4 năm thị trường hóa, điện chỉ một chiều: tăng giá!
Đòi hỏi phải tăng giá điện ngay trong tháng 9 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam có vẻ rất đột ngột nhưng thực tế, đòi hỏi này dường như đã được sự "hậu thuẫn" lớn từ Bộ Tài chính và Công Thương. Điều đáng nói là sự minh bạch về những khoản lỗ của EVN – lý do chính để tăng giá điện đến nay vẫn chưa được công bố.
Chỉ có tăng!
Nhìn lại 4 năm kể từ khi có Quyết định 26 ban hành tháng 12 năm 2006 về lộ trình thị trường hóa giá điện, Việt Nam đã có 5 lần điều chỉnh giá điện và chỉ có duy nhất một chiều tăng. Lần đầu tiên là ngày 1/1/2007, giá điện bình quân tăng lên 842 đồng/kWh, cao hơn 7,6% so với giá điện bình quân năm 2006. Liên tiếp các năm sau, mỗi năm giá điện đều “đến hẹn lại lên”, tăng từ khoảng 5% đến 10%. Kỷ lục nhất là đợt tăng gần đây nhất vào 1/3/2011, giá điện bỗng vọt lên 15,28%, ở mức 1.242 đồng/kWh.
Thay vì giá điện sẽ điều chỉnh mỗi năm một lần vào 1/3 hàng năm, Quyết định 24 của Thủ tướng ban hành hồi tháng 4 năm nay còn cho phép cứ trung bình 3 tháng giá điện có thể tăng một lần. Thông tư 31 của Bộ Công thương hướng dẫn cơ chế điều chỉnh giá điện theo sự biến động của ba thông số đầu vào ban hành tháng 8 vừa qua còn nêu rõ sẽ áp dụng cơ chế tự động này kể từ ngày 1/9/2011.
Song hành với chính sách mở về giá điện đầy thông thoáng trên, ở mọi cuộc họp từ họp Quốc hội cho đến các hội nghị hội thảo về qui hoạch điện, các văn bản thông cáo báo chí của Bộ Công Thương, bộ Tài chính, người tiêu dùng chỉ được nghe một chiều rằng: giá điện đang thấp, EVN đang thua lỗ và mức tăng mới đây chưa “tăng” hết mức phải tăng.
Lỗ nối tiếp lỗ
Dẫn giải về sự nín nhịn của giá điện dịp 1/3 vừa qua, Bộ Tài chính đã cho rằng, dù tăng giá kỷ lục, ngành điện vẫn bị “treo” 27.917 tỷ đồng chi phí phát sinh đầu vào. Nếu tính đủ khoản này, giá điện sẽ tăng tới 62% thay vì 15,28%. Giá điện mà người dân đang thụ hưởng chỉ bằng 24,3% so mức đáng lẽ phải điều chỉnh. Để có mức giá điện tăng “thấp” như vậy, EVN đã phải tạm thời không có lợi nhuận, tiếp tục bị lỗ trong năm 2011. Có ít nhất là 4 khoản chính mà EVN đang chịu lỗ từ năm 2010 là chi phí tiếp nhận điện hạ áp nông thôn từ 2010 trở về trước: 1.282 tỷ đồng; lỗ do phát điện giá cao 2010: 8.596 tỷ đồng; chênh lệch tỷ giá của tổng dư nợ ngoại tệ: 17.321 tỷ đồng; chi phí vận hành bảo dưỡng và chi phí công suất của nhà máy điện Cà Mau các năm 2008-2009: 720 tỷ đồng.
Ở thời điểm tháng 2 năm nay, bộ Tài chính còn khẳng định, nếu không tăng giá điện năm 2011, theo tính toán của Bộ Tài chính, ngành điện sẽ lỗ thêm 29.500 tỷ đồng. Cộng lại, tổng số lỗ kinh doanh điện các năm sẽ là 57.417 tỷ đồng.
Cần 5-7 tỷ USD/năm để đầu tư
Trong cuộc họp tháng 5 và tháng 8 vừa qua công bố về Quyết định 24 của Chính phủ và tổng kết qui hoạch ngành điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng liên tục nhấn mạnh rằng, giá điện là mấu chốt của vấn đề khó khăn trong ngành điện hiện nay. Một trong giải pháp để thực hiện thành công quy hoạch điện VII giai đoạn 2011-2015 là phải có nguồn tài chính đáp ứng được. Mười năm đầu của Quy hoạch, mỗi năm Việt Nam cần gần 5 tỷ USD, 5- 10 năm kế tiếp, chúng ta cần khoảng 7 tỷ USD/năm. Từ nay tới năm 2010, giá điện Việt Nam phải tăng lên 9cent/kWh so với mức 5,8 cent/kWh hiện nay.
Điểm lại tất cả các động thái trên, có thể khẳng định rằng, không chỉ có EVN mà chính các bộ Công Thương, Tài chính đều đang nói gần nói xa tới việc hiển nhiên sẽ tăng giá điện để bù lỗ cho EVN.
Với sự hậu thuẫn vững chắc trước dư luận từ cơ quan quản lý như vậy, không có gì lạ khi ông chủ ngành điện đặt vấn đề cần tăng ngay giá điện trong tháng 9 như một giải pháp duy nhất tháo gỡ mọi tồn tại yếu kém của ngành này.
Trả lời báo chí, ông Đinh Quang Tri “hé mở” rằng, EVN chưa trình phương án cụ thể về tăng giá điện, nhưng kế hoạch cho phương án giá điện mới cũng đã được chuẩn bị đầy đủ như việc tính toán các thông số tỷ giá, nhiên liệu đã tăng trên 5%, hay như việc phải chi ra khoảng 4000-5000 tỷ đồng đổ dầu vào chạy phát điện trong tháng 9 này do việc ngừng cấp khí cho các nhà máy nhiệt điện phía Nam…
Trao đổi với PV Diễn đàn kinh tế Việt Nam, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng chia sẻ rằng, EVN đang lỗ lớn, chưa trả được đồng nào cho Tập đoàn than và đầu khí. Giải pháp hiện nay để khắc phục chỉ còn là vấn đề tăng giá điện.
Có lẽ, chưa bao giờ, kế hoạch rục rịch tăng giá điện của EVN lại có sự ủng hộ lớn như vậy từ lãnh đạo các bộ và cũng chưa khi nào, EVN thể hiện quyết tâm tăng mạnh giá điện ít nhất là 5% hay 15-20% như phát biểu của ông Đinh Quang Tri với báo chí.
Kiểm toán giá điện và sự mù mờ lãi lỗ
Ông Phạm Mạnh Thắng, Tổng Cục trưởng Tổng Cục năng lượng Việt Nam trao đổi với báo chí đã khẳng định: Việc tăng giá điện hay không sẽ còn phải chờ vào kết quả kiểm toán lãi lỗ của EVN.
Đồng thời, một vị phó Tổng Giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam cũng đã từng hứa hẹn ở thời điểm tháng 5/2011 rằng, khoản lỗ 8500 tỷ đồng năm 2010 và lỗ gần 2000 tỷ đồng trong những tháng đầu năm 2011 sẽ được kiểm toán và sẽ có kết quả cụ thể vào tháng 6/2011.
Tuy nhiên, cho đến nay, các kết quả kiểm toán này vẫn chưa được công bố! Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng đã bày tỏ rằng, xuất phát điểm của việc tăng giá điện là phải dựa vào sự biến động của giá thành sản xuất điện, chứ không thể dựa vào thông tin thua lỗ, nợ nần của doanh nghiệp. Hơn nữa, cơ chế cho phép 3 tháng điều chỉnh một lần giá điện thì EVN hay các bộ cần công bố công khai lộ trình này.
Nếu như, mức giá điện phải tăng là 62% như lãnh đạo bộ Tài chính từng phát biểu trước đây là việc không thể tránh khỏi thì câu hỏi cần phải giải đáp cấp thiết là, EVN và các bộ sẽ phân bổ khoảng 62% này trong thời gian tiếp theo như thế nào? Nói cách khác, khoảng chênh lệch giá điện không phải chờ đến thời điểm này mới tính toán mà trên thực tế, đã được EVN và các bộ dự tính trước. Bởi lẽ đó, không có lý do gì mà thông tin tăng giá điện chỉ dừng lại ở một vài phát ngôn theo kiểu “lobby” dư luận mà không có sự công bố sòng phẳng với người tiêu dùng.
Như thông tin Diễn đàn kinh tế Việt Nam đã đưa, EVN thiếu vốn, thua lỗ, không đủ bù đắp chi phí sản xuất và hiện nay, còn thiếu tới 277.190 tỷ đồng cho nhu cầu đầu tư từ nay tới năm 2015. Tuy nhiên, việc thua lỗ này không chỉ đổ tại giá điện thấp mà còn là câu chuyện đầu tư thiếu hiệu quả của ngành điện. Bằng chứng là có ít nhất 13 dự án nhiệt điện đã phải treo lại từ giai đoạn 2005-2010 của Quy hoạch điện VI sang giai đoạn 2011-2015 của Quy hoạch điện VII. Trung bình, các dự án chậm từ 6 tháng tới 2-3 năm, đã làm gia tăng chi phí đầu tư điện. Triền miên 3 năm qua, điện luôn luôn thiếu vào mùa khô.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc tăng giá điện ở ngay thời điểm tháng 9 là bất hợp lý vì chưa có sự kiểm chứng giá thành, sự biến động đầu vào rõ ràng. Bên cạnh đó, lạm phát hiện nay vẫn là mức cao và đã phải liên tục điều chỉnh mục tiêu, mức giữ được 18% như Thủ tướng yêu cầu là không dễ dàng. Các doanh nghiệp sản xuất đều đang lao đao vì lãi suất cao (trên 20%). Chưa kể, quí 4 là chu kỳ tăng giá của nhiều mặt hàng thiết yếu khác, phục vụ cho việc giáp Tết.
Vì lẽ đó, giá điện tăng bao nhiêu, ở mức nào, ở thời điểm nào sẽ phải được cân nhắc kỹ lượng và kèm theo bản công bố công khai kết quả kiểm toán EVN mới có thể nhận được sự đồng thuận của dư luận.
Phạm Huyền
Diễn đàn kinh tế Việt Nam



Xem bài viết: 4 năm thị trường hóa, điện chỉ một chiều: tăng giá!