Threaded View
-
13-09-2011 03:29 PM #1
Platinum Member- Ngày tham gia
- Jun 2011
- Bài viết
- 59,568
- Được cám ơn 1,465 lần trong 1,303 bài gởi
Chuyện cổ tích Việt Nam ở quốc gia gặp thảm họa động đất
Chuyện cổ tích Việt Nam ở quốc gia gặp thảm họa động đất
Xây dựng thành công mạng di động lớn nhất Haiti chỉ sau hơn 1 năm đất nước này gặp thảm họa động đất làm hơn 300.000 người chết, một công ty Việt Nam đã viết nên câu chuyện cổ tích tại quốc gia châu Mỹ.
Ngày 7/1/2010, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) thắng thầu trong việc mua lại 60% Công ty viễn thông Teleco của Haiti. Theo dự kiến, ngày 15/1/2010, đoàn công tác của Viettel sẽ sang đàm phán lần cuối để ký kết hợp đồng. Thế nhưng, ngày 12/1/2010, một trận động đất khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại đã xảy ra tại quốc gia châu Mỹ.
Trận động đất lịch sử đã cướp đi mạng sống của hơn 300.000 người Haiti, phá hủy hầu hết các cơ sở hạ tầng quan trọng của đất nước này.
Thảm họa này đã cướp đi sinh mạng của hơn 300.000 người, 90% các công trình lớn của Haiti bị phá hủy hoàn toàn hoặc hư hỏng rất nặng, thủ đô Port-au-Prince gần như bị san phẳng, hơn 2 triệu người lâm vào cảnh không nhà, các mạng viễn thông đều bị sập và tê liệt hoàn toàn… Với Teleco, hạ tầng của công ty này bị phá hủy hơn 80%. Không ai tin Viettel sẽ quay lại để ký hợp đồng.
'Quân đội Việt Nam trở thành cứu tinh ở Haiti'
Trong hơn một tháng bị gián đoạn liên lạc với thế giới, những người Haiti không biết rằng, ở Việt Nam, ban lãnh đạo của Viettel vẫn quyết định tiếp tục đầu tư vào quốc gia châu Mỹ. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel lên tiếng khẳng định: “Người Việt Nam khi đã coi ai đó là bạn thì hứa là làm và bạn bè cần giúp nhau lúc khó khăn”.
Đầu tháng 5/2010, nhiều hãng thông tấn lớn trên thế giới như AP, BBC… hay các tạp chí chuyên ngành về công nghệ thông tin và viễn thông như Telegeopraphy, TelecomTV One, World War 4 Report… đồng loạt đưa tin hoặc có bài phân tích về sự kiện Viettel chính thức nắm quyền chi phối Công ty viễn thông Teleco (Haiti). Đài truyền thanh Haiti Radio Kiskeya loan tin như một sự chờ đợi: “Từ 0h ngày thứ thứ sáu 7/5/2010, Viettel bắt đầu nắm giữ quyền kiểm soát Natcom (tên công ty liên doanh mà Viettel nắm 60%vốn)”. Hãng tin AP (Mỹ) có hẳn một bài phân tích chuyên sâu với tiêu đề “Quân đội Việt Nam sẽ trở thành vị cứu tinh của ngành viễn thông Haiti”.
Những người Việt Nam đến với Haiti, đem lại sức sống mới cho ngành viễn thông nơi đây
Tuy nhiên, TelecomTV One (Anh) bình luận: “Viettel bắt đầu đi trên con đường mà những nhà tư bản sợ phải đi!”. Theo thông tin từ hãng truyền thông này, trước khi vụ động đất xảy ra, Công ty viễn thông Teleco lỗ ít nhất 1 triệu USD/tháng và tình trạng này kéo dài từ năm 2001. Teleco chỉ có khoảng 40.000 thuê bao điện thoại cố định và đang giảm dần. Chưa hết, 80% trong số 9,8 triệu người dân Haiti vẫn sống trong cảnh nghèo đói, với thu nhập chưa tới 2 USD/ngày.
Ngay cả khi động đất chưa xảy ra, những nhà đầu tư quốc tế như Viettel vẫn phải đối mặt với những thử thách như đường sá thiếu và xuống cấp, điện lưới không ổn định, chi phí kinh doanh cao, tình trạng trộm cắp diễn ra thường xuyên, đặc biệt là dây cáp đồng…
Cũng chính bởi những lý do này, có rất ít người tin vào ý định đầu tư nghiêm túc của phía Việt Nam sau thảm họa động đất tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại. Vào thời điểm Viettel tiếp nhận quyền kiểm soát Teleco, ông Gregory Groth – Cố vấn kinh tế Đại sứ quán Mỹ tại Haiti nói: “Chúng ta sẽ xem họ (Viettel) nghiêm túc như thế nào khi họ phát hiện ra những khó khăn trong việc duy trì cơ sở hạ tầng ở thủ đô Port– au– Prince”.
Tuy nhiên, cũng có những người vẫn lạc quan về cam kết của những người Việt Nam. Ông Yves Bastien - Chủ tịch Ủy ban hiện đại hóa doanh nghiệp Haiti (CMEP) chia sẻ: “Cách mà người Việt Nam tiếp cận các giao dịch luôn tạo cho người khác cảm giác muốn tiếp tục duy trì quan hệ dù có thành công hay không”. Hơn thế, vị quan chức này gọi người Việt Nam đến Haiti là những chiến binh Spartan “có khả năng cứu sống Teleco” (chiến binh Spartan sống tại Hy Lạp, nổi tiếng về lòng dũng cảm và anh hùng trong cuộc chiến chống quân Ba Tư của Trung Đông).
'Những gì tốt nhất ở Việt Nam sẽ được mang tới Haiti'
Khi bắt tay vào xây dựng mạng viễn thông cho Natcom, những người Việt Nam ở đây lại gặp thêm những thách thức mới. Sau động đất, tình trạng chính trị ở Haiti khá bất ổn, bạo động, biểu tình diễn ra thường xuyên. Điều này cộng với bệnh dịch tả khủng khiếp, lây lan cực nhanh, cướp đi sinh mạng của hơn 5.000 người Haiti xảy ra vào tháng 10/2010, càng làm cho khó khăn thêm chồng chất. Đây là lý do khiến cho nhiều người thêm nghi ngờ về sự kiên định của những người Việt Nam với cam kết đầu tư ở quốc gia châu Mỹ này.
Thế nhưng, những người Việt Nam và các cộng sự Haiti của họ tại Natcom dường như không mấy quan tâm đến những người còn hoài nghi và cũng chẳng ngại thử thách mà ai cũng nhìn thấy. Chỉ sau 3 tháng Viettel tiếp quản Teleco (thành lập Natcom), khoảng 70% mạng lưới của công ty này đã được khôi phục lại. Sau đúng 1 năm, Natcom đã lắp đặt và phát sóng gần 1.000 trạm BTS 2G và 3G – nhiều hơn 30% so với mạng di động lớn nhất Haiti (Digicel) đã triển khai trong 6 năm. 3.000 km cáp quang được xây dựng mới, phủ đến cấp huyện và gấp 20 lần số cáp quang mà Haiti có trước tháng 9.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel nói: “Những gì chúng tôi đã làm cho Việt Nam thì chúng tôi sẽ làm như vậy cho Haiti. Những gì tốt nhất của Viettel sẽ được mang tới Haiti”
Cho đến tháng 9 vừa qua, Natcom là công ty duy nhất tại Haiti cung cấp đầy đủ dịch vụ viễn thông, và cũng là công ty duy nhất cung cấp công nghệ 3G. Đây cũng là nhà mạng sở hữu cổng kết nối Internet quốc tế duy nhất của Haiti qua tuyến cáp quang biển 10Gbps tới Bahamas kết nối đi Mỹ. Với kênh phân phối phủ xuống tận thôn, xã, Natcom đã nhanh chóng có 250.000 thuê bao di động sau 1 tháng cung cấp thử nghiệm trước ngày khai trương (7/9). Sự xuất hiện của Natcom đã trực tiếp thúc đẩy giảm mặt bằng giá tới 20% so với trước đây.
Đây là những con số giống như chuyện cổ tích thời hiện đại, làm kinh ngạc bất kỳ một ai từng hoài nghi về sự nghiêm túc trong đầu tư của những người Việt Nam hơn 1 năm trước đây. Trong buổi lễ khai trương mạng viễn thông Natcom, Tổng thống Haiti, ngài Michel Martelly phát biểu: “3.000 km cáp quang mà Natcom đã xây dựng sẽ góp phần tạo nên cuộc cách mạng về lĩnh vực viễn thông ở đất nước này”.
Cũng tại buổi lễ này, ông Nguyễn Mạnh Hùng- Phó tổng giám đốc Viettel cho biết mục tiêu sắp tới của Natcom là đưa cáp quang về đến từng xã. Bên cạnh đó, Natcom sẽ triển khai chương trình đưa Internet miễn phí tới tất cả các trường học và trở thành công ty duy nhất tại Haiti thực hiện chính sách này. Ông Hùng nói: “Những gì chúng tôi đã làm cho Việt Nam thì chúng tôi sẽ làm như vậy cho Haiti. Những gì tốt nhất của Viettel sẽ được mang tới Haiti”.
Vị lãnh đạo của phía Việt Nam nói thêm: “Viễn thông và công nghệ thông tin là một cơ hội lớn cho các nước đang phát triển. Về GDP đầu người, nước giầu và nước nghèo có thể khác nhau tới 50 lần và thu hẹp khoảng cách ấy không thể nhanh được. Nhưng chúng ta có thể thu hẹp khoảng cách về viễn thông và CNTT giữa nước giầu và nước nghèo trong một khoảng thời gian ngắn. Haiti có quyền để có một hạ tầng viễn thông tương đương một nước phát triển trong một vài năm tới. Và chúng tôi có mặt tại đây để giúp các bạn hiện thực hóa việc đó”.
Tại Việt Nam, Viettel hiện là nhà khai thác viễn thông lớn với doanh thu năm 2010 gần 5 tỷ USD và 55 triệu thuê bao đang hoạt động. Còn ở nước ngoài, Viettel đang hoạt động tại 6 nước khác nhau thuộc 3 châu lục: châu Á, châu Mỹ và châu Phi. Tại những nước mà Viettel đã kinh doanh trên 2 năm, công ty được đầu tư đều đã trở thành hãng viễn thông lớn nhất (Metfone tại Campuchia và Unitel tại Lào).
Trong những ngày Natcom bắt đầu kinh doanh thử nghiệm, người ta đã chứng kiến những cảnh tượng chưa từng có đã diễn ra ở các điểm giao dịch ở thủ đô Port-au- Prince. Đó là hàng dãy sinh viên dài dằng dặc xếp hàng từ sáng sớm để đăng ký sử dụng gói dịch vụ di động mà Natcom ưu đãi về giá cước cho đối tượng này. Những bạn trẻ đăng ký thành công đầu tiên đã nhảy cẫng lên rồi ôm nhau chúc mừng, không khác gì cảnh ở đâu đó trên thế giới những người đầu tiên mua được iPhone đã trải qua. Dường như một câu chuyện cổ tích mới đang được viết tiếp.
Lê Thành
Bưu Điện Việt Nam
Xem bài viết: Chuyện cổ tích Việt Nam ở quốc gia gặp thảm họa động đất
Thông tin của chủ đề
Users Browsing this Thread
Có 1 thành viên đang xem chủ đề này. (0 thành viên và 1 khách vãng lai)
Bookmarks