Sự trở lại của "thị trường bò"
The uptrend seemed to return (tạm dịch: Xu hướng tăng dường như trở lại) là nhan đề nhiều báo cáo của các CTCK gửi NĐT nước ngoài trong mấy ngày gần đây.

Thị trường tăng trở lại, dù mức độ bền vững còn chưa được khẳng định, khiến tâm lý nhiều NĐT phấn chấn. Một NĐT thường xuyên dạo sàn với số vốn 10 tỷ đồng, trong tuần cuối tháng 8 đã đổ thêm khoảng 10 - 15 tỷ đồng vào danh mục. Các NĐT nhỏ hơn cũng đã chăm chỉ bám sàn, thậm chí một số còn treo dòng chữ ngộ nghĩnh "Phục thù" trên facebook. Kết quả của sự cần mẫn mấy tuần qua, theo chia sẻ của NĐT, là 20% lợi nhuận trên vốn.
Tuy nhiên, sự thận trọng vẫn hiện hữu với đa số NĐT khi họ thường mua đuổi bán đuổi, T+4 chứng khoán về tài khoản có lãi là họ bán; chứng khoán về lỗ 15%, cũng cắt không thương tiếc. Thành ra có những mã đã tăng giá gần 100% so với đáy, nhưng lợi nhuận NĐT thu được không phải con số tương ứng. Sự thận trọng còn thể hiện ở chỗ không phải mã chứng khoán nào cũng quay đầu và tăng thanh khoản. Giá trị khớp lệnh trên hai sàn đạt 1.500 - 1.800 tỷ đồng mỗi phiên, vậy nhưng thống kê lại vẫn có đến cả trăm mã chứng khoán có khối lượng khớp lệnh dưới 10.000 đơn vị/phiên. Không phải cổ phiếu tốt đến nỗi đa số NĐT quyết giữ không bán ra mà trái lại, hàng xấu nên không NĐT nào gom vào dù giá rất rẻ. Cũng không loại trừ yếu tố phong trào khi nhóm cổ phiếu ồn ào như cổ phiếu CTCK đồng loạt tăng, dù hoạt động của CTCK chưa hẳn có nhiều yếu tố sáng sủa khi thị trường mới chớm khởi sắc.
TTCK thường phản ánh trước diễn biến nền kinh tế 3 - 6 tháng. Rõ ràng, một trong những yếu tố quan trọng hỗ trợ đợt tăng này là tâm lý lạc quan và kỳ vọng vào khả năng giảm lãi suất. Thông tin không quá tích cực, song là điều được DN và người dân chờ đợi được tung ra đều đặn đã tạo ra những nhịp tăng và điều chỉnh của thị trường, thay vì dốc thẳng đứng như mọi lần. Khi sự hưng phấn tâm lý do các động thái giảm lãi suất cân bằng lại, giới đầu tư đang chờ đợi động thái mạnh tay của Chính phủ trong chấn chỉnh thị trường vàng và ổn định tỷ giá. Đây sẽ là những thông tin mới, những chuyển biến mới để TTCK có thêm động lực.
Những diễn tiến mới từ cuộc họp Chính phủ mới đây và Hội nghị triển khai công tác những tháng cuối năm của ngành ngân hàng cũng hé mở một vấn đề vốn không mới, nhưng chưa bao giờ được thực thi tại Việt Nam. Đó là sự khẳng định sứ mệnh của một ngân hàng trung ương là giữ giá trị đồng tiền và giữ hệ thống ngân hàng an toàn tối đa. Để làm được điều này, nền kinh tế Việt Nam cần nhiều kênh huy động vốn, cần đi bằng hai chân, thay vì lâu nay phụ thuộc chủ yếu vào bầu sữa ngân hàng.
Thị trường vốn, mà ở đó sự khởi sắc của thị trường thứ cấp, trong đó chất lượng hàng hóa được phân cấp rõ ràng là cần thiết và do đó sẽ được quan tâm hơn. Nhìn lại kênh huy động vốn qua TTCK, 8 tháng đầu năm, tính cả lượng phát hành (tính theo phương án nêu trong bản cáo bạch, không tính thực tế huy động vốn) đạt 12.758 tỷ đồng, qua đấu giá cổ phần hóa đạt 1.612 tỷ đồng, một tỷ lệ rất nhỏ so với kênh huy động vốn qua ngân hàng. Và đó là một bất hợp lý cần thay đổi.
Anh Việt
đầu tư chứng khoán



Xem bài viết: Sự trở lại của "thị trường bò"