẹ tiện đường đưa mình vào Bình Minh ngồi nhờ cái bập bênh và chơi cái máng hình con voi có thể trợt đặt giữa sân trường. Mình sung sướng cười tít cả mắt. Chỉ tít mắt năm phút thôi, bác bảo vệ đã đuổi hai mẹ con ra khỏi cổng rồi. Mẹ vội bế mình lếch thếch đi ra trong tiếng rối rít xin lỗi bác bảo vệ. Ra đến cổng mẹ đặt mình xuống, xoa đầu mình, nắm lấy hai tay mình, hình như lúc ấy mẹ cười, nụ cười méo mó. Mẹ bảo:

      - Con ở với ông bà cho ngoan, cần gì phải vào Bình Minh. Kệ bọn trẻ con trong khu tập thể, con ạ. Mình không vào cũng có sao đâu.

      Chẳng hiểu sao mình bắt đầu thấy trong cổ họng có gì khác lắm. Mình còn quá bé để hiểu trong lòng mẹ xót xa như thế nào. Mình chỉ biết trong lòng mình thôi. Chỉ vì không được vào trường Bình Minh trượt cái máng bằng sắt gỉ hoe mà mình òa khóc, ngoạc cái miệng ra cố gào cho mọi người chú ý, đặc biệt là mẹ. Ở trong cổ họng , cái cảm giác chưa miêu tả được cứ nhoi dần lên, nhoi dần lên tức từng tực. Cảm giác khó chịu càng lúc càng to dần, ức ức cứng trong họng, muốn gào, muốn lăn đùng ra giãy giụa, muốn khóc, muốn xông vào đâu đó đập phá. Rồi so sánh, cái cảm giác so sánh mà mình được đưa vào làm nhân vật chính. Rồi những thán từ: giá mà, nếu mà... Rồi những ganh ghét những người không cần thán từ cũng có những điều mình muốn. Cuối cùng chốt lại là lặng lẽ, tự mình gặm nhấm tất cả mớ hỗn độn đã xảy ra. Người ta gọi đó là ghen tị.

      ...

      Lớn lên rồi, có biết bao lần mình bị ngã vào mớ hỗn độn đáng sợ ấy. Mớ hỗn độn rối bời khiến mình xấu tính đi. Một nửa tối om trong những gì tốt đẹp nhất mà mẹ vẫn luôn dạy dỗ, kỷ luật thép của ông bà vẫn dạy dỗ.

      Lấy chàng, rồi chợt nhận ra bố mẹ chàng cưng các em hơn chàng. Thuyền theo lái, chàng chẳng là gì trong nhà nên đương nhiên phận con dâu mình cũng chỉ là cái bỏng của cái bóng mà thôi. Buồn, thất vọng và cứ miên man nghĩ. Chàng sôi nổi bốc đồng ở đâu không biết, cứ về đến nhà là lặng lẽ như còn mèo mới bị ... cắt đuôi. Chàng sợ bố mẹ đến nỗi xuống tầng một lấy hoa quả ăn, thấy bố mẹ vẫn ngồi xem tivi, chưa đi ngủ là chàng lại quay lên gác, không dám lấy nữa. Gái có bầu, đang đói, phải chờ bố mẹ chồng đi ngủ mới được ăn thêm. Mình sôi máu, bực dọc, tủi thân và ... ghen tị với tất cả những bà bầu khác. Mình cứ có cảm giác ghét chàng đến thế. Có lần mình ước: "Giá như mình lấy ai đó thì có lẽ mình đã không đến nỗi nghèo như thế này, đã không bị đói dù đã ăn cơm tối no nê, đã không phải lo lắng từng đồng ra đồng vào. Đã được chồng bênh mỗi khi bị bố mẹ nói nặng lời như thế, đã có cuộc sống sung túc như trong phim. Mình có đến nông nỗi nào đâu? Có xấu xí đến mức ế chồng đâu cơ chứ. Sao mình lại đi lấy chồng?". Thế là hai vợ chồng dù chưa có lý do gì hết, chàng chỉ hỏi một câu bâng quơ gì đó trong dòng suy nghĩ đang miên man kia vậy là có lý do, lý do để mình lại cáu, lại gây gổ và quay mặt vào tường khóc. Hỡi bức tường, giá như mi biết dỗ bà bầu thì hay biết mấy. Giờ thì mình tin rồi, các chị em ở công ty bảo: "Bà bầu nào cũng khó tính như ma". Công nhận khi vác bầu, mọi thay đổi trong cơ thể làm mình như người đi mượn. Bực tất tần tật mà chẳng cần có lý do. Giá như đàn ông phải vác bầu và đàn bà lúc ấy sẽ thương xót mà thấu hiểu. Mình lại bắt đầu ghen tị.

      Đi lấy chồng, mẹ chồng bảo với hàng xóm:

      - Gái quê ấy mà, vừa luộm thuộn vừa nghèo. Chả chắc đã nuôi được chúng tôi. Có nhà anh Nghĩa nhiều tiền, không có nó thì chết. Nên ăn cây nào rào cây ấy thôi. Chả trông mong gì vào vợ chồng nhà anh Hậu.
      Chắc đấy là lý do về sau mẹ lại quý em dâu đến thế.

      Công nhận mình quê thật, đôi khi đứng trước tủ băn khoăn chẳng biết mặc gì đi làm. Lúc còn eo co đã phải suy nghĩ, giờ có bầu còn suy nghĩ hơn. Mặc đẹp thì khó chịu, mặc dễ chịu thì chẳng ai bịt được miệng cười. Những gã đàn ông cứ hay chê vợ, nhưng để các gã ấy vác bầu xem có phải đứng trước tủ nát óc suy nghĩ như mình không? Nhất là bầu vào mùa đông, áo khoác còn chẳng kéo được khóa. Lấy chàng lâu rồi nhưng mình vẫn ngại mở tủ lạnh nhà chàng lắm. Bầu thì hay đói những đi mua đồ ăn về giấu giấu giếm giếm mang lên phòng rồi lại cất cất che che. Chàng biết nhưng chàng kệ, chỉ an ủi mình những lúc nửa đêm chuột rút nghe tiếng hét là bật dậy đấm đấm gang bàn chân cho vợ. Tiếng hét êm xuôi thì chàng lại lăn kềnh ra ngủ tiếp như thể bị dính bùa mê.

      Cũng bởi vì mình sinh ra trong gia đình bố mẹ làm công nhân nên mọi thứ đều phải tiết kiệm. Thế là về làm dâu, mẹ chồng không khỏi ngỡ ngàng. Nhà mẹ không giàu, cũng chỉ đủ ăn nuôi ba con học hành hết đại học rồi các con tự đi mà kiếm sống. Xuất phát điểm là nhà lao động kiếm bữa ăn để cho vào đĩa, nhưng nhà không có tủ chạn vì ăn xong còn thừa bao nhiêu là đem đổ liền, kể cả còn thừa non nửa đĩa thịt gà. Miết thành quen, thành truyền thống của gia đình mà mình không hay biết. Tồ tẹt, nhiều lần mẹ đổ thức ăn đi mình tiếc lắm, lại ngồi tỉ mẩn lọc bỏ xương rồi đổ vào hộp nhựa bỏ tủ lạnh cất đi. Mẹ mắng:

      - Mày không đổ đi còn bỏ vào đó làm gì cho đầy tủ ra à?

      - Con làm sẵn mai nhà mình ăn sáng chỉ việc lấy ra nấu mì hoặc rang cơm ạ.

      - Ai ăn? Nhà tôi chẳng ăn những thứ đấy. Cô có ăn thì giữ lại, không thì đổ đi cho tôi nhờ.

      - Con có ạ.

      Thật thà quá cũng dở. Mình đâu biết rằng đó là mấu chốt vấn đề mới cho mẹ ra đầu làng nói chuyện. Mẹ bảo với hàng xóm:

      - Con gái quên ấy chỉ ăn thịt thôi. Chỉ ăn thịt là thịt.

      Hì ... hì... hay thật!

      Khổ, nghĩ lại vừa buồn cười vừa trớ trêu. Công nhận nếu có nhà ai mới tậu con dâu về mà nó cứ nhìn rau gắp thịt thì đáng để cho mọi người buôn chuyện thật. Hình tượng ấy giống như bức phù điêu của lòng dũng cảm. Mình cũng được hàng xóm liệt kê trong danh sách ấy. Và thế là mình lại ghen tị với những cô bạn cũng đi lấy chồng. Nhà chúng nó ít nhất cũng có cái chạn để nếu có tiếc của, để lại đồ ăn cũng không bị nói ê mặt đến thế này.

      ...

      Thế rồi đôi vợ chồng nghèo cũng vừa sống vừa tích cóp tiền đi đẻ. Được cho đồ sơ sinh nhưng cũng phải đi mua nhiều. Mình không có anh chị em mà chàng lại là con cả, mình lại ghen tị. Giá như mình và chàng đều là con út thì hay.

      Một ngày, cái bụng bầu tám tháng khệ nệ bê đống quần áo, đồ đạc đã tích tích cóp cóp như con kiến tha về nhà mẹ đẻ giờ mang về nhà chồng. Mẹ ngồi giữa phòng khách nhìn gái quê của mẹ từ đầu đến chân rồi từ chân lên đầu. Mẹ nói:

      - Gớm! Nhà cô lắm tiền nhỉ! May quá cô sắm đủ cho nhà cô rồi thì chúng tôi cũng chẳng phải mua gì. Cô mang hết lên phòng cô đi. Để ở đây chướng quá.

      - Ơ...

      Mình chỉ ơ lên một tiếng rồi tắt lịm. Mình chẳng biết phải nói với mẹ như thế nào. Bà bầu vốn đã nóng, nghe mẹ nói thế lại như có người vứt que đóm vào lòng. Phừng phừng. Nhưng đốm lửa cô độc không được ai che chắn chỉ phừng phừng lên tiếng ơ rồi lại thôi. Hay thật, mẹ không có bầu mà mẹ cũng ghen tị với mình. Mình cũng ghen tị, mình tị với những bà chị ở cơ quan đẻ xong được về nhà mẹ đẻ. Chẳng như mình bị mẹ chồng cấm không cho về. Thế nên mình mới phải vác các thứ cho em bé về đây như khoe của thế này chứ.

    20. #19
      bi04virgo
      Guest

      Mặc định

      19. Em dâu

      Lấy chàng được một năm thì mẹ thông báo:

      - Tối qua thằng Nghĩa bảo cuối tuần mang người yêu về ăn cơm.

      Vậy là trong hai ngày cả làng Đông đã nhận được thông báo này. Ai cũng hồi hộp thì phải, ai cũng phấn khởi chờ mong anh thạc sĩ dẫn người yêu cũng là thạc sĩ về làng xem thế nào. Câu chuyện trở thành "hot" nhất làng, nhất là những buổi họp hai số cuối của mẹ và các chiến hữu. Mọi người thì thầm:

      - Thằng Nghĩa khó tính thế, chắc người yêu nó phải vừa giỏi, vừa khéo, vừa xinh đẹp lắm đấy nhỉ.

      - Phải canh giờ mà đứng ở cửa sổ xem thế nào, bà ạ.

      ....

      Ngày cuối tuần trọng đại của cả làng cũng tới. Khác với mình khi ra mắt chính thức nhà chàng. Lúc đó, mình đi chợ từ sớm, qua nấu cơm cho nhà chàng, ăn xong rửa bát, mệt phờ mới về nhà mình. Em gái chàng hỏi:

      - Có sợ không?

      - Sợ.

      Cô bé xinh xắn chỉ xuất hiện khi mọi thứ đã chuẩn bị xong. Vào nhà, chào gia đình và ngồi ăn bưởi mẹ bổ. Công nhận xinh thật là xinh. Lại là thạc sĩ của trường đại học xây dựng nữa, không yêu mới là lạ.

      Tự dưng cái bằng đại học của mình chỉ như bằng xóa mù chữ của dân tộc thiểu số.

      Lúc ấy, mình bầu bì còn một tháng nữa là sinh, mệt lử và nặng nề nhưng vẫn chỉ quẩn quanh trong bếp cả buổi. Nặng nề múc dần các thứ ra bát, thì:

      - Có còn làm gì nữa không để em làm cho?

      - Thôi, xong hết rồi còn gì. Mới lại chúng mình bằng tuổi nhau ấy mà, cậu không phải gọi tớ bằng chị đâu.

      - Ừ.

      Ừ rồi cô bé quay lên nhà ăn bưởi tiếp. Ơ hơ, mình mới nói khách sáo thế mà đã lên nhà thật à? Mình thật, sĩ là thiệt!

      ...

      Chiều hôm sau, đi làm về vội vàng thay quần áo để xuống giúp mẹ nấu cơm. Mình ngỏ ý khen cô em dâu tương lai xinh và giỏi giang. Mẹ cũng khen cô con dâu tương lai, nhưng những lời khen của mẹ sắc lắm, có kẹp dao lam thì phải. Những lời khen của mẹ làm mình đau, cho dù mình không phải là đứa hay ghen tị:

      - Đấy, con nhà người ta xinh thế chứ. Chứ như cô kìa, xấu không thể nào chịu nổi. Cô chửa trông còn xinh ra đấy, trước mới về nhà tôi trông kinh chết. Không hiểu sao thằng Hậu nhà tôi nó đẹp thế, đẹp như trong tranh ấy, lại lấy phải cô chứ. Trông cô ... nguệch ngoạc quá...

      - Ơ, thế mà bọn ở cơ quan con ai cũng bảo con xinh, mẹ ạ. Không lẽ họ lừa con à?

      Mình cố chống chế cho đỡ ngượng. Nhưng mình vẫn thấy câu trả lời của mình hơi vô duyên. Mẹ chê mình, nhưng xấu hay đẹp đâu phải lỗi của mình? Không lẽ lại về bắt đền bố mẹ đẻ. Ngồi tưởng tượng mà xem, về túm cổ bố bảo rằng:

      - Bố, mọi người ai cũng bảo con giống mẹ thì xinh hơn. Đằng này giống bố nên trông mới bị nguệch ngoạc. Bố đền tiền con đi... Đền tiền con đi...

      Chắc ông bố uất lên mà chết mất.

      ...

      Một tuần sau nữa...

      - Chúng mình cưới nhau nhé!

      - Ôi, gấp thế thì bố mẹ anh có nói gì không?

      - Ở nhà anh, anh đã nói gì thì sự thật nó sẽ là như thế.

      Và họ cưới nhau, theo lời kể của em dâu, gọn gàng vậy thôi. Không như mình với chàng, hai lần hoãn cưới vì lão thầy bói đểu cáng nào đó.

      Thuyền theo lái, gái theo chồng. Trong nhà, Nghĩa được bố mẹ cưng yêu, lại làm ra tiền nên có lẽ em dâu cũng có được cái bóng lớn để dựa dẫm. Mừng cho em bao nhiêu thì càng nhận ra thiệt thòi của mình bấy nhiêu. Mình hét lên trong lòng: đừng có so sánh nữa, ai bảo học dốt, không học thạc sĩ thì đương nhiên cơ hội đến trong đời cũng ít đi thôi. Nhưng không hiểu sao trong lòng mình vẫn cố cưỡng lại, vừa so sánh vừa tủi thân.

      Ngày ấy khóa tốt nghiệp chỉ có năm đưa đạt bằng giỏi. Ngày ăn liên hoan chia tay lớp, năm đứa rủ nhau học tiếp cao học cho thỏa chí tang bồng. Mình hồ hởi lắm, dự định về hỏi ý kiến bố mẹ. Gì chứ nói đến học thì chưa bao giờ bố mẹ phản đối mình điều gì.

      Trở về nhà, nhìn cảnh bố nằm trên giường ho sù sụ, mẹ tảo tần bán quán nước ngoài hồ đến tận 11g đêm mới đẩy xe hàng về, hè cũng như đông. Tự dưng nhận ra cái bằng cao học kia sao mà xa vời đến thế. Định hỏi rồi lại im lặng, mình không còn nghĩ đến những dự tính trên đường về khi nãy nữa.

      Bố về mất sức không có lương, lương của mẹ thì chỉ có 500.000 đồng một tháng. Tiền mình đi làm thêm nửa ngày nữa, 600.000 một tháng. Dạo đó làm cho Agnet của Ý, nên thế là lương cao rồi. Chẳng biết nguồn thu nhập nào hơn để cuộc sống bớt khổ.

      Cũng có thêm một tuần nữa để tìm hiểu về học phí và các phụ phí của cao học cho đỡ thòm thèm, mình tới buổi cà phê với khuôn mặt tươi cười, trả lời bốn đứa khi đầy hào hứng:

      - Thôi, các cậu học tiếp nhé, thông cảm, chắc tớ không đi học được rồi. Có công ty mời tớ về làm bàn giấy. Chắc lười học, ham đi kiếm tiền nên chả hứng thú gì cái bằng thạc sĩ. Sau này học tiếp vậy.


      Trở về nhà lòng cứ man mác, tự dưng lại nói dối chúng nó vì sĩ. Cũng có công ty gọi đi làm thật, song công ty ấy không nặng bằng cánh cổng nhà trường. Tự gác tay lên đầu trước khi đi ngủ rồi lại trở mình hắt tiếng thở dài. Thôi, đã quyết định thế rồi, lao vào cuộc đấu tranh sinh tồn giúp bố mẹ, chứ còn có anh chị em nào làm thay cho đâu. Tốt nhất đừng nói lộ cho bố mẹ biết, kẻo bố mẹ lại buồn.

      Chẳng ai biết câu chuyện cao học đó của mình, kể cả chàng. Nhưng chưa bao giờ mình quên được mình đã nợ bản thân cái gì. Em dâu có lẽ sinh vào giờ khác, ngày khác nên số phận cũng khác thôi. Giầy dép còn có số nữa là người. Đấy, nhà thơ Giang Nam từng hỏi: "Ai bảo chăn trâu là khổ?", còn mình thì mình trả lời: "Ai bảo con một là sướng đâu".

      Cô dâu mới bước vào cổng nhà chàng trong tiếng trầm trồ của "bá quan văn võ". Xinh quá là xinh. Còn cô dâu cũ bụng to như cái thùng nước vo, lấp ló đâu đó trong căn bếp chật đun nước pha trà cho khách nhưng vẫn không tránh khỏi sự so sánh của khách làng đến chia vui. Lần đầu tiên, mình thấy ghét khuôn mặt xấu của mình.

      Tiệc tan, mình cùng gia đình dọn dẹp bở hơi tai, còn đôi trẻ lên phòng đóng cửa. Sáng hôm sau còn đi tháng trăng mật xuyên Việt. Mười một giờ đêm mình mới được nghỉ. Tự dưng thấy mệt hơn bao giờ hết. Nhìn chàng, thấy chán ngán đến nhường nào.

      Đêm hôm ấy mình cứ miên man nghĩ, trằn trọc chiếm hết cả hai cái gối. Chàng dúm dó nằm nhường một góc cũng không khỏi khó chịu.

      - Em còn chưa đi ngủ à?

      - Em đói.

      - Em ăn gì thì xuống lấy mà ăn đi. Đói là không tốt cho con đâu.

      - Ăn gì mà ăn? Thừa nồi xúp em có múc riêng một bát cất đi trong bếp. Hồi tối mẹ đổ đi rồi. Giờ thức ăn thừa mẹ cũng cho hàng xóm hết. Em chẳng có gì mà ăn.

      Nói đến đó tự dưng mình thấy tủi nhục thế. Không lẽ lại bỏ xác đói nơi này. Trong giọng mình nói với chàng, chàng không nhận ra biết bao hờn dỗi và ghen tị của một người đàn bà bình thường như bao người khác. Ừ nhỉ, mình đang ghen tị thì đúng hơn là cơn đói của bà bầu.

      - Thôi em đi ngủ đi. Ngủ là quên đói ấy mà. Sáng mai anh chở em đi ăn phở nhé?

      - Anh nói thế mà nghe được à? Anh thử vác bầu xem anh có ngã lăn quya vì đói không? Sao tôi sống nhục như thế này nhỉ. Nhà có cỗ mà bị chết đói.

      - Thôi em ơi, nói nhỏ thôi, bố mẹ nghe thấy bây giờ.

      - Thôi cái gì mà thôi. Sao tôi có thể sống như thế này chứ.

      - Cuộc sống của em tốt thế này mà em còn đòi hỏi gì nữa nào?

      - Đây mà là cuộc sống à?

      Mình giận dữ nhìn chàng bằng ánh mắt thép. Mình thở hổn hển đầy tức giận. Một nửa xấu xa trong mình đang thắng thế. Một nửa hiền lành và cam chịu như thể bị trói vào ghế và dán băng keo vào miệng rồi. Nửa xấu xa đang vùng vẫy, đang cố gào thét, đang cố chống đối lại. Nhưng ... chỉ dám với mình chàng thôi. Trong cơn tức tối, mình lôi chàng ra ban công, chỉ xuống phòng tân lang tân nương:

      - Anh ra đây, anh nhìn đi. Đây mới là cuộc sống nhé. Nhìn đi, nhìn cho kỹ vào. Đời tôi biết từ giờ đến lúc chết bao giờ mới được đi tháng trăng mật như thế? Bao giờ mới được ăn xong cắp đít lên phòng? Bao giờ mới được nằm trên bộ nệm gần chục triệu đồng? Bao giờ mới đủ tiền để sắm sửa mua đất ra ở riêng?

      Chàng chẳng nói chẳng rằng đi vào phòng, lao mình lên chiếc niệm mà hai đứa đắn đo tích cóp mãi mới mua được. Bà bầu ai cũng hay cáu, cáu từ có lý đến vô lý. Nhưng đứng lại một mình trên ban công một mùa đông xơ xác như đêm ấy, mình cũng thấy thương chàng. Hình như sự im lặng ấy không phải để trêu ngươi cái ích kỷ và tính ghen tị của đàn bà, mà là nỗi buồn khi thấy sự hèn kém của thằng đàn ông. Mình càng nghĩ càng thấy mình có lỗi. Thôi, vào làm lành với chàng thôi.

      Trở vào, thấy chàng đã ngồi chơi điện tử rồi. Chán, không làm lành nữa. Trong giấc mơ đêm nay, mình sẽ đi vòng quanh thế giới, làm hẳn một năm trăng mật cho bõ. À quên, đi ăn thật nhiều thứ nữa chứ. Chàng ơi, chàng vô tâm như thế thật sao?

    21. #20
      bi04virgo
      Guest

      Mặc định

      20. Bao giờ đẻ?

      Sau những ngày tháng được cưng chiều của hai bên gia đình, sau chín tháng cưu mang sinh linh bé nhỏ, sau những đoán già đoán non về con gái, cuối cùng mình cũng tới ngày mà bác sĩ siêu âm chiêm tinh phán đoán.

      Buổi sáng tung tăng ra ngõ, hàng xóm hỏi: "Bao giờ đẻ hả cháu?". Phấn khởi: "Dạ, ba ngày nữa".

      Ba ngày sau, lạch bạch đi ra chợ cố ăn bát bún ốc để sau đỡ thèm, hàng xóm lại hỏi: "Bao giờ đẻ hả cháu?". Lại phấn khởi trả lời: "Dạ, ba ngày nữa".

      Một tuần sau, hàng xóm lại hỏi: "Đã đẻ chưa hả cháu?". Cười trừ trả lời: "Chắc là mai ạ".

      Hai tuần sau, hàng xóm lại hỏi: "Ơ, vẫn thấy mày ở đây, không đi đẻ hả cháu?". Mặt ngắn tũn trả lời: "Dạ ... chắc là mai ạ". Trở về nhà và lao vào diễn đàn hỏi các chị ở trên đó xem thế là thế nào. Nỗi lo sợ bắt đầu.

      Bà chị nào cũng bảo không sao đâu. Thế là một tuần nữa trôi qua, hàng xóm vừa cười vừa hỏi: "Bao giờ đẻ hả cháu?". Gãi đầu trả lời: "Dạ, cháu, cháu... không biết ạ".

      Nỗi lo ngày càng nhiều lên.

      Khi quá hạn đẻ, thường ai mách gì các bà mẹ tương lai cũng làm. Có người mách: "Bảo ông xã mua một món đồ chơi, rồi ngồi cạnh vợ gọi con ra chơi". Thế là chàng lật đật đi mua con ngựa cót ngay được. Rút ví không tiếc tiền mua cho con đồ chơi, mặc kệ cô bán hàng bóp ... cổ. Rồi có người mách: "Phải ăn món này món nọ". Tưởng gì, mình ủng hộ nhiệt tình. Ăn hết, cứ mách món gì ngon ngon là ăn.

      Cho đến khi có người ở quê ra chơi mách: "Chồng phải trèo lên một cái cây thẳng đứng như cây đu đủ chẳng hạn, rồi cắm đầu tụt xuống đất, làm phép cho đứa trẻ nó ra, có thế mới đẻ được" thì hai vợ chồng tròn mắt nhìn nhau. Ở Hà Nội đất chật người đông thế này, có nhà ai có cây đu đủ đây. Lại còn chàng, lấy đâu ra can đảm mà chúc đầu xuống tụt cây? Đến vụ này thì đành chịu thua vậy.

      Mùa đông đầy gió...

      Gió hun hút chạy dọc dài theo dãy hành lang khô héo trong cái bệnh viện cũ. Bác sĩ bảo:

      - Quá ngày nhưng khám thì thấy chưa gì đâu, bạn cứ về đi. Bao giờ đau nhiều mới phải vào đây. Yên tâm, con so thì còn khướt.

      - Ơ, thế cháu quá gần một tháng rồi mà vẫn chưa được đẻ ạ?

      - Bạn này hay nhể, trẻ con như bông hoa ấy, khi nào tới giờ nở thì nó sẽ nở chứ. Làm sao ép cho hoa nở được.

      - Vâng, thôi cháu về đây ạ.

      Tiếng vâng của mình rơi tụt xuống, chẳng còn phấn khởi và hào hứng như lúc hỏi bác sĩ xem bao giờ đẻ nữa. Lếch thếch trong bộ đồ bầu giống cái bu gà ra hành lang tìm chồng. Nhìn xuống, vỗ vỗ vào cái bụng căng tròn thì thầm:

      - Con yêu, con không ra cho mẹ ngắm con tí nào? Giống bố thì may, chứ giống mẹ chắc bà nội con cho mẹ lên giàn hỏa thiêu mất. Con yêu, ra đi nào. Mẹ móc cho con cái áo len đấy. Đẹp lắm!

      Nhìn thấy chàng ngồi nhấp nhổm ôm mũ bảo hiểm giữa hai người đàn ông nữa cũng đưa những cái bu gà đi khám mà vừa buồn cười vừa thương. Không biết sau này thằng nào đến cưa con gái mình thì chàng có mang ngày hôm nay ra kể công không?

      ...

      - Sao lại về? Tao tưởng hôm nay mày đi đẻ luôn chứ?

      - Dạ, bác sĩ bảo con cứ về ạ. Con cũng chả biết nữa, họ bảo về thì con về thôi.

      - Vớ vẩn. Mày để lâu quá mà chưa đẻ là không được đâu. Mày quay lại bệnh viện bảo người ta nghĩ cách cho đẻ đi. Tao thấy thế là không được đâu (mẹ gằn giọng bực bội).

      - Nhưng họ bảo chưa mà mẹ.

      - Mày buồn cười nhỉ, chẳng có ai vác bầu quá cả tháng mà chưa đẻ như mày cả. Mày cãi lời tao là thế nào? (hình như mẹ bắt đầu cáu)

      - Họ nghỉ trưa rồi mẹ ạ. Không qua đó được đâu. Viện 354 họ chỉ khám sản buổi sáng thôi.

      Mẹ chẳng nói gì nữa, còn mình vội vàng bỏ trốn lên phòng. Dại dột, xin nghỉ đẻ ở công ty rồi, chứ nếu không lấy cớ đi làm mà biến, kẻo mẹ lại bắt đi đẻ.

      ...

      Trưa, gió mùa đông vẫn không ngừng thổi, năm nay rét ơi là rét...

      - Này, một giờ chiều thằng Hậu đèo nó ra viện cho tao nhé. Tao báo dì Vinh đèo tao rồi. Chúng mày không bảo thì để tao bảo. Phải cho con nhà người ta đẻ chứ. Cứ đi rồi lại về là thế nào. Cứ thế đi, chiều tao tới đó xem sao.

      Cánh cửa phòng bật mở, mẹ xuất hiện nói một hơi rồi đi mất, để lại sau lưng những lời nói bực dọc. Hai vợ chồng mở tròn mắt nhìn nhau. Chàng đóng cửa phòng lại với cái mặt càu cạu:

      - Bực cả mình, cứ bắt đẻ là thế nào.

      Rồi chàng lại nhìn mình mỉm cười:

      - Hiền quả này đi tong rồi nhé.

      ...

      - Ơ, chị này, buổi sáng đến khám rồi giờ còn vào đây làm gì nữa?

      - Chị ơi, mẹ chồng em bắt em vào ạ. Chứ nếu không giờ này em đã đắp chăn đi ngủ rồi ạ.

      - Mẹ con nhà chị này buồn cười thật. Lại còn kéo vào đây rõ đông nữa chứ. Đã bảo là về đi, chưa đẻ được thì cứ hai ngày vào thăm khám một lần. Khổ quá, nói đi nói lại với nhà chị cũng mệt.

      - Chị ơi, chị thương em, chị cho em đẻ, kẻo mẹ chồng em ...

      - Ơ hay, tôi thấy chị là số một đấy.

      - Vậy thì chị thương em, chị ra nói chuyện với mẹ chồng em đi. Em chỉ là cái bu gà đi theo thôi. Quyền sinh quyền sát nằm ở đại ca đang ngồi kia kìa, chị ơi!

      - Ừ, để tôi nói chuyện.

      Nói rồi bác sĩ thở dài lắc đầu bước ra hành lang. Chắc tối nay bữa cơm nhà chị ấy có người sặc nước canh khi nghe chị ấy kể về mình. Mình sắp nổi tiếng cũng nên.

      ...

      Bác sĩ tới, mẹ đứng dậy chào, rồi mẹ tươi cười với bác sĩ, mẹ than thở...

      - ...

      - Bác ơi, cháu đã bảo sản phụ về rồi mà, chưa đến lúc đâu. Căn bản là chị ấy không nhớ ngày kinh cuối nên siêu âm chuẩn đoán cũng không đúng được. Giờ chỉ có về theo dõi thôi. Chúng cháu chịu, không dùng phương pháp gì lúc này được đâu ạ.

      - ...

      - Khổ quá, bác cứ về đi. Con nhà bác chẳng có làm sao đâu. Các xét nghiệm xong hết rồi. Chỉ việc đi đẻ thôi. Nhưng giờ chưa đẻ được. Cái dự định sinh kia nhỡ đâu sai, em bé chưa sẵn sàng để ra ngoài thì nó chưa đạp bác ơi.

      ...

      Bác sĩ vừa quay lưng đi xa được một đoạn. Nụ cười với theo trên môi mẹ cũng tắt hẳn. Mẹ quay lại, mọi bực dọc bác sĩ đều đổ lên mình và chàng:

      - Đi về, không đẻ ở viện này nữa. Mai thằng Hậu đưa nó lên Phụ sản Hà Nội. Người ta khắc cho đẻ thôi.

      ...

      Nhưng rồi mẹ vẫn chịu thua. Phụ sản Hà Nội vẫn trả lời mẹ rằng: "Hai ngày đến khám một lần để theo dõi, bình thường thế này thì đẻ tự nhiên". Mình rộn ràng nở từng khúc ruột. Cuối cùng vẫn chưa trở thành trái cây ép chín. Lần đầu tiên sinh con, chẳng biết ra sao cả. Nhưng cứ như thế này cũng sợ mà vỡ tim mất thôi.

    Thông tin của chủ đề

    Users Browsing this Thread

    Có 1 thành viên đang xem chủ đề này. (0 thành viên và 1 khách vãng lai)

       

    Similar Threads

    1. Trả lời: 0
      Bài viết cuối: 07-01-2011, 08:07 AM
    2. SJC , Phải chăng đã bị lãng quên
      By kipsailam68 in forum Công ty chiến ở HNX
      Trả lời: 31
      Bài viết cuối: 23-03-2010, 01:15 PM
    3. Trả lời: 1
      Bài viết cuối: 10-12-2009, 04:16 PM

    Bookmarks

    Quyền viết bài

    • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
    • Bạn Không thể Gửi trả lời
    • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
    • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình