Vốn FDI: Một tiền gà, ba tiền thóc
Thực tế, hiệu quả tiếp nhận vốn đầu tư không như mong đợi, hoặc không tương xứng với chi phí của nước chủ nhà bỏ ra, cả về chi phí tài chính, nhân lực và môi trường.
Tạo ưu đãi, chấp nhận cạnh tranh có phần thua thiệt ngay trên sân nhà, nhiều ngành và địa phương hy vọng, các doanh nghiệp FDI sẽ giúp tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp và kinh tế Việt Nam, thế nhưng, thành quả lại khiêm tốn.
Các doanh nghiệp FDI đã tạo nên giá trị xuất khẩu lớn (kể hay không kể dầu khí), chiếm trên dưới 50% giá trị xuất khẩu cả nước, thế nhưng, gắn với nó là nhập siêu cũng lớn.
Các doanh nghiệp FDI mới tạo ra được nhiều bán thành phẩm, như lắp ráp máy tính, trong mạng lưới sản xuất toàn cầu. Đồng thời, các doanh nghiệp FDI ngày càng hướng vào khai thác thị trường gần 100 triệu dân có dung lượng đang ngày càng mở rộng của Việt Nam. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp FDI cũng góp phần vào việc tăng nhập siêu, do cơ chế "gia công" còn lớn, tỷ lệ "nội địa hóa" như với công nghiệp ô tô còn thấp. Cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính những năm 2008-nay đang cho thấy rõ điều đó.
Đầu tư nước ngoài giúp tạo thêm công ăn việc làm, nhưng cũng làm mất đi nhiều việc làm truyền thống và chưa coi trọng đào tạo người lao động.
Trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp FDI thu hút khoảng 2 triệu lao động làm việc trực tiếp và hàng triệu lao động trong các khâu gián tiếp khác. Tuy nhiên, hoạt động của các dự án có FDI cũng làm mất đi nhiều việc làm truyền thống của dân cư vùng bị thu hồi đất và tạo thêm áp lực xã hội cho nhiều địa phương có liên quan.
Đặc biệt, doanh nghiệp FDI thiên về khai thác nguồn lao động có giá nhân công rẻ, ít đào tạo, thậm chí dùng cơ chế thử việc để liên tục thay lao động. Nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ lao động nữ rất cao, nhưng giá nhân công thấp và có thể gây các bệnh nghề nghiệp (như lệch mắt khi chuyên trách kiểm tra chất lượng lắp điện tử tự động của nhà máy sản xuất máy tính và linh kiện điện tử).

Bỏ thì vương, thương thì tội
Do cách thức sản xuất theo công đoạn trong mạng lưới toàn cầu, mà nhà đầu tư còn giữ phần lớn bí quyết công nghệ, nên việc chuyển giao công nghệ rất ít và việc truyền bá kinh nghiệm quả lý cũng gần như không có gì. Kinh nghiệm trong xây dựng các công trình lớn, khai thác dầu khí, điện, than,... đáng để mở rộng, trong khi các kinh nghiệm trong gia công hàng hóa còn rất khiêm tốn. Và thực tế phát triển công nghiệp ô tô và xe máy có thể coi là một điển hình kém hiệu quả trong tác động mặt trái của thu hút và quản lý FDI ở Việt Nam.
Thực tiễn cho thấy, dòng FDI chỉ thực sự tích cực khi chúng làm tăng cung những hàng khan hiếm, tăng nhập khẩu phụ tùng thiết bị sản xuất và công nghệ tiên tiến, từ đó làm tăng tiềm lực xuất khẩu, khả năng cạnh tranh, cải thiện cán cân thanh toán, tăng thu ngân sách cho nước chủ nhà và giúp hạn chế sức ép tăng tỷ giá tiền tệ thực tế.
Ngược lại, nếu thiên về khuynh hướng kích thích nền kinh tế bong bóng, kích thích và thoả mãn những tiêu dùng cao cấp vượt quá khả năng kinh tế và sự tích luỹ cần thiết của nước tiếp nhận đầu tư, thì về lâu dài, chúng sẽ có hại cho các nguồn lực tăng trưởng kinh tế, tăng nhập siêu và làm mất cân đối tài khoản vãng lai, do đó làm tăng các xung lực lạm phát tương lai của đất nước. Ngoài ra, nếu việc chuyển giao công nghệ (cả phần "cứng" lẫn phần "mềm") không được thực hiện đầy đủ, hoặc chỉ chuyển giao những công nghệ lạc hậu, thì mặc nhiên "những lợi thế tương đối của nước bắt đầu muộn" sẽ bị tước bỏ - đó là một mặt.
Mặt khác, khi đó nước tiếp nhận không chỉ không cải thiện được tình trạng công nghệ, khả năng xuất khẩu, mà còn phải chịu thêm gánh nặng nuôi dưỡng và dỡ bỏ những công nghệ "bất cập" này theo kiểu "bỏ thì vương, thương thì tội".
Ngoài ra, còn phải kể thêm tình trạng phụ thuộc một chiều vào đối tác nước ngoài về kinh tế - kỹ thuật của nước tiếp nhận dòng đầu tư kiểu ấy gây ra. Do đó, hiệu quả tiếp nhận vốn đầu tư sẽ không như mong đợi, hoặc không tương xứng với chi phí của nước chủ nhà bỏ ra, cả về chi phí tài chính, nhân lực và môi trường, tức "một tiền , ba tiền thóc".
Đặc biệt, cần tính đến tác động kinh tế-xã hội và môi trường tổng hợp của các dự án FDI, nhất là các dự án dùng nhiều đất nông nghiệp, tạo áp lực thất nghiệp và là nguồn phát thải, gây ô nhiễm môi trường lớn trong tương lai. Các dự án xây dựng sân golf ở đồng bằng, vùng đất màu mỡ và những dự án "bán bờ biển" cho các nhà kinh doanh du lịch nước ngoài rất dễ làm tổn thương đến lợi ích lâu dài của các thế hệ tương lai.
Hơn nữa không ít doanh nghiệp FDI gây ô nhiễm môi trường tự nhiên và khai thác lãng phí tài nguyên thiên nhiên. Các doanh nghiệp FDI đã chú trọng khai thác nhiều tài nguyên tự nhiên (nhất là tài nguyên không tái tạo như khai thác mỏ khoáng sản), gây tàn phá môi trường tự nhiên.
Bài học của doanh nghiệp Vedan cũng chỉ là một ví dụ mới nhất, mà hệ quả chưa nhìn thấy hồi kết. Đó là chưa kể ô nhiễm khí, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm bụi, v.v... thậm chí phá hoại đa dạng sinh học cũng cần được quản lý chặt chẽ.
TS. Nguyễn Minh Phong
TUẦN VIỆT NAM



Xem bài viết: Vốn FDI: Một tiền gà, ba tiền thóc