EVN cứu thua lỗ viễn thông bằng cách làm... kỳ lạ
EVN ẩn các khoản lỗ vào đầu tư kinh doanh điện
Để cứu thua lỗ cho EVNTelecom, EVN đã tìm cách chọn đối tác chiến lược và ẩn các khoản lỗ vào đầu tư kinh doanh điện. Tuy nhiên, cách chọn đối tác chiến lược và cách ẩn các khoản lỗ một cách rất… dích dắc lại gây khó khăn cho EVNTelecom cũng như sự minh bạch trong điều hành quản lý của EVN, nếu không nói đến những hệ lụy trên bình diện tổng thể đã và đang xảy ra.
* EVN cứu lỗ cho EVNTelecom bằng cách làm… kỳ lạ
Dích dắc trong lựa chọn đối tác chiến lược
Năm 2008, EVNTelecom tiến hành cổ phần hóa (CPH) với việc bắt tay với một doanh nghiệp của Triều Tiên, nhưng sau một thời gian thương thảo thì dừng lại. Đến tháng 10-2009, EVNTelecom tiếp tục lựa chọn đối tác chiến lược trên cơ sở 7 đối tác đăng ký tham gia và chốt lại 2 đối tác là Singapore và Malaysia. Sau khi tổ chức chào giá và thực hiện một số điều kiện khác để lựa chọn, EVN quyết định lựa chọn Singapore làm đối tác chiến lược với điều khoản đối tác mua 30% giá trị EVNTelecom dưới dạng phát hành thêm cổ phiếu (tức vốn Nhà nước được giữ nguyên và giá trị doanh nghiệp được tăng thêm). Để tiến hành các thủ tục tiếp theo, đối tác Singapore đã đặt cọc 15 triệu USD. Hồ sơ được tiến hành theo trình tự và đến tháng 7-2010 thì hoàn tất trình Chính phủ.
Trong lúc hồ sơ đang được trình lên Chính phủ thì Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư công nghệ (FPT) có văn bản gửi EVN đề nghị được mua 60% nhưng là mua giá trị vốn Nhà nước trong tổng vốn tài sản EVNTelecom. Và thế là EVN đã quyết định lựa chọn FPT thay cho STT (Singapore). Hồ sơ lại làm từ đầu, và tháng 1-2011 Chính phủ có văn bản chấp thuận cho FPT trở thành nhà đầu tư chiến lược của EVNTelecom. Thế nhưng, đúng vào thời điểm FPT được Chính phủ chấp thuận là đối tác của EVNTelecom thì FPT lại xin được rút lui. Ngay sau đó, EVN xem xét lựa chọn Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC) là đối tác chiến lược của EVNTelecom. Theo điều kiện thương thảo của VTC, trong hợp đồng mua cổ phần, EVN chấp thuận cho EVNTelecom quyền quản lý toàn bộ các cột điện, cột đèn, cột thông tin, nhà trạm hay kết cấu khác có thể dùng để treo hay đặt dây dẫn thông tin, thiết bị viễn thông, truyền hình.
Khi EVN đem tài nguyên viễn thông quốc gia được Nhà nước giao cho quản lý để tiến hành... cổ phần hóa (hợp tác với VTC bằng việc VTC mua cổ phần), ngày 26-8-2011, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có ý kiến bằng văn bản (số 91/TB-BTTTT), về phương án đầu tư của VTC mua cổ phần của EVNTelecom. Văn bản này nêu rõ: Cam kết của EVN về chuyển giao cơ sở hạ tầng của EVN tại các địa phương cho VTC sử dụng; tần số sử dụng cho CDMA 450Mhz 2000xl là tài nguyên viễn thông quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp cho EVNTelecom để kinh doanh dịch vụ viễn thông di dộng, cố định không dây trên phạm vi toàn quốc, theo phương án sắp xếp tổ chức gắn liền với tài sản thuộc tần số sử dụng cho mạng CDMA 450Mhz để điều hành hệ thống thông tin ngành điện và giao cho EVNTelecom quản lý là đơn vị sẽ tách khỏi EVN sau khi CPH là chưa có cơ sở pháp lý, không phù hợp với các quy định của pháp luật.
Trở lại chuyện chọn đối tác trước đó. Thực tế, EVN đã nghiên cứu và có một quá trình thương thảo với STT (Singapore) trên cơ sở lựa chọn 7 đối tác đăng ký tham gia. Các bước tiến hành lựa chọn của EVN đã rất cẩn trọng và đúng trình tự nhưng rồi đột ngột EVN lại chọn FPT. Hồ sơ được hoàn thiện trong 3 tháng, nhưng rồi cho đến khi Chính phủ ban hành quyết định, FPT lại lên tiếng rút lui.
Trong thời gian chờ Chính phủ chấp thuận là đối tác chiến lược của EVNTelecom sau khi CPH, FPT đã đề nghị EVN (và đã được EVN chấp thuận) không triển khai tiếp 3G khu vực miền Trung, hạn chế đầu tư các tỉnh còn lại, dùng mạng Metro và Core Internet (hai mạng này chủ yếu cung cấp dịch vụ Internet) của FPT Telecom. Điều này dẫn đến toàn bộ khu vực từ Thanh Hóa vào đến Nha Trang chất lượng sóng 3G chưa thể đủ điều kiện để kinh doanh. Cần hiểu là, việc bảo đảm chất lượng dịch vụ 3G và Internet để kinh doanh phải phụ thuộc vào tiến độ xây dựng mạng Core Internet và mạng Metro mà FPT dự kiến triển khai. Hiện nay, tốc độ triển khai mạng Metro của FPT chậm không đáp ứng được tiến độ lắp đặt NodeB (đầu mối để cung cấp dịch vụ tới khách hàng) ở 7 tỉnh và thành phố lớn. Trong khi đó, các Tổng công ty (TCT) Điện lực không có vốn để triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng cho các NodeB, một phần nguyên nhân là chờ quyết định về CPH của EVNTelecom để biết giá trị thuê tài sản giữa EVNTelecom với các TCT Điện lực nên không triển khai xây dựng trạm, cột antena và cáp quang theo kế hoạch. Do phải "chốt" được đối tác chiến lược của EVNTelecom thì EVN mới triển khai được việc bảo lãnh vay vốn, nên việc triển khai 3G giai đoạn 2 cũng bị ảnh hưởng do việc giải ngân giai đoạn 1 đang bị dừng lại vì phía ngân hàng không đồng ý giải ngân tiếp. Giai đoạn 2 lại chưa ký được hợp đồng vay vốn (tuy nhà thầu đã chuyển được 90% số lượng thiết bị và lắp đặt tại các tỉnh).
Những dích dắc trong việc lựa chọn đối tác chiến lược cho EVNTelecom như đã nêu trên làm nhiều người trong ngành đặt câu hỏi: Phải chăng EVN quá dễ dãi hay có gì đó không minh bạch (bởi lẽ việc dích dắc này càng làm cho EVNTelecom đã khó khăn lại càng khó khăn hơn).
Biến lỗ lớn thành lỗ… nhỏ
Căn cứ vào các quy chế quản lý tài chính đối với hoạt động kinh doanh viễn thông công cộng áp dụng trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) do Hội đồng quản trị EVN ban hành theo các quyết định, thì ngoài khoản lỗ của EVNTelecom sẽ còn khoản lỗ từ các đơn vị điện lực tương ứng với tỷ lệ đóng góp và được hưởng từ doanh thu. Như vậy, khoản lỗ từ kinh doanh viễn thông của các đơn vị điện lực cũng tương đương với khoản lỗ của EVNTelecom. Nhưng tại sao khoản lỗ của các đơn vị điện lực lại không được thể hiện trong sổ sách hạch toán? Đây là một cách đẩy các chi phí viễn thông vào chi phí kinh doanh điện của các đơn vị điện lực.
Cần phải nói về chức năng kinh doanh viễn thông của các đơn vị điện lực. Các đơn vị điện lực phải kinh doanh trực tiếp các dịch vụ viễn thông, trong đó bao gồm: CDMA, dịch vụ 3G, thuê bao kênh luồng, internet. Từ các công việc này, các đơn vị điện lực phải chi phí để lập các cửa hàng bán thiết bị đầu cuối, sửa chữa thiết bị, phát triển khách hàng. Để kinh doanh viễn thông, các đơn vị điện lực đã chủ yếu sử dụng nhân lực của kinh doanh điện và tuyển dụng thêm nhân lực không đáng kể. Ngoài các chi phí đầu tư cơ sở vật chất, trả lương, thuê đối tác đại lý, chi phí quản lý…, các đơn vị điện lực còn phải chi phí đầu tư mua thiết bị đầu cuối - có nghĩa, nếu các đơn vị điện lực hưởng tỷ lệ doanh thu 45% thì cũng phải chi phí đầu tư 45% giá trị mua sắm thiết bị đầu cuối. Như vậy, các đơn vị điện lực sẽ phải bỏ ra một khoản chi phí đầu tư khá lớn trong lúc kinh doanh điện cũng bị lỗ, vốn đầu tư phát triển lưới điện phân phối của các đơn vị điện lực thiếu trầm trọng.
Theo giá trị quyết toán, giá trị chuyển từ EVNTelecom sang các đơn vị điện lực trong phương án tách 1 sóng mạng thuộc mạng CDMA 450 để phục vụ thị trường điện, chi phí đầu tư bình quân cho một BTS là hơn 1,4 tỷ đồng. Như vậy, tổng số BTS đã đầu tư là gần 2.900 BTS, trong đó, EVNTelecom chỉ đầu tư khoảng hơn 200 BTS, số còn lại do các đơn vị điện lực đầu tư.
Đầu tư phục vụ dịch vụ 3G cũng do các đơn vị điện lực chịu trách nhiệm, trong 6.000 BTS hiện có thì có khoảng 2.000 BTS đầu tư trước đây cho dịch vụ 2G, đầu tư mới còn khoảng 4.000 BTS (giá đầu tư 1 BTS 3G khoảng 1.700 USD).
Để không bị lỗ trên sổ sách, các đơn vị điện lực đã phải đưa các khoản chi phí đầu tư các điểm bán hàng, trả lương, chi phí quản lý vào chi phí kinh doanh điện. EVN cũng cho phép EVNTelecom được sử dụng các chi phí thu được từ quản lý dây, cáp viễn thông và thông tin của đơn vị khác treo trên cột điện để hạch toán thay cho phải đưa vào để giảm chi phí kinh doanh điện vì các tài sản này đã được tính vào chi phí để cấu thành giá điện. Vậy vốn đầu tư để kinh doanh viễn thông của các đơn vị điện lực được lấy từ đâu nếu không "đánh bùn" sang nguồn vốn kinh doanh điện? Đây quả là một cách hạch toán… kỳ lạ.
Như vậy, có thể nói để cứu sự thua lỗ nghiêm trọng khi đầu tư ra ngoài ngành (EVNTelecom), EVN đã áp dụng một số cách làm… kỳ lạ. Những cách "giải cứu" kỳ lạ này đã làm méo mó giá trị đầu tư, giá điện và gây ra những hệ lụy toàn cục khác - đó là chưa nói đến những thiệt hại đã và đang xảy ra.
Nhóm PV điều tra
hà nội mới



Xem bài viết: EVN ẩn các khoản lỗ vào đầu tư kinh doanh điện