Tăng giá điện: Đâu là lý do thật?
Ngay sau khi bị nhắc nhở về khoản nợ 10.000 tỉ đồng, lập tức Tập đoàn Điện lực VN (EVN) lại đòi tăng giá điện.
Chúng ta khoan hãy bàn đến việc tăng giá điện vào thời điểm này có hợp lý hay không mà hãy đặt câu hỏi rằng ngành điện đã lý giải rõ ràng hay chưa những cơ sở của việc phải tăng giá điện, cũng như những căn cứ để tính toán mức tăng giá.
Trong những lần đòi tăng giá trước đây, ngành điện đã nêu lý do rằng giá điện ở Việt Nam rất thấp so với mặt bằng chung trong khu vực, giá điện chưa được tính đúng, tính đủ chi phí đầu vào. Việc tăng giá điện còn nhằm thu hút các nhà đầu tư quan tâm hơn tới các dự án điện...
Những lập luận “khéo léo” của ngành điện đưa ra trong mỗi lần tăng giá chỉ có vậy và nó thật sự thiếu sức thuyết phục. Theo các chuyên gia, việc chỉ tách ra để đối chiếu về giá bán điện giữa Việt Nam và các quốc gia khác là phiến diện bởi thu nhập đầu người, các chi phí sản xuất, tỷ lệ thất thoát, cơ cấu nguồn điện (tỷ trọng thủy điện, nhiệt điện) ở mỗi quốc gia đều có sự khác nhau. Trong khi đó, những yếu tố “nhạy cảm” như trình độ quản lý điều hành, sử dụng vốn, hiệu quả đầu tư… lại không được đưa ra để so sánh.
Ngành điện sử dụng nhiều tài nguyên của đất nước nhưng những thông tin về việc quản lý, điều hành của tập đoàn này người dân lại rất ít được biết. Như lời của các quan chức EVN thì cần phải “tính đúng, tính đủ” các yếu tố tạo nên giá thành nhưng thật oái oăm là cách “tính đúng, tính đủ” đó dựa trên cơ sở nào thì người dân… chịu!
Ngành điện luôn kêu giá bán thấp, khiến không ai mặn mà đầu tư nhưng bản thân ngành điện cũng chưa tiết kiệm trong đầu tư xây dựng. Không ít những dự án điện bị chậm tiến độ, có cả dự án tai tiếng vì những lình xình trong việc chọn nhà thầu, lắp đặt thiết bị. Hẳn nhiều người vẫn chưa quên là trong số những ông lớn đem tiền đi đầu tư ngoài ngành cũng có tên EVN với số tiền lên đến con số ngàn tỷ.Và còn nhiều doanh nghiệp làm điện ngoài ngành vẫn kêu rằng khó bán được điện, họ tố rằng “đều phải đi xin” để EVN mua điện của họ.
Không như EVN, muốn tăng giá nhưng cứ vòng vo, không nói rõ lý do thật, trong lần tăng giá điện gần đây nhất, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định: Việc tăng giá điện vào ngày 1/3/2011 chủ yếu là để giảm lỗ cho EVN, chứ không phải tăng giá để đầu tư cho hệ thống điện.
Vì sao ngành điện lỗ lên tới hàng ngàn tỷ đồng? Cứ cho là trong số lỗ đó có phần quan trọng là giá bán điện thấp nhưng có bao nhiêu phần trăm là do quản lý, điều hành yếu kém, bao nhiêu phần trăm là do sử dụng vốn kém hiệu quả? Rõ ràng EVN đã thực hiện quy trình ngược bởi mỗi khi thua lỗ hoặc khi thị trường có biến động là lại đòi tăng giá trong khi đáng lẽ phải cải tổ lại cách quản trị, điều hành trước đã.
Mỗi lần có thông tin về tăng giá điện là hàng triệu người dân lại bức xúc. Sự bức xúc đó sẽ không xảy ra nếu mọi thông tin về EVN đều rõ ràng, minh bạch và EVN chứng minh được rằng việc tăng giá là bất khả kháng.
Nhà báo và Công luận



Xem bài viết: Tăng giá điện: Đâu là lý do thật?