Lập lại trật tự lãi suất: Không còn “hô khoan đánh”

Sau thông tin qua đường dây nóng của Ngân hàng Nhà nước về việc 7 ngân hàng có biểu hiện xé rào lãi suất tiền gửi 14%, lập tức một số ngân hàng trưng “dấu đỏ” thanh minh.
Phải làm gì để ổn định lãi suất tiền vay, nhưng vẫn tìm được sự đồng thuận của toàn xã hội?
Đây, dấu đỏ chót!
Ngày 12/9, thanh tra Ngân hàng Nhà nước phát đi thông báo nghi ngờ 7 đơn vị có biểu hiện lách trần lãi suất tiền gửi; đồng thời, yêu cầu các đơn vị này trong ngày 13/9, phải báo cáo ngay các số liệu tiền gửi, phải thu, phải trả, chiết khấu giấy tờ có giá và cho vay trong ngày 8 và 9/9 cho Ngân hàng Nhà nước.
Các ngân hàng nói trên bao gồm: Agribank (chi nhánh Thanh Xuân, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Tín Nghĩa, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Tây (Hà Nội); Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (Hải Phòng), Maritime Bank (Ninh Bình), Hội sở Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á (Tp.HCM).
Ngoài ra, còn 3 đơn vị khác cũng dính “nghi án” xé rào tại Đà Nẵng là Quỹ Tiết kiệm Đống Đa, chi nhánh Việt Nam Tín Nghĩa và chi nhánh SHB.
Phản ứng gần như lập tức, chiều 12/9, Maritime Bank gửi ngay thông báo với nội dung: Maritime Bank Ninh Bình không xé rào lãi suất tiền gửi 14%; không khuyến mãi; niêm yết công khai lãi suất tiền gửi.
Ngân hàng này cũng đưa ra biên bản làm việc giữa Maritime Bank Ninh Bình và thanh tra Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Ninh Bình do bà Đinh Thị Thủy ký xác nhận, có đóng dấu đỏ của ngân hàng để làm bằng chứng.
Tương tự, ngày 12/9, ông Trần Trọng Nghĩa, Phó giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước thành phố Đà Nẵng và đại diện SHB Đà Nẵng cùng ký xác nhận vào biên bản làm việc rằng: sau khi kiểm tra các hoạt động các ngày 7, 8, 9 và 10/9, gồm toàn bộ chứng từ giao dịch; quỹ tiền mặt; tài khoản tiền gửi không kỳ hạn một số khách hàng; tài khoản lãi phải trả cho tiền gửi VND và tiền gửi tiết kiệm VND cùng một số tài khoản liên quan khác, SHB đã chấp hành nghiêm Chỉ thị số 02/CT - ngày 7/9 của Ngân hàng Nhà nước trong việc duy trì lãi suất huy động VND và USD.
Còn tính đến cuối ngày 13/9, hầu hết những ngân hàng trong diện bị Ngân hàng Nhà nước yêu cầu kiểm tra lách lãi suất đều cho rằng đã có sự nhầm lẫn, “tố điêu” hoặc Ngân hàng Nhà nước “chọn mẫu ngẫu nhiên”!
Kể từ khi Ngân hàng Nhà nước công bố sẽ mạnh tay với lách trần lãi suất tiền vay, đã có nhiều thông tin nóng xung quanh vấn đề này. Ví dụ, qua kiểm tra cân đối trên sổ sách hệ thống, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội đã phát hiện ngân hàng S. bị rút đi khoảng 700 tỷ đồng, ngân hàng G. bị rút 500 tỷ đồng. Hoặc, nhờ nhận dạng các yếu tố nhân thân như số chứng minh thư, địa chỉ người gửi tiền, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh đã phát hiện một ngân hàng dâng lãi suất lấy của ngân hàng S. nói trên 14 tỷ đồng. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời can thiệp để vị khách trên quay lại gửi về ngân hàng cũ.
Gần đây nhất, một giám đốc doanh nghiệp đã gọi điện cho một lãnh đạo của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam “tố” rằng, có ngân hàng vẫn huy động lãi suất 18%/năm trong ngày 9/9 nhưng không chịu xưng danh.
Cần hội tụ 5 yếu tố
Khác với kiểu “hô khoan đánh” của những lần trước, có thể nói, lần này, Ngân hàng Nhà nước đã mạnh tay hơn rất nhiều trước nạn xé rào lãi suất, mà đầu tiên là khâu minh bạch thông tin.
Một cán bộ của Hiệp hội Ngân hàng nói: “Chưa biết thực hư ra sao, nhưng sự công bố thông tin kịp thời đối với những trường hợp nghi vấn đã đánh động những ngân hàng đã, đang và có ý định xé rào lãi suất”. Các ngân hàng thừa hiểu rằng, nếu bị “bêu riếu” trước công chúng, đồng nghĩa với việc mang nhiều tiếng xấu “thanh khoản đang gặp vấn đề”, làm ăn bất minh và tất nhiên, chẳng ai muốn “kiếm củi ba năm, thiêu rụi một giờ”.
Thứ hai, đối với vấn đề thanh tra. Một khó khăn đối với Ngân hàng Nhà nước là mạng lưới hệ thống của 100 tổ chức tín dụng hiện nay lên tới hàng trăm nghìn điểm, rải khắp 63 tỉnh, thành. Trong khi đó, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại các địa phương chỉ khoảng dăm chục đơn vị, quân số trung bình ước khoảng vài trăm người/chi nhánh.
Mặc dù lực lượng mỏng nhưng Ngân hàng Nhà nước đã biết “xã hội hóa” khâu cung cấp thông tin qua đường dây nóng để khách hàng “tố” và các tổ chức tín dụng “tố” lẫn nhau. Tuy nhiên, nếu không cẩn trọng, rất có thể sẽ rất tốn kém trong việc xác minh mà không đưa lại hiệu quả như mong muốn.
Bằng chứng ở đây là trong số 7 trường hợp Ngân hàng Nhà nước công bố nghi ngờ, rốt cục chưa phát hiện được ai vi phạm. Hơn nữa, nếu không khách quan, dư luận sẽ hiểu lầm chính thanh tra Ngân hàng Nhà nước lại “có gì” với đơn vị bị thanh tra nên toàn bộ kết quả mới “âm tính” như vậy.
Thứ ba, thông thường, tổ chức tín dụng buộc phải lách trần lãi suất đều nằm trong tình trạng không cân đối được giữa nguồn và sử dụng nguồn, nhất là từ nay đến cuối năm, nhu cầu vốn rất cao, trong đó, có nhu cầu thanh toán các khoản phải trả nhưng việc thu nợ không dễ dàng.
Điểm dễ nhận thấy trong mấy ngày qua, kể từ khi Ngân hàng Nhà nước công bố thiết lập trật tự lãi suất tiền vay thì lãi suất trên thị trường 2 nóng lên. Nguồn của tổ chức tín dụng bao giờ cũng được hình thành theo thứ tự: huy động ở thị trường 1, thị trường 2, giao dịch trên OMO và cuối cùng là tái cấp vốn.
Rất nhiều đơn vị yếu thanh khoản lại không có nhiều giấy tờ có giá để giao dịch OMO thì sau khi không thể huy động ở thị trường 1 hoặc vay mượn trên thị trường 2, chỉ còn cách vay tái cấp vốn.
Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước khá sòng phẳng khi Thống đốc Nguyễn Văn Bình tuyên bố: “Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện đúng chức năng người mua bán cuối cùng và sẵn sàng tái cấp vốn”. Tuy nhiên, để được tái cấp vốn, gần như tổ chức tín dụng phải trưng ra toàn bộ sổ sách giấy tờ, phải “vạch áo” cho Ngân hàng Nhà nước “xem lưng”. Sự sòng phẳng đó là đúng nhưng đang khiến nhiều người nghĩ rằng, một số tổ chức tín dụng yếu thanh khoản thà làm bậy còn hơn lên xin tái cấp vốn.
Thứ tư, để việc thiết lập trần lãi suất nghiêm túc, hơn ai hết, các tổ chức tín dụng phải nghiêm túc thực hiện. Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV nói: “Nếu chỉ có chúng tôi nghiêm mà ngân hàng khác không nghiêm thì BIDV lại mất vốn như những lần đồng thuận trước”.
Thứ năm là vai trò đối với người gửi tiền. Lâu nay, theo luật, mức bảo hiểm tiền gửi chỉ 50 triệu đồng/món, nhưng người gửi tiền vẫn ngầm cho rằng, Chính phủ không bao giờ cho phép đổ vỡ hệ thống ngân hàng. Nhưng cũng chính vì thế, nhận thức này đã làm cho người gửi tiền ỷ lại và nảy sinh việc mặc cả lãi suất tiền gửi như mớ cá, mớ tôm ngoài chợ.
Có lẽ, Ngân hàng Nhà nước cũng nên minh bạch tình hình tài chính của một số ngân hàng yếu kém, thậm chí sẵn sàng cho “sập tiệm” một vài đơn vị.
Nguyễn Hoài
tbktvn



Xem bài viết: Lập lại trật tự lãi suất: Không còn “hô khoan đánh”