Threaded View
-
14-09-2011 05:45 PM #1
Platinum Member- Ngày tham gia
- Jun 2011
- Bài viết
- 59,568
- Được cám ơn 1,465 lần trong 1,303 bài gởi
Vì sao ít doanh nghiệp Việt Nam phá sản?
Vì sao ít doanh nghiệp Việt Nam phá sản?
Kết cục xấu nhất của nhiều doanh nghiệp trong lúc kinh tế khó khăn là phá sản. Nhưng ngay cả khi muốn phá sản, doanh nghiệp Việt Nam chưa chắc đã làm được.
Đối với các doanh nghiệp nhà nước, chuyện phá sản cũng khó khăn không kém vì chẳng có cơ quan nhà nước nào muốn liên can nếu doanh nghiệp trực thuộc của họ bị phá sản.
Không khó để tìm thấy đơn khiếu nại của một cổ đông công ty Cotec Star trên các diễn đàn trực tuyến. Cổ đông này, đại diện cho một nhóm cổ đông từng là nhân viên Cotec Star, thắc mắc vì sao Cotec Star, công ty thành viên của tập đoàn xây dựng và bất động sản có tiếng tăm Cotec Group, đã trở thành “đống hoang tàn” từ cuối năm 2009 mà cổ đông không được thông báo lý do. Công ty cũng chẳng có cuộc họp nào nói về chuyện giải quyết cổ phần của cổ đông sau giải thể (hoặc phá sản). Nhóm cổ đông này cho biết họ đang nắm giữ số cổ phần của Cotec Star tương đương 700 triệu đồng theo dạng cổ phần ưu đãi cho nhân viên. Ông nhấn mạnh: “Số cổ phần mà mồ hôi nước mắt chúng tôi tích góp mới có được”.
Cotec Star với 60% vốn điều lệ thuộc sở hữu của Cotec Group, đã lỗ 1 tỉ đồng năm 2009 và 2,8 tỉ đồng năm 2010, nhưng các cổ đông cũng không hề được báo cáo. Chỉ sau khi nộp đơn khiếu kiện, họ mới được triệu tập tham gia đại hội cổ đông bất thường vào ngày 29.8 để nghe Công ty tuyên bố thua lỗ và phá sản. Nhưng chỉ một tuần sau đó, ông chủ Cotec Group cho biết sẽ mua lại 30% cổ phần từ cổ đông nhỏ lẻ của Cotec Star và cùng với một đối tác tư vấn của Pháp xây dựng thương hiệu Cotec Star thành Cotec Architect. Việc nỗ lực đổi tên thương hiệu và tái cấu trúc Công ty đã cho thấy sự e dè của chủ doanh nghiệp đối với việc phá sản, dù trước đó họ đã trót thốt ra lời tuyên bố “phá sản”.
Một vụ phá sản chấn động trên thị trường chứng khoán là Dược Viễn Đông (DVD) cũng đã diễn ra tương tự. Trong khi cổ phiếu ngành dược được đánh giá là triển vọng thì cổ phiếu DVD của công ty này bị cá nhân lãnh đạo làm giá. Hoạt động kinh doanh của Dược Viễn Đông đình đốn, nợ đầm đìa đến hơn 900 tỉ đồng với các khoản phải thu không nhỏ. Cho đến khi Ngân hàng ANZ, một chủ nợ lớn của Dược Viễn Đông, yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với công ty này và được tòa án chấp nhận, câu chuyện phá sản mới trở thành hiện thực. Từ đầu năm, giới đầu tư nước ngoài đã khiếp sợ và bán tháo cổ phiếu DVD và người mua lại là nhà đầu tư trong nước.
Chỉ trong 1 tháng, 2 vụ phá sản đã được tuyên bố với 2 động thái khác nhau. Một vụ đã thoát khỏi phá sản bằng nỗ lực của chủ doanh nghiệp, một vụ bị ép phải phá sản dưới áp lực của chủ nợ. Thực tế này nói lên tâm lý e dè của các chủ doanh nghiệp khi đứng trước hai chữ “phá sản”, dù trong lúc kinh tế khó khăn như hiện nay nguy cơ phá sản của doanh nghiệp không hề nhỏ.
Nhiều lý do để e ngại
Luật sư Nguyễn Hữu Phước, Giám đốc Công ty Luật Phuoc & Partners kể ông từng tư vấn về thủ tục phá sản cho một số doanh nghiệp, nhưng đa số các trường hợp sau đó đều chuyển sang hình thức đóng cửa doanh nghiệp thay vì phá sản. Lý do là thủ tục phá sản khá phức tạp, nhiêu khê và mất nhiều thời gian.
Luật Phá sản năm 2004 quy định thời gian ra quyết định mở thủ tục phá sản là 30 ngày kể từ ngày tòa án thụ lý hồ sơ. Tuy nhiên, khi hồ sơ đến tay thẩm phán, thời hạn chỉ còn khoảng 20 ngày. Khoảng thời gian này hoàn toàn không đủ để thẩm phán xem xét hồ sơ, triệu tập các phiên họp cần thiết với sự tham gia của chủ doanh nghiệp, các cá nhân và tổ chức khác có liên quan để xem xét những bằng chứng chứng minh doanh nghiệp thật sự lâm vào tình trạng phá sản.
WonderBuy, một trong số ít doanh nghiệp “dũng cảm” tuyên bố phá sản hồi giữa năm nay, cũng bị mắc cạn ở đây. Thương hiệu bán lẻ điện máy này phải phá sản sau khi lỗ tới 52 tỉ đồng bởi giá thuê mặt bằng quá đắt và tình hình kinh doanh khó khăn.
WonderBuy nộp đơn xin phá sản từ tháng 5.2011 nhưng tòa án vẫn chưa đưa ra phán quyết vì các hồ sơ liên quan chưa hoàn tất. Ban Giám đốc Công ty Cổ phần Hợp Nhất, sở hữu thương hiệu WonderBuy, cũng đã có buổi gặp với khoảng 80 nhà phân phối và khách hàng để giải đáp về vấn đề trả nợ. Mặc dù các chủ nợ đã đề xuất nhiều cách thu hồi nợ, nhưng ông Phan Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hợp Nhất, vẫn khẳng định: “Phải chờ phán quyết của tòa!”.
Về nguyên tắc, nếu mọi việc suôn sẻ, sau 90 ngày kể từ ngày nộp đơn, WonderBuy sẽ có phán quyết cuối cùng của tòa án. Tuy nhiên, đến lúc này, sau hơn 3 tháng, câu chuyện phá sản vẫn giậm chân tại chỗ. Điện thoại của ông Hà lúc nào cũng “ngoài vùng phủ sóng”, trong khi tòa án cho biết vẫn chờ WonderBuy bổ sung các chứng từ liên quan như đã yêu cầu. Thế là, câu chuyện xin phá sản của WonderBuy có nguy cơ sẽ tiếp tục bị kéo dài và việc giải quyết công nợ là câu chuyện chưa có hồi kết.
Bên cạnh sự rườm rà trong thủ tục, bản thân các chủ doanh nghiệp cũng không muốn phá sản, đặc biệt khi chuyện phá sản gắn với việc “phân chia gia tài”. Theo luật, khi phá sản, giá trị tài sản doanh nghiệp sẽ phải chia theo thứ tự ưu tiên như sau: lương và trợ cấp thôi việc cho nhân viên; thuế; chủ nợ; chủ doanh nghiệp và cổ đông; ngân sách nhà nước. Có nghĩa sau khi trả cho hết cho nhân viên và chủ nợ, số còn lại mới chảy về túi chủ doanh nghiệp và cổ đông. Nếu như ở các nước như Mỹ, chủ doanh nghiệp thường sở hữu tỉ lệ cổ phần khá nhỏ thì các ông chủ doanh nghiệp Việt Nam lại nắm giữ lượng cổ phần rất lớn. Vì thế, trong trường hợp công ty phá sản họ sẽ chịu thiệt hại nặng nề hơn.
Đó là chưa kể đến việc chủ của doanh nghiệp phá sản sẽ bị tước quyền thành lập cũng như làm quản lý doanh nghiệp khác trong 3 năm kể từ ngày tuyên bố phá sản. Đối với các công ty nhà nước, chuyện phá sản cũng khó khăn không kém vì chẳng có cơ quan nào muốn liên can nếu công ty trực thuộc của họ bị phá sản. Để tình trạng này xảy ra sẽ ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội, đến vấn đề phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung và từng địa phương nói riêng.
Vì thế, dù Luật Phá sản của Việt Nam đã được ban hành gần 20 năm nhưng tỉ lệ doanh nghiệp chủ động hoặc bị yêu cầu phá sản là rất ít, chưa phản ánh đúng thực trạng tài chính của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp dù đã lâm vào tình cảnh phải phá sản nhưng không chủ động tiến hành thủ tục phá sản mà thường cố gắng vay mượn để tiếp tục sống lay lắt, hoặc đối đế quá thì chọn giải pháp giải thể.
Phá sản không xấu
Trong khi phá sản bị các doanh nghiệp tại Việt Nam “né” thì tại Mỹ câu chuyện có phần ngược lại.
Tỉ phú bất động sản Donald Trump thường dùng luật phá sản Mỹ như một công cụ để thoát khỏi đổ vỡ. Trong cuộc trả lời phỏng vấn với tờ tạp chí kinh doanh Forbes gần đây, Trump cho biết, nhiều chủ doanh nghiệp lớn đã dựa vào luật phá sản Mỹ để tái cấu trúc nợ, tháo gỡ khó khăn về vốn và đổi mới doanh nghiệp. Trump đã nộp đơn xin phá sản tổng cộng 4 lần, vào các năm 1991, 1992, 2004 và 2009. Tất cả những lần phá sản này đều liên quan đến bất động sản gồm các khách sạn và sòng bài ở thành phố Atlantic (Mỹ). Đặc thù của ngành bất động sản là nợ rất lớn nên Trump, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Phát triển Địa ốc Trump Organization, không thể không vay nợ.
Michael Venditto, luật sư tại hãng luật Reed Smith (Mỹ), cho rằng: “Luật phá sản Mỹ là công cụ để bạn tái định hình và tái cấu trúc một công ty gặp khó khăn. Nó không hàm ý điều gì bất chính hay năng lực điều hành kém”.
Điều quan trọng hơn, theo Venditto, luật phá sản Mỹ cho phép các chủ nợ tránh được một kết cục bi thảm hơn. Đó là phát mãi tài sản. Ông nói: “Công ty này (công ty của Trump) đã nhiều lần nộp đơn phá sản, nhưng người nắm giữ trái phiếu nhìn vào nó và thấy những lựa chọn khác còn thảm hại hơn nhiều. Một sòng bài ế ẩm ở thành phố Atlantic thì có giá trị bao nhiêu? Nếu sòng bài đó vẫn hoạt động, còn có dòng tiền ra vào, chủ nợ cũng có cơ hội lấy lại được tiền trong dài hạn”.
Trong khi đó, phá sản trở thành mối lo ngại của doanh nghiệp Việt Nam dù phá sản, về bản chất là tích cực. “Cho đến nay, tại Việt Nam, doanh nghiệp xem phá sản là nghĩa vụ chứ không phải quyền lợi”, ông Phước, Công ty Phuoc & Partners nói. Trong khi đó, trên thực tế, “luật phá sản đã thiết kế ra các thủ tục phá sản để giải thoát hợp pháp doanh nghiệp khỏi tình trạng sống lay lắt”.
Một khi được tòa án thụ lý việc phá sản và ra quyết định mở thủ tục thanh lý thì các khoản nợ chưa đến hạn vào thời điểm mở thủ tục thanh lý được xử lý như các khoản nợ đến hạn nhưng không được tính lãi đối với thời gian chưa đến hạn. Hay nói cách khác, doanh nghiệp được “khoanh lãi”. Chính vì vậy, phá sản còn được gọi là thủ tục bảo hộ phá sản. Trong thủ tục phá sản, tòa án nhân danh Nhà nước sẽ chủ trì hội nghị chủ nợ để thuyết phục chủ nợ giãn nợ, khoanh nợ hoặc giúp doanh nghiệp phục hồi kinh doanh. Trong trường hợp không thể phục hồi kinh doanh, tòa án sẽ ấn định việc phân chia giá trị còn lại của doanh nghiệp một cách công bằng và theo luật.
Tuy nhiên, để doanh nghiệp mạnh dạn tuyên bố phá sản, luật pháp Việt Nam cũng cần được cải tiến. Theo ông Phước, Công ty Luật Phuoc & Partners, trước hết, cần một sự linh hoạt khi xử lý các vụ phá sản. Có những vụ việc nếu nhất nhất theo đúng quy trình, thủ tục có lẽ không bao giờ ra được phán quyết. Mặt khác, cần có quy định về việc giảm nhẹ khó khăn tài chính cho con nợ như giảm nợ, không tính lãi đối với khoản nợ nếu doanh nghiệp có phương án phục hồi hiệu quả.
Cuối cùng là đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian xử lý một vụ phá sản. Tuy nhiên, ông Fred Burke, luật sư điều hành Công ty Luật Baker & McKenzie, cho rằng đẩy nhanh việc xử lý thủ tục phá sản là không đơn giản. Ngay cả tại Hồng Kông, một trong những vùng lãnh thổ có hệ thống luật pháp hoạt động hiệu quả nhất thế giới thì việc xử lý một vụ phá sản phức tạp cũng phải mất vài năm. Ngoài ra, theo ông Burke, lý do quan trọng khác khiến cho việc phá sản tại Việt Nam thường kéo dài là luật Việt Nam chưa quy định rõ ai sẽ trả tiền cho thủ tục phá sản. Ở các quốc gia khác, luật quy định rằng khi tài sản của công ty được thanh lý, công ty kiểm toán và công ty luật thực hiện thủ tục phá sản sẽ là đơn vị được ưu tiên thứ ba trong thứ tự thanh toán, sau khi trả thuế cho nhà nước và lương cho nhân viên. Trong khi đó, ở Việt Nam, ông Phước cho biết, phí dành cho các thủ tục phá sản thấp. Có lẽ vì thế mà các công ty luật ở Việt Nam luôn mặn mà với việc tư vấn thành lập doanh nghiệp hơn là tư vấn phá sản.
Tựu trung, có thể hiểu rằng, việc tuyên bố phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng trả nợ không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi, giúp doanh nghiệp rút khỏi thương trường một cách có trật tự thông qua một thủ tục tố tụng tư pháp đặc biệt. Chừng nào chủ doanh nghiệp chưa coi phá sản đơn thuần chỉ là hình thức rút ra khỏi kinh doanh thì dù luật pháp được cải thiện đến đâu cũng khó khả thi.
Con số 30% trong tổng số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh từ đầu năm 2011 đã âm thầm đóng cửa (theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội) cho thấy dấu hiệu của sự hy sinh đối với các “chiến sĩ trên mặt trận kinh tế” đã không còn là dự báo. Và câu chuyện sẽ còn tiếp diễn.
Nhịp cầu đầu tư
Xem bài viết: Vì sao ít doanh nghiệp Việt Nam phá sản?
Thông tin của chủ đề
Users Browsing this Thread
Có 1 thành viên đang xem chủ đề này. (0 thành viên và 1 khách vãng lai)
Similar Threads
-
NHW - Ngô Han -> Doanh nghiệp sản xuất dây điện từ hàng đầu Việt Nam
By thienha133 in forum Doanh nghiệp sàn HoSETrả lời: 21Bài viết cuối: 19-11-2013, 09:13 AM -
SRC - Doanh nghiệp Việt Nam duy nhất sản xuất Lốp máy bay
By Ban Tuot in forum Doanh nghiệp sàn HoSETrả lời: 341Bài viết cuối: 21-04-2013, 05:48 AM -
Doanh nghiệp Việt Nam và cuộc cạnh tranh trong ‘biển đỏ’
By -BMW- in forum BlogTrả lời: 1Bài viết cuối: 04-09-2012, 02:55 PM -
KSA - Doanh nghiệp triển vọng phát triển lớn trong ngành khai thác khoáng sản năm 2011 của Việt Nam
By MrChen in forum Doanh nghiệp sàn HoSETrả lời: 104Bài viết cuối: 20-12-2011, 03:54 PM -
VNH - Thủy hải sản Việt Nhật -> Doanh nghiệp xuất khẩu ghẹ hàng đầu lên sàn HOSE
By ACER in forum Doanh nghiệp sàn HoSETrả lời: 28Bài viết cuối: 05-08-2010, 11:10 AM
Bookmarks